Tuesday, February 28, 2023

Thứ Tư I Mùa Chay – Năm A –1-3-2023

Thu Tu I MC

Giô-na 3:1-10

1Có lời Đức Chúa phán với ông Giô-na rằng: 2“Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” 3 Ông Giô-na đứng dậy và đi Ni-ni-vê, như lời Đức Chúa phán.  Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. 4 Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” 5 Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. 6 Tin báo đến cho vua Ni-ni-vê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro. 7 Vua cho rao tại Ni-ni-vê: “Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. 8 Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa.  Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. 9 Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết.” 10 Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa.

(Trích Sách Giô-na, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay tôi cùng Giáo hội suy niệm và cầu nguyện một phần của Sách Tiên tri Giô-na, một tập sách rất ngắn, bao gồm bốn chương, viết ra vào khoảng thế kỷ 6, TCN.  Toàn bộ tập Sách kể về cuộc phưu lưu của Tiên tri Giô-na được Chúa sai đi rao giảng về sự sám hối cho dân thành Ni-ni-vê, thủ đô của nước Át-sua, một đất nước vốn là kẻ thù truyền kiếp đối với dân tộc của ông, Ít-ra-en.  Tập sách có kiểu viết rất phóng đại, như: cả thành phố chỉ rộng bằng ba ngày đàng đi bộ, cả người lẫn thú vật đều ăn chay và khoác vải thô tỏ lòng sám hối, cùng những tình tiết rất hoang đường, như: cá voi nuốt Giô-na vào bụng ba ngày, sau đó nhả ông ra trên bờ, thế mà ông vẫn sống, và phải tiếp tục đi rao giảng lời sám hối, điều mà ông chẳng muốn tí nào!  Những ngôn từ phóng đại và tình tiết đầy hoang đường này chứng tỏ, đây là tập Sách ngụ ngôn, chứ không phải là một tập sách lịch sử.  Tác giả đã dùng những hình ảnh rất khôi hài để nói về những điều quan trọng trong tâm hồn của mỗi người.  Trong toàn bộ tập Sách, Thiên Chúa đóng vai là nhân vật chính, chờ đợi sự sám hối của tất cả mọi người, những người có niềm tin cũng như những người không có niềm tin.  Tôi có thể thấy, toàn bộ tập Sách là một bức tranh đầy những nét vẽ rất mạnh, rất tương phản giữa những thủy thủ, dân thành Ni-ni-vê, súc vật, cây thầu dầu và Tiên tri Giô-na.  Dân thành Ni-ni-vê và súc vật, dù là dân ngoại, ấy thế mà, sau khi nghe lời giảng của Giô-na, tất cả đã sám hối, sửa đổi đời sống; trong khi đó, Tiên tri Giô-na, một con người có niềm tin, ấy thế mà, từ đầu câu chuyện cho đến cuối câu chuyện, ông đã luôn luôn là người chống đối, kỳ nèo với Thiên Chúa.  Thậm chí, đến những dòng cuối của câu chuyện, Thiên Chúa vẫn phải chờ, nhưng vẫn chưa nghe được câu trả lời của Giô-na: "Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi.  Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?"

2.     Bài đọc hôm nay là một trích đoạn trong sách Giô-na, sau khi con cá đã nhả Giô-na trên bờ biển, Thiên Chúa vẫn đòi ông phải đi rao giảng cho dân thành Ni-ni-vê, và bài đọc hôm nay là những lời ông rao giảng.  Dù miễn cưỡng phải rao giảng và Giô-na cũng chẳng tin gì vào những lời ông rao giảng, ấy thế mà dân Ni-ni-vê, từ nhà vua đến thường dân, từ con người đến súc vật đều tỏ lòng sám hối!  Tất cả đã sám hối đến kinh ngạc!  Hình ảnh sám hối của dân thành Ni-ni-vê nói gì với tôi trong Mùa Chay này?  Tôi muốn trở về cùng Chúa không?  Cuối cùng, hình ảnh cứng đầu và tâm hẹp hòi của Giô-na cũng chỉ là biểu tượng để nói về dân Ít-ra-en và tất cả những người có niềm tin vào Thiên Chúa.  Tôi có thấy tôi giống Giô-na, dù tin vào Thiên Chúa, nhưng đôi khi lại không muốn làm những gì Chúa mời gọi?  Chẳng hạn, tôi có dám xin Chúa tha thứ cho những người tôi khó ưa, những người đã từng hãm hại tôi, những người làm phiền tôi ngày đêm?  Nếu kẻ thù của tôi cũng được Chúa chúc phúc, tha thứ và đón nhận họ vào thiên đàng chung với tôi, tôi hài lòng không?  Tôi muốn vào thiên đàng với họ không, hay tôi chối từ?  Liệu Chúa có đang chờ câu trả lời của tôi như đã chờ câu trả lời của Giô-na?  Tôi đọc lại câu hỏi của Chúa và tôi trả lời với Ngài: "Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi.  Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?"

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, February 27, 2023

Thứ Ba I Mùa Chay – Năm A –28-2-2023

Thu Ba I MC

Mát-thêu 6:7-15

7Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. 9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, 10triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. 11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; 12 xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; 13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’ 14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm qua tập trung vào một trong ba thực hành quan trọng của Mùa Chay, đó là: sống bác ái với tha nhân; bài đọc hôm nay tiếp tục giúp tôi tập trung suy niệm về một thực hành khác nữa của Mùa Chay, đó là: cầu nguyện.  Nếu rừng thu năm nào cũng thay lá để chuẩn bị cho những bộ áo mới vào mùa xuân, Mùa Chay năm nào cũng trở lại cũng với một mong đợi như thế.  Mùa Chay là mùa tu đức của Kitô giáo, Giáo hội cũng mong chờ ở tôi một sự thay đổi, một sự biến đổi nội tâm, mỗi khi Mùa Chay về.  Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay mời gọi tôi, phải có một sự cải tiến trong cầu nguyện.  Cầu nguyện không nên lải nhải nhiều lời như dân ngoại, như thói quen cũ, bởi Chúa biết rõ những gì tôi cần.  Tôi có thể tự hỏi: Nếu Chúa đã biết tôi cần gì, vậy tôi có cần phải cầu nguyện nữa không?  Câu hỏi này bộc lộ rõ một suy nghĩ lệch lạc, hoặc thiếu trưởng thành về cầu nguyện.  Có lẽ, bởi một cách dạy giáo lý nào đó đã làm cho tôi luôn nghĩ rằng, cầu nguyện là phải xin; mà vì Chúa đã biết tôi cần gì rồi nên tôi không cần phải xin nữa, hoặc tôi đã có đầy đủ mọi sự rồi nên tôi không biết phải xin gì nữa, thế là hết lý do để cầu nguyện!  Có lẽ tôi cần phải trở lại với định nghĩa căn bản về cầu nguyện là gì.  Cầu nguyện, như giáo lý tôi đã được học khi xưng tội rước lễ lần đầu, đó là: nâng lòng, nâng trí lên cùng Chúa mà tôn kính, cảm tạ và cầu xin...  Như vậy, cầu nguyện trước hết là tôn kính.  Tôn kính Chúa là Thiên Chúa của tôi, là Vua trên các vua và Chúa trên các chúa, chính Ngài là Đấng đã dựng nên cả đất trời, đã sinh ra tôi, một tuyệt phẩm rất quý giá trong mắt Ngài, như Tiên tri I-sai-a (43:1-6), đã nói.  Hiểu như vậy tôi sẽ thấy, cầu nguyện đâu phải chỉ là cầu xin mà thôi, nhưng là sống lòng hiếu thảo với Thiên Chúa.  Cũng như không phải chờ đến Tết, hoặc mỗi khi cần gì, tôi mới đến thăm viếng ba má, nhưng vì lòng hiếu thảo, tôi muốn đến thăm viếng ba má bất cứ khi nào, để được ở bên chiêm ngắm và yêu thương ba má.  Tiếp đến trong định nghĩa của cầu nguyện là: tạ ơn.  Một ngày sống, tôi đón nhận được biết bao nhiêu ơn lành của Chúa ban cho tôi trực tiếp, hoặc qua người này người khác, sự kiện này, sự vật khác.  Theo phép lịch sự tối thiểu, một người nào đó cho tôi cái gì, tôi muốn cám ơn người đó ngay.  Chính vì thế, cầu nguyện không chỉ là lúc tôi cần cầu xin điều gì đó, nhưng còn là lúc tôi thể hiện lòng biết ơn, thể hiện phép lịch sự với Thiên Chúa, Đấng luôn “bao bọc tôi cả sau lẫn trước” (Tv 139:5), hay như: Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:6).  Như vậy, điểm chính yếu và trước nhất như định nghĩa của cầu nguyện, đó là: đi vào trong tương quan yêu thương mật thiết, mang tính cá vị với Thiên Chúa.  Mà trong tình yêu thì chẳng bao giờ đủ, nên để tôi yêu Chúa hơn, tôi cũng cần cầu nguyện nhiều hơn, chẳng bao giờ tôi có thể nói tôi đã cầu nguyện đủ rồi.  Đồng thời, yêu không cần nhiều lời, mà cần sự hiện diện.  Hơn nữa có nhiều lúc, ngôn ngữ thật què quặt, chẳng đủ để diễn tả hết được tình yêu.  Bởi thế, Chúa Giêsu căn dặn tôi, khi cầu nguyện: Đừng nhiều lời!

2.     Sau khi căn dặn các môn đệ đừng nhiều lời trong cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy họ cách cầu nguyện, qua lời kinh đã trở thành quen thuộc với mọi Kitô hữu, đó là: Kinh Lạy Cha.  Cũng như định nghĩa căn bản của cầu nguyện trên, lời Kinh Lạy Cha cũng dạy tôi tập trung, trước nhất, vào tương quan mật thiết mang tính cá vị với Chúa Cha, đó là: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.”  Trước khi cầu xin, hãy ý thức tương quan mật thiết như tình cha con, mẹ con với Thiên Chúa, Đấng yêu thương tôi vô bờ bến.  Tôi hãy xin, trước nhất, cho tình yêu vô bờ bến này, nếu như đã tràn ngập trên thiên đàng thì cũng được như nước biển đại dương trào tràn đến khắp mọi nơi và trong lòng mọi người ở dưới thế.  Sau nữa, tôi cầu xin cho mọi người cũng nhận biết tình yêu chân thật mà họ luôn khát khao và lãnh nhận ấy cũng chính là Thiên Chúa.  Như vậy, việc cầu nguyện trước hết là hướng lòng về Chúa là Thiên Chúa của tôi, Ngài là Đấng dựng nên cả đất trời và yêu thương tôi hết mực, tức không còn mực nào viết hết được tình thương của Ngài.  Sau đó, mới tập trung cầu xin cho những nhu cầu thường ngày của tôi, như: cơm ăn áo mặc, chữa lành, xóa bỏ nợ nần và hận thù, cùng thoát khỏi mọi sự dữ và mưu chước của ma quỷ.  Vậy tôi đã có đủ lý do để cầu nguyện chưa và cầu nguyện luôn luôn chưa, dù Chúa đã biết tôi cần gì và dù tôi đã có đủ, chẳng cần gì?  Tôi phủ phục và tập trung hết mình cầu nguyện với những ơn xin của Kinh Lạy Cha.         

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, February 26, 2023

Thứ Hai I Mùa Chay – Năm A –27-2-2023

Thu Hai I MC

Mát-thêu 25:31-46

31Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ 37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’ 40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ 41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ 44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ 45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ 46 Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay hướng tôi đến viễn cảnh của ngày cánh chung, ngày mà mọi người sẽ phải bị phán xét.  Tôi để ý đến cách viết của Mát-thêu về ngày phán xét.  Rất thú vị!  Nên nhớ, Phúc âm Mát-thêu được viết cho những người Do-thái theo Kitô giáo.  Đối với người Do-thái, trong cuộc đời này, không ai cao trọng bằng Mô-sê, và nói đến Mô-sê là nói đến Mười Điều Răn; bởi, chính ông là người đã lãnh Mười Điều Răn từ Thiên Chúa, lúc ở trên núi, rồi đem xuống truyền dạy cho dân.  Tuy nhiên, trong toàn bộ Phúc âm Mát-thêu, tôi có thể thấy, Mát-thêu đã luôn trình bày Chúa Giêsu như một Mô-sê mới, và gắn với Mô-sê mới ấy, không còn là Mười Điều Răn, mà là Tám Mối Phúc Thật.  Điểm thú vị của bài đọc hôm nay là ở chỗ, trong ngày phán xét, không phải Chúa Cha sẽ ngồi trên ngai xét xử, mà là Chúa Giêsu, và Ngài phán xét không dựa trên Mười Điều Răn (Nhiều người Công giáo hay dùng Mười Điều Răn để xét mình), nhưng dựa trên những điều của Tám Mối Phúc Thật!  Bằng chứng, không người nào đã bị phạt vì đã kêu tên Chúa vô cớ, hay không đi lễ, không đọc kinh tối sáng…, nhưng họ bị phạt chỉ vì đã không sống bác ái với tha nhân.  Điều này không có nghĩa là, kể từ nay tôi chẳng cần phải đi lễ, chẳng cần phải đọc kinh cầu nguyện, chẳng cần phải giữ luật Mười Điều Răn, nhưng đúng hơn như Chúa Giêsu nói, Ngài không đến để hủy bỏ Lề Luật nhưng để kiện toàn (Mt 5:17), có nghĩa là, nếu tôi chỉ giữ Mười Điều Răn mà thôi thì chưa đủ, chưa bảo đảm để tôi có thể vào thiên đàng, nhưng phải thực hành đức bác ái nữa.  

2.     Sống bác ái là một trong ba thực hành quan trọng của Mùa Chay.  Tôi đọc lại thật kỹ bài đọc trên để hiểu rõ hơn, thế nào là sống bác ái với tha nhân.  Bao lâu nay tôi đã thực hành đức bác ái của Mùa Chay như thế nào?  Có phải, cứ mỗi Mùa Chay về, tôi véo ra ít tiền để cho người nghèo, và như thế tôi cảm thấy an tâm vì đã làm tròn bổn phận Mùa Chay?  Tuy nhiên, sống bác ái đâu phải chỉ là thẩy vài đồng tiền cho xong?  Tôi đọc kỹ lại bài đọc trên về ngày phán xét.  Chúa Giêsu nói sống bác ái rất thực tế, rất cụ thể, rất gần gũi trong đời sống thường ngày.  Ngài không nói gì đến tiền bạc, nhưng nói đến cái đói, cái khát, cái khách lạ, cái trần truồng, cái đau yếu, cái tù đày.  Như vậy, việc chỉ cho tiền người nghèo thôi, chưa đủ đức bác ái Kitô giáo.  Tôi cần thăm hỏi, tôi cần quan tâm, tôi cần gặp gỡ, tôi cần dấn thân, tôi cần đích thân đến gặp những người đang đói, khát, trần truồng, xa lạ, đau yếu, và tù đầy.  Họ không ở đâu xa, khiến tôi phải bỏ công ăn việc làm để đi giúp đỡ họ.  Họ có thể đang ở ngay trong gia đình của tôi, trong khu xóm của tôi, trong cộng đoàn của tôi.  Tôi thấy họ không?  Nếu tôi thấy được, và dám sống bác ái với họ, tôi đã đang làm cho chính Chúa Giêsu.  Và Chúa Giêsu không quên công trạng này của tôi! Vậy, tôi quyết tâm sẽ làm gì và đến với những ai sau giờ cầu nguyện này và trong Mùa Chay này, cũng như quãng đời còn lại của tôi?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Lời Kinh Hòa Bình,” sáng tác của Lm Từ Duyên, do ban Angelo Band trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=AAWk4WtJEGA 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, February 25, 2023

Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm A –26-2-2023

CN I MC

Mát-thêu 4:1-11

1Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” 4 Nhưng Người đáp, “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” 5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6rồi nói với Người, “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 7 Đức Giê-su đáp, “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” 8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9và bảo rằng, “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” 10 Đức Giê-su liền nói, “Xa-tan kia, xéo đi!  Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” 11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể cảm thấy có một cái gì thật gần trong bài đọc hôm nay.  Cảm nhận thật gần trước nhất, đó là: ăn chay.  Chẳng phải chỉ có tôi giữ chay trong Mùa Chay này, nhưng bài đọc hôm nay cũng nói ngày xưa Chúa Giêsu cũng ăn chay!  Thế là tôi cũng có Chúa Giêsu đồng hành!  Cảm nhận thật gần thứ hai, đó là cám dỗ.  Cuộc đời này ai mà chẳng phải trải qua những giây phút bị cám dỗ, và cám dỗ còn theo mỗi người cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.  Bài đọc hôm nay nói Chúa Giêsu vào trong hoang địa bốn mươi đêm ngày để chịu ma quỷ cám dỗ.  Con số bốn mươi chỉ là kiểu nói biểu tượng.  Trong văn hóa Do-thái, bốn mươi là con số tròn, nhằm để nói Chúa Giêsu không chỉ bị cám dỗ có bốn mươi đêm ngày, nhưng còn cả cuộc đời nơi dương thế của Ngài, giống tôi.  Bằng chứng là, không chỉ ở khởi đầu cuộc rao giảng của Chúa Giêsu, nhưng còn ở vào những giây phút cuối đời, Ngài vẫn bị cám dỗ khi Ngài ở trong vườn cây dầu và khi bị treo trên thập giá.  Thế là tôi cũng có Chúa Giêsu đồng cảm!  Nhìn như vậy để tôi cảm thấy nhẹ hơn trong việc giữ chay, nhưng cũng mạnh mẽ hơn mỗi khi bị cám dỗ.  Như vậy, mỗi khi gặp khó khăn trong việc giữ chay hay phải đối diện với những cám dỗ, tôi có thể chạy đến với Chúa Giêsu.  Ngài đã trải qua tất cả mọi thử thách, Ngài biết rõ tôi cần gì và Ngài có thể nâng đỡ tôi.  Tôi muốn xin dâng trọn Mùa Chay này cho Chúa Giêsu, xin Ngài giúp tôi sống Mùa Chay cho xứng với lòng mong ước của Chúa và  mưu ích cho mọi người.

2.   Câu chuyện từ bài đọc hôm nay cho tôi thấy, Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ về ba lãnh vực: 1) miếng cơm manh áo; 2) danh vọng, và 3) quyền lực.  Đây cũng là ba lãnh vực mà hầu hết ai cũng có thể phải đối diện.  Tôi thường bị cám dỗ về lãnh vực nào nhất?  Tôi đọc thật kỹ lãnh vực đó để xem Chúa Giêsu đã lướt thắng cám dỗ như thế nào và bằng cách nào.  Tôi bắt chước Chúa Giêsu và xin Ngài giúp đỡ.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Friday, February 24, 2023

Thứ Bảy Sau Lễ Tro – Năm A –25-2-2023

Thu Bay Sau Le Tro

Luca 5:27-32

27Khi ấy, Đức Giê-su trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế.  Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” 28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. 29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông.  Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. 30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” 31 Đức Giê-su đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 32 Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay cũng vẫn tiếp tục với chủ đề chính của Mùa Chay, đó là: “Từ bỏ”.  Bài đọc hôm nay đưa ra một ví dụ cụ thể về từ bỏ, đó là Lê-vi, một người đang có một việc làm vững chắc, đang có địa vị trong xã hội, ít ra là với chính quyền đô hộ La-mã.  Ấy thế mà, khi nghe Chúa Giêsu gọi ông đi theo Ngài, ông đã theo Ngài ngay lập tức.  Từ bỏ nghề nghiệp, cái mà đang cho tôi một cuộc sống bảo đảm, điều này không dễ chút nào.  Từ bỏ danh vọng và địa vị, dù chỉ là cái tiếng, nhiều khi chẳng có miếng, nhưng cũng không dễ hơn chuyện từ bỏ nghề nghiệp và tiền bạc.  Tuy nhiên, bài đọc hôm nay cho tôi thấy có một điều từ bỏ còn lớn hơn cả hai điều kia, đó là: tội lỗi.  Đây là cái từ bỏ thiết thực nhất và khó nhất.  Nghề thuế, lúc bấy giờ, là một nghề nối giáo cho giặc, đại diện chính quyền đô hộ La-mã lấy tiền của dân, nộp cho ngoại bang.  Chắc chắn khi làm thuế, tiền của thiên hạ và là tiền của dân tôi, tôi tội gì nộp hết cho ngoại bang, nhưng trả cho dân thì không được, tôi giữ lấy cho tôi.  Cái này gọi là tham nhũng.  Cái này gọi là cướp của công.  Bởi vậy, người Do-thái ghét cay ghét đắng những người làm thuế của họ.  Họ kể những người làm thuế vào hạng tội lỗi, không đội trời chung.  Họ ghét ra mặt!  Hôm nay, Chúa Giêsu gọi Lê-vi và ông đã sẵn sàng từ bỏ tất cả, kể cả con đường tội lỗi.  Hành động của Lê-vi đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu, nói gì với tôi trong lúc này?  Thái độ theo Chúa Giêsu cách mạnh mẽ, dứt khoát và ngay lập tức của Lê-vi, nói gì với tôi trong lúc này?  Tấm lòng rộng mở của Lê-vi đón Chúa Giêsu vào nhà của ông, nói gì với tôi trong lúc này?  Tôi chiêm ngắm Chúa Giêsu, tôi chiêm ngưỡng Lê-vi, và nói với Chúa Giêsu về tất cả những gì đang xảy ra trong lòng tôi lúc này.

2.     Thánh Luca viết Phúc âm rất khéo.  Ngài trình bày một bức tranh tương phản lớn trong toàn bộ câu chuyện.  Nếu tôi đọc thấy một thái độ mạnh mẽ, dứt khoát và mở lòng của Lê-vi muốn từ bỏ tất cả để đi theo Chúa Giêsu, tôi cũng đọc thấy một thái độ mạnh mẽ, dứt khoát và khép kín của những người Pha-ri-sêu không muốn từ bỏ sự thù nghịch và lên án của họ đối với những người tội lỗi.  Tôi có thấy việc làm và thái độ của những người Pha-ri-sêu phản ánh phần nào đời sống của tôi?  Thái độ thù nghịch, đầu óc kỳ thị của tôi đối với những người mà tôi cho là đạo đức kém hơn tôi, kinh bổn kém hơn tôi, lễ lạy kém hơn tôi, bố thí kém hơn tôi, học thức kém hơn tôi, tiền bạc kém hơn tôi, có khác gì thái độ thù nghịch và đầu óc kỳ thị của những người Pha-ri-sêu đối với những người tội lỗi?  Tôi lấy giây phút này để kiểm điểm đời sống, ước gì tôi nghe thật rõ và được biến đổi từ những lời đầy bao dung của Chúa Giêsu đang muốn nói trực tiếp với tôi ngay giây phút này: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.  Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”  Lạy Chúa Giêsu xin biến đổi con!     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, February 23, 2023

Thứ Sáu Sau Lễ Tro – Năm A –24-2-2023

Thu Sau Sau Le Tro

Isaia 58:1-9a

1Đức Chúa là Thiên Chúa phán như sau: “Cứ lấy hết gân cổ mà kêu lên, đừng kìm hãm, kêu lớn tiếng lên như tù và, báo cho dân Ta hay tội ác của chúng, cho nhà Gia-cóp biết những lỗi lầm đã phạm. 2 Ngày lại ngày chúng kiếm tìm Ta, chúng ao ước biết đường lối của Ta, như thể một dân tộc vẫn thực hành sự công chính và không bỏ luật pháp của Thiên Chúa mình.  Chúng xin Ta ban những điều luật công minh, chúng ước ao được đến gần Thiên Chúa. 3 Chúng nói: ‘Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?’  Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. 4 Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn.  Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. 5 Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế?  Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa? 6 Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? 7 Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? 8 Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành.  Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. 9a Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!’”

(Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một bản văn tuyệt vời và, theo nhiều cách, thật đáng sợ từ Tiên tri I-sai-a.  I-sai-a đã mạnh mẽ chỉ ra thế nào là một niềm tin đích thực và thế nào là một tôn giáo đúng nghĩa.  Khoảng năm trăm năm trước công nguyên, I-sai-a đã lấy hết gân cổ mà gióng lên những lời cảnh báo dân chúng về cách thực hành niềm tin của họ, cụ thể là việc chay tịnh đã quá sai lệch, quá giả dối, quá hình thức đối với Thiên Chúa.  Hai ngàn năm qua, Giáo hội cũng vẫn tiếp tục mượn những lời này của I-sai-a để gào cho thật to, nói cho thật rõ, thét vào tai từng Kitô hữu về lối sống đạo và chay tịnh đầy hình thức và giả dối, chỉ lo đếm số giờ giữ chay được bao lâu, được ăn thịt hay không ăn thịt, được ăn bao nhiêu bữa no và bao nhiêu bữa đói, mà quên tìm giờ để giữ cho tâm thanh tịnh, diễn tả những nghĩa cử yêu thương trong ngày, chia sẻ những bữa ăn cho những người đói nghèo, trao tặng áo quần cho tha nhân đang đói rét, giải hòa với những người mình khó ưa, lượm lặt những ân sủng Chúa tưới mát từng ngày, tìm kiếm đức hạnh trong tha nhân, tập tành những nhân đức cho bản thân…  Đây chính là niềm tin đích thực, đây chính là tôn giáo đẹp nhất mà tôi cần tin theo.  Tôi ngồi bên Chúa trong lúc này và kiểm lại những gì tôi đã làm trong ngày hôm nay, xem có đẹp lòng Chúa không?  Tôi ngồi thật yên để ngắm nhìn và lắng nghe Chúa còn mong chờ ở tôi điều gì.

2.     Tôi đọc lại những lời trên của I-sai-a, xem có điểm nào tôi cần phải sửa và làm thêm sau giờ cầu nguyện hôm nay, cũng như trong cả Mùa Chay này?  Đặc biệt tôi để ý đến phần cuối của bài đọc, “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?  Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?”  Tôi ngồi xuống và xếp lịch sống cho cả Mùa Chay năm nay.  Tôi sẽ đi thăm viếng những ai, an ủi những người nào?  Đó có thể là chính những người thân trong nhà của tôi, đó có thể là chính cha mẹ già tôi giờ đang sống hiu quạnh, đó có thể là hàng xóm láng giềng đã lâu tôi không muốn nhìn mặt, đó có thể là những cô nhi quả phụ bị quên lãng trong các viện mồ côi, viện hưu dưỡng, viện tế bần, trại tù, viện phục hồi nhân phẩm, trại cùi, viện những người nhiễm HIV/SIDA, hay viện cai nghiện...  Sống Mùa Chay như vậy sẽ thật ý nghĩa và sẽ rất đẹp lòng Chúa đến mức, I-sai-a sẽ phải thốt lên: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành.  Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.  Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!’”

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, February 22, 2023

Thứ Năm Sau Lễ Tro – Năm A –23-2-2023

Thu Nam Sau Le Tro

Luca 9:22-25

22Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” 23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có thể được tóm lược trong hai chữ: “từ bỏ.”  Trước khi Chúa Giêsu mời gọi mọi người từ bỏ, Ngài đã tỏ bày cho các môn đệ rằng, Ngài cũng sẽ thực hành sự từ bỏ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”  Con đường từ bỏ của Chúa Giêsu, nghe như một quá trình lột xác của côn trùng.  Trước khi trở thành loài bướm bay tuyệt đẹp, côn trùng phải trải qua một quá trình đầy hy sinh, buông bỏ và tự hủy để lột xác.  Quả là không dễ, nhưng không có một con đường nào khác!  Chính vì thế, không phải chỉ có Kitô giáo mới mời gọi các Kitô hữu từ bỏ, các tôn giáo khác cũng mời gọi tín đồ của họ như thế.  Cũng chẳng phải chỉ có tôn giáo mới mời gọi các tín đồ từ bỏ, mọi lãnh vực trong cuộc sống như thể thao, âm nhạc, học vấn, mọi ngành nghề, đâu đâu người ta cũng đòi hỏi phải từ bỏ, phải hy sinh để có thể đạt được những gì mình muốn như, một huy chương vàng, một học vị cao, một bằng sáng chế, một mức lương cao…  Nhưng tất cả những thứ thành đạt này cũng chỉ là những thành đạt chóng qua; bởi, rồi đây, mọi sự cũng sẽ qua đi, và tôi cũng sẽ hoàn toàn tay trắng khi tôi nhắm mắt lìa đời.  Chúa Giêsu nói đến sự thành đạt cao nhất, trường cửu nhất, đó là sự sống đời đời, đó là Nước Trời, đó là sự sống trong Thiên Chúa, không chỉ có giá trị trong cuộc đời này mà còn trường cửu ở đời sau.  Phần thưởng càng cao, hy sinh càng phải nhiều.  Tôi đón nhận lời dạy của Chúa Giêsu như thế nào?  Tôi chấp nhận hay từ chối?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về cảm nghĩ của tôi.    

2.     Sau khi nói chuyện với các môn đệ, Chúa Giêsu quay qua đám đông, Ngài nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.  Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.  Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”  Lưu ý, Chúa Giêsu mời gọi tôi phải vác thập giá của tôi, không phải vác thập giá của Chúa, cũng chẳng phải vác thập giá của tha nhân.  Có một cái gì rất sâu trong cách nói này.  Thập giá của tôi thì luôn luôn có bên tôi, khi ngủ cũng như khi thức, tôi phải luôn sẵn sàng để vác trong mọi lúc.  Đồng thời, để có thể vác được thập giá của Chúa hay thập giá của tha nhân, có lẽ trước hết tôi hãy vác giỏi thập giá của tôi.  Một khi tôi vác giỏi thập giá của tôi, chắc chắn những người khác cũng được nhờ, và cảm thấy thập giá của họ cũng được nhẹ đi.  Thập giá của tôi đó chính là những thói hư tật xấu, những bất toàn của tôi, tôi chẳng vác, chẳng dám đối diện và chấp nhận, tôi đặt lên vai người khác, bắt họ phải vác, khiến họ không tài nào vác nổi.  Mùa Chay là thời kỳ mời gọi tôi phải từ bỏ, phải vác thập giá của tôi.  Tôi quyết tâm như thế nào trong Mùa Chay năm nay?  Quyết tâm của tôi có thể như cây mỗi mùa thu đến rụng đi mọi lá, để có thể có những lá non mới làm sống dậy cả mùa xuân, làm cho cuộc đời này tràn đầy sức sống chăng?  Tôi ngồi bên Chúa trong giây phút này và nói với Ngài quyết tâm từ bỏ của tôi, bắt đầu từng việc một, bắt đầu từ việc nhỏ nhất, dễ nhất, chẳng hạn: Tối hôm nay, thay vì coi Tv hoặc lướt mạng đến khuya, tôi quyết tập một thói quen mới, đi ngủ sớm để thức dậy sớm, để có một tâm hồn tươi mới và khỏe mạnh; hoặc, tôi có thể tập làm theo những lời khuyên của ĐGH Phanxico khuyên mọi Kitô hữu trong Mùa Chay: “Chay tịnh lời gây tổn thương, tập nói lời tử tế.  Chay tịnh sự buồn chán, tập lấp đầy lòng bằng sự biết ơn.  Chay tịnh sự tức giận, tập lấp đầy lòng bằng sự kiên nhẫn.  Chay tịnh thói bi quan, tập lấp đầy lòng bằng niềm hy vọng.  Chay tịnh mọi lo âu, tập trông cậy ở Chúa.  Chay tịnh thói càm ràm, tập chiêm niệm sự giản đơn.  Chay tịnh những áp lực, tập sống đời cầu nguyện.  Chay tịnh sự cay cú, tập lấp đầy lòng bằng một trái tim vui cười.  Chay tịnh sự ích kỷ, tập chia sẻ với tha nhân.  Chay tịnh sự hận thù, tập sống hòa giải.  Chay tịnh trong nói năng, tập giữ thinh lặng để trở thành người biết lắng nghe.”

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, February 21, 2023

Thứ Tư Lễ Tro – Năm A –22-2-2023

Thu Tu Le Tro

Mát-thêu 6:1-6, 16-18

1Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy.  Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen.  Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo.  Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy.  Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.  Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16 “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay.  Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.  Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay Thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu Mùa Chay Thánh.  Có phải Mùa Chay năm nào cũng đến rồi đi một cách nhịp nhàng, đều đặn, như tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ cổ treo trên tường, buồn tẻ, thụ động và cũ kỹ?  Hay, Mùa Chay năm nào cũng đến rồi đi một cách nhịp nhàng, đều đặn, không buồn tẻ như tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ cổ, nhưng đẹp và ý nghĩa như rừng cây thay mầu đổi lá mỗi khi thu về, và đua nhau thay áo mới, sinh bông kết trái mỗi độ xuân sang?  Mùa Chay như thế nào là tùy ở lối sống của mỗi người.  Bao nhiêu năm nay tôi đã sống Mùa Chay như thế nào, buồn tẻ hay sôi động, thụ động hay năng động, nhàm chán hay mới mẻ?  Tôi có quyết tâm gì trong Mùa Chay năm nay, hay cũng để Mùa Chay trôi qua như tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ cổ trên tường?  Tôi lấy giấy bút ngồi xuống trước mặt Chúa trong lúc này và bàn với Ngài về những quyết tâm sống Mùa Chay năm nay sao cho thật tích cực, ý nghĩa. 

2.     Bài đọc của Thứ Tư Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh, đã nhắc lại chiếc kiềng ba chân của đời sống tu đức Kitô giáo, đó là: Cầu nguyện, Ăn chay, và Sống bác ái.  Chúa Giêsu dạy rất rõ về ba thực hành này, cần phải cầu nguyện thật chứ đừng cầu nguyện giả.  Cầu nguyện giả là kinh kệ ê a, dài dòng, bằng môi miệng, là chú trọng đến những gì bề ngoài, đọc cho đủ số kinh, lật cho đủ số trang sách, cùng lễ nghi linh đình.  Trong khi đó, cầu nguyện thật như Chúa Giêsu nói đó là, vào phòng đóng cửa lại, tức là đi vào thật sâu, nơi kín đáo nhất của cõi lòng, ở đó đang đong đầy niềm vui đến mức chẳng có lời nào diễn tả được, ở đó đang trào tràn những giọt nước mắt của cô đơn, buồn tủi, đau khổ, khó khăn, mất mát mà chẳng một ai có thể hiểu và cảm thông, dù đó là chồng, vợ, con cái, cha mẹ hay bất cứ ai, ở đó đang nặng trĩu những vết thương, ở đó đang ấp ủ những mộng ước, mà chỉ một mình Chúa thấu tỏ.  Ăn chay cũng thế, không phải là để cho cái tôi của tôi to đùng qua việc giữ luật chay một cách tỉ mỉ, máy móc, không sai một ly, trong khi đó lại quên mục đích chính của ăn chay là tập sống khiêm nhường, quảng đại, không ích kỷ, nhưng biết cảm thông, trở nên nhạy bén với những đau khổ quanh tôi.  Cuối cùng, sống bác ái đích thực không phải là để phô trương, khoe khoang, nhưng phải là kín đáo, kín như tay trái không biết gì những việc tay phải đã làm.  Nói chung, Mùa Chay mời gọi tôi sống thật, thật với Thiên Chúa, thật với tha nhân và thật với bản thân, trong khiêm nhường và yêu thương.  Bao lâu nay tôi đã đến với Chúa, tha nhân và bản thân tôi bằng hàng thật hay hàng mã?  Tôi trả lời với Chúa giây phút này và quyết tâm làm những gì mà Chúa đang mời gọi tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, February 20, 2023

Thứ Ba Tuần VII Thường Niên – Năm A –21-2-2023

Thu Ba VII TN

Huấn Ca 2:1-11

1Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa,
thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách.
2Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì,
đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ.
3Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ,
để cuối đời, con được cất nhắc lên.
4Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận,
và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn.
5Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa,
còn những người sáng giá
thì phải được thử trong lò ô nhục.
6Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con.
Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người.
7Hỡi ai kính sợ Đức Chúa,
hãy trông đợi lòng lân tuất của Người,
đừng lìa xa Người kẻo ngã.
8Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy tin vào Người,
và các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu.
9Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy đợi trông ơn lành,
niềm vui không cùng và lòng thương xót.
10Hãy nhìn lại các thế hệ ban đầu mà xem:
nào có ai tin vào Đức Chúa mà bị hổ thẹn bao giờ?
Hay có ai bền tâm kính sợ Người mà bị bỏ rơi?
Hoặc có ai kêu cầu Người mà bị Người khinh dể?
11Vì Đức Chúa là Đấng nhân từ và hay thương xót:
Người thứ tha tội lỗi và cứu vớt trong lúc gian truân.


(Trích Sách Huấn Ca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay tôi tiếp tục suy niệm và cầu nguyện với Sách Huấn Ca.  Những lời Chúa nói với tôi qua bài đọc hôm nay thật cần thiết và gần gũi trong đời sống đức tin và phục vụ.  Những lời này có thể nâng đỡ và chữa lành cho những khó khăn và mệt mỏi trong đời sống đức tin và phục vụ của tôi. 

2.     Tôi đọc thật chậm nhiều lần những lời khuyên trên của Chúa và để cho những lời này thấm thật sâu vào trong tâm hồn tôi, chữa lành tôi và lau khô đi từng giọt nước mắt và mồ hôi của đời sống đức tin và những lúc tôi phục vụ mà mệt đến rã rời, phục vụ mà bị hiểu lầm, phục vụ mà bị chống đối, phục vụ mà bị bỏ rơi, phục vụ mà bị ngăn cản, cấm đoán.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Tôi Xin Chọn Người,” sáng tác của Ngọc Kôn, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=HJeoGbjLMtU

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, February 19, 2023

Thứ Hai Tuần VII Thường Niên – Năm A –20-2-2023

Thu Hai VII TN

Huấn Ca 1:1-10

1 Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa,
và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời.
2 Cát biển, giọt mưa và tháng ngày của vĩnh cửu,
ai đếm được cho hết?
3 Trời cao, đất rộng, vực sâu và sự khôn ngoan, ai dò cho thấu?
4 Khôn ngoan đã được tác thành trước vạn vật,
sự hiểu biết anh minh đã có tự muôn đời.
6 Gốc rễ của khôn ngoan đã được mặc khải cho ai?
Và những công trình kỳ diệu của khôn ngoan, ai nào biết rõ?
8 Chỉ có một Đấng khôn ngoan rất đáng sợ,
ngự trên ngai của Người.
9 Đó chính là Đức Chúa.
Người đã tạo dựng, đã thấy, đã đếm
và làm cho khôn ngoan nổi bật
trên mọi công trình,
10 nơi mọi phàm nhân,
theo lòng quảng đại của Người,
và Người đã rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Người.

(Trích Sách Huấn Ca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay tôi cùng với Giáo hội suy niệm và cầu nguyện với Sách Huấn Ca.  Sách Huấn Ca là một tập sách thuộc kho tàng văn chương Khôn Ngoan của Do-thái.  Ngoại trừ các sách Ngôn Sứ, Sách Huấn Ca là sách duy nhất được viết bằng tiếng Do-thái.  Chính vì thế, người Do-thái rất yêu mến tập sách này.  Họ thường trích dẫn từ sách này, nhưng không công nhận sách này vào quy điển Kinh Thánh của họ.  Dù các giáo phái Tin Lành không nhận sách này, ngay từ những thế kỷ đầu, Giáo hội Công Giáo đã chấp nhận sách này vào quy điển Kinh Thánh của Giáo hội.  Sách Huấn Ca được viết ra bởi một người có tên là Giêsu, khoảng 180 năm trước công nguyên.  Sách này có cấu trúc, nội dung và văn phong gần giống Sách Khôn Ngoan, trong đó ca ngợi đức khôn ngoan và những người kính sợ Thiên Chúa là những người được đức khôn ngoan của Thiên Chúa mặc khải. 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên nhiều lần và để ý những ý tưởng, những câu nào đánh động tôi nhất.  Tôi dừng lại ở điểm đó, gạch dưới những câu hay chữ ấy và suy đi ngẫm lại điểm đó.  Tôi để ý Chúa đang muốn nói gì với tôi qua điểm đó và tôi đón nhận, đáp trả ra sao.     

Phạm Đức Hạnh, SJ