Friday, January 31, 2020

Thứ Bảy Tuần III Thường Niên – Năm A – 1-2-2020


Thu Bay III TN
2 Samuen 12:1-7a, 10
1Một hôm, Đức Chúa sai ông Na-than đến với vua Đa-vít. Ông vào gặp vua và nói với vua: “Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo.  2Người giàu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm.  3Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua.  Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái.  4Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông.  Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông.”  5Vua Đa-vít bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Na-than: “Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết!  6Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót.” 7aÔng Na-than nói với vua Đa-vít: “Kẻ đó chính là ngài!  10Đức Chúa phán thế này: Từ nay, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của U-ri-gia, người Khết, làm vợ ngươi.

(Trích Sách Samuen II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Bài đọc hôm nay nối tiếp câu chuyện về cuộc đời Đa-vít hôm qua.  Tất cả những hành động tội lỗi mà Đa-vít đã cố gắng che đậy trong câu chuyện hôm qua, hôm nay Chúa dùng miệng Tiên tri Na-than mà nói với Đa-vít tất cả.  Đa-vít dù là một vị vua được Chúa tuyển chọn, ông cũng đã phạm những tội tày trời.  Dù là một vị vua được Chúa tuyển chọn, nhưng ông vẫn không thể đứng trên công lý và sự thật, vẫn bị Chúa xét xử.  Điểm đáng chú ý ở đây đó là, dù Đa-vít phạm tội, ông đã không đánh mất công lý, khi nghe Na-than kể chuyện.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn nhìn vào câu chuyện của Đa-vít để thấy, tôi đã từng phạm tội như thế nào?  Con mắt và lương tâm tôi có còn trong sáng để phân biệt thiện ác, công bằng và gian tà nữa hay không?  Tôi lắng nghe xem Chúa đang nói gì với tôi về những tội của tôi? 
2.      Bài đọc hôm nay có thể làm tôi nhớ đến lời của Thánh Phao-lô gởi cho Cộng đoàn Do-thái, “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.  Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4:12-13).  Có phải vì lời Chúa thấu suốt tâm can và phân dò mọi suy nghĩ của lòng người nên tôi sợ cầu nguyện, sợ đọc Kinh Thánh chăng?  Tôi có cảm thấy lời Chúa cũng đang chạy trong làn da, xương tủy tôi, nơi sâu kín nhất của lòng tôi, nơi mà tội lỗi và những ý đồ xấu xa trong tôi bị phơi bày?  Tôi cảm thấy thế nào trước lời Chúa?  Có điều gì tôi đang giấu với Chúa và đang dối với tôi trong lúc này?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Trước mặt Chúa trong lúc này, lời đẹp nhất và xứng đáng nhất để thân thưa với Chúa, có lẽ lời Đáp Ca trong Thánh lễ hôm nay: Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần con nên chung thủy.” (Tv 51:12). 
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, January 30, 2020

Thứ Sáu Tuần III Thường Niên – Năm A – 31-1-2020


Thu Sau III TN
2 Samuen 11:2-4a, 5-10a13-17
2Vào một buổi chiều, vua Đa-vít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời.3 Vua Đa-vít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: “Đó chính là bà Bát Se-va, con gái ông Ê-li-am, vợ ông U-ri-gia người Khết.”4a Vua Đa-vít sai lính biệt phái đến đón nàng.5 Người đàn bà thụ thai. Nàng sai người đến báo tin cho vua Đa-vít rằng: “Tôi có thai.”6  Vua Đa-vít sai người đến nói với ông Giô-áp: “Hãy sai U-ri-gia, người Khết, về gặp ta.” Ông Giô-áp sai ông U-ri-gia về gặp vua Đa-vít.7 Khi ông U-ri-gia đến với vua, vua Đa-vít hỏi thăm về ông Giô-áp, về quân binh, về chiến sự.8 Rồi vua Đa-vít bảo ông U-ri-gia: “Hãy xuống nhà của ngươi và rửa chân.” Ông U-ri-gia ra khỏi đền vua, có người bưng ra một phần thức ăn của nhà vua theo sau.9 Nhưng ông U-ri-gia nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của chúa thượng ông, và ông không xuống nhà mình.10aNgười ta báo tin cho vua Đa-vít rằng: “Ông U-ri-gia đã không xuống nhà ông.”13 Vua Đa-vít mời ông; ông ăn uống trước mặt vua, và vua cho ông uống say. Đến chiều, ông ra nằm giường của ông cùng với các bề tôi của chúa thượng ông, nhưng không xuống nhà mình.14 Sáng hôm sau, vua Đa-vít viết thư cho ông Giô-áp và gửi ông U-ri-gia mang đi.15 Trong thư, vua viết rằng: “Hãy đặt U-ri-gia ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết.”16 Ông Giô-áp đang thám sát thành liền để ông U-ri-gia ở chỗ ông biết là có quân hùng mạnh nhất.17 Người trong thành xông ra, giao chiến với ông Giô-áp. Một số người trong quân binh, trong các bề tôi vua Đa-vít đã ngã gục, và ông U-ri-gia, người Khết, cũng chết.

(Trích Sách Samuen II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất nổi tiếng về đời sống tội lỗi của Vua Đa-vít.  Nhưng là người có niềm tin, tôi còn thấy câu chuyện còn hấp dẫn hơn nhiều, không chỉ vì Đa-vít đã phạm tội, nhìn bà hàng xóm tắm, nhưng còn là những tiếng nói của sự ác lèo lách, điều khiển suy nghĩ của ông xa dần tiếng nói của lương tâm và Thiên Chúa.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn nhìn lại đời sống của tôi, những yếu đuối thường xảy ra trong tôi, đường đi của chúng là gì, tôi đã thường đi trên lối mòn bao lâu rồi?  Những lối mòn ấy đang dẫn tôi đi đâu?    
2.     Đối với Đa-vít, ban đầu chỉ là chuyện lỗi đức trong sạch, nhìn bà hàng xóm tắm, nhưng đã dẫn đến việc cưỡng hiếp bà ta.  Để bịt miệng thiên hạ, Đa-vít đã dàn xếp cho U-ri-gia, chồng của bà ta, một vị tướng giỏi của triều đình, ăn uống say xỉn để mong ông ta sẽ về ăn nằm với bà ta, nhưng đã không thành.  Cuối cùng, để ném đá giấu tay, Đa-vít đã bày binh bố trận sao cho quân thù giết chết U-ri-gia.  Ôi, lối mòn sự ác là những con đường tắt, từ lỗi đức trong sạch đến tội giết người, sao gần quá!  Tôi có kinh nghiệm này không?  Tôi có nhận thấy cuộc đời tôi đã đi từ lỗi nhẹ đến lỗi nặng, đến không ngờ, đến không cưỡng lại được không?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?  Tôi muốn xin một trợ lực nào của Chúa trong giây phút này?   
Phạm Đức Hạnh, SJ  


Tĩnh Tâm Gia Đình 17-19, Tháng 4, 2020

Để tiện sắp xếp và vì chỗ giới hạn, xin ghi danh sớm qua điện thoại, bằng cách bấm vào đường dẫn đơn ghi danh điện tử sau đây: https://tinyurl.com/y67gn52a
CKAMCU

Wednesday, January 29, 2020

Thứ Năm Tuần III Thường Niên – Năm A – 30-1-2020


Thu Nam III TN
Mác-cô 4:21-25
21Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?22 Vì chẳng có gì che giấu mà không được tỏ lộ, chẳng có gì bí ẩn mà không được đưa ra ánh sáng.23 Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”24 Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.25 Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi.”

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.     Những lời dạy của Chúa Giêsu như nói trực tiếp về ơn gọi của tôi, trở nên ánh sáng cho cuộc đời.  Thiên Chúa đã đặt để tôi trong cuộc đời này, như chiếc đèn được đặt trên giá, hầu sự sáng trong tôi có thể tỏa khắp căn phòng.  Có bao giờ tôi nhận thấy đời sống tôi có giá trị như vậy chưa, hay luôn nghĩ mình chỉ là chiếc đèn giấu trong gầm giường?  Chắc chắn Chúa không điên khi Ngài gởi tôi vào cuộc đời này, làm chiếc đèn dưới gầm giường.  Trong giây phút này tôi muốn xem lại ánh đèn cuộc đời tôi đã chiếu sáng được đến đâu, hay đang mờ tối vì gần hết dầu, hoặc bị ám khói?  Có một góc nào đó trong đời sống của tôi thật tối tăm, cần được đèn của Chúa và của anh chị em chiếu sáng chăng?  Tôi hỏi Chúa và tôi để Ngài chỉ dẫn cho tôi.
2.     Bài đọc hôm nay kết thúc bằng câu: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.”  Đây là một lời mời gọi đầy khích lệ.  Cuộc đời tôi hãy cứ tỏa sáng, Chúa sẽ châm dầu để đèn trong tôi sẽ cứ tiếp tục cháy sáng.  Hãy cứ tiếp tục tỏa sáng, một khi những người trong phòng đón nhận được ánh sáng của tôi, họ cũng sẽ cùng tôi tỏa sáng, làm cho ánh sáng của tôi không chỉ bớt lẻ loi, nhưng còn được cộng hưởng để làm cho nó được sáng mạnh hơn.  Chúa sẽ gởi tôi soi sáng ở chỗ nào trong ngày sống của tôi hôm nay?  Ngày hôm nay, tôi muốn bước đi trong ánh sáng, và chiếu tỏa vào nơi Chúa muốn.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Thắp Sáng Lên Trong Con,” qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=Hc2YwRkrJc0
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, January 28, 2020

Thứ Tư Tuần III Thường Niên – Năm A – 29-1-2020


Thu Tu III TN
Mác-cô 4:1-9
1Khi ấy, Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống ngồi trên thuyền đang đậu dưới biển, còn tất cả dân chúng thì ở trên bờ.2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:3 “Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống.4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt được ba chục, hạt được sáu chục, hạt được một trăm.”9 Rồi Người nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.     Người xưa có một lối truyền đạt rất hay, đó là dùng phương pháp kể chuyện, mượn câu chuyện để nói về một điều gì đó sâu xa và trừu tượng hơn.  Chúa Giêsu cũng có cách truyền đạt như vậy, Ngài dùng dụ ngôn để giảng dạy dân chúng về mầu nhiệm Nước Trời, về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.  Cái hay của Chúa Giêsu đó là dùng những dụ ngôn rất gần với đời sống thường nhật của mọi người, chẳng hạn như dụ ngôn gieo giống trong bài đọc hôm nay.  Điều này chứng tỏ những người đi theo để nghe Chúa Giêsu giảng, đa số là những nông dân.  Tôi có thể học ở cách giảng dạy của Chúa Giêsu mỗi khi nói với người ngày nay về Nước Trời, về cầu nguyện, về lòng bác ai, về sự tha thứ, về đời sống cộng đoàn…sao cho những ví dụ của tôi thật gần với đời sống của họ?  Có như thế người ta mới dễ đón nhận và ham thích thực hành lời Chúa.  Tôi muốn suy nghĩ và xin Chúa giúp tôi tìm ra một lối nói về đức tin, về các nhân đức, về giáo lý, sao cho thật gần với đời sống của con cái tôi, bạn hữu tôi.
2.     Dụ ngôn Chúa Giêsu kể về người gieo giống cho tôi thấy Thiên Chúa thật “xả láng” khi gieo giống, Ngài không đắn đo hạt giống của Ngài phải rơi vào đất tốt mà thôi, nhưng Ngài cũng gieo vào cả đất sỏi đá, gai góc và vệ đường nữa.  Điều này cho tôi thấy sự hy vọng của Chúa nơi tôi rất lớn, dù tôi có là loại đất nào.  Những hạt rơi vào đất xấu đầy sỏi đá hay gai góc, dĩ nhiên sẽ mọc nhưng rồi sẽ chết mà không sinh hoa lợi, nhưng cả những hạt rơi vào đất tốt không hẳn sẽ sinh hiều hoa lợi giống nhau.  Tôi thuộc loại đất nào khi Chúa gieo Chúa Giêsu giáng trần trong lòng tôi, khi Ngài gieo yêu thương và sự sống trong tôi?  Tôi đã sinh hoa lợi như thế nào?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này để cuộc đời tôi trổ sinh nhiều hoa lợi hơn?  Tôi muốn hỏi Chúa xem, Ngài sẽ sai tôi đi gieo hạt yêu thương, công bình và bác ái ở đâu trong ngày hôm nay?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Người Gieo Giống,” sáng tác của Lm Hoàng Đức, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=R3Kt6WEWJDA
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, January 27, 2020

Thứ Ba Tuần III Thường Niên – Năm A – 28-1-2020 – Lễ Thánh Thomas Aquinas


Thu Ba III TN
Mác-cô 3:31-35
31Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho mời Người ra.32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”33 Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Câu chuyện gia đình Chúa Giêsu đi tìm Ngài được ghi nhận trong Phúc âm Mác-cô, thật thú vị cho tôi suy ngẫm trong giờ cầu nguyện hôm nay.  Trước hết, cần phải nhớ rằng phúc âm là tập sách đức tin, không phải là tập sách về phong tục tập quán gia đình, chính vì thế những câu chuyện được viết trong phúc âm là để dạy tôi về đức tin.  Bởi vậy, tôi không nên bận tâm hay để lòng bị chia trí về cách Chúa Giêsu trả lời, như thể phủ nhận gia đình của Ngài.  Không phải.  Nhưng trong cách trả lời của Chúa Giêsu nhấn mạnh việc vâng lời và làm theo thánh ý Chúa Cha phải là ưu tiên hàng đầu, trên cả gia đình trần thế này.  Điều này không có nghĩa Chúa Giêsu chê bác những điều cao đẹp của gia đình trần thế, nhưng là một khi tôi làm theo thánh ý Chúa Cha, tôi cũng sẽ chu toàn tốt bổn phận với gia đình trần thế.  Hoặc là, một khi tôi vâng theo thánh ý Chúa Cha, sẽ giúp tôi chu toàn bổn phận với gia đình trần thế tốt hơn.  Tôi dành giây phút này để ở bên Chúa Cha, lắng nghe Ngài dạy bảo tôi phải sống và làm gì trong ngày hôm nay, trước nhất cho gia đình tôi và rồi cộng đoàn, xã hội quanh tôi.           
2.      Một khi tôi làm theo thánh ý Chúa Cha, tôi trở thành thành viên gia đình của Chúa, tôi trở thành cha mẹ, anh em của Chúa Giêsu.  Tôi hãnh diện về đặc quyền này không?  Tôi sống như thế nào, qua cách ăn nói, ứng xử và tương quan với mọi người, cho xứng với đặc quyền này? 
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, January 26, 2020

Thứ Hai Tuần III Thường Niên – Năm A – 27-1-2020 – Mồng Ba Tết – Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm


Thu Hai III TN
Mát-thêu 25:14-30
14 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.15 Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức,16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn, và gây lời được năm yến khác.17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy đến và yêu cầu họ thanh toán sổ sách.20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’21 Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ 22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’23 Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này!’26 Ông chủ đáp: ‘Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng’.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Tết đến, không ai không nghĩ đến tiền.  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu cũng dùng dụ ngôn để nói về tiền.  Dụ ngôn này đã kể như rất quen thuộc với tôi.  Hôm nay trong những ngày đầu năm, tôi cũng muốn áp dụng những lời dạy của Chúa Giêsu và tự hỏi: Đâu là những nén bạc Chúa đã trao phó cho tôi?  Nén bạc ở đây cũng có thể hiểu là cuộc đời của tôi, tài năng, thời giờ, sự khôn ngoan, gia đình, con cái…  Chúng đã sinh lợi được bao nhiêu?  Nếu Chúa muốn tính sổ với tôi đêm nay, tôi có gì để khoe Ngài không?  Nếu Chúa muốn tính sổ với tôi trong lúc này, Ngài sẽ tự hào về tôi không?

2.    Hôm nay Mồng Ba Tết, Giáo hội dành riêng để cầu nguyện xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm của tôi trong năm mới.  Tôi có thật sự dám hay muốn xin Chúa thánh hóa những công việc trong năm mới này không?  Những công việc ấy có bất chính hay liêm chính; lương thiện và thành thật hay lường gạt, gian lận, bóc lột người khác?  Tôi nói chuyện với Chúa trong lúc này và xin Ngài thánh hóa những việc làm của tôi năm nay. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, January 25, 2020

Chúa Nhật Tuần III Thường Niên – Năm A – 26-1-2020 – Mồng Hai Tết – Kính Nhớ Tổ Tiên, Ông Bà và Cha Mẹ


CN III TN
Ê-phê-xô 6:1-4
1Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.2 Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa:3 Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.4 Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

(Trích Thư Ê-phê-xô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Nếu có ai nói, người Công Giáo bất hiếu vì không thờ cha kính mẹ, người đó thật sự không biết gì về Đạo Công Giáo.  Gia đình Công giáo nào cũng có một bàn thờ kính nhớ tổ tiên; bàn thờ này được đặt ngay bên dưới bàn thờ Chúa, bởi Ngài thật sự là Ông Tổ lớn nhất vì đã dựng nên tổ tiên mọi người.  Thảo hiếu với cha mẹ còn là một trong Mười Điều Răn của Chúa, một trong những giáo lý căn bản của Đạo Công Giáo.  Thảo hiếu không phải chỉ là giáo lý trên sách vở, nhưng còn là điều đòi buộc mọi người Công giáo thực hành mỗi ngày.  Trong mọi Thánh Lễ hằng ngày của người Công Giáo, luôn dành một lời nguyện riêng, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.  Hằng năm, Giáo hội còn có riêng một tháng để cầu nguyện cho tất cả những người thân đã qua đời, Tháng Mười Một, còn gọi là Tháng Các Linh Hồn; bên cạnh đó, người Công giáo còn có thói quen xin lễ, cầu nguyện đặc biệt cho ông bà tổ tiên, vào ngày giỗ kỵ mỗi năm.  Mồng Hai Tết hằng năm cũng được dành riêng để cầu nguyện cho Tổ tiên.  Bởi thế người nào càng Công giáo bao nhiêu, người ấy càng kính hiếu tổ tiên bấy nhiêu.  Người nào càng bất hiếu với tổ tiên bao nhiêu, người ấy càng không phải là người Công giáo bấy nhiêu.  Trong giây phút này, tôi muốn cầu nguyện đặc biệt cho ông bà tổ tiên của tôi, còn sống cũng như đã qua đời, những vị đã sinh thành và dưỡng dục tôi, đã làm nên con người của tôi ngày hôm nay.
2.     Bài đọc hôm nay không chỉ nhắc nhở con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, nhưng cũng khuyên cha mẹ hãy lấy tình thương giáo dục con cái.  Nhưng là con người, ai cũng có lỗi lầm, ai cũng có những lúc gây tổn thương cho nhau.  Tôi dành những giây phút đầu năm này, xin Chúa chữa lành những vết thương mà tôi, phận làm con, đã có những lần gây tổn thương cho cha mẹ, ông bà tổ tiên.  Xin Chúa chữa lành những vết thương mà tôi, phận làm cha mẹ, đã gây tổn thương trong con cái.  Xin Chúa chữa lành tất cả mọi người trong gia tộc tôi, để tất cả được tự do, được sống vui, sống hạnh phúc và hòa hợp với nhau luôn mãi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Cầu Cho Cha Mẹ,” qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=DXpWA_qVi-w      
Phạm Đức Hạnh, SJ


Friday, January 24, 2020

Thứ Bảy Tuần II Thường Niên – Năm A – 25-1-2020 – Mồng Một Tết Nguyên Đán – Cầu Bình An Cho Năm Mới

Thu Bay II TNMát-thêu 6:25-34
25Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo lắng cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo lắng cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? 26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? 27 Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không?28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi; 29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém lòng tin!31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là ngày đầu năm, lời Chúa Giêsu muốn trấn an tôi, mời gọi tôi hãy bớt lo và tin tưởng ở sự quan phòng của Ngài.  Tôi dám tin những lời này của Chúa Giêsu không?  Có điều gì đang làm tôi lo lắng, khiến tôi bất an và mất ngủ không?  Tôi chia sẻ với Chúa Giêsu và để ý Ngài sẽ nói gì với tôi.
2.      Chúa Giêsu nhắc nhở tôi, trong bao nhiêu lo lắng của cuộc sống, hãy biết lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước.  Tôi nghĩ Nước Thiên Chúa là gì và đang ở đâu mà tôi phải bận tâm kiếm tìm trước nhất?  Có phải Nước ấy là sự bình an trong tâm hồn, sự tự do nội tâm, lòng nhân ái và hòa hợp với mọi người?  Nếu tôi có được những điều này, chắc chắn tôi sẽ không còn lo lắng lận đận, gia đình tôi sẽ không còn xào xáo chia rẽ, nhưng là một thiên đàng tại thế.  Tôi muốn bắt đầu tìm kiếm Nước Thiên Chúa ngay trong giây phút này và ngay ngày hôm nay.  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu để Ngài chỉ cho tôi sẽ phải bắt đầu kiếm tìm Nước Thiên Chúa từ đâu và như thế nào.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát: “Ký Thác Cho Chúa” do Linh mục Nhạc sĩ Thành Tâm, DCCT, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=mxVzP-p6neM
Phạm Đức Hạnh, SJ

Chúc Mừng Năm Mới!

CMNM

Thursday, January 23, 2020

Thứ Sáu Tuần II Thường Niên – Năm A – 24-1-2020


Thu Sau II TN
Mác-cô 3:13-19

13Khi ấy, Đức Giê-su lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người. 14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ. 16 Người lập Nhóm Mười Hai gồm có : ông Si-môn -Người đặt tên là Phê-rô-, 17 ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, 18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, 19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có một ghi nhận đáng cho tôi suy niệm trong giờ cầu nguyện này, đó là: Chúa Giêsu gọi những kẽ Ngài muốn, để họ ở với Ngài và rồi sai họ đi.  Như vậy ơn gọi đầu tiên là ở với Chúa Giêsu, để hiểu biết Ngài hơn, yêu mến Ngài hơn, từ đó tôi mới có thể theo Ngài và được Ngài sai đi.  Giờ cầu nguyện mỗi ngày của tôi không phải là làm cho xong bổn phận, cho đúng luật buộc, nhưng là để ở với Chúa Giêsu.  Tôi muốn dành giây phút này để ở bên Chúa Giêsu, quan sát và lắng nghe những gì Ngài nói và làm cho tôi.  Tôi sẽ nói gì với Ngài?  Tôi sẽ có những câu hỏi gì về Ngài?  Đây là giây phút tôi có thể làm điều này.

2.      Trong danh sách Nhóm Mười Hai, tất cả đều là những thường dân đánh cá, nghèo, thất học, ấy vậy mà Chúa Giêsu đã chọn và họ đã đi theo Ngài.  Tại sao Chúa Giêsu lại chọn những con người tầm thường cho chuyện đại sự của Nước Trời như vậy?  Công việc Nước Trời vẫn đang còn tiếp tục và ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng vẫn còn đang tuyển người.  Tôi có thể và muốn là một trong những người của Chúa Giêsu không?  Tôi hỏi trực tiếp với Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện này, và để ý Ngài sẽ sai tôi đi đâu, làm gì trong ngày hôm nay?  Ngoại trừ Giu-đa, còn lại tất cả đã theo Chúa Giêsu bằng cả mạng sống của họ.  Tôi dám liều mất mạng cho ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu không?       

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, January 22, 2020

Thứ Năm Tuần II Thường Niên – Năm A – 23-1-2020


Thu Nam II TN

1 Samuen 18:6-9; 19:1-3

18 6 Ngày ấy, khi ông Đa-vít hạ được tên Phi-li-tinh trở về, thì phụ nữ từ hết mọi thành của Ít-ra-en kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Sa-un, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. 7 Phụ nữ vui đùa ca hát rằng: “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, ông Đa-vít hàng vạn.”8 Vua Sa-un giận lắm, và bực mình vì lời ấy. Vua nói: “Người ta cho Đa-vít hàng vạn, còn ta thì họ cho hàng ngàn. Nó chỉ còn thiếu ngôi vua nữa thôi!” 9 Từ ngày đó về sau, vua Sa-un nhìn Đa-vít với con mắt ghen tị.
19 1 Vua Sa-un nói với ông Giô-na-than, con vua, và với toàn thể triều thần về ý định giết ông Đa-vít. Nhưng ông Giô-na-than, con vua Sa-un, lại rất có cảm tình với ông Đa-vít. 2 Ông Giô-na-than báo cho ông Đa-vít rằng: “Vua Sa-un, cha tôi, đang tìm cách giết anh. Vậy sáng mai anh hãy coi chừng, hãy ở nơi kín đáo và ẩn mình đi. 3 Phần tôi, tôi sẽ đi ra, sẽ đứng cạnh cha tôi trong cánh đồng, nơi anh đang trốn, tôi sẽ nói với cha tôi về anh. Thấy thế nào, tôi sẽ báo cho anh.”

(Trích Sách Samuel I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nêu bật hai điều đáng cho tôi suy ngẫm trong giờ cầu nguyện này.  Thứ nhất, sự ghen tương đố kỵ của Vua Sa-un đối với Đa-vít, mạnh mẽ đến mức Sa-un muốn tìm cách giết Đa-vít.  Ghen tương đố kỵ là một nỗi khổ tâm mà bất kể ai, già trẻ, sang hèn, đều mang trong mình, không ít thì nhiều.  Các nhà tâm lý ngày nay cho rằng, có hai loại ghen tương đố kỵ: Ghen tương độc hại và ghen tương lành tính.  Ghen tương độc hại thể hiện một tâm hồn đố kỵ đến mù quáng và bệnh hoạn nhằm hãm hại người khác; trong khi đó, ghen tương lành tính thể hiện một nội lực tích cực, thúc đẩy bản thân khao khát, vươn lên cho bằng người ta.  Ghen tương của Sa-un là ghen tương độc hại.  Ghen tương này đánh mất tương quan vua-tôi, giữa ông với Đa-vít; tệ hơn cả, khi Sa-un ghen tương, ông đã tự xây nhà tù để tự nhốt hãm chính ông.  William Penn nói, “Sự ghen tương thường gây rắc rối cho người khác, nhưng là một cực hình với chính mình.”  Tôi đang sở hữu sự ghen tương đố kỵ nào?  Độc hại hay lành tính?  Trong giây phút này, tôi muốn ngồi bên Chúa, bởi Ngài là sức mạnh, là ý nghĩa và là sức sống của tôi.  Ở bên Ngài tôi sẽ không còn sợ hãi, tôi sẽ trở nên tự tin, giúp tôi vượt thắng những ghen tương trong tôi, giúp tôi được tự do.
2.      Thứ hai, lòng tốt của Giô-na-than, con của Sa-un, đối với Đa-vít.  Ông đã tìm cách bảo vệ cho Đa-vít, một người vô tội, thoát khỏi sự ghen tương đầy ác độc từ cha của ông.  Có bao giờ tôi đã dám đứng lên, dám bênh vực những người công chính, những người vô tội quanh tôi không?  Điều gì đã khiến tôi nhút nhát trước bạo quyền, trước sự ác, sẵn sàng hy sinh người vô tội?  Phải chăng là sự ích kỷ, chỉ tìm an toàn cho bản thân?  Tôi muốn nói gì với Chúa về những thiếu sót, ích kỷ và hèn nhát trong tôi?     
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, January 21, 2020

Thứ Tư Tuần II Thường Niên – Năm A – 22-1-2020 – Ngày Cầu Nguyện Bảo Vệ Các Thai Nhi


Thu Tu II TN

Mác-cô 3:1-6

1Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay.2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người.3 Đức Giê-su bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây!"4 Rồi Người nói với họ: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?" Nhưng họ làm thinh.5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay ra!" Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài phúc âm hôm qua kể, những người Pha-ri-sêu kêu trách Chúa Giêsu vì các môn đệ của Ngài đã bứt lúa, vò trên tay, một việc không được phép làm trong ngày sa-bát.  Bài đọc hôm nay, không nói rõ ai là những người rình xem Chúa Giêsu có giữ luật sa-bát hay không, để tố cáo Ngài.  Mác-cô để ngỏ tên người tố cáo như vậy, càng làm cho câu chuyện hấp dẫn hơn, khiến tôi, độc giả hôm nay, cũng phải tự hỏi, đã có lần nào tôi đã dùng luật để cứu sống hay để hại, để bảo vệ tôi và hại người khác chưa?  Tôi muốn lấy câu hỏi của Chúa Giêsu mà tra vấn chính mình: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?"

2.      Mác-cô kết thúc câu chuyện bằng cách cho tôi thấy nỗi buồn của Chúa Giêsu cùng sự giận dữ của Ngài, vì sự chai đá của người ta trước những điều cao đẹp của Ngài vừa làm cho người bị bại tay.  Có khi nào Chúa Giêsu cũng nổi giận và buồn vì sự cứng lòng tin, vì sự vô cảm, vô tâm của tôi trước những điều Ngài làm cho tôi mỗi ngày, cụ thể là một đêm ngủ vừa qua hay một ngày vừa qua, mà tôi hoặc gia đình tôi vẫn bình yên, ân sủng Ngài dư tràn vẫn bao bọc tôi và gia đình tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, January 20, 2020

Thứ Ba Tuần II Thường Niên – Năm A – 21-1-2020 – Lễ Thánh Agnes, Đồng trinh và Tử đạo


Thu Ba II TN

Mác-cô 2:23-28

23 Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa.24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!"25 Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế."27 Người nói tiếp: "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát."

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Một điều rất nổi bật mà tôi có thể thấy nếu đọc các Phúc âm, đó là bất cứ chỗ nào Chúa Giêsu đến và bất cứ khi nào Ngài nói hay làm điều gì, luôn có sự đối kháng từ những người Pha-ri-sêu, những con người có đầu óc trịch thượng, giữ luật khắt khe đến vô cảm và mù quáng.  Họ dường như có mặt ở mọi nơi và mọi lúc: trong đền thờ, nơi nhà người thu thuế, ở nhà những người đau yếu, và cả ở ngoài đồng, như bài đọc hôm nay mô tả.  Có thực sự họ ở mọi nơi và mọi lúc để thăm dò và chống đối Chúa Giêsu không, hay các tác giả của các Phúc âm muốn nói gì với tôi về những người Pha-ri-sêu?  Những người Pha-ri-sêu có hiện diện và chống đối Chúa Giêsu ở mọi nơi và mọi lúc hay không, tôi không biết và cũng không đáng quan tâm, điều tôi cần tự hỏi, đó là: Liệu tôi có phải là Pha-ri-sêu, hay có óc Pha-ri-sêu đối với những người xung quanh tôi không?  Phải chăng tôi luôn có óc chê bai người này người kia, không chỉ những việc xấu, mà cả những việc tốt của họ?  Phải chăng tôi đã, không chỉ rất kiệm lời khen về những việc làm tốt của tha nhân, nhưng lại không tiếc lời chỉ trích và chê bai những bất toàn của họ?  Tôi muốn lấy giây phút này để xét mình và xin Chúa giúp tôi bớt dần óc Pha-ri-sêu trong tôi mà thêm cái tâm Chúa Giêsu hơn.

2.      Trong bài đọc hôm qua, Chúa Giêsu dạy tôi cách diễn tả đức tin phải hợp tình hợp lý và hợp thời; trong bài đọc hôm nay, Ngài dạy tôi giữ luật phải sáng suốt, đầy tình thương, không mù quáng, vị nhân sinh chứ không vị lề luật.  Như vậy, chính khi tôi giữ luật là lúc tôi được giải thoát, hơn là tôi trở thành nô lệ cho luật.  Tôi dành những giây phút này đọc lại bài đọc hôm nay, và xin Chúa Giêsu giúp tôi trở nên tự do hơn trong việc sống đạo và giữ luật của Chúa.           

Phạm Đức Hạnh, SJ