Tuesday, April 30, 2019

Thứ Tư Tuần II Phục Sinh – Năm C – 1-5-2019 – Lễ Thánh Giuse Thợ


Thu Tu II PS

Cô-lô-xê 3:14-21

14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.16 Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.18 Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa.19 Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ.20 Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa.21Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.

(Trích Thư Cô-lô-xê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      “Trên hết mọi đức tính, anh [chị] em phải có lòng bác ái.”  Tôi muốn lập lại câu nói này nhiều lần trong giờ cầu nguyện này, và trong ngày sống của tôi hôm nay.  Lòng bác ái hay lòng mến là điểm chung nhất tôi có thể gặp Chúa và gặp tha nhân, dù họ là ai, thuộc niềm tin và văn hóa nào đi nữa.  Ôi món quà của lòng mến đẹp quá!  Tôi muốn xin cho cả giờ này, tôi được tắm gội bằng lòng mến này để, cả ngày hôm nay tôi sẽ tỏa hương ở mọi nơi tôi đến, với mọi người tôi gặp, trong mọi lời tôi nói, và qua mọi việc tôi làm.    
2.      Một lời nữa cũng rất đẹp trong bài đọc hôm nay: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh [chị] em thật dồi dào phong phú.”  Chỉ khi nào tôi có và sống được những gì câu này nói, tôi mới có thể sống đúng vai trò của tôi là một người chồng, vợ, cha, mẹ, con cái trong gia đình.  Tôi xem lại trong gia đình tôi lúc này lời của Chúa Kitô có đang ở trong tôi, trong gia đình tôi hay không?  Tôi muốn mở lòng cho sự chờ đợi của Ngài, tôi cũng cầu nguyện cho mọi người thân của tôi biết mở lòng cho sự hiện diện của Ngài.  Đây là điều tối cần thiết!    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, April 29, 2019

Thứ Ba Tuần II Phục Sinh – Năm C – 30-4-2019


Thu Ba II PS

Tông Đồ Công Vụ 4:32-37

32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền,35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.36 Ông Giô-xếp, người được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là một thầy Lê-vi quê quán ở đảo Sýp.37 Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ.

(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Nhật ký truyền giáo hôm nay là một trang rất đẹp trong lịch sử Giáo hội, về cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.  Ở đó, mọi người coi mọi sự làm của chung, không trục lợi, không ích kỷ, không coi trọng đời sống vật chất, một chỉ chuyên tâm cầu nguyện, trau dồi đời sống tâm linh.  Lối sống này ngày hôm nay vẫn có thể xảy ra khi, tôi, gia đình, cộng đoàn tôi biết đặt Thiên Chúa là tâm điểm của cuộc sống.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem lại đời sống của tôi, gia đình tôi, cộng đoàn tôi, có phải chăng Thiên Chúa đã không là tâm điểm, thậm chí còn vắng bóng, khiến đủ mọi cắn xé và chia rẽ tiếp diễn bao lâu nay?  Tôi muốn nói gì với Chúa và quyết tâm làm gì để tôi, gia đình tôi, và cộng đoàn tôi thực sự là một Kitô hữu, gia đình Kitô hữu, cộng đoàn Kitô hữu?

2.      Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã luôn để ý đến những nhu cầu mọi người xung quanh, có khi nào tôi có sự quan tâm này chăng?  Ai là những người đang cần được giúp đỡ trong gia đình tôi, cộng đoàn tôi?  Tôi muốn làm gì sau giờ cầu nguyện này?  Tôi hỏi Chúa xem, Ngài nghĩ gì về suy nghĩ của tôi và xin Ngài giúp tôi biến suy nghĩ thành hành động cụ thể. 

Phạm Đức Hạnh, SJ


Sunday, April 28, 2019

Thứ Hai Tuần II Phục Sinh – Năm C – 29-4-2019 – Lễ Thánh Catherine Siena


Thu Hai II PS

Tông Đồ Công Vụ 4:23-31

23 Được thả về, hai ông đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông.24 Nghe vậy, họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa: "Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó;25 Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là Đa-vít, tôi trung của Ngài, mà phán: Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông?26 Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.27 "Đúng vậy, Hê-rô-đê, Phong-xi-ô Phi-la-tô, cùng với chư dân và dân Ít-ra-en đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su, Đấng Ngài đã xức dầu.28 Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước.29 Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn.30 Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su."31 Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.

(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Nhật ký truyền giáo của các tông đồ hôm nay ghi nhận một chuyện lạ lùng.  Trước đó, khi Chúa Giêsu bị bắt, các tông đồ sợ hãi trốn trong nhà, đóng cửa kín, nhưng sau khi gặp Chúa Giêsu sống lại và đón nhận Thánh Thần, họ ra đi rao giảng về Chúa Giêsu sống lại, một cách mạnh mẽ dù có bị bắt bớ và tù đày, đánh đập và giết chết, vẫn không sợ.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn nói chuyện với các tông đồ: Vì đâu mà họ tự tin và mạnh dạn nói về Chúa đến như vậy?  Tôi muốn học và muốn xem đức tin của tôi tin vào Chúa Giêsu phục sinh như thế nào?  Có thể tôi xin Chúa củng cố đức tin của tôi chăng? 
2.      Ở câu cuối của trang nhật ký truyền giáo hôm nay, tôi nhận thấy các tông đồ được nhận lãnh Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Chúa cho mọi người.  Tôi có thể nói chuyện trực tiếp với Chúa Thánh Thần trong lúc này và xin Ngài xuống trên tôi những ơn cần thiết, giúp tôi dám mạnh dạn loan báo lời Chúa, tức lời của yêu thương và hy vọng, chứ không phải lời của quỷ dữ, hận thù và xét đoán, cũng không phải lời của tôi, đầy ích kỷ? 
Phạm Đức Hạnh, SJ

 


Saturday, April 27, 2019

Chúa Nhật Tuần II Phục Sinh - Kính Lòng Thương Xót Chúa – Năm C – 28-4-2019


CN II PS

Gioan 20:19-31

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!"20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em."27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."28 Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!"29 Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện tuyệt đẹp về đức tin.  Đức tin sẽ thực sự bén rễ và lớn mạnh khi tôi thực sự KINH NGHIỆM về Thiên Chúa.  Đức tin không thể dựa hơi ở người này, người kia nói về Chúa, dù đó là ai đi nữa, nhưng phải bằng những kinh nghiệm riêng tư, mang tính cá vị giữa tôi với Chúa Giêsu.  Tôi muốn gì trong giờ cầu nguyện này?  Có lẽ phải như Tô-ma, tôi muốn xin cho được những kinh nghiệm riêng tư với Chúa Giêsu Phục Sinh, với tình yêu của Chúa luôn dành cho tôi.  Có thể tôi nói chuyện với Tô-ma trong giờ cầu nguyện này xem sao.

2.      Tôi có thể hình dung và cảm nghiệm Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở trước mặt tôi trong lúc này.  Tôi muốn xin Chúa cho tôi được thọc tay vào lỗ đinh và cạnh sườn của Ngài.  Tôi để ý Ngài đang mời gọi tôi như thế nào?  Tôi để ý cảm nghiệm của tôi khi được thọc tay vào những vết thương này.  Coi chừng không rút ra được, hoặc không muốn rút ra!  Nhưng chắc chắn một điều, nếu tôi không thọc tay vào những vết thương của Chúa Giêsu Phục Sinh, tôi sẽ không có kinh nghiệm về Ngài và Ngài sẽ mãi mãi chưa phục sinh trong tôi.  Tôi xin Chúa được đặc ân này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, April 26, 2019

Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Năm C – 27-4-2019


Thu Bay PS

Tông Đồ Công Vụ 4:13-21

13 Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giê-su;14 đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào.15 Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, và bàn tính với nhau.16 Họ nói: "Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ta không thể chối được.17 Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa."

18 Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su nữa.19 Hai ông Phê-rô và Gio-an đáp lại: "Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem!20 Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra."21 Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.

(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể hình dung cảnh Phê-rô và Gioan đang mạnh dạn rao giảng tin mừng Chúa Giêsu phục sinh cho mọi người.  Họ là những người thất học, quê mùa và dốt nát, ấy vậy mà họ lại, không một chút sợ hãi, rao giảng về Chúa Giêsu phục sinh, khiến các lãnh đạo Do-thái giáo cảm thấy lo sợ.  Nhờ sự mở lòng và mạnh dạn của các môn đệ tiên khởi, Thiên Chúa đã làm phép lạ nhãn tiền trong cuộc đời này.  Từ một nhóm nhỏ mười hai người thất học và dốt nát, ngày nay Giáo hội đã có trên hơn hai tỉ tín hữu, đóng góp rất lớn cho nền văn minh nhân loại trong suốt hai mươi thế kỷ qua và vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều trên thế giới hiện nay.  Tôi nghĩ Chúa có thể dùng tôi cho ước mơ của Ngài chăng?  Dù tôi là ai và dù tôi có tài năng hay học vấn nào, nếu tôi mở lòng với Chúa, chắc chắn tôi sẽ làm được những điều không ngờ.  Tôi nói chuyện với Chúa trong lúc này để biết, Ngài ước mơ gì về tôi và tôi có thể giúp Ngài điều gì.

2.     Bài đọc hôm nay là một chứng từ quan trọng cho đời sống đức tin của tôi.  Các môn đệ dù bị bắt bớ, đánh đập và hăm dọa, vẫn không thay lòng đổi ý về Chúa Giêsu phục sinh.  Tại sao vậy?  Bởi vì họ đã KINH NGHIỆM về Chúa Giêsu phục sinh, khiến họ không thể nói khác với sự thật được.  Nếu tôi muốn chứng tỏ cho người thân xung quanh tôi về Chúa Giêsu phục sinh, tôi không có con đường nào khác hơn đó là: kinh nghiệm về Chúa Giêsu.  Tôi sẽ không thể nói với bất cứ ai SUY NGHĨ/Ý TƯỞNG của tôi về Chúa khiến họ tin, nhưng chỉ nói với Chúa bằng KINH NGHIỆM bản thân về Chúa Giêsu mà thôi.  Trong giây phút này tôi muốn ngồi bên Chúa và nói chuyện với Ngài, lắng nghe Ngài chia sẻ với tôi về Ngài.  Tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện bằng bài hát: Chạm Lòng Con, Chúa Ơi!, qua đường dẫn: https://www.youtube.com/watch?v=I2h-ZwGk3YQ  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, April 25, 2019

Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Năm C – 26-4-2019


Thu Sau PS

Gioan 21:1-8

1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này.2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.5 Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không."6 Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài đọc hôm nay tiếp nối những gì mà Chúa Giesu, có vẻ, rất bận rộn sau khi phục sinh.  Ngài hiện ra hết chỗ này chỗ kia, để an ủi và đỡ nâng những ai đang sầu khổ thất vọng.  Chúa Giesu trong bài đọc hôm nay đã đến với các môn đệ khi họ đang thất vọng, chán nản và mệt mỏi.  Thất vọng vì thầy của họ đã chết, chán nản và mệt mỏi vì đánh cá cả đêm mà chẳng được gì.  Có một nỗi buồn, khổ đau nào mà tôi cần nương tựa vào Chúa trong lúc này chăng?  Hãy mạnh dạn chia sẻ với Ngài.
2.     Giữa lúc mệt mỏi và đầy chán nản, niềm tin thường bị thử thách lớn, ai nói gì cũng không tin được.  Trong những lúc khó khăn, bóng tối thường rất lớn che khuất mọi viễn tượng lạc quan.  Những khi ấy sự ác dường như lớn hơn tất cả, chẳng thấy Chúa đâu cả, dù cho Ngài vẫn hiện diện gần bên.  Tuy nhiên, các môn đệ trong bài đọc hôm nay lại không như vậy.  Họ dám tin, dám thử vào lời nói của một người lạ trên bờ, trông chẳng giống dân chài tí nào.  Tôi có kinh nghiệm này không?  Tôi thường thấy gì, thường tập trung vào đâu những lúc sóng gió xảy đến trong đời?  Tôi đọc lại trình thuật trên và xin cho được nhạy bén trong niềm tin.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này với bài hát: Cho Con Vững Tin: https://www.youtube.com/watch?v=lAka0Jm92xw
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, April 24, 2019

Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Năm C – 25-4-2019

Thu Nam PS

Luca 24:35-35

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! "37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.38 Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? "40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? "42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm."45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Một điều tôi có thể thường gặp trong các trình thuật phục sinh đó là, không ai có thể biết trước được Chúa Giêsu xuất hiện khi nào và ở đâu, khi vô hình, khi hữu hình.  Điều này cũng lập lại trong bài đọc hôm nay.  Các môn đệ đang kể cho nhau về kinh nghiệm gặp Chúa Giêsu, Ngài bỗng dưng xuất hiện giữa họ như thể không có thân xác, làm cho họ có cảm tưởng là gặp ma, nhưng Ngài lại hỏi thức ăn và ăn trước mặt họ, như một người có thân xác.  Tôi tin Chúa Giêsu thật sự sống lại không?  Tất cả các tông đồ đều đã bị giết chỉ vì loan báo tin mừng Chúa Giêsu sống lại.  Có lẽ không ai dại chết vì tin đồn.  Bài đọc hôm nay giúp gì cho đức tin của tôi?  Tôi đọc lại trình thuật trên, và xin cho được nhạy bén trước sự hiện diện của Ngài, trong sinh hoạt hằng ngày của tôi.

2.      Điều mà Chúa Giêsu thường làm trước nhất trong các cuộc hiện ra sau phục sinh đó là, lời chúc bình an.  Giáo hội trong hai ngàn năm qua cũng duy trì lời chào này nhiều lần trong mọi Thánh lễ, và mở đầu mỗi lời nguyện chính thức của Giáo hội bên ngoài Thánh lễ, chủ tế luôn luôn chào: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.”  Tôi cảm thấy quý lời chào bình an này như thế nào?  Tôi đón nhận lời chào bình an này trong mỗi Thánh lễ ra sao?  Tôi đọc lại bài đọc trên, và cảm nghiệm lời chào bình an từ Chúa Giêsu dành cho tôi trong giây phút này.  Bình an đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Con Đi Tìm Bình An,” qua đường dẫn: https://www.youtube.com/watch?v=sBVt75YcsB4

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, April 23, 2019

Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Năm C – 24-4-2019

Thu Tu PS

Luca 24:13-35

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.17 Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay."19 Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy?" Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.29 Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.32 Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?"33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.34 Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn."35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.   Có lẽ công việc đầu tiên và quan trọng nhất sau khi sống lại của Chúa Giêsu đó là, an ủi những ai đang sầu khổ, thất vọng, mất phương hướng vì cái chết của Ngài.  Bài đọc hôm nay nói, Chúa Giêsu đã hiện ra, giải thích và an ủi cho hai môn đệ đang thất vọng, sầu thảm trên đường đi Em-mau.  Có điều gì tôi đang băn khoăn, lo lắng hay phiền muộn cần được an ủi, nâng đỡ từ Chúa Giêsu?  Tôi có thể thổ lộ cùng Chúa Giêsu trong lúc này, để được sự nâng đỡ của Ngài.
2.   Dù Chúa Giêsu đã hiện ra đàm đạo, giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ, họ vẫn không nhận ra Ngài, cho đến khi Ngài bẻ bánh.  Cử chỉ bẻ bánh có thể gợi cho họ những kinh nghiệm đã được cùng ăn chung với Ngài trước kia, nhưng có lẽ Luca muốn nói đến ý nghĩa của việc bẻ bánh, tức bẻ chính Ngài ra cho họ.  Đây là điểm quan trọng cho tôi hôm nay.  Dù tôi có nói về Kinh Thánh và giáo lý đến mấy đi nữa, nếu tôi không bẻ cuộc đời ra cho người khác, không bao giờ người khác có thể nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh trong tôi.  Tôi sẽ chọn bẻ cuộc đời của tôi ra cho gia đình, cộng đoàn và mọi người xung quanh tôi hôm nay như thế nào?  Tôi bàn chuyện này với Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở trong tôi, ngay bây giờ.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng lời nhắc nhở qua đường dẫn, Trên Đường Emmau: https://www.youtube.com/watch?v=llyACdJBgxE
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, April 22, 2019

Thứ Ba Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Năm C – 23-4-2019


Thu Ba PSGioan 20:11-16

11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ,12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.13 Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc? " Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!"14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.15 Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về."16 Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a!" Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni!" (nghĩa là "Lạy Thầy").

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.   Bài đọc hôm nay thật đẹp, diễn tả rất nhiều về tình thương giữa Ma-ri-a Mác-đa-la và Chúa Giêsu.  Bà đã khóc khi không thấy xác của Thầy Giêsu.  Có bao giờ tôi gắn bó với Chúa đến mức không muốn lìa xa hay, đánh mất Chúa bao giờ không?  Có bao giờ tôi yêu Ngài đến mức không muốn rời xa, không muốn quên Ngài trong suy nghĩ và trong tim tôi?  Tôi có tâm tình gì với Chúa trong lúc này?  Tôi muốn thổ lộ cùng Ngài.

2.    Ma-ri-a Mác-đa-la, lúc đầu than khóc và không nhận ra Chúa Giêsu ngay cả khi Ngài hiện ra trước mắt bà.  Nhưng bà đã nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài gọi tên bà.  Những người yêu nhau thường gọi nhau bằng những tên riêng.  Họ thường có những cách gọi nhau mà chỉ họ mới hiểu, dù giữa đám đông, tiếng gọi ấy vẫn không lẫn lộn với ai.  Giữa tôi với Chúa có cách gặp gỡ riêng như vậy không?  Tôi sẽ gọi Ngài là gì và Ngài sẽ gọi tôi như thế nào?  Tôi để ý và lắng nghe những rung cảm khi Ngài gọi tôi.  Tôi cũng để ý Ngài cảm thấy thế nào khi tôi gọi Ngài.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, April 21, 2019

Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Năm C – 22-4-2019


Thu Hai PS

Matthêu 28:8-15

8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: "Chào chị em! " Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó."

11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,13 và bảo: "Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự."15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

(Trích Phúc âm Mat-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Phục sinh là một tin lớn (shocking news), không dễ mà tin được và thật khó để giữ kín.  Một khi biết đó là tin thật, lại càng khó giữ kín hơn.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn hình dung cảnh các bà mừng như thế nào khi gặp lại Chúa Giêsu.  Các bà sợ như thế nào, bởi có thể là ma?  Các bà nghi ngờ đến mức nào, bởi chính các bà đã chứng kiến Chúa Giêsu bị chết trên thập giá, và cũng chính các bà đã tẩm liệm xác Ngài trong mồ?  Các bà mừng rỡ ra sao, khi nhận ra đó chính là Chúa Giêsu?  Tôi muốn đi vào những cảm nghĩ của các bà khi đón nhận tin mừng phục sinh.  Tôi đang có những cảm nghiệm nào về Chúa Giêsu Phục Sinh?  Tôi tin hay nghi ngờ?  Tin mừng Phục Sinh đang ảnh hưởng như thế nào trong đời sống của tôi? 
2.      Một điểm cũng nổi bật trong bài đọc hôm nay đó là, sự lừa đảo của các thượng tế.  Trước những gì rất thật và rõ ràng, họ vẫn giải thích tiêu cực và làm đủ mọi cách để bóp méo sự thật.  Cuộc đời vẫn đầy dẫy những con người như họ—chối bỏ sự thật, bóp méo sự thật—làm cho không biết bao nhiêu người bị oan ức, bị tù đầy, phải khổ đau.  Có khi nào tôi đã có tâm địa giống các thượng tế không, chỉ vì ích kỷ, tham lam, bảo thủ, độc đoán, hoặc thù hằn?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Là một Kito hữu luôn sống và mang Tin Mừng Phục Sinh trong mình, từ hôm nay, tôi muốn là người của lạc quan, người của hy vọng, người của yêu thương, người của công bằng và nhân ái.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, April 20, 2019

Chúa Nhật Phục Sinh – Năm C – 21-4-2019


CN PS

Gioan 20:1-9

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Bài đọc hôm nay cũng như bài đọc hôm qua, tuy khác lạ nhưng cũng nói lên một điểm chung đó là, để nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh điều quan trọng đầu tiên phải có đó là, LÒNG MẾN.  Phê-rô và môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến, cả hai cùng chạy ra mộ, nhưng Phê-rô chỉ thấy những băng vải đã được dùng táng xác Chúa, xếp gọn gàng, trong khi đó môn đệ được Chúa Giêsu yêu cũng đã thấy như thế, nhưng đã TIN.  Điều này có khiến tôi phải có một cặp mắt mới, một trái tim mới để đọc tin mừng phục sinh không?  Phải lắm.  Chỉ với cặp mắt mới, chỉ một trái tim mới tôi có thể thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và mới có hy vọng.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xin cho được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh.

2.     Gioan cũng cho tôi một gợi ý nữa đó là: Niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh phải dựa trên một nền tảng vững chắc, không thể mù mờ.  Nền tảng vững chắc đó là Kinh Thánh, là những gì các tiên tri đã loan báo trước, đặc biệt là những gì Chúa Giêsu đã loan báo trước.  Tôi muốn xem lại những gì tôi tin vào Chúa Giêsu có vững chắc không, hay chỉ là chỉ hùa theo đám đông, thậm chí đầy mê tín dị đoan?  Tôi muốn mở lại những trang Kinh Thánh và đọc bằng con mắt của đức tin, con mắt của lý trí và con mắt của trái tim, nhờ vậy tôi mới có thể kinh nghiệm Chúa Giêsu Phục Sinh thật sự.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời ngỏ với Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã đi ra mộ Chúa Giêsu từ sáng sớm chỉ vì yêu: https://www.youtube.com/watch?v=UeijUrIYZpw

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, April 19, 2019

Thứ Bảy Tuần Thánh – Năm C – 20-4-2019


Thu Bay TT

Luca 24:1-9

Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn.2 Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ.3 Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả.4 Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ.5 Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?6 Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê,7 là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại."8 Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói.9 Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Tôi thấy gì từ bài đọc Phục sinh hôm nay, khi vào ngày thứ nhất trong tuần, sau ngày Sab-bát, các bà ra mộ từ tờ mờ sáng, đem theo dầu thơm đã được chuẩn bị sẵn để làm lại việc tẩm liệm xác Chúa?  Chắc chắn các bà phải có một tình thương rất lớn dành cho Chúa Giêsu.  Thiên Chúa đã không phụ lòng các bà mà cho các bà được là những môn đệ đầu tiên đón nhận tin mừng phục sinh.  Tôi muốn gặp Chúa Giêsu phục sinh ư?  Điều kiện đầu tiên phải là, lòng mến.  Khi có lòng mến tôi sẽ có một cặp mắt mới để nhận ra Chúa Phục Sinh.  Trong giây phút này, tôi muốn xem lại lòng mến của tôi với Chúa như thế nào.  Tôi khao khát tìm kiếm Ngài ra sao, tôi muốn kết hợp khắng khít với Ngài không?  Nếu tôi khao khát thật sự, tôi sẽ gặp Ngài.

2.     Thiên thần mời gọi các bà nhớ lại thời còn ở Ga-li-lê, Chúa Giêsu đã nói gì về cái chết của Ngài.  Ga-li-lê có nghĩa là gì?  Chắc chắn không chỉ là một địa danh của đất Do-thái, nhưng quan trọng hơn, đó là nơi các môn đệ rất quen thuộc và yêu thương nhất vì họ đã sinh ra và lớn lên, đã có gia đình và sự nghiệp, và đặc biệt đã được gặp và sống với Chúa Giêsu.  Ga-li-lê ấy cũng chính là gia đình, cộng đoàn, công sở nơi tôi rất quen thuộc và thân thương, nơi tôi đã từng có những kỷ niệm với Chúa Giêsu.  Hãy trở lại những kỷ niệm đẹp ấy, tôi sẽ gặp Chúa Giêsu Phục Sinh.  Tôi muốn ôn lại tất cả những kỷ niệm, lời dạy và tương quan giữa tôi với Chúa Giêsu trong lúc này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ