Sunday, September 30, 2018

Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên – Năm B – II –1-10-2018 – Lễ Thánh Theresa Hài Đồng Giêsu


Thu Hai XXVI TN
Gióp 1:13-22
13 Vậy một ngày kia, các con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu ở nhà người anh cả của họ,14 thì một người đưa tin đến nói với ông Gióp: "Trong lúc bò của ông cày ruộng và lừa cái ăn cỏ bên cạnh,15 dân Sơ-va đã xông vào cướp lấy; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay."16 Người ấy còn đang nói thì một người khác về thưa: "Lửa của Thiên Chúa từ trời giáng xuống đã đốt cháy chiên dê và đầy tớ; lửa đã thiêu rụi hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay."17 Người này còn đang nói thì một người khác về thưa: "Người Can-đê chia thành ba toán ập vào cướp lấy lạc đà; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay."18 Người ấy còn đang nói, thì một người khác về thưa: "Con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu trong nhà người anh cả của họ,19 thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà; nhà sập xuống đè trên đám trẻ; họ chết hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay."20 Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy21 và nói:"Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!"22 Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa.
(Trích Sách Gióp bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Đau khổ thì ai cũng đau khổ, đã sinh ra trong cuộc đời này là sẽ phải đau khổ.  Chỉ có điều là người này đau khổ nhiều người kia đau khổ ít mà thôi.  Có thể tôi cũng đã từng mất mát và đau khổ như Gióp trong bài đọc hôm nay, hoặc còn hơn nữa, nhưng có lẽ tôi cần phải học ở ông cách đón nhận và giải thích đau khổ.  Về điều này, Gióp quả là phi thường: "Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!"  Tôi muốn đọc lại đoạn văn trên và nói với Chúa về những khó khăn và đau khổ mà tôi đang phải trải qua? 
2.      Để kết thúc giờ cầu nguyện này, tôi muốn lấy hết can đảm đọc lại lời kinh của Thánh Inhaxio Loyola: “Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tất cả tự do, trí khôn và cả ý chí con.  Tất cả những gì con có và đang làm chủ, Chúa đã cho con; nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa xử dụng hoàn toàn theo tôn ý Ngài.  Lạy Chúa, xin hãy ban cho con tình yêu và ân sủng Chúa. Đối với con, thế là đủ.”  Hoặc tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện bằng bài hát: “Mong Chẳng Còn Gì” qua đường dẫn: https://youtu.be/o7ZFVOjDpjk
Phạm Đức Hạnh, SJ


Saturday, September 29, 2018

Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên – Năm B – II –30-9-2018


CN XXVI TN
Mác-cô 9:42-48

42 "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.44 [ ]45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.46 [ ]47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.   Tôi không thể hiểu những lời dạy của Chúa Giêsu: cắt tay, chặt chân, móc mắt theo nghĩa đen, nhưng đây chỉ là kiểu nói ngoa dụ đầy kịch tính nhằm để nói đến giá trị của Nước Thiên Chúa.  Chân, tay, mắt, mũi là những phần thiết yếu của cơ thể, rất quý không thể lìa thân được.  Tuy nhiên Chúa Giêsu cho tôi thấy, Nước Thiên Chúa còn quý gấp bội phần, đến nỗi nếu phải chặt tay, móc mắt để được vào Nước Thiên Chúa, tôi cũng nên làm.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn cảm nghiệm sự quan trọng và cần thiết của Nước trời, đến nỗi tôi dám đánh đổi mọi thứ để được Nước Trời. 
2.    Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn xem lại, muốn vứt bỏ những tật xấu và lỗi lầm mà bao lâu nay tôi rất yêu quý và gắn bó với nó như thể tay, chân, mắt, mũi của tôi.  Điều này không dễ chút nào.  Tôi muốn xin sự giúp đỡ của Chúa để dám cắt tỉa đời tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, September 28, 2018

Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên – Năm B – II –29-9-2018 – Lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Michael – Gabriel – Raphael


Thu Bay XXV TN
Gioan 1:45-51
45 Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét."46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?" Ông Phi-líp-phê trả lời: "Cứ đến mà xem!"47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối."48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi."49 Ông Na-tha-na-en nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!"50 Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa."51 Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Dù được Phi-líp-phê giới thiệu về Chúa Giêsu, Na-tha-na-en vẫn dửng dưng hỏi: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?"  Câu hỏi của ông có thể cũng là lối nhìn của tôi.  Bởi phải chăng tôi vẫn thường tìm Chúa ở những phép lạ chỗ này chỗ kia, ở những nơi cao trọng, trong khi đó Thiên Chúa lại xuất hiện ở những gì là nhỏ bé, tầm thường và ẩn khuất?  Tôi có tin và muốn gặp Chúa Giêsu ngay trong giờ cầu nguyện này không?  Nếu tôi tin tôi sẽ gặp.  Gặp Ngài tôi sẽ nói gì với Ngài? Có thể là những tâm sự rất thật về tôi chăng?  Tôi muốn bắt đầu ngay.
2.     Na-tha-na-en cuối cùng đã mở lòng; ông đã đến và đã gặp Chúa Giêsu.  Có thể đây là ơn xin trong mỗi giờ cầu nguyện của tôi: Xin cho được trở nên nhạy bén trước sự hiện diện của Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, qua những gì là tầm thường, bé nhỏ và đơn sơ.     
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, September 27, 2018

Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên – Năm B – II –28-9-2018


Thu Sau XXV TN
Giảng Viên 3:1-11
1 Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:2 một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;3 một thời để giết chết, một thời để chữa lành;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;4 một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy;5 một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;6 một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi;7 một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;8 một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.9 Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì?10 Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm.11 Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.
(Trích Sách Giảng Viên bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Tiếp nối Sách Giảng Viên hôm qua, Lời Chúa từ sách này tiếp tục nhắc nhở tôi về sự thật của cuộc đời.  Một lần nữa những lời này nói gì cho cuộc sống hiện tại của tôi hôm nay?  Tôi để ý đến những giành dựt, những trò gian lận và những toan tính bất lương trong tôi, cuối cùng để làm gì?  Cuối cùng tôi cũng chết như mọi người; sinh ra tay trắng rồi chết cũng hoàn trắng tay.  Nhưng điều quan trọng là sự vất vả giành dựt của tôi, con cái và người đời sẽ nhớ đến tôi là ai?  Liệu họ sẽ nhớ đến tôi là một người tốt, lương thiện, ngay lành và từ tâm, hay họ sẽ nhớ mãi về tôi là một con người xấu, gian manh, độc ác, bủn xỉn, ích kỷ, bất lương và hận thù?  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn xem lại đời sống của tôi và làm một chọn lựa có giá trị đời đời cho chính tôi. 
2.      Cuộc sống là một nhiệm mầu: tôi không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi sau cái chết.  Chỉ một mình Chúa, Đấng đã làm nên cuộc sống này, Ngài biết rõ và nắm chắc vận mệnh của tôi.  Tôi muốn làm quen và xây đắp một tương quan mật thiết với Ngài, từ giờ cầu nguyện này, trước khi mọi sự quá trễ.  Cuối cùng tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: Phù Vân của Xuân Đường qua đường dẫn sau: https://youtu.be/1cD9qTTKfe8
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, September 26, 2018

Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên – Năm B – II –27-9-2018 – Lễ Thánh Vi-cen-tê thành Phao-lo


Thu Nam XXV TN
Giảng Viên 1:2-11
2"Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.3 Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời?4 Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn.5 Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên.6 Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng.7 Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục.8 Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.9 Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ?10 Nếu có điều gì đáng cho người ta nói: "Coi đây, cái mới đây này!", thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi.11 Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.
(Trích Sách Giảng Viên bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Những lời của Sách Giảng Viên hôm nay có thể đụng chạm thật sâu trong cuộc đời của tôi.  Cuộc sống vần xoay, cuộc đời mỏng giòn và chóng qua.  Tôi đến trong cuộc đời này, rồi tôi sẽ đi, và sẽ chẳng còn ai nhớ đến tôi nữa!  Những lời này đang nói gì với tôi?  Phải chăng, tôi sống chẳng được bao lâu, ấy vậy mà tôi vẫn cứ mãi loay hoay giành dựt, hận thù và ganh ghét, để rồi từng bước đi trong cuộc đời nặng trĩu những buồn đau?  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xin cho được ơn can đảm dám buông bỏ những hận thù, ganh ghét đang giam tù cuộc đời tôi để, tôi có thể sống, được đứng thẳng và được hít thở bầu khí tự do và an bình.    
2.      Cuộc đời vần xoay là thế.  Nhưng chẳng lẽ con người cứ sinh ra, cưới vợ gả chồng, sinh con cái, tranh đấu và giành dựt lẫn nhau, rồi bệnh, rồi già, rồi chết sao?  Vô nghĩa quá!  Lãng xẹc quá!  Ai tạo ra kiếp vần xoay này và ai ở trên kiếp vần xoay này?  Đấng tạo ra và ở trên kiếp vần xoay này, Kitô giáo gọi là Chúa.  Như vậy mọi nỗ lực trong cuộc sống này sẽ không qua đi vô nghĩa nhưng sẽ dẫn tôi trở về với Đấng đã tạo ra tôi.  Tôi có thể đi ra khỏi kiếp vần xoay này, tôi có thể bước vào vĩnh cửu, ngay từ giây phút cầu nguyện này.  Tôi muốn bắt đầu ngay bây giờ!
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, September 25, 2018

Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên – Năm B – II –26-9-2018


Thu Tu XXV TN
Châm Ngôn 30:7-9
7 Con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt:8 Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng,9 kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: "ĐỨC CHÚA là ai vậy?" hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con.
(Trích Sách Châm Ngôn bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Còn lời cầu nguyện nào đẹp hơn lời cầu nguyện từ Sách Châm Ngôn hôm nay chăng?  Nói chung hai lời xin này chỉ là một: Xin cho con được có Chúa luôn mãi!  Một khi có Chúa tôi sẽ có tất cả.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn ở với niềm vui của lời cầu nguyện này, và để cho lời nguyện này làm vơi đi mọi nhọc nhằn trong cuộc sống của tôi và gia đình. 
2.      Tôi muốn đọc lại lời nguyện trên nhiều lần và để cho lời nguyện này vang vọng mãi trong tim, suốt ngày sống của cuộc đời tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, September 24, 2018

Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên – Năm B – II –25-9-2018


Thu Ba XXV TN
Luca 8:19-21
19 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông.20 Người ta báo cho Người biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy."21 Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Tôi để ý đến câu trả lời của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."  Lời này có thể làm lòng tôi rộn ràng!  Bởi có phải không, nhiều khi tôi cũng ước mơ được là con của gia đình người quyền quý như tổng thống, giầu sang như tỉ phú, và danh vọng như những minh tinh?  Hôm nay Chúa Giêsu nói, tôi cũng có vinh dự được trở thành thành viên trong gia đình của Thiên Chúa mỗi khi tôi lắng nghe và thực hành lời của Ngài.  Tôi muốn ở lại với câu nói này và để ý lòng tôi rộn ràng ra sao nếu tôi được ở trong nhà Chúa.
2.      Những ai nghe và thực hành lời của Chúa đều có thể trở thành thân nhân của Ngài.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn hỏi Chúa, đâu là những lời Ngài muốn nói với tôi hôm nay, và tôi muốn thực hành ngay khi kết thúc giờ cầu nguyện này.          
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, September 23, 2018

Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên – Năm B – II –24-9-2018


Thu Hai XXV TN
Châm Ngôn 3:27-32
27 Khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành cho ai đáng được hưởng.28 Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói: "Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh."29 Đừng mưu hại tha nhân, hại người đang cùng con sống yên ổn.30 Đừng cãi cọ với ai vô cớ, khi họ chẳng làm gì để hại con.31 Chớ phân bì với ai tàn bạo, đừng chọn bất cứ con đường nào nó đã đi.32 Vì đối với ĐỨC CHÚA, kẻ gian tà là đồ ghê tởm; còn những ai chính trực, thì Người nhận làm bạn tâm giao.
(Trích Sách Châm Ngôn bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Tôi nghĩ sao về lời từ Sách Châm Ngôn hôm nay: Thiên Chúa muốn chọn tôi làm bạn tâm giao của Ngài?  Tôi còn ngần ngại gì nữa?  Ngài đang chờ đợi tôi, bạn tâm giao của Ngài, trong giờ cầu nguyện này.  Tôi muốn mở lòng, tôi muốn tâm tình, tôi muốn đồng cảm với Ngài thật thân mật, như bạn thân với bạn thân. 
2.      Nếu ai cho rằng, đi đạo thì chỉ lo chuyện giữ đạo trong nhà thờ mà thôi, chẳng liên quan gì đến đời thường, người đó quả là lạc đạo.  Nếu ai mỉa mai cho rằng, thật là nhảm nhí: ngày nay mà còn tin vào Kitô giáo, ít ra họ nên đọc những lời từ Sách Châm Ngôn hôm nay.  Những lời này đã viết cách đây gần 3000 năm vậy mà, nó vẫn chẳng lỗi thời, bởi con người ở mọi thời đại vẫn phải học mà vẫn chưa làm được bao nhiêu.  Kết thúc giờ cầu nguyện này, tôi muốn thực hiện ngay một nghĩa cử bác ái và muốn được biến nó trở thành một nếp sống trong tôi.  
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, September 22, 2018

Chúa Nhật Tuần XXV Thường Niên – Năm B – II –23-9-2018


CN XXV TN
Gia-cô-bê 3:16-4:3
3:16 Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa.17 Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.18 Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính. 4:1 Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?2 Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin;3 anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.
(Trích Thư Gia-cô- bê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Có lẽ nhiều khi tôi đã tự hỏi làm thế nào để biết rằng tôi đang làm việc của Chúa, chứ không phải việc của ma quỉ?  Làm thế nào để nghe được tiếng Chúa và làm theo ý Chúa?  Gia-cô-bê trong bài đọc hôm nay cho tôi biết những dấu chỉ thế nào là thuộc về Chúa và thế nào là thuộc về ma quỉ.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn đọc lại những lời trên của Gia-cô-bê để nhìn cho rõ hướng đi của Chúa cũng như của ma quỉ, và để ý xem, bao lâu nay tôi đang để ai đang dẫn dắt tôi.
2.      Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện này bằng cách chọn suy nghĩ, lời nói và cử chỉ trong ngày sống của tôi sao cho đúng những gì “đức khôn ngoan” chỉ bảo.  Tôi cũng có thể chọn cách sống trong ngày sao cho chính tôi trở thành khí cụ xây dựng hòa bình ở mọi nơi tôi đến và với mọi người tôi tiếp xúc trong ngày.  Đây chính là những cách xin đúng, không tà ý.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, September 21, 2018

Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên – Năm B – II –22-9-2018


Thu Bay XXIV TN
Luca 8:4-15
4 Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:5 "Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất.6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt.7 Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt.8 Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm"…9 Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì.10 Người đáp: “…Hạt giống là lời Thiên Chúa.12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ.13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc.14 Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành.15 Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Tôi có thể nhận ra ngay hai điều từ dụ ngôn này: Thứ nhất, hạt giống là lời Chúa, một khi đã gieo chắc chắn sẽ nảy mầm, dù ở điều kiện nào, vệ đường, sỏi đá, bụi gai, hay đất tốt.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn nhìn lại đời sống của tôi xem nó thuộc loại đất nào?  Hạt lời Chúa đã gieo, chắc chắn nó sẽ nảy mầm, vậy tôi phải làm gì để hạt trổ sinh hoa trái dồi dào? 
2.      Thứ hai, hạt sẽ sinh được hoa trái hay không và sinh nhiều hay ít lại tùy thuộc ở tôi là mảnh đất.  Nếu trong lúc này Chúa đến và thu hoạch hạt Ngài đã gieo, liệu Ngài vui hay buồn?  Ngài sẽ nói gì với tôi khi nhìn những kết quả gieo của Ngài trong lòng tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này về thửa đất của tôi?    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, September 20, 2018

Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên – Năm B – II –21-9-2018 – Lễ Thánh Mát-thêu


Thu Sau XXIV TN
Mát-thêu 9:9-13
9 Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người.10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?"12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Hôm nay lễ Thánh Mát-thêu, ông đã từng là một nhân viên thuế vụ cho ngoại bang La-mã.  Vì thế dân Do-thái rất ghét ông, không chỉ vì ông tham nhũng, nhưng còn vì làm tay sai cho La-mã.  Nói chung, ông bị liệt vào hàng tội lỗi.  Ấy vậy mà Chúa Giêsu lại gọi ông.  Lập tức ông đứng dậy và đi theo Ngài.  Nhờ vậy ông trở thành một vị thánh quan trọng trong Giáo hội.  Điều này có là một hy vọng cho tôi không?  Thiên Chúa luôn muốn gặp con người, dù họ đang trong tình trạng nào.  Tôi thánh thiện tốt lành ư?  Chúa muốn gọi tôi.  Tôi tội lỗi xấu xa ư?  Chúa muốn gọi tôi.  Tôi nghi ngờ Ngài ư?  Ngài muốn gặp tôi.  Tôi sẵn sàng đáp trả tiếng gọi của Ngài không?  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn mở lòng cho lời mời gọi của Ngài và đặc biệt dám đáp trả lời mời gọi ấy một cách quảng đại.  Oscar Wilde nói: “Thánh nhân nào cũng có một quá khứ, và tội nhân nào cũng có một tương lai.”  Can đảm lên, dù tôi có đang như thế nào!
2.    Tôi đang tội lỗi ư?  Nếu Chúa Giêsu đến đồng bàn và muốn ăn bữa với tôi, tôi cảm thấy thế nào?  Tôi muốn lắng nghe những rung cảm trong tôi từ câu trả lời của tôi với Chúa Giêsu.  Tôi tội lỗi và bệnh hoạn ư?  Chúa Giêsu nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."  Hơn bao giờ hết, Chúa đang muốn ở gần tôi trong lúc này.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, September 19, 2018

Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên – Năm B – II – 20-9-2018 – Lễ Các Thánh Tử Đạo Hàn Quốc

Thu Nam XXIV TN
Luca 7:36-50
36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn.37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!"40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: "Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!" Ông ấy thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói."41 Đức Giê-su nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục.42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?"43 Ông Si-môn đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn." Đức Giê-su bảo: "Ông xét đúng lắm."44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít."48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi."49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội?"50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Lời tả của Luca thật sống động.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn đặt mình vào một trong các nhân vật trong bối cảnh trên.  Tôi thấy gì?  Tôi ngửi thấy gì?  Tôi nghe thấy gì?  Tôi cảm thấy gì?  Tôi nếm thấy gì?  Tôi muốn đi vào trong đối thoại với Chúa Giêsu về những câu chuyện rất riêng tư của tôi và để ý xem Ngài nói với tôi như thế nào.
2.     Tôi để ý câu nói của Chúa Giêsu với người đàn bà tội lỗi: “Tội của chị đã được tha rồi.”  Nếu câu nói đó Chúa Giêsu nói với tôi, tôi cảm thấy thế nào?   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, September 18, 2018

Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên – Năm B – II – 19-9-2018


Thu Tu XXIV TN
1Cor 13:31-13:13
31 Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.
1 Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.2 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.3 Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.4 Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.8 Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn.9 Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn.10 Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi.11 Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con.12 Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.13 Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.
(Trích Thư Cô-rin-tô I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Những lời Phao-lô nói hôm nay thật cần thiết cho đời sống phục vụ của tôi hôm nay.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn xem lại tất cả mọi việc làm và hy sinh của tôi bao lâu nay, có lòng mến trong đó không?  Nếu có tôi xin cho được khiêm nhường, tiếp tục hy sinh và làm việc.  Nếu không, tôi xin cho được ý thức về lòng mến trong mọi việc tôi làm.
2.     Tôi muốn đọc lại định nghĩa của Phao-lô về “đức mến”: “4 Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.8 Đức mến không bao giờ mất được.  Tôi muốn để cho định nghĩa này vang vọng mãi trong tôi, chiếm hữu tôi và để cho những lời này hướng dẫn ngày sống của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ