Wednesday, January 31, 2024

Thứ Năm – Tuần IV Thường Niên – Năm B – 1-2-2024

Thu Nam IV TN

1 Vua 2:1-4, 10-12

1Khi thấy mình đã gần đất xa trời, vua Đa-vít truyền dạy Sa-lô-môn con mình rằng: 2“Cha sắp bước vào đoạn đường mà mọi người trên đời phải đi qua; con hãy can đảm lên, và sống cho xứng bậc nam nhi. 3 Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của con, mà đi theo đường lối của Người, là giữ các giới răn, mệnh lệnh, luật pháp, và chỉ thị của Người, như đã ghi trong Luật Mô-sê.  Như thế con sẽ thành công trong mọi việc con làm và trong mọi hướng con đi, 4và Đức Chúa sẽ thực hiện lời Người đã phán với cha rằng: ‘Nếu con cái ngươi sống cho phải đạo, là hết lòng hết dạ bước đi trung thực trước nhan Ta, thì ngươi sẽ không bao giờ thiếu người ngự trên ngai Ít-ra-en.’” 10 Vua Đa-vít đã an nghỉ với tổ tiên ông, và được chôn cất trong Thành vua Đa-vít. 11 Thời gian vua Đa-vít trị vì Ít-ra-en là bốn mươi năm: vua trị vì tại Khép-rôn bảy năm và tại Giê-ru-sa-lem ba mươi ba năm. 12 Vua Sa-lô-môn ngự trên ngai vua Đa-vít, thân phụ ông, và vương quyền của ông thật là vững chắc.

(Trích Sách Các Vua 1, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay ghi nhận ​​việc Đa-vít chuyển giao vương quyền cho con trai ông là Sa-lô-môn.  Tôi có thể tưởng tượng cuộc trò chuyện này có sự chứng kiến ​​của các cố vấn và thành viên triều đình.  Tôi muốn dừng lại một chút để suy ngẫm về mức độ cảm xúc của bối cảnh này, khi Đa-vít nói chuyện với Sa-lô-môn, truyền lại tất cả những gì ông đã học được từ những năm làm lãnh đạo Ít-ra-en.  Tôi chú ý đến nhân vật nào?  Tôi có thể hỏi Đa-vít về những sự kiện xảy ra trong triều đại của ông?  Mối quan hệ của ông với Chúa?  Tôi có muốn hỏi Sa-lô-môn câu trả lời của ông trước những chỉ dẫn của Đa-vít không?  Liệu ông ta có kế hoạch gì cho riêng mình khi đảm nhận trách nhiệm làm vua?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý xem, liệu có điều gì trong bài đọc này phù hợp với hành trình cuộc đời của chính tôi hay không.  “Con hãy can đảm lên, và sống cho xứng bậc nam nhi.  Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của con.  Tôi muốn dành thời gian còn lại của giờ cầu nguyện này, chia sẻ với Chúa bất kỳ suy nghĩ nào nảy sinh trong tôi, từ cuộc gặp gỡ giữa hai vị vua già và trẻ này.  Tôi muốn xin sự khôn ngoan để biết sống thật ý nghĩa trọn ngày hôm nay.  Tôi cũng tạ ơn vì tình yêu vĩnh hằng, không lay chuyển của Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, January 30, 2024

Thứ Tư – Tuần IV Thường Niên – Năm B – 31-1-2024 – Lễ Thánh Gioan Bosco

Thu tu IV TN

Mác-cô 6:1-6

1Khi ấy, Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường.  Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên.  Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế?  Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?  Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao?  Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”  Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin.  Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một trình thuật rất buồn về sự thất bại đầu đời trong công cuộc rao giảng của Chúa Giêsu.  Bài đọc ghi nhận Chúa Giêsu trở về quê quán của Ngài để rao giảng và Ngài đã gặp một phản ứng rất mạnh từ những người cùng quê với Ngài, theo kiểu: “Bụt nhà không thiêng”!  Những người hàng xóm đã biết Ngài từ khi Ngài còn là một cậu bé, ấy thế mà hôm nay họ ngỡ ngàng khi thấy cậu bé ấy lại đứng lên giảng dạy họ.  Tôi có thể nhớ lại thời điểm mà tôi đã có trải nghiệm này về người khác hoặc về chính mình không?  “Và họ đã xúc phạm Ngài”.  Hãy chia sẻ với Chúa kinh nghiệm được chấp nhận hoặc bị chối từ trong cộng đồng của tôi. 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và xin cho được ơn biết đón nhận những cách thức bất ngờ mà Thiên Chúa có thể tác động trong cuộc đời tôi và cuộc đời người khác.  “Sau đó ngài đi khắp các làng giảng dạy”.  Khi tôi tìm cách nhận ra con đường của chính mình, hãy xin Chúa truyền cảm hứng để tôi bước theo bước chân của Ngài, đặt tôi vào nơi tôi phải đến.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, January 29, 2024

Thứ Ba – Tuần IV Thường Niên – Năm B – 30-1-2024

Thu Ba IV TN

Mác-cô 5:21-43

21Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia.  Một đám rất đông tụ lại quanh Người.  Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới.  Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi.  Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.” 24 Người liền ra đi với ông.  Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

25Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người. 28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” 31 Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã sờ vào tôi?’” 32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình.  Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34 Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

35Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” 36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường.  Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy?  Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” 40 Họ chế nhạo Người.  Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi.  Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một trích đoạn rất thú vị, diễn tả không chỉ những nét đặc thù trong văn viết của Mác-cô nhưng còn nói lên sức mạnh của niềm tin.  Bài đọc hôm nay bao gồm hai câu chuyện: một là của ông Gia-ia và hai là của người đàn bà bị băng huyết.  Cả hai câu chuyện được lồng vào nhau theo kiểu bánh mì kẹp thịt, tức là: câu chuyện của ông Gia-ia được chia làm đôi và câu chuyện người đàn bà bị loạn huyết được chen vào giữa hai phân nửa câu chuyện của của Gia-ia.  Mục đích: kêu gọi sự chú ý của tôi không chỉ đến quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu mà còn đến món quà hòa nhập và nâng đỡ mọi người trong cộng đoàn.  Tôi cần chú ý đến các chi tiết, cảm xúc và sự tương tác được mô tả trong đoạn văn.  Trước hết, lời cầu xin của người lãnh đạo hội đường, nói lên nhu cầu nhưng cũng nói lên sự mong đợi.  Ông ta khẩn thiết cầu xin - không sẵn sàng chấp nhận cho lời từ chối.  Có lẽ ông ấy không quen với việc bị từ chối…  Hãy dành thời gian để xem, liệu đã có lúc nào tôi cầu nguyện khẩn thiết như vậy chưa?  Bất chợt, Mác-cô chen câu chuyện của người đàn bà vô danh tiểu tốt vô.  Căn bệnh của bà trở thành căn tính của bà, căn bệnh ấy đã rút hết tất cả những gì bà ấy có.  Bà ấy tốn biết bao nhiêu tiền cho các thầy thuốc, nhưng tiền mất mà tật vẫn mang, chẳng giúp được gì.  Tôi có thể đặt mình vào vị trí của bà ấy chăng?  Đã bao giờ tôi trải qua cảm giác như vậy chưa?  Vì căn bệnh của mình, bà ta bị cộng đồng coi là ô uế.  Mọi người xa tránh bà…  Nhưng bà có một niềm tin mạnh đến khó tin, nó đã làm cho bà ấy nghĩ rằng, nếu chỉ được đụng đến gấu áo Chúa Giêsu thì bà ấy sẽ được khỏi, một hành động rất nhỏ.  Hành động của bà ấy nói gì về đức tin của tôi?  Quả đúng như bà tin.  Khi bà ấy luồn lách giữa đám đông để đến gần Chúa Giêsu và đụng vào gấu áo của Ngài, bà đã cảm thấy được khỏi bệnh ngay lập tức.  Phần Chúa Giêsu cũng cảm nhận được, có một sức mạnh từ Ngài đã truyền qua hành động đụng chạm của bà ấy, nên Ngài đã hỏi ai đã vừa đụng vào Ngài!  Đây là kiểu viết rất khéo của Mác-cô cho tôi thấy rằng, Thiên Chúa luôn biết đến mọi lời cầu nguyện của tôi, dù tôi chỉ cầu nguyện trong chóng vánh, lo lắng, và sợ sệt, hoặc do dự.  Sự chữa lành đã đưa bà ấy trở lại với chính mình và cộng đồng của mình.  Bây giờ, bà ấy không còn được biết bằng căn bệnh của bà nữa, mà là: “Con!”  Bà trở nên quý trọng trong con mắt của Chúa Giêsu, như đứa con gái ruột của ông Gia-ia.  

2.     Sau khi đã kể xong câu chuyện của người đàn bà bị loạn huyết, Mác-cô kể tiếp phần hai câu chuyện của Gia-ia.  Hãy hình dung khoảnh khắc khi có người báo tin, con gái Gia-ia đã chết.  Những cảm xúc nào nảy sinh trong tôi?  Còn phản ứng của Chúa Giêsu trước tin tức này thì sao?  Tôi có thể suy ngẫm về những thời điểm trong cuộc sống của tôi khi những tình huống dường như vô vọng, tôi có cảm thấy rằng Chúa Giêsu có thể đang mời gọi tôi tin tưởng vào quyền năng biến đổi của Ngài không?  Đã bao giờ tôi nghe cái chết được gọi là “ngủ” chưa?  Có lẽ mọi người nghĩ rằng Chúa Giêsu chỉ đang cố gắng xoa dịu nỗi đau của gia đình.  Không.  Những lời Chúa Giêsu nói không chỉ để xoa dịu mọi người, nhưng diễn tả một điều gì rất lớn mà Ngài đang muốn làm cho gia đình của Gia-ia: niềm vui của sự chữa lành và hồi sinh sự sống thực sự.  Hãy hình dung cảm giác nhẹ nhõm tràn ngập căn nhà của Gia-ia.  Hãy nhìn thấy sự ngạc nhiên và hoài nghi tràn ngập khắp đám đông.  Cảm giác thực tế và hấp dẫn khi Ngài nói vợ chồng Gia-ia hãy cho bé ăn.  Tôi có thể cần cái chạm chữa lành của Chúa Giêsu ở đâu? Hãy mời Chúa Giêsu, xin Ngài thực thi quyền bính của Ngài trên chỗ đó và mang lại cho tôi sự tự do và bình an.  Hãy tin tưởng vào Ngài, tìm kiếm sự chữa lành của Ngài và cởi mở đón nhận sự kỳ diệu của tình yêu Ngài.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, January 28, 2024

Thứ Hai – Tuần IV Thường Niên – Năm B – 29-1-2024

 Thu Hai IV TN

Mác-cô 5:1-20

1Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ sang bờ bên kia Biển Hồ, đến vùng đất của dân Ghê-ra-sa. 2 Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. 3 Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. 4 Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm.  Và không ai có thể kiềm chế anh được. 5 Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá rạch mình. 6 Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người 7và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông?  Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” 8 Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!” 9 Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?”  Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” 10 Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. 11 Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. 12 Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” 13 Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo.  Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. 14 Các người chăn heo bỏ chạy, báo tin trong thành và thôn xóm.  Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. 15 Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo - chính người này đã bị Đạo Binh quỷ nhập vào.  Họ phát sợ. 16 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. 17 Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người đi khỏi vùng đất của họ. 18 Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin được ở với Người. 19 Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương xót anh như thế nào.” 20 Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh.  Ai nấy đều kinh ngạc.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Kinh Thánh như là một thư viện thu nhỏ, trong đó bao gồm rất nhiều sách do nhiều tác giả viết với các thể loại khác nhau, vào những thời điểm và bối cảnh lịch sử khác nhau.  Bởi thế tùy vào loại sách trong Kinh Thánh mà tôi cần có một trải nghiệm về bối cảnh của đoạn văn, như thế sẽ giúp ích cho giờ cầu nguyện của tôi hơn.  Chẳng hạn như bài đọc hôm nay, chứa đựng rất nhiều điều về quyền năng biến đổi của Chúa Giêsu, có lẽ là một cơ hội để tôi suy niệm tốt trong giờ cầu nguyện này.  Trước hết, sau khi một ngày dài mệt mỏi làm việc với đám đông dân chúng, Chúa Giêsu muốn tránh xa để nghỉ ngơi.  Ngài cùng các môn đệ lên thuyền băng qua bờ bên kia.  Trong lúc trên thuyền Ngài đã ngủ đến mê mệt. Ngài có vẻ chưa sẵn sàng để gặp một người như người đàn ông được mô tả trong bài đọc hôm nay.  Hãy hình dung cảnh con thuyền cập bờ.  Cảm nhận sự thô sơ của môi trường xung quanh, mùi sắt từ những chiếc cùm bị gãy.  Một người đàn ông dày vò, dường như không còn là con người, sống trong sự hoang tàn khắc nghiệt của nghĩa trang, “tru tréo và rạch mình”.  Hãy chứng kiến ​​nỗi thống khổ của người đàn ông khi anh ta phải chịu ảnh hưởng của ma quỷ.  Tôi thấy gì?  Tôi còn thấy, nghe, ngửi và cảm nhận được điều gì nữa trong lúc này?  Tôi nhận thấy điều gì, cảm xúc nảy sinh?  Tôi đã đặt mình vào đâu trong bối cảnh đó?  Tôi cảm thấy bị thu hút bởi nhân vật nào?  Các môn đệ trên thuyền, những người dân trong làng tò mò, hoặc chính người đàn ông đau khổ.  Câu chuyện này nói lên trải nghiệm đau khổ hoặc tuyệt vọng của chính tôi như thế nào?  Hãy hình dung cuộc trò chuyện của chính tôi với Chúa Giêsu.  Tôi sẽ nói gì với Ngài và Ngài có thể nói gì với tôi? Hãy chia sẻ những khó khăn hoặc trải nghiệm đã đưa tôi đến thời điểm này và lắng nghe những lời an ủi và chữa lành của Ngài.  Và rồi sự chữa lành… nhanh chóng và chắc chắn như cơn bão đã lặng yên, người đàn ông được tự do.  Hãy suy ngẫm về sự chữa lành và giải thoát mà tôi đã trải qua trong cuộc đời.  Đã có lúc nào Chúa đưa tôi từ chỗ tan vỡ đến chỗ trọn vẹn chưa?  

2.     Tôi có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình như thế nào?  “Hãy về nhà với bạn bè và kể cho họ biết Chúa đã làm gì cho anh và Ngài đã tỏ lòng thương xót với anh ra sao.”  Hãy suy ngẫm về phản ứng của tất cả các nhân chứng, của chính người đàn ông đó.  Mọi người có thể phản ứng thế nào trước quyền năng biến đổi của Chúa Giêsu?  Tôi có thể nhớ lại thời điểm tôi làm chứng cho ân sủng chữa lành của Chúa không?  Tôi dành thời gian còn lại của giờ cầu nguyện, trong niềm tin tưởng và cầu nguyện, tôi muốn chia sẻ mọi suy nghĩ hoặc mong muốn đang xảy ra trong tôi với Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, January 27, 2024

Chúa Nhật – Tuần IV Thường Niên – Năm B – 28-1-2024

CN VI TN

Đệ Nhị Luật 18:15-20

15Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy. 16 Đó chính là điều mà anh em đã xin với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội; anh em đã nói: ‘Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết.’ 17 Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi: ‘Chúng nói phải. 18 Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. 19 Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. 20 Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.’”

(Trích Đệ Nhị Luật, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có một sự chỉ dẫn rõ ràng về vai trò của một tiên tri cho Chúa.  Tiên tri nào nhân danh Chúa mà nói, Chúa sẽ ủng hộ.  Nhưng ai không nói lời Chúa: “Nhà tiên tri đó sẽ chết”.  Những lời lẽ khá rõ ràng - một lời nhắc nhở rằng, việc trở thành một nhà tiên tri có nhiều điều hơn là chỉ hướng tới tương lai một cách hùng hồn.  Rất lâu trước khi nhà tiên tri nói bất cứ điều gì, cuộc sống của ông/bà ấy phải được xây dựng trên Lời Chúa – những gì Chúa phán.  Và điều đó có nghĩa là học cách lắng nghe.  Điều gì ngăn cản tôi nghe tiếng gọi của Chúa?  Điều gì khiến tôi sẵn sàng nói hơn là lắng nghe?  Để nghe được Lời Chúa, chưa nói đến việc thu hết can đảm, dấn thân để đáp lại và hành động một cách quảng đại, cần phải có thời gian.  Tôi thực hiện những loại đường tắt nào?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và tập trung vào phản ứng khá mệt mỏi và cáu kỉnh của mọi người:“Nếu tôi nghe thấy tiếng Chúa một lần nữa, tôi sẽ chết mất.”  Đó là lời phàn nàn không ngừng nghỉ của những người ở sa mạc, không biết liệu họ có thực sự tin cậy Môi-se nữa hay không và đang tìm kiếm - không còn nghi ngờ gì nữa - một con đường nhanh chóng để vào với Đất Hứa.  Tôi có cảm thấy mệt mỏi và khó chịu như vậy không?  Khi cầu nguyện cho những nhân đức tạo nên vị tiên tri - sự kiên nhẫn và sức mạnh cũng như khả năng nói một cách rõ ràng và có mục đích - trước tiên hãy xin Chúa cho được ơn biết sẵn sàng lắng nghe.  Sau đó, có lẽ hãy thưa với Chúa về điều gì đó trong tôi khiến tôi trở thành một nhà tiên tri giỏi, đúng nghĩa là người của Thiên Chúa - và những điều gì trong tôi khiến tôi trở thành một nhà tiên tri tinh ranh, khôn lỏi, sai lệch với đường lối của Chúa.  Tôi có thể xin sự khôn ngoan để nhận biết lời Chúa một cách rõ ràng hơn trong cuộc sống của mình chăng?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, January 26, 2024

Thứ Bảy – Tuần III Thường Niên – Năm B – 27-1-2024

Thu Bay III TN

Mác-cô 4:35-41

35Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.  Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi!  Câm đi!”  Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế?  Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” 41 Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật hay và tôi có thể dùng phương pháp cầu nguyện hình dung của Thánh Inhaxio trong giờ cầu nguyện này.  Trước hết, tôi hình dung cảnh các môn đệ đang ở trên thuyền, chở Chúa Giêsu qua bờ bên kia.  Có lẽ Chúa Giêsu đã trải qua một ngày rất dài, rất mệt, nên mọi người đã để yên cho Ngài ngủ.  Ngài ngủ mê đến nỗi cuồng phong nổi lên, nước tràn vào thuyền, vậy mà Ngài vẫn ngủ.  Tôi hình dung các môn đệ lúc đó lúng túng, vất vả, bận rộn chèo chống và tát nước khỏi thuyền.  Sự mệt mỏi của các ông đã nhân đôi và sự bực tức cũng phát thành tiếng cáu gắt, lấn át sự kiên nhẫn và nể trọng đối với Chúa Giêsu trước kia, khi mà họ thấy Ngài cứ ngủ, như chẳng quan tâm: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?”  Có khi nào tôi cũng rơi vào tình cảnh khó khăn, chạy ngược chạy xuôi, sợ, mệt đến chết được?  Tôi làm gì những lúc đó?  Tôi có cầu nguyện không?  Tôi có cảm thấy Chúa đáp lời không?  Tôi đã nói gì hay cảm thấy thế nào khi chẳng thấy Chúa ra tay?  Giờ đây khi mọi khó khăn đã qua đi, tôi cảm thấy thế nào về sự đáp trả của Chúa?  Ngài vẫn hiện diện với tôi hay vắng mặt, hoặc im lặng, hoặc đã đáp lời giúp tôi mà khi ấy tôi đã chẳng nhận ra, mãi cho đến bây giờ tôi mới biết?  Tôi cảm thấy thế nào, nếu Chúa cũng trách tôi như đã trách các môn đệ:  “Sao nhát thế?  Chưa có lòng tin sao?”  Tôi trả lời sao với câu nói này của Chúa Giêsu?  

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý những từ ngữ hay cụm từ nào hoặc hình ảnh nào làm tôi chú ý nhất.  Hãy để ý những từ ngữ và hình ảnh ấy dẫn tôi đi đâu, gần Chúa hay xa Ngài, yêu mến Chúa hay dỗi hờn Ngài?  Tôi thổ lộ cùng Chúa tất cả cõi lòng của tôi về niềm tin, sự nghi ngờ, lòng yêu mến hoặc dỗi hờn với Ngài. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, January 25, 2024

Thứ Sáu – Tuần III Thường Niên – Năm B – 26-1-2024 – Lễ Thánh Ti-mô-thê và Ti-tô

Thu Sau III TN

2 Ti-mô-thê 1:1-8

1Tôi là Phao-lô, Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, do ý muốn của Thiên Chúa, chiếu theo lời Thiên Chúa hứa ban sự sống vốn có trong Đức Ki-tô Giê-su, 2gửi anh Ti-mô-thê, người con yêu dấu.  Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh được ân sủng, lòng thương xót và sự bình an. 3 Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch, theo gót tổ tiên; tôi tạ ơn Người khi tôi không ngừng nhắc nhớ đến anh, trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm cũng như ngày. 4 Nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ước ao gặp lại anh để được chan chứa niềm vui. 5 Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy. 6 Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. 7 Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. 8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.

(Trích Thư Ti-mô-thê 2, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể tiếp nhận sứ điệp của Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê như một sứ điệp gửi đến tôi trong giây phút này, sứ điệp về “ân sủng, lòng thương xót và sự bình an từ Thiên Chúa là Cha và Đức Chúa Giêu Kitô, Chúa chúng ta” không?  Nếu tôi có thể -- thì điều đó khiến tôi cảm thấy thế nào?  Hãy hình dung nếu ai đó khẳng định đức tin của tôi, như thế này, là “niềm tin chân thành”, tôi sẽ cảm thấy thế nào?  Động viên?  Lúng túng?  Không thoải mái?  Khẳng định...?  Và nếu những lời đó được nói trực tiếp với tôi, rằng “tôi có một món quà của Chúa ở trong tôi” - một món quà mà tôi có thể khơi gợi lên - tôi sẽ muốn làm gì với nó?  Có thể tất cả điều này là sự thật?  Liệu tất cả những “nếu” đó trên thực tế có đúng không?  

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, hãy nghĩ về điều đó, rằng tất cả những từ này có thể có ý nghĩa với tôi ngay lúc này.  Bài đọc cho tôi biết rằng ơn gọi và những hồng ân tôi nhận được là do Thiên Chúa ban tặng nhưng không, không phải do tôi tạo ra, kiếm được hay xứng đáng do nỗ lực của tôi.  Món quà nào - mà tôi chưa kiếm được – tôi có cảm thấy mong muốn cầu xin Chúa không?  Hãy cầu nguyện cho điều đó bằng lời nói của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, January 24, 2024

Thứ Năm – Tuần III Thường Niên – Năm B – 25-1-2024 – Lễ Thánh Phao-lô Tông Đồ Trở Lại

Thu Nam III TN

Công Vụ Tông Đồ 22:3-16

3Hôm đó, ông Phao-lô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt.  Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. 4 Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, 5như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi.  Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị. 6 Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. 7 Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: ‘Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’ 8 Tôi đáp: ‘Thưa Ngài, Ngài là ai?’  Người nói với tôi: ‘Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.’ 9 Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. 10 Tôi nói: ‘Lạy Chúa, con phải làm gì?’  Chúa bảo tôi: ‘Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.’ 11 Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát. 12 Ở đó, có ông Kha-na-ni-a, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là tốt. 13 Ông đến, đứng bên tôi và nói: ‘Anh Sa-un, anh thấy lại đi!’  Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. 14 Ông nói: ‘Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. 15 Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe. 16 Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.”

(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất hay – Thiên Chúa can thiệp một cách lạ lùng vào cuộc đời của Sa-un.  Và cũng đáng chú ý không kém là câu trả lời ngay lập tức của Sa-un: “Thưa Ngài, tôi phải làm gì?”  Có lẽ ánh sáng chói mắt này là cách duy nhất để thu hút sự chú ý của Sa-un.  Và Sa-un đáp lại một cách đơn giản nhưng hết lòng.  Tôi có thể nghĩ đến khoảnh khắc nào trong cuộc đời mà Chúa đã có được sự chú ý của tôi không?  Có lẽ không phải qua một ánh sáng chói mắt!  Nhưng có lẽ dưới một hình thức nào đó…  Đã có lần nào trong đời tôi hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì?”  Tôi có muốn đáp lại tiếng Chúa một cách quảng đại hết lòng như Sa-un không?

2.     Tôi đọc lại câu chuyện trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến những phản ứng của chính tôi trước lời mời gọi của Chúa.  Sa-un, sau đó được gọi là Phao-lô, được mời gọi làm chứng về những gì ông đã thấy và đã nghe.  Hãy dành thời gian còn lại của giờ cầu nguyện để nói chuyện với Chúa Giêsu về việc tôi mong muốn làm chứng cho những gì tôi biết về Ngài, kinh nghiệm về Ngài- dưới bất kỳ hình thức nào trong cuộc sống của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, January 23, 2024

Thứ Tư – Tuần III Thường Niên – Năm B – 24-1-2024 – Lễ Thánh Francis de Sales, Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Tu III TN

Mác-cô 4:1-9

1Khi ấy, Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ.  Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống ngồi trên thuyền đang đậu dưới biển, còn tất cả dân chúng thì ở trên bờ. 2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều.  Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ: 3“Các người nghe đây!  Người gieo giống đi ra gieo giống. 4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. 8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt được ba chục, hạt được sáu chục, hạt được một trăm.” 9 Rồi Người nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong Tin Mừng Mác-cô, bất cứ khi nào Chúa Giêsu ở bên bờ biển, thì luôn có một điều gì đó quan trọng sẽ xảy ra.  Tôi nghĩ điều quan trọng đang diễn ra ở đây là gì?  Ở đây Chúa Giêsu kể một câu chuyện về các loại thửa đất khác nhau.  Tôi có để ý thấy Ngài đề cập đến bao nhiêu loại khác nhau không?  Tôi có thể nghĩ chúng biểu tượng cho những gì?

2.     Bây giờ tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa.  Lời đầu tiên Chúa Giêsu nói là gì và lời cuối cùng là gì?  Tại sao tôi nghĩ như vậy?  Thông điệp mà Lời Chúa hôm nay muốn gửi tới tôi là gì?  Cuối cùng, bằng những ngôn từ rất riêng tư của tôi, tôi muốn nói với Chúa Giêsu về những gì đã xảy ra trong tâm trí tôi từ bài đọc hôm nay…

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, January 22, 2024

Thứ Ba – Tuần III Thường Niên – Năm B – 23-1-2024

 Thu Ba III TN

Mác-cô 3:31-35

31Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho mời Người ra. 32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người.  Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” 33 Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi?  Ai là anh em tôi?” 34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay dẫn tôi vào thế giới riêng tư của Chúa Giêsu, gia đình của Ngài.  Tôi có thể đặt mình vào bối cảnh đó và hình dung “mẹ và các anh em” của Chúa Giêsu…  Tôi nghĩ tại sao họ lại sai người đến gặp Ngài và gọi Ngài?  Tại sao họ lại cố gắng nói chuyện với Ngài?  Hãy để ý đến câu trả lời của Chúa Giêsu.  Hãy hình dung tôi là một người trong đám đông.  Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến tôi cảm thấy thế nào?  Bây giờ hãy hình dung tôi là mẹ của Chúa Giêsu, hay một trong những anh em của Người?  Tôi cảm thấy thế nào khi cố gắng tiếp cận Ngài, với rất nhiều người khác đang vây xung quanh?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần và để ý, có một cụm từ nào trong bài đọc tóm lược toàn bộ bản văn cho tôi không?  Cụm từ đó là gì?  “Ai làm theo ý Thiên Chúa là anh chị em và mẹ tôi.”  Tôi có thể kết thúc lời cầu nguyện hôm nay bằng cách cầu xin khơi dậy ước muốn làm theo ý Thiên Chúa…

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, January 21, 2024

Thứ Hai – Tuần III Thường Niên – Năm B – 22-1-2024

Thu Hai III TN

Mác-cô 3:22-30

22Khi ấy, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống, nói về Đức Giê-su rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Đức Giê-su liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; 25nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó. 28 Tôi bảo thật các ông, mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30 Đó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hãy để giờ ra ngồi bên Chúa Giêsu để đọc cho kỹ bài đọc hôm nay.  Tôi nghĩ Chúa Giêsu cảm thấy thế nào sau lời buộc tội rằng, Ngài “bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám?”  Hãy ngồi cạnh Ngài khi Ngài trả lời… giọng điệu của Ngài lúc này như thế nào?  Đôi khi người ta rất lo lắng về điều Chúa Giêsu nói ở đây: “Ai nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng bao giờ được tha, mà còn mắc tội muôn đời”.  Những lời này có làm tôi lo lắng chút nào không?  Tôi sẽ khuyên ai đang lo lắng hoặc sợ hãi về chúng như thế nào?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa để nhận thấy ra, có hai mặt đối lập trong câu chuyện.  Hãy tự hỏi bản thân: “Tôi muốn đứng về phía nào?  Tôi đang ở bên nào?”  Giờ đây, đang khi ngồi bên Chúa Giêsu, hãy nói chuyện với Ngài như bạn nói với bạn về bất cứ điều gì đang xảy ra trong tâm trí tôi…, không muốn bỏ dở điều gì?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, January 20, 2024

Chúa Nhật – Tuần III Thường Niên – Năm B – 21-1-2024

CN III TN

Giô-na 3:1-5, 10

1 Có lời Đức Chúa phán với ông Giô-na rằng: 2 “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” 3 Ông Giô-na đứng dậy và đi Ni-ni-vê, như lời Đức Chúa phán.  Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. 4 Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” 5 Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ… 10 Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa.

(Trích Sách Giô-na, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Như tôi đã biết, đây là lần thứ hai Giô-na được gọi đi nói với dân thành Ni-ni-vê.  Hãy đặt mình vào vị trí của Giô-na trong giây phút này.  Điều gì đang cản trở tôi làm theo lời mời gọi của Chúa?  Ni-ne-vê rõ ràng là một nơi rộng lớn!  Giô-na có thể chọn nơi nào trong thành phố để bắt đầu lời rao giảng của mình?  Tôi sẽ chọn ở đâu nếu hôm nay tôi nhận được một nhiệm vụ như thế này?  Thông điệp Giô-na đưa ra, như được ghi lại ở đây, vừa mang tính thách thức vừa không khoan nhượng.  Sẽ như thế nào nếu phải gửi một tin nhắn như thế này ngày hôm nay?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần, hãy chú ý phản ứng ngay lập tức của người dân thành Ni-ni-vê và hình dung Giô-na sẽ làm gì về điều này.  Tôi dành những giây phút còn lại trong giờ cầu nguyện này, nhớ lại những lúc tôi nghe Chúa phán một cách mạnh mẽ, qua Kinh Thánh hoặc bằng những cách khác.  Tôi đã phản ứng như thế nào?  Bây giờ tôi muốn trả lời với Chúa như thế nào?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, January 19, 2024

Thứ Bảy – Tuần II Thường Niên – Năm B – 20-1-2024

Thu Bay II TN

Mác-cô 3:20-21

20Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật ngắn, chỉ bao gồm hai câu; ấy thế cũng đủ để cho tôi thấy một ngày sống của Chúa Giêsu và các môn đệ như thế nào.  Các ngài bận đến không có giờ ăn nghỉ vì sự thèm khát của dân chúng về những lời dạy và chữa lành của Chúa Giêsu.  Có khi nào tôi cũng ở trong hoàn cảnh bận rộn giống Chúa Giêsu và các môn đệ không?  Chúa Giêsu bận rộn suốt cả ngày vì lo cho những nhu cầu của mọi người, đến nỗi người nhà của Ngài lo lắng mà cho rằng Ngài mất trí!  Còn tôi, tôi thường bận rộn cho ai và cho những gì?  Những bận rộn của tôi có dẫn tôi đến gần Chúa ở trần thế này, có dọn đường cho tôi đạt đến sự sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa mai sau? 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý những từ, cụm từ hay hình ảnh nào đánh động tôi, đặt ra những thách đố trong tôi, hoặc mở ra những hy vọng trong tôi.  Tôi chia sẻ những điều này với Chúa Giêsu, một cách thân tình và cởi mở như bạn với bạn.        

Phạm Đức Hạnh, SJ