Friday, December 29, 2017

Thứ Bảy – Tuần Bát Nhật Lễ Giáng Sinh – Năm B – 30-12-2017

Thu Bay Bat Nhat GS
Luca 2:36-40
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Có một điều rất thật trong đời sống đó là khi yêu ai lòng mình bỗng trở nên rộn ràng hơn và vui hẳn lên đến nỗi không thể dấu được niềm vui trong lòng.  Đó cũng là niềm vui của có Chúa và được gặp Chúa mà bà Anna đã có khiến bà nói cho mọi người về niềm vui đó.  Tôi có nhận thấy vui trong lòng vì cảm thấy Chúa đang ở trong tôi lúc này không?  Dấu chỉ của có Chúa là một niềm vui dâng trào, miên man, kéo dài, một sự tự do, thanh thản và bình an, khiến tôi nhìn mọi sự như bằng cặp mắt mới và trở nên yêu đời, yêu người hơn bao giờ hết.  Tôi có thể cám ơn Chúa vì Ngài đang ở trong lòng tôi.

2.      Trong giờ cầu nguyện này, tôi cũng có thể hình dung cảnh sống của gia đình Thánh Gia, Chúa Giêsu luôn ở giữa Đức Mẹ và Thánh Giuse, một cảnh sống mà không có thánh sử nào viết về. Sự im lặng của các thánh sử có thể gợi lên trong tôi hai điều: 1) Thiên Chúa làm việc và hiện diện rất âm thầm lặng lẽ đến nỗi không có mấy người nhận ra.  Điều này khiến tôi cũng phải ý thức hơn Chúa đang ở đâu trong cuộc đời tôi.  Chắc chắn không chỉ ở trong những biến cố lớn như người thân qua đời, người này thất nghiệp, người kia thành công hay đau ốm, mà cả trong chuyện quét nhà, cơm nước mỗi ngày nữa.  2) Các thánh sử im lặng về đời sống của gia đình Thánh gia để chính tôi phải đi vào và khám phá ra đời sống của họ như thế nào.  Tôi có thể bắt đầu ngay từ giờ cầu nguyện này, trò chuyện với Giuse, Đức Mẹ hoặc Chúa Giêsu.  Tôi sẽ nói gì? Hỏi gì? Phản ứng của họ và của tôi ra sao?  
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment