Tuesday, August 13, 2024

Thứ Tư Tuần XIX Thường Niên – Năm B – 14-8-2024 - Lễ Thánh Maximilian Kolbe

Thu Tu XIX TN

Mát-thêu 18:15-20

15Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.  Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh.  Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. 18 Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. 19 Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1. Bài đọc hôm nay đề cập đến một vấn đề rất thực tế trong đời sống thường nhật của tôi, của gia đình tôi và của cộng đoàn tôi, đó là: sửa lỗi nhau.  Đã sống chung, dù người hay vật, đều có vấn đề.  Chúa Giêsu đưa ra một phương cách để sửa lỗi nhau, một phương cách mà cả các bác sĩ tâm lý trị liệu ngày nay vẫn đang áp dụng cho các thân chủ của họ, đó là: sửa lỗi nhau phải có thời gian, phải có tiến trình và đặc biệt phải có sự tín cẩn cũng như cẩn mật.  Thời gian: tôi cũng như người có lỗi phải có thời gian suy xét vấn đề, không thể gặp đâu là “choảng nhau” ở đó ngay; phải tìm thời điểm thích hợp, chứ không thể bạ đâu nói đó.  Sửa lỗi phải theo một tiến trình, từng bước một.  Sửa lỗi riêng với đương sự không xong, tôi cần kiếm thêm người khác để cùng giúp cả hai có thêm ý kiến và cái nhìn khách quan.  Nếu cũng không xong, tôi phải kiếm thêm người nữa và cuối cùng mới là cộng đoàn.  Sửa lỗi phải có sự tín cẩn và cẩn mật, tức là phải tìm người nào đó đáng tín nhiệm cho cả hai giúp tôi hòa giải; đồng thời, không tìm cách thóa mạ, làm mất danh dự của đối phương, nhưng cần phải cẩn mật cùng nhau giải quyết vấn đề.  Một trong những lỗi lầm rất lớn thường mắc phải mỗi khi có chuyện bất hòa, đó là: rêu rao nói xấu đối phương, tệ hơn cả ở thời đại ngày nay, đó là: tung tin, bêu xấu và hạ nhục đối phương trên các trang mạng xã hội!  Tôi đang có những bất hòa nào?  Tôi thường giải quyết bằng cách nào?  Giờ cầu nguyện hôm nay có lẽ tôi cần tự hỏi: Tung tin và bêu xấu người khác có phải là cách khôn ngoan không?  Có phải là cách của một con người trưởng thành không?  Đặc biệt, có phải là cách Chúa Giêsu đang muốn tôi làm không?   

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến sự bất hòa đã gặm nhấm đời sống nội tâm của tôi, làm tiêu tốn biết bao nhiêu năng lực sống mỗi ngày của tôi như thế nào.  Mỗi ngày sống tôi có đang phí rất nhiều sức lực và thời gian vào những mối bất hòa như thế nào?  Chúng đang làm cho tôi trở thành một con người thiếu yêu thương ra sao?  Cuối cùng, giải hòa thật khó có thể xảy ra, nếu không có cầu nguyện.  Bài đọc hôm nay kết thúc bằng cách khuyên tôi cầu nguyện với người khác.  Giả sử, tôi có thể cầu nguyện với người nào đó trong gia đình vào lúc này thì hay biết mấy!  Bởi, Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Chúa Giêus, thì có Ngài ở đấy, giữa họ.”  Có Chúa hiện diện, Ngài sẽ giúp tôi tha thứ và hòa giải dễ hơn

Phạm Đức Hạnh, SJ

P

0 comments:

Post a Comment