Mát-thêu
19:3-12
3Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu
đến gần Đức Giê-su để thử Người, họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình
vì bất cứ lý do nào không?” 4 Người đáp: “Các ông không
đọc thấy điều này sao: thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có
nữ, 5và Người đã phán: ‘Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà
gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ 6 Như
vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người
không được phân ly.” 7 Họ thưa với Người: “Thế sao ông
Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” 8 Người
bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ,
chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. 9 Tôi nói cho các ông
biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là
phạm tội ngoại tình.”
10Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm
chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” 11 Nhưng
Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những
ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. 12 Quả vậy, có những
người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những
người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết
hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì
hiểu.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng
Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay có thể rất quen thuộc với tôi, bởi thường được dùng cho các lễ cưới, với câu rất nổi tiếng của Chúa Giêsu: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi các đôi tân hôn Công giáo trích và in câu nói này trên thiệp cưới hoặc trang trí trong tiệc cưới, chứng tỏ họ hiểu và muốn đề cao tính bền vững của hôn nhân Công giáo. Sự bền vững của hôn nhân Công giáo vẫn luôn là một trong những lý do hấp dẫn rất nhiều người ngoài Công giáo, bởi họ thấy người Công giáo rất ít ly dị và gia đình thường ổn định, kỷ cương hơn. Thật sự, hôn nhân bền vững không ly dị là một điều rất khó thực hiện, nếu không có một nếp sống đạo tốt, một đời sống cộng đoàn qua việc chuyên cần cầu nguyện mỗi ngày, đi lễ hàng tuần, hỏi hỏi giáo lý, tĩnh tâm và thăng tiến đời sống đức tin mỗi ngày. Có lẽ tôi vẫn thường thấy Chúa Giêsu luôn có cái nhìn rất thoáng và cấp tiến, ấy thế sao Ngài có vẻ bảo thủ vậy, không cho người ta ly dị, chỉ trừ hôn nhân bất hợp pháp! Trong khi đó mấy người Pha-ri-sêu lại quá cấp tiến, họ cho phép người ta ly dị vì bất cứ lý do gì. Kể cả các môn đệ cũng đồng tình với họ nên bỉu môi than: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ [tức là không được ly dị vì bất cứ lý do gì], thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Vậy còn tôi, tôi nghĩ sao? Tôi có chấp nhận lời dạy của Chúa Giêsu không? Tôi có đang gặp khó khăn trong đời sống hôn nhân không? Tôi cần Chúa giúp không? Hãy nói với Ngài về những khó khăn ấy.
2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và để ý đến những phản ứng trong tôi từ những cụm từ nào đó của bài đọc. Hãy xem xét những phản ứng ấy đến từ đâu và đang dẫn tôi đi đâu. Chúng có đang dẫn tôi tìm gặp chính tôi và tìm gặp Thiên Chúa không, hay đang đẩy tôi xa lìa Thiên Chúa, giận ghét bản thân, và than thân trách phận? Tôi nói chuyện với Chúa về tất cả những xúc cảm ấy và để ý xem Ngài sẽ nói gì với tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment