Mát-thêu 14:1-12
1Khi ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe
danh tiếng Đức Giê-su, 2thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó
chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng
làm phép lạ.”
3Số là vua Hê-rô-đê đã bắt ông
Gio-an, xiềng ông lại, và tống ngục vì chuyện bà Hê-rô-đi-a, vợ ông
Phi-líp-phê, anh của nhà vua. 4 Ông Gio-an có nói với vua:
“Ngài không được phép lấy bà ấy.” 5 Vua muốn giết ông
Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. 6 Vậy,
nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một
điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. 7 Bởi
đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. 8 Nghe lời
mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông
Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm.” 9 Nhà vua lấy làm buồn,
nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho
cô. 10 Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. 11 Người
ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. 12 Môn
đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay bao gồm hai phần, và tôi có thể tuần tự suy niệm theo thứ tự của hai phần đó. Thứ nhất, tiểu vương Hê-rô-đê thắc mắc về một người đang rất nổi danh lúc bấy giờ, đó là Chúa Giêsu, và ông lầm tưởng Chúa Giêsu với Gioan Tẩy Giả, người mà ông đã cho chém đầu. Hê-rô-đê thì cho rằng Chúa Giêsu chính là Gioan Tẩy Giả mà ông đã chém đầu, nhưng nay đã sống lại nên mới có thể làm được nhiều phép lạ như vậy. Như thế, trong thắc mắc của Hê-rô-đê là một sự bối rối đến đầy sợ hãi. Nếu người mà ông đã giết nhưng nay lại sống lại và vẫn ngang nhiên làm nhiều phép lạ, thì quả là rất đáng sợ. Nhưng đó là cái nhìn lệch lạc của Hê-rô-đê. Vậy còn tôi, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Tôi tin Ngài là ai? Tôi tin Ngài đến mức nào? Niềm tin của tôi vào Ngài đã ảnh hưởng, đã biến đổi cuộc đời tôi ra sao? Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu ngay trong giây phút này.
2. Thứ đến, bài đọc đề cập đến cái chết của Gioan Tẩy Giả. Một lần nữa, bài đọc cho tôi thấy vai trò và đời sống của một vị tiên tri. Tiên tri không phải là thầy bói. Gioan nói tiên tri không phải như một cái nghề để kiếm sống, nhưng như là một ơn gọi, không nói không được, và nói bằng cả mạng sống của mình. Trước những bất công trong xã hội, dù đó là nhà vua, dù biết rằng nói sẽ bị bắt, sẽ bị tra tấn, cấm đoán và giết chết, nhưng tiên tri vẫn nói. Quả đúng như vậy. Gioan đã bị tống ngục và bị giết vì đã lên án việc làm vô luân của nhà vua. Tôi, là một Kitô hữu, cũng được mời gọi làm tiên tri. Tôi đã sống ơn gọi tiên tri của tôi như thế nào? Có thể không cần nói, nhưng cách sống của tôi có là một chứng nhân cho Thiên Chúa? Tôi đã, hay thường gặp những tiên tri của ngày nay không? Họ là những ai và ở những đâu? Đó có thể là những tu sĩ, giáo sĩ không ngừng sống và giảng, làm chứng cho Thiên Chúa? Đó có thể là những tù nhân lương tâm, mạnh dạn lên án những bất công, bạo lực trong xã hội, sự tham nhũng và tha hóa trong xã hội, sẵn sàng đem cả mạng sống để chống lại những sai trái ấy. Ngắm nhìn cuộc đời các nhứng nhân tôi cảm thấy được thúc đẩy sống đời sống chứng nhân như thế nào? Tôi nói chuyện với Chúa, cũng có thể nói chuyện với Gioan Tẩy Giả, để xin một hướng dẫn, để xin ơn can đảm dám sống đời chứng nhân.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment