Saturday, August 31, 2024

Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên – Năm B – 1-9-2024

 CN XXII TN

Gia-cô-bê 1:17-18,21b-22,27

17Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. 18 Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người.

21b Anh em hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. 22 Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

27Lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.

(Trích Thư Gia-cô-bê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1. Bài đọc hôm nay thật đẹp và quan trọng.  Thánh Gia-cô-bê đưa ra cho tôi một hình ảnh về Thiên Chúa trung thành với những ý định đã được nêu rõ từ buổi đầu tạo dựng: mỗi người được Ngài tạo dựng đều có mục đích – Thiên Chúa nhìn vào mỗi người và thấy mỗi người độc đáo và tốt lành.  Tôi cảm thấy thế nào khi được ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa dành cho tôi, ngắm nhìn tôi ngay trong giây phút này?  Thánh Gia-cô-bê kêu gọi mọi người hãy biết đón nhận lời Chúa, lời đã được gieo vào trong lòng mỗi người như một điều gì đó sống động và có khả năng lớn lên.  Nhưng mỗi người phải tham gia một cách có chủ đích vào sự tăng trưởng này, chứ không phải thụ động trước sứ điệp Tin Mừng.  Tôi có thể để cho lời Chúa chiếm ngự con người tôi và dẫn tôi vào cuộc sống bằng cách nào

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý thật kỹ bất kỳ từ ngữ hoặc ý tưởng nào thu hút hoặc thúc đẩy tôi một cách đặc biệt.  Phản ứng đó đến từ đâu trong tâm hồn tôi?  Đối với Gia-cô-bê, cũng như đối với tiên tri Micah, thử thách của đức tin chân chính là yêu sự tử tế, thực thi công lý và bước đi khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa hơn là bắt chước các giá trị của một nền văn hóa vật chất, nặng tính tiêu thụ và ích kỷ.  Tôi muốn nói gì với Chúa khi suy ngẫm về điều này?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, August 30, 2024

Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên – Năm B – 31-8-2024

Thu Bay XXI TN

Mát-thêu 25:14-30

14Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. 15 Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người.  Rồi ông ra đi.  Lập tức, 16người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn, và gây lời được năm yến khác. 17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. 18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. 19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy đến và yêu cầu họ thanh toán sổ sách. 20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ 21 Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm!  Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành!  Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.  Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ 22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ 23 Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm!  Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành!  Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.  Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ 24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. 25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất.  Của ông vẫn còn nguyên đây này!’ 26 Ông chủ đáp: ‘Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác!  Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, 27 thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! 28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. 29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. 30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng’.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1. Nếu đọc các Phúc âm, tôi sẽ thấy mỗi Phúc âm nhấn mạnh đến những đặc điểm về cuộc sống rao giảng của Chúa Giêsu.  Chẳng hạn như, Phúc âm Mát-thêu chỉ cho tôi thấy phương pháp giảng dạy của Chúa Giêsu.  Ngài dùng rất nhiều dụ ngôn khi giảng dạy.  Ngài không dùng những ngôn từ cao siêu, nặng tính khoa bảng hay nặng tính thần học trừu tượng, trái lại, Ngài dùng rất nhiều những ngôn từ bình dân, mộc mạc, và gần gũi qua các dụ ngôn, để nói về những vấn đề cao siêu và vĩnh cửu như Nước Trời, niềm tin và Thiên Chúa.  Bài đọc hôm nay là một ví dụ điển hình.  Chúa Giêsu dùng dụ ngôn những nén bạc, một hình ảnh thật gần gũi với mọi người, mà ai cũng có kinh nghiệm.  Điểm nhấn của dụ ngôn hôm nay mà Chúa Giêsu muốn mọi người thấu hiểu đó là, sự khôn ngoan sử dụng và làm lợi những gì Chúa cho để, không chỉ có lợi cho đời sống ở đời này mà còn có lời cho sự sống vĩnh cửu.  Tôi đã đón nhận những nén bạc nào từ Chúa?  Một sức khỏe tốt, không mang những chứng bệnh kinh niên chăng?  Một gia đình đuề huề có cha có mẹ, có anh chị em hết lòng cho nhau chăng?  Một môi trường sống và làm việc tốt chăng?  Một cái đầu có khả năng phán đoán, phân tích và tổng hợp những lẽ phải và những điều quấy trong cuộc sống chăng?  Một khả năng ăn nói và ngoại giao tốt chăng?  Một năng khiếu hoặc một tài năng nào đó chăng?  Tôi đã sử dụng những món quà này như thế nào và sinh ích ra sao?  Những gì tôi làm lợi đang giúp cho đời sống hiện tại của tôi và giúp tôi đạt đến sự sống vĩnh cửu ra sao?  Tôi trả lời, tôi nói chuyện với Chúa về những gì Chúa ban.

2. Tôi đọc lại dụ ngôn trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến cách thức đòi hỏi của Ông Chủ, là Thiên Chúa, đối với tất cả những tài sản mà Ngài đã trao cho các đầy tớ.  Nếu Chúa cũng đến vào lúc này, hỏi tôi về những gì Chúa đã trao, tôi sẽ trả lời một cách hào hứng phấn khởi hay sợ hãi?  Điều gì khiến tôi trả lời với thái độ như vậy?  Dụ ngôn này có thúc đẩy và đặt ra cho tôi những thách đố phải thay đổi như thế nào để những gì Chúa trao cho tôi sinh lợi cho tôi và những người xung quanh, không chỉ ở đời này mà đời sau nữa?  Tôi tâm sự với Chúa Giêsu về những gì đang xảy ra trong tâm trí tôi. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, August 29, 2024

Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên – Năm B – 30-8-2024

 Thu Sau XXI TN

Mát-thêu 25:1-13

1Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. 2 Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. 3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6 Nửa đêm, có tiếng la lên: ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi!’ 7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em sắp tắt rồi!’ 9 Các cô khôn đáp: ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.’ 10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới.  Rồi người ta đóng cửa lại. 11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: ‘Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!’ 12 Nhưng Người đáp: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!’ 13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1. Bài đọc hôm nay là một dụ ngôn rất hay.  Cái hay thứ nhất đó là, dụ ngôn giúp cho tôi hiểu về cách làm việc của Thiên Chúa.  Nếu để ý, tôi sẽ thấy các dụ ngôn của Chúa Giêsu thường mạc khải Thiên Chúa là Thiên Chúa của những điều ngạc nhiên.  Cái hay thứ hai đó là, dụ ngôn giúp cho tôi hiểu lối sống đức tin của con người, nhiều người và nhiều khi là tự mãn, rập khuôn, và định hình Chúa theo ý nghĩ của mình.  Trong khi đó, sống đời sống thiêng liêng có nghĩa là trở nên nhạy bén trước những cách thức Thiên Chúa hành động rất bất ngờ trong cuộc sống.  Có bao giờ tôi đã thấy Chúa làm việc cách bất ngờ trong đời sống của tôi?  Tôi nghĩ “dầu” là tượng trưng cho điều gì trong câu chuyện này và việc “giữ cho ngọn đèn không tắt” trong cuộc sống của tôi có ý nghĩa gì?  Tôi có thể hình dung lý do nào khiến Chúa có thể nói với tôi, hoặc với bất kỳ ai rằng: “Ta không biết ngươi”, và điều đó sẽ như thế nào không?

2. Tôi đọc lại dụ ngôn trên một hoặc nhiều lần nữa để thấy, dụ ngôn này đưa ra cả sự thách thức lẫn sự khích lệ.  Chúa Giêsu bảo tôi “hãy tỉnh thức”.  Tôi nghĩ tôi có thể giữ cho mình tỉnh thức mỗi ngày như thế nào?  Khi tôi trả lời dụ ngôn này, hãy cho phép mình nói chuyện với Chúa Giêsu từ trái tim, bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc của tôi, đồng thời cầu xin bất cứ ân sủng nào tôi cảm thấy cần vào lúc này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, August 28, 2024

Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên – Năm B – 29-8-2024 – Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết

 Thu Nam XXI TN

Mác-cô 6:17-29

17Khi ấy, vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục.  Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông.  Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. 21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích.  Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?”  Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới.  Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1. Một người nào đó đã nói: “Đừng hứa khi đang vui.  Đừng trả lời khi đang nóng giận.  Đừng quyết định khi đang buồn.  Câu nói này có thể áp dụng cho Hê-rô-đê.  Trong một bữa tiệc thật vui, chỉ vì một lời hứa thiếu suy nghĩ lúc đang vui Hê-rô-đê đã giết chết Gioan Tẩy giả.  Cái chết của Gioan Tẩy Giả có thể gợi lên những hình ảnh khủng khiếp trong tâm trí của tôi lúc này.  Hê-rô-đi-a đầy mưu mô và Hê-rô-đê yếu đuối đã giết chết nhà tiên tri từ những động cơ khác nhau.  Ngày nay những tiếng nói tiên tri nào đang bị bịt miệng, bị bắt phải im lặng?  Đó có phải là những tù nhân lương tâm?  Tôi được thúc đẩy để lắng nghe những tiếng nói tiên tri nào?  Tôi sẽ làm gì để bảo vệ các nguyên tắc của mình và bảo vệ đến mức nào?  Nếu tôi là người chứng kiến ​​bữa tiệc chết chóc xửa của Hê-rô-đê, tôi có thể làm gì?  Có lẽ tôi muốn nói với Chúa về điều này.

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để trí tưởng tượng của tôi hình dung toàn bộ bối cảnh của bài đọc.  Những cảm xúc và phản ứng nào nảy sinh trong tôi khi tôi chứng kiến ​​cái chết của một nhà tiên tri?  Chính Gioan Tẩy Giả đã thúc giục các môn đệ của mình đi theo Chúa Giêsu, nhưng sau đó lại đặt câu hỏi liệu Chúa Giêsu có thực sự là Đấng Mê-si-a hay không!  Câu chuyện này thôi thúc tôi đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu như thế nào?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, August 27, 2024

Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên – Năm B – 28-8-2024 – Lễ Thánh Augustine

Thu Tu XXI TN

Mát-thêu 23:27-32

27Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!  Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. 28 Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là đạo đức giả và gian ác! 29 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!  Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. 30 Các người nói: ‘Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.’ 31 Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. 32 Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.  Nếu Chúa Giêsu tỏ ra giận dữ trong bài đọc hôm qua, bài đọc hôm nay còn tệ hơn nữa!  Ngài không muốn mất thời gian cho thái độ đức tin kiểu an phận và tự mãn, nhưng kêu gọi sự khiêm tốn và thành thực.  Phản ứng của tôi trước lời kêu gọi đó, là gì?  Chúa Giêsu nhấn mạnh đức tin nội tâm hơn là vẻ bề ngoài.  Ngài đặt ra những thách đố cho những người tin.  Thiên Chúa nhìn thấy những gì sâu kín nhất trong trái tim mỗi người, ngay cả khi điều đó trái ngược với hành vi bên ngoài của họ.  Tôi cảm thấy thế nào khi đối mặt với điều đó?

2.  Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và mở lòng, để những lời của Chúa Giêsu vang vọng trong tôi.  Những lời nào của Ngài đặc biệt thu hút sự chú ý của tôi?  Nếu tôi có mặt ở đó để nghe Ngài nói, tôi muốn nói gì khi ấy và nói gì với Ngài trong giây phút này?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, August 26, 2024

Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên – Năm B – 27-8-2024 – Lễ Thánh Monica

 Thu Ba XXI TN

Mát-thêu 23:23-26

23Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!  Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín.  Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. 24 Hỡi những kẻ dẫn đường mù quáng!  Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà. 25 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!  Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. 26 Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1. Bài đọc hôm nay rất khó nghe, vì tôi có thể không ngờ được những lời rất khó nghe này lại phát xuất từ môi miệng Chúa Giêsu.  Tuy nhiên, tôi có thể thấy những lời trên không chỉ cho các giới chức lãnh đạo Do-thái mà thôi, nhưng cũng có thể cho chính tôi ngày hôm nay nữa.  Những hình ảnh con lạc đà (bài đọc tuần trước) và con muỗi trong bài đọc hôm nay, từ những lời giảng của Chúa Giêsu cho thấy, Ngài rất thẳng thắn và chỉ trích đến mức giận dữ về những thói đạo đức giả, những người coi thường công lý và lòng thương xót.  Lối sống đức tin dửng dưng trước bất công như vậy không thể chấp nhận được đối với Thiên Chúa.  Tôi cảm thấy thế nào khi nhận được những lời nói thẳng thắn như vậy từ Chúa Giêsu?  Chúa Giêsu có thể muốn có cuộc trò chuyện như thế nào nếu Ngài nói chuyện trực tiếp với tôi?  Cảm giác đó sẽ như thế nào?

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và mở lòng để cho những lời của Chúa Giêsu đụng chạm vào chính đời sống và kinh nghiệm của tôi.  Tôi có cảm thấy muốn nói gì với Chúa Giêsu khi những lời của Ngài chạm vào tôi?  Chúa Giêsu đấu tranh cho công lý, lòng thương xót và đức tin phải được đặt bên trên việc tuân thủ tôn giáo nghiêm ngặt.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu về điều này?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, August 25, 2024

Thứ Hai Tuần XXI Thường Niên – Năm B – 26-8-2024

Thu Hai XXI TN

2 Thê-xa-lô-ni-ca 1:1-5, 11b-12

1Chúng tôi là Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê, kính gửi Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa là Cha chúng ta, và trong Chúa Giê-su Ki-tô. 2 Xin Thiên Chúa là Cha và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an. 3 Thưa anh em, chúng tôi phải luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em: đó là điều phải lẽ, vì lòng tin của anh em đang phát triển mạnh, và nơi tất cả anh em, lòng yêu thương của mỗi người đối với người khác cũng gia tăng. 4 Bởi thế, chúng tôi hãnh diện về anh em trước mặt các Hội Thánh của Thiên Chúa, vì anh em kiên nhẫn và có lòng tin mỗi khi bị bắt bớ hay gặp cảnh gian truân. 5 Đó là dấu cho thấy Thiên Chúa xét xử công minh: anh em sẽ được coi là xứng đáng tham dự Nước Thiên Chúa, chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ.

11bXin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin. 12 Như vậy, danh của Chúa chúng ta là Đức Giê-su, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta và của Chúa Giê-su Ki-tô.

(Trích Thư Thê-xa-lô-ni-ca II, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1. Bài đọc hôm nay bao gồm những lời rất đẹp, rất dễ thương và đầy sự quan tâm của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu đang gặp khó khăn và bị bắt bớ ở Thê-xa-lô-ni-ca.  Ngài bày tỏ tình cảm sâu sắc của ngài đối với cộng đoàn và ước muốn họ tiếp tục lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến.  Nó minh họa những mối ràng buộc yêu thương có thể tồn tại trong thân thể của Đấng Cứu Thế.  Tôi có kinh nghiệm thuộc về hay bị loại trừ khỏi cộng đoàn đức tin bao giờ chưa?  Cảm giác đó thế nào?  Tất nhiên, Phaolô thừa nhận rằng, tất cả những ai được rửa tội trong Đấng Cứu Thế Giêsu đều có ý thức về ơn gọi của mình.  Điều đó có đúng với tôi không?  Nghi thức rửa tội cho người ta biết họ chia sẻ ba chức vụ của Chúa Giêsu Kitô như tiên tri, tư tế và vương đế.  Điều đó có ý nghĩa gì với tôi?

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến những cụm từ nào đánh động tôi nhất.  Tôi nghĩ Chúa đang muốn nói gì với tôi qua những cụm từ ấy?  Tôi nghĩ, Chúa đang muốn tôi chú ý đến điều gì?  Tôi muốn nói gì với Chúa về việc hoàn thành “những quyết tâm tốt đẹp’ của riêng tôi và về quyền năng của Chúa đang hành động trong tôi?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, August 24, 2024

Chúa Nhật Tuần XXI Thường Niên – Năm B – 25-8-2024

 CN XXI TN

Gioan 6:54a, 60-69

54aTại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…” 60 Nghe vậy, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá!  Ai mà nghe nổi?” 61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? 63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.  Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. 64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.”  Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em, không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” 66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. 67 Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” 68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1. Bài đọc hôm nay nằm ở phần cuối cùng của Chương 6 Phúc âm Gioan, một chương rất dài nhưng cũng là một trong những chương quan trọng, về những lời giảng của Chúa Giêsu nói về Bánh Hằng Sống.  Lưu ý, những lời giảng này không dễ nghe chút nào.  Bài đọc từ Chúa Nhật trước cho tôi thấy, những người Do-thái đã chất vấn Chúa Giêsu về những lời giảng của Ngài.  Bài đọc tuần này cho tôi thấy, ngay cả những người thân cận nhất của Ngài là các môn đệ, một số cũng rút lui không muốn theo Ngài nữa.  Họ nói: “Lời này chướng tai quá!  Ai mà nghe nổi?”  Có khi nào phản ứng của các môn đệ cũng là phản ứng của tôi?  Tôi có cảm thấy chướng tai với lời của Chúa Giêsu về Bánh Hằng Sống không?  Còn những lời nào khác của Chúa Giêsu mà tôi cũng cảm thấy chướng tai nữa?  Các bài đọc trong cả một tuần lễ vừa qua, có lời nào làm tôi khó chịu và chướng tai không?  Tôi đối diện và giải quyết những chướng tai ấy như thế nào?  Khi một số môn đệ rút lui, Chúa Giêsu nói: Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.  Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.”  Tôi có cảm thấy những lời Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay ban cho tôi sự sống?  Tôi đã cảm thấy Lời nào của Chúa trong các bài đọc của cả tuần vừa qua ban cho tôi sự sống?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong giây phút này? 

2.  Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và để ý những lời tuyên xưng của Phê-rô.  Những lời tuyên tín của ông giúp tôi có những quyết tâm gì trong tương quan giữa tôi với Chúa Giêsu?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu về những gì tôi đã tin và biết về Ngài, Ngài là ai đối với tôi, Ngài có ý nghĩa như thế nào đối với tôi.  Tôi nói chuyện với Ngài một cách cởi mở và tự do, như một người bạn nói chuyện với một người bạn.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, August 23, 2024

Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên – Năm B – 24-8-2024 – Lễ Thánh Ba-tô-lô-mê-ô, Tông Đồ

 Thu bay XX TN

Gioan 1:45-51

45Khi ấy, ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” 46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?”  Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” 47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?”  Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin!  Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1. Hôm nay là lễ kính Thánh Tông Đồ Ba-tô-lô-mê-ô, và theo truyền thống người ta vẫn cho rằng Ba-tô-lô-mê-ô cũng chính là Na-tha-na-en.  Bài đọc hôm nay kể về cuộc gặp gỡ đầu tiên của Thánh nhân với Chúa Giêsu.  Ngài biết Chúa Giêsu là qua sự giới thiệu của Phi-líp-phê.  Đây có thể là điểm để tôi dừng lại cầu nguyện.  Rất hiếm người đã được Thiên Chúa hiện ra trực tiếp, để rồi đi theo Chúa, nhưng hầu hết người ta nhận biết Chúa là qua một ai đó.  Ai đã dẫn tôi đến với đức tin mà tôi đang có hôm nay?  Tôi nhớ lại biến cố đầu tiên tôi được nghe nói về Chúa Giêsu.  Biến cố ấy như thế nào?  Tôi phản ứng như thế nào lúc ấy?  Có giống cách Na-tha-na-en phản ứng?  Trong giây phút này tôi muốn cầu nguyện cho người nào đó đã dẫn tôi đến với niềm tin Kito giáo hiện nay.  Tôi cảm tạ Chúa đã gởi người đó để nhờ họ mà ngày nay tôi biết Chúa.  Có khi nào tôi cũng đã giới thiệu ai đó với Chúa Giêsu chưa?  Tôi cảm thấy thế nào và người ấy bây giờ sống đạo ra sao?   

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý Na-tha-na-en ngỡ ngàng khi mới gặp Chúa Giêsu lần đầu tiên, ấy vậy mà Ngài biết rõ tông tích của ông.  Ngài nói về ông như thế nào.  Tôi cũng có thể hỏi Chúa Giêsu xem, Ngài biết rõ về tôi ra sao và tôi để ý phản ứng của tôi thế nào.  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu một cách thân tình, như bạn với bạn.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, August 22, 2024

Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên – Năm B – 23-8-2024

Thu Sau XX TN

Ê-dê-ki-en 37:1-14

1Ngày ấy, tay Đức Chúa đặt trên tôi.  Đức Chúa dùng thần khí đem tôi ra, đặt tôi giữa thung lũng; thung lũng ấy đầy xương cốt. 2 Người đưa tôi đi ngang, đi dọc giữa chúng.  Những xương ấy nằm la liệt trên mặt thung lũng và đã khô đét. 3 Người bảo tôi: “Hỡi con người, liệu các xương này có hồi sinh được không?”  Tôi thưa: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài mới biết điều đó.” 4 Bấy giờ, Người bảo tôi: “Ngươi hãy tuyên sấm trên các xương ấy; ngươi hãy bảo chúng: Các xương khô kia ơi, hãy nghe lời Đức Chúa. 5 Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này với các xương ấy: Đây Ta sắp cho thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống. 6 Ta sẽ đặt gân trên các ngươi, sẽ khiến thịt mọc trên các ngươi, sẽ trải da bọc lấy các ngươi.  Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống.  Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.” 7 Tôi đã tuyên sấm như tôi được lệnh.  Vậy có tiếng động khi tôi đang tuyên sấm; có sự rung chuyển và các xương xích lại gần, ăn khớp với nhau. 8 Tôi nhìn thì thấy trên chúng đã có gân; thịt đã mọc lên và da đã trải ra ở bên trên, nhưng thần khí chưa có ở nơi chúng. 9 Người lại bảo tôi: “Ngươi hãy tuyên sấm gọi thần khí; tuyên sấm đi, hỡi con người!  Ngươi hãy nói với thần khí, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh.” 10 Tôi tuyên sấm như Người đã truyền cho tôi.  Thần khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên: Đó là cả một đạo quân lớn, đông vô kể. 11 Bấy giờ, Người phán với tôi: Hỡi con người, các xương đó chính là toàn thể nhà Ít-ra-en.  Này chúng vẫn nói: “Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời!” 12 Chính vì thế, ngươi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng, Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. 13 Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. 14 Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh.  Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi.  Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm.  Đó là sấm ngôn của Đức Chúa.

(Trích Sách Ê-dê-ki-en, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1. Sách Ê-dê-ki-en có lẽ là một tập sách đặc biệt nhất trong toàn bô Kinh Thánh.  Đặc biệt ở cách tác giả dùng rất nhiều hình ảnh biểu tượng rất ấn tượng, trong từng chương một.  Nếu ai muốn luyện hoặc thưởng thức trí tưởng tượng của mình có phong phú hay không, có thể đọc Sách Ê-dê-ki-en!  Chẳng hạn, Tiên tri Ê-dê-ki-en thị kiến Thiên Chúa hiện ra với ông, đưa cho ông quyển sách lời Chúa và bảo ông ăn cho đầy bụng và rồi đi nói tiên tri cho dân Ít-ra-en về tất cả những gì ông đã ăn.  Ông ăn và cảm thấy lời Chúa ngọt như mật ong trong miệng (Ed 3:1-3).  Bài đọc hôm nay lại là một hình ảnh rất lạ nữa, một cánh đồng đầy xương người chết!  Ê-dê-ki-en được Chúa mời gọi tuyên sấm để cả cánh đồng xương khô ấy mọc thịt trở lại và thần khí nhập vào làm cho thành người trở lại.  Ông làm được tất cả đều là do quyền năng của Thiên Chúa!  Điều này có thể nhắc nhở tôi về bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống của tôi khi mọi thứ thay đổi từ vô hồn, chán nản, và thất vọng bỗng dưng trở nên tràn đầy sức sống và hy vọng không?  Nếu tôi có thể nghĩ lại một thời điểm như thế, thời điểm chuyển đổi từ khô khan sang sự sống và hy vọng, tôi có thấy Chúa đang hành động trong hoàn cảnh đó không?  Tôi có thấy Chúa vẫn hoạn động và ban cho tôi đầy sức sống, niềm vui và hy vọng ngay trong lúc này không?

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và đặt mình vào trong bối cảnh của bài đọc.  Hình dung, chính tôi đang đứng bên Ê-dê-ki-en và nghe ông tuyên sấm.  Tôi nhìn thấy một cảnh đầy ngoạn mục: thịt mọc lại trên các bộ xương khô và các bộ xương ấy động đậy, ngồi dậy, và di chuyển, như tôi đang sống.  Tôi cảm thấy như thế nào trước việc làm của Thiên Chúa đối với người có đức tin, tin vào quyền năng của Ngài?  Làm thế nào Chúa có thể tác động qua tôi để tôi cũng mang lại sự sống mới cho những con người hoặc những tình huống khô khan hoặc thiếu sức sống quanh tôi hiện nay?  Tôi nói chuyện với Chúa về ước muốn này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, August 21, 2024

Thứ Năm Tuần XX Thường Niên – Năm B – 22-8-2024 – Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương

 Thu Nam XX TN

Mát-thêu 22:1-14

1 Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: 2“Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng - Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn.  Mời quý vị đến dự tiệc cưới!’ 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, 6còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. 11 Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy: Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?’  Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.  Bài đọc hôm nay là một dụ ngôn đầy ấn tượng.  Ấn tượng ở sự dửng dưng của khách được mời, có thể là tôi; ấn tượng ở Nhà Vua là Thiên Chúa van xin đến tội nghiệp, mong mọi người đến dự tiệc của Ngài; ấn tượng ở sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với người dự tiệc không mặc áo cưới.  Người ta cho dụ ngôn này như là một lời cảnh báo chống lại sự tự mãn, chống lại việc coi thường vị trí của mình là con cái của Chúa và dĩ nhiên là coi thường Thiên Chúa.  Nếu vậy thì lời cảnh báo này có đang nói riêng cho tôi không?  Lời cảnh báo này có phải là điều tôi cần nghe không?  Trong khi đó có những người lại tập trung vào sự rộng lượng của Nhà Vua là Thiên Chúa, mở tiệc cho mọi người, bất luận tốt xấu, mọi niềm tin, mọi tôn giáo, mọi chủng tộc.  Tôi là loại người nào, tốt hay xấu, thánh thiện hay tội lỗi?  Dù tôi là ai, Chúa cũng mời tôi đến dự tiệc của Ngài, tôi nghĩ sao?  Tôi cảm thấy thế nào?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này? 

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đâu là những cụm từ ấn tượng nhất đối với tôi.  Chúng nói gì với tôi?  Chúng dẫn tôi đến gần Chúa không?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu như bạn với bạn về những cảm nghĩ ấy.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, August 20, 2024

Thứ Tư Tuần XX Thường Niên – Năm B – 21-8-2024 – Thánh Pi-ô X

Thu Tu XX TN

Mát-thêu 20:1-16a

1Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ 7 Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’  Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’ 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà: 12 ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn.  Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi.  Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao?  Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’ 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm qua, Chúa Giêsu giảng về sự khác biệt giữa giá trị trần thế và giá trị Nước Trời, bài đọc hôm nay là một ví dụ rất rõ về sự khác biệt ấy.  Để có thể hiểu và cảm nghiệm sâu những gì Chúa Giêsu dạy trong bài đọc hôm nay, tôi có thể hình dung chính tôi đang loay hoay giữa trời nóng bức như những ngày hè này, ngồi chực ngồi chờ, mong cho có ai mướn tôi đi làm cho họ, vì tôi rất cần tiền để sống.  Tôi cảm thấy như thế nào khi có ai đó mướn tôi?  Tôi cảm thấy thế nào khi chờ cả ngày, đến mức thất vọng nghĩ rằng, ngày hôm nay gia đình tôi sẽ đói chẳng có gì ăn vì từ sáng đến giờ chẳng ai mướn, bỗng dưng có người mướn tôi làm việc cho họ vào giờ chót?  Thế rồi tới giờ trả lương, tôi là người đi làm từ giờ đầu tiên trong ngày, tôi nghĩ gì và mong đợi gì?  Nếu tôi là người làm việc vào giờ cuối trong ngày, tôi nghĩ gì và mong đợi gì?  Tôi cảm thấy như thế nào khi mọi người được trả lương như nhau?  Có khi nào tôi nghĩ đời sống đức tin như dụ ngôn này không?  Tôi gia nhập Kitô giáo từ những ngày trong nôi, như là người đi làm từ sáng sớm, hoặc tôi mới gia nhập đạo, như người đi làm giữa ngày hoặc cuối ngày?  Tôi đã luôn sống tâm tình biết ơn hay phân bì, so sánh?  Tôi chia sẻ cảm nghĩ này với Chúa Giêsu và để ý thật kỹ xem Ngài muốn nói gì với tôi.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý, xem Chúa Giêsu đang dạy tôi cách thức suy nghĩ theo giá trị Nước Trời ra sao.  Tôi muốn suy nghĩ theo kiểu của Thiên Chúa không, hay chỉ muốn nghĩ theo kiểu của thế gian, sòng phẳng?  Tôi muốn nghĩ và sống công bằng theo kiểu của một Thiên Chúa đầy lòng nhân ái, hay tôi muốn nghĩ và sống công bằng theo kiểu của một Thiên Chúa làm thương mại?  Tùy cách nghĩ nào, tôi có muốn Thiên Chúa đối xử với tôi như vậy không?  Tùy cách Chúa đối xử với tôi như thế nào, tôi cũng muốn sống và đối xử với tha nhân như vậy, ngay sau giờ cầu nguyện này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, August 19, 2024

Thứ Ba Tuần XX Thường Niên – Năm B – 20-8-2024 – Thánh Bê-na-đô, Tu Viện Trưởng

Thu Ba XX TN

Mát-thêu 19:23-30

23Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. 24 Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 25 Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” 26 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” 27 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.  Vậy chúng con sẽ được gì?” 28 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em, anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. 29 Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp. 30 Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1. Những lời dạy của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay nêu bật sự khác biệt giữa giá trị trần thế và giá trị Nước Trời.  Chúa Giêsu nói con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa, hai hình ảnh đầy ấn tượng.  Tôi có thể dừng ở những hình ảnh này để suy niệm.  Lạc đà chắc tôi chưa bao giờ gặp, chỉ có thể thấy qua phim ảnh, nhưng kim thì tôi rất quen.  Dù hai hình ảnh này: một lạ, một quen, nhưng cũng đủ để tôi khẳng định rằng, thật khó tin, làm sao một con lạc đà có thể chui qua lỗ kim được.  Dù khó như thế, Chúa Giêsu vẫn khẳng định, người giầu có mà vào được Nước Thiên Chúa còn khó tin hơn nữa.  Chẳng lẽ giầu là một cái tội hay sao?  Không!  Tiền bạc là một phương tiện cần thiết trong cuộc sống.  Ai sống cũng cần có tiền.  Kể cả Chúa Giêsu cũng cần có tiền để trang trải trong cuộc sống.  Điều quan trọng tôi cần phải hỏi, đó là: Cái gì đang làm cho tôi thật sự giàu, khiến tôi không thể vào được Nước Thiên Chúa?  Tôi có đang rất giàu về tội lỗi?  Tôi có đang rất giàu ở sự ích kỷ?  Tôi có đang rất giàu ở lòng tham?  Tôi có đang rất giàu ở hống hách, kiêu căng, ghanh ghét và hận thù?  Gốc rễ của tất cả những cái giàu này có phải là cái tôi của tôi?  Cẩn thận!  Chính việc ôm những cái giàu này có thể đang làm cho tôi mất Nước Thiên Chúa.  Tôi muốn từ bỏ những cái giàu này không?  Từ bỏ những cái này có khó không?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu.

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý Chúa Giêsu đang muốn nói gì với tôi về những giàu có trong tôi lúc này.  Tôi bàn với Chúa cách thức từ bỏ những cái “giàu sang phú quý” này và xin Ngài chỉ dẫn.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, August 18, 2024

Thứ Hai Tuần XX Thường Niên – Năm B – 19-8-2024

Thu Hai XX TN

Mát-thêu 19:16-22

16Khi ấy, có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” 17 Đức Giê-su đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt?  Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi.  Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.” 18 Người ấy hỏi: “Điều răn nào?”  Đức Giê-su đáp: “Ngươi không được giết người.  Ngươi không được ngoại tình.  Ngươi không được trộm cắp.  Ngươi không được làm chứng gian. 19 Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.” 20 Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?” 21 Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ có được một kho tàng trên trời.  Rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có thể gợi lên trong tôi nhiều suy nghĩ.  Bài đọc đề cập đến một người thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giêsu cách thức để được sự sống đời đời.  Anh ta hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”  Tôi thấy gì ở nơi người thanh niên này?  Tôi thấy gì trong câu hỏi của anh ta?  Anh ta giầu có, tức là anh ta đang có một cuộc sống đầy đủ, sung túc ở đời này.  Tuy nhiên, cuộc sống sung túc đời này vẫn chưa đủ, anh ta còn muốn được cả sự sống đời đời nữa.  Quả là quá tham!  Nhưng đây là cái tham về sự sống đời đời.  Tôi có cái tham vọng như anh thanh niên này không?  Tôi đi tìm ở đâu để có được sự sống đời đời?  Tôi có đến gặp Chúa Giêsu và hỏi Ngài bao giờ chưa?  Giờ cầu nguyện hôm nay có thể là lúc tôi nhìn vào những tham vọng trong tôi, xem tôi tham vọng những sự gì?  Có thể tôi chỉ tham vọng sao cho có nhiều của cải vật chất và con cái thành đạt ở đời này?  Tôi chia sẻ những tham vọng của tôi với Chúa Giêsu và để ý xem Ngài sẽ nói gì với tôi. 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý kỹ hơn trong câu hỏi của người thanh niên giầu có này và thái độ của anh ta trước câu trả lời của Chúa Giêsu.  Anh ta hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”  Kết thúc bài đọc, tôi được biết, anh ta là một người giầu có.  Thế nhưng trong câu hỏi của anh ta diễn tả một sự thiếu thỏa mãn.  Những gì anh ta có chưa thỏa mãn anh ta, vì chúng chưa dẫn anh ta đến sự sống đời đời.  Cùng đích của cuộc đời phải là sự sống đời đời chứ không phải sự sống tạm bợ ở đời này.  Bao lâu nay tôi đặt cùng đích cuộc đời tôi ở đâu và nỗ lực như thế nào cho cùng đích ấy?  Chúa Giêsu mời gọi anh ta bán tất cả những gì anh ta có, phân phát cho người nghèo và rồi đến gặp Ngài, đi theo Ngài.  Nhưng anh ta buồn rầu bỏ đi, không thể chấp nhận được những đề nghị này, vì anh ta có nhiều của cải.  Sự giầu có của cải vật chất đã giữ chân anh ta, làm cho anh ta không thể buông bỏ được.  Tôi thật sự đang giàu có về sự gì?  Tiền bạc, danh vọng, cái tôi, hay cái tội?  Tôi dám buông bỏ để đến với những người nghèo và đến với Chúa Giêsu?  Nên nhớ Thánh Inhaxio Loyola khuyên thế này: “Chỉ có một tham vọng chính đáng, đó là yêu mến Thiên Chúa; và coi như phần thưởng của lòng yêu mến ấy là yêu mến Thiên Chúa HƠN NỮA – There is but one right kind of ambition: to love God, and as the reward of loving Him, to love Him MORE!” 

Phạm Đức Hạnh, SJ