Wednesday, February 7, 2024

Thứ Năm – Tuần V Thường Niên – Năm B – 8-2-2024

Thu Nam V TN

Mác-cô 7:24-30

24Khi ấy, Đức Giê-su đến địa hạt Tia.  Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. 25 Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. 26 Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri.  Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. 27 Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” 28 Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ.” 29 Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” 30 Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường, và quỷ đã xuất khỏi.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có cái gì đó khó hiểu.  Chúa Giêsu đến địa hạt Tia và không muốn bất cứ ai biết Ngài đang “ở trong nhà” một người nào đó.  Tôi có thể đã có kinh nghiệm phải trốn tránh như thế này.  Nhưng dù Chúa Giêsu đã kín đáo trong việc đi lại, ấy thế Ngài vẫn bị theo dõi.  Tôi nghĩ Chúa Giêsu cảm thấy thế nào?  Hãy xem sự thẳng thắn, kiên trì của người mẹ cầu cứu cho con của bà.  Giọng nói của bà ấy nghe thế nào đối với tôi?  Bà ấy có những cử chỉ như thế nào?  Tôi cảm thấy thế nào về phản ứng của Chúa Giêsu trước lời yêu cầu của bà ấy?  Chúa Giêsu đang trò chuyện; một cuộc trò chuyện sôi nổi, sôi nổi với một người đàn bà và bà lại là một người đến từ một nền văn hóa khác.  Điều đó nói với tôi như thế nào?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và để ý có điều gì thu hút sự chú ý của tôi trong cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và người mẹ khốn khổ này không?  Tôi dành cả thời gian còn lại của giờ cầu nguyện, cầu nguyện thẳng thắn như người mẹ trong bài đọc hôm nay.  Hãy để cho cuộc trò chuyện giữa tôi với Chúa diễn ra thật cởi mở.  Chú ý cảm giác đó như thế nào.  Hãy để ý xem tôi nghĩ Chúa cảm thấy thế nào.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment