Saturday, February 3, 2024

Chúa Nhật – Tuần V Thường Niên – Năm B – 4-2-2024

CN V TN

Gióp 7:1-4, 6-7

1Bấy giờ, ông Gióp lên tiếng nói:

Cuộc sống con người nơi dương thế
chẳng phải là thời khổ dịch sao?
Và chuỗi ngày lao lung vất vả
đâu khác gì đời kẻ làm thuê?
2Tựa người nô lệ mong bóng mát,
như kẻ làm thuê đợi tiền công,
3cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng,
số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.
4Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: “Khi nào trời sáng?”
Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: “Bao giờ chiều buông?”
Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.
6Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa,
và chấm dứt, không một tia hy vọng.
7Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho,
cuộc đời con chỉ là hơi thở,
mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

(Trích Sách Gióp, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay tôi cùng Giáo hội suy niệm và cầu nguyện mới một quyển sách cổ xưa nhất trong bộ Kinh Thánh, Sách Gióp.  Đây là một quyển sách đặc biệt, nó bao gồm tất cả những câu hỏi lớn nhất của con người từ xưa đến nay, như: Tôi là ai?  Tôi từ đâu đến?  Tôi sẽ đi về đâu?  Ý nghĩa cuộc đời này là gì?  Tại sao có đau khổ, và đặc biệt nhất, tại sao người công chính phải đau khổ?  Nếu vậy thì Chúa ở đâu?  Chúa có công bằng không?...  Chính vì thế mà bất cứ ai dù có niềm tin hay không có niềm tin, dù thuộc bất kỳ tôn giáo nào cũng có thể tìm thấy mình ở trong Sách Gióp.  Chính vì thế, ngay ở một đoạn ngắn như bài đọc hôm nay cũng khiến tôi cảm thấy bị cuốn hút mạnh để đọc.  Tại sao vậy?  Là một người có đức tin, tôi phản ứng thế nào trước lời khẳng định rằng, đôi khi cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì?  Tôi không thấy tôi là người của niềm vui sao?  Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?  Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?”  Chắc hẳn hôm nay phải có người đã than thở những cảm xúc như thế này.  Kinh Thánh lặp lại ý nghĩa của việc làm người.  Có lẽ đây là cách tôi đang cảm nhận.  Tôi cảm thấy thế nào khi hình dung rằng cuộc sống chỉ là lao động vất vả?  “Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công”.  Tôi cảm thấy mình chỉ “sống để làm việc” mà không có niềm vui hay mục đích gì?  Chỉ đơn giản đặt một chân trước chân kia cho đến khi một ngày kết thúc, cho đến khi cuộc đời kết thúc? 

2.     “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng.”  Đây có phải là kinh nghiệm của một người có đức tin?  Gióp có đức tin nhưng dường như đã hết hy vọng.  Lời than thở của Gióp có thể nói lên mối quan hệ của tôi với Chúa như thế nào?  Tôi đã bao giờ thắc mắc hay than thở trong lúc khó khăn?  Tôi đáp trả thế nào với Chúa trong những lúc tuyệt vọng?  “Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.”  Không giống như lời than thở không ngừng nghỉ của Gióp, linh đạo I-Nhã khuyến khích việc cố tình tìm kiếm những khoảnh khắc biết ơn và hy vọng, đặc biệt trong những hoàn cảnh đầy thử thách.  Tôi có thể xác định đâu là những khoảnh khắc ân sủng hay những phúc lành bất ngờ giữa lúc đau khổ trong cuộc đời tôi không?  Hoặc thậm chí trong sự bình thường của đời sống hàng ngày?  Hôm nay là Ngày Chúa Nhật, hãy chấp nhận lời mời trút bỏ những gánh nặng đó và đón nhận sức mạnh chữa lành của tình yêu từ Chúa.  Tình yêu của Chúa sẽ nâng đỡ tôi khỏi tuyệt vọng, để tôi có thể chia sẻ ân sủng của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay.  Tôi muốn dành thời gian còn lại của giờ cầu nguyện để chia sẻ những cảm nghĩ này với Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment