Rô-ma 11:1-2a, 11-12
1Thưa anh em, tôi xin hỏi: Phải chăng Thiên
Chúa đã ruồng bỏ dân Người? Không phải
thế! Chính tôi đây cũng là người
Ít-ra-en, thuộc dòng dõi Áp-ra-ham, thuộc chi tộc Ben-gia-min. 2a Thiên
Chúa không ruồng bỏ dân Người, dân mà Người đã biết từ trước…11 Vậy
tôi xin hỏi: Phải chăng Ít-ra-en đã vấp đến mức phải ngã quỵ? Không phải thế! Nhưng vì họ sa ngã mà Thiên Chúa cho các dân
ngoại hưởng ơn cứu độ, khiến họ phải ganh tị. 12 Nếu vì
người Do-thái sa ngã mà thế giới được ơn phúc dồi dào, nếu vì họ suy vi mà các
dân ngoại được ơn phúc dồi dào, thì khi họ trở về đông đủ, tình trạng còn tốt
đẹp hơn biết mấy!
(Trích Thư Rô-ma, bản
dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay nối tiếp những gì
Phao-lô nói trong bài đọc hôm qua, Rm 9:1-5.
Trong đó, ngài nói lên nỗi đau nhói suốt cuộc đời của ngài, khi nhìn
thấy những người đồng hương Do-thái của ngài không nhận biết Chúa Kitô Giêsu,
hiện thân cho những gì đã được loan báo bởi các tiên tri từ ngàn xưa. Ấy thế mà họ chối từ, họ bám vào niềm tin cũ
kỹ đã bị bóp méo và xuyên tạc. Ngài mong
sao cho một ngày nào đó, họ nhận biết ân huệ của Thiên Chúa trong Chúa Kitô Giêsu. Bài đọc hôm nay, Phao-lô chỉ cho những người
Do-thái thấy rằng họ sai khi nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ. Đúng hơn phải nói, họ đã bỏ Thiên Chúa. Họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa, khiến
Ngài phải trao tặng ơn cứu độ cho dân ngoại, và điều này làm cho người Do-thái
phải ganh tị và cho rằng Thiên Chúa đã bỏ họ.
Có khi nào tôi cũng có suy nghĩ giống những người Do-thái, rằng Chúa bỏ
rơi tôi không? Tôi nghĩ như vậy có đúng
không? Tôi chấp nhận những lý giải của
Phao-lô đến mức nào?
2.
Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý
đến những từ, cụm từ hoặc ý tưởng nào đánh động tôi nhất. Tôi dừng lại ở đó và nói chuyện với Chúa như
bạn với bạn, về điểm mà tôi cảm thấy đánh động nhất đó. Trước khi kết thúc giờ cầu nguyện này, tôi
muốn gom tất cả những ý tưởng và hình ảnh xuất hiện trong tôi từ đầu giờ cầu
nguyện cho đến bây giờ thành một lời nguyện để dâng lên Chúa trong lúc này.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment