Saturday, November 4, 2023

Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên – Năm A – 5-11-2023

CN XXXI TN

1 Thê-xa-lô-ni-ca 2:7b-9, 13

7bThưa anh em, khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. 8 Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi. 9 Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. 13 Bởi thế, về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy.  Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu.

 (Trích Thư Thê-xa-lô-ni-ca I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay được trích từ quyển sách đầu tiên của Tân Ước, Thư Thứ Nhất của Thánh Phao-lô gởi các tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca, một cộng đoàn nằm ở hướng bắc Hy-lạp.  Nếu xem xét kỹ, tôi sẽ thấy Thánh Phao-lô yêu mến cộng này đến mức nào.  Tôi muốn dành chút thời gian để ý đến những ngôn từ mà Thánh nhân sử dụng… điều gì thu hút tôi?  Thánh Phao-lô nói gì khi suy ngẫm về sứ mạng của mình tại Thê-xa-lô-ni-ca?  Lá thư này giúp tôi hiểu rõ hơn về Thánh Phao-lô như thế nào?  Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì…”  Tôi có thường xuyên tạ ơn Chúa về điều gì không?  Tôi có thể nghĩ ra điều gì để tạ ơn Chúa vào lúc này…?

2.  Bây giờ tôi đọc lại thật chậm những lời trên của Thánh Phao-lô một lần nữa: Có điều gì mà Chúa đang muốn nói với tôi trong đoạn văn này?  Tôi muốn tập hợp lại tất cả những suy nghĩ và suy ngẫm đã đến với tôi trong thời gian cầu nguyện này và đúc kết chúng thành một lời cầu nguyện để dâng lên Chúa trước khi kết thúc giờ cầu nguyện này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment