Sunday, April 29, 2018

Thứ Hai Tuần V Phục Sinh – Năm B - II – 30-4-2018


Thu Hai V PS
Gioan 14:23-26
23 Đức Giê-su nói: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.25Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Điều Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay nghe sao rất người.  Phải chăng trong kinh nghiệm đời thường tôi vẫn làm như thế tức là, khi yêu ai tôi thường nhớ rất kỹ về từng lời nói, cử chỉ của người mình yêu và luôn muốn ở bên người tôi yêu mãi mãi?  Chúa Giêsu cũng làm y như tôi.  Ngài chỉ mong rằng tôi nói yêu Ngài thì ước gì Ngài được sống trong tim của tôi, hiện diện trong hành động và lối sống của tôi, gần với tôi bao nhiêu có thể.  Tôi có nhận thấy tôi giữ và sống những lời của Ngài nói với tôi không?  Tôi muốn ở thật sâu trong những lời yêu thương của Ngài. 
2.     Nếu tôi yêu mến Chúa Giêsu thì không chỉ có Chúa Giêsu mà còn có cả Chúa Cha đến ở trong tôi nữa.  Điều này hạnh phúc không?  Tôi sửa soạn và đón tiếp Thiên Chúa thế nào đây?  Có lẽ chỉ có một cách chuẩn bị: tập cho có lòng mến Chúa, thế là đủ.  Một khi tôi yêu Chúa nhiều, tôi sẽ mất khả năng phạm tội, tôi sẽ không còn mất giờ và sức lực để chỉ tránh tội hoặc chừa tội nữa mà chỉ dùng thời giờ và sức lực để yêu Chúa mà thôi.  Tôi muốn tập yêu Chúa chăng?  Bởi vô tri bất mộ, không biết thì không yêu, mà biết sao được nếu mỗi ngày không bỏ giờ ra nói chuyện với Chúa?  Tôi có thể tập nói chuyện với Ngài mỗi ngày và bất cứ khi nào.  Tôi muốn nói chuyện với Chúa ngay bây giờ, và nói cả khi tôi nghi ngờ và kém lòng tin.     
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment