Friday, April 6, 2018

Thứ Bảy Phục Sinh – Năm B - II – 7-4-2018


Thu Bay PS
Tông Đồ Công Vụ 4:13-21
13 Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giê-su;14 đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào.15 Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, và bàn tính với nhau.16 Họ nói: "Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ta không thể chối được.17 Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa."18 Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su nữa.19 Hai ông Phê-rô và Gio-an đáp lại: "Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem!20 Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra."21 Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.
(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Trong những ngày này của Mùa Phục Sinh tôi sẽ cùng Giáo hội đọc lại Sách Tông Đồ Công Vụ, có thể gọi đây là Nhật Ký Truyền Giáo của Luca, trong đó tôi sẽ thấy Giáo hội ban đầu đã hình thành như thế nào.  Trong bài đọc hôm nay, Phê-rô và Gioan bị bắt và bị ngăn cấm vì dám rao giảng về Chúa Giêsu.  Giới hữu trách nói rõ về hai người này: vô học và dốt nát.  Ở một chỗ khác thì nói họ và các môn đệ khác, sau khi Chúa Giêsu chịu chết, tất cả đều sợ hãi và nhốt mình trong nhà đóng kín (Ga 20:19).  Tuy nhiên, bài đọc hôm nay tôi lại thấy hai người dốt nát này lại không hề tỏ vẻ sợ hãi trước giới hữu trách, trái lại họ đã làm cho giới hữu trách, những kẻ có học, phải câm miệng.  Đây là một dấu chứng của việc gặp Chúa Giêsu Phục sinh.  Gặp Chúa bao giờ cũng được biến đổi, trở thành một con người mới, không còn sợ hãi và không gì có thể bịt miệng họ nói lên những gì họ đã kinh nghiệm.  Giờ cầu nguyện này cũng phải là những giây phút tôi muốn được gặp Chúa Giêsu Phục sinh, tôi muốn được biến đổi và trở nên một con người mới, không còn nhút nhát trong niềm tin, không còn sợ hãi trước bạo quyền, sẵn sàng làm chứng cho công lý và sự thật. 
2.      Hai tông đồ nói: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người, và phải công khai nói, không từ chối, những gì mà họ đã kinh nghiệm về Chúa Giêsu Phục sinh.  Đây có thể là một ví dụ rất đẹp về phân định ý Chúa.  Thiên Chúa qua tiếng nói lương tâm chính là tòa án tối cao nhất mà tôi phải lắng nghe.  Tôi có thể nhìn lại đời sống, tôi thật sự đang nghe ai nhất trong ngày sống của tôi?  Thiên Chúa, tức tiếng nói lương tâm, hay thế quyền, hoặc danh vọng, cùng các đam mê khác?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giờ cầu nguyện này?  Có lẽ tôi xin cho được sáng suốt và mạnh dạn như Phê-rô và Gioan luôn lắng nghe tiếng Chúa.
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment