Isaia 58:9b-12
Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói
hại người,10 nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả
lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối
tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.11 ĐỨC CHÚA sẽ không
ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng;
xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới
đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ.12 Nhờ ngươi, người ta
sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa, ngươi sẽ dựng lại những nền móng của các
thế hệ trước, người ta sẽ gọi ngươi là người sửa lại những lỗ hổng, là kẻ tu bổ
phố phường cho người ta cư ngụ.
(Trích Sách Isaia bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh
Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1. Bài đọc ngày hôm nay nói đến một việc làm cụ thể trong Mùa Chay, làm việc bác ái. Nhiều người Công giáo vẫn thường nghĩ Mùa Chay
đến rồi, véo vài đồng bạc và thẩy cho cái đám ăn mày thế là xong bổn phận của
một người Kitô hữu! Thật buồn, cách này
chẳng “bác ái” tí nào, “bố thí” thì đúng hơn!
Bác ái là nỗ lực xóa bỏ bất công trong xã hội; bác ái là đứng về phía
của những người bị áp bức; bác ái là xây lại tình người, chỉ những bác ái kiểu
này tôi mới có thể xứng danh là một Kitô hữu.
Tôi muốn sống Mùa Chay này như thế nào?
Tôi đọc lại những hướng dẫn của Isaia và hoạch định một việc làm bác ái
cụ thể cho Mùa Chay này. Tôi có thể bắt
đầu từ trong gia đình như, thay đổi cách ăn nói và ứng xử với nhau trong gia
đình, thay đổi cách nghĩ, một cách tích cực và đầy nhân bản, về những người nghèo, di dân,
tị nạn, ngoại kiều, người cao tuổi, nữ giới, đồng tính, cũng như trẻ thơ. Sau nữa tôi có thể đóng góp tiền bạc, thời
gian và tài năng cho những chương trình từ thiện như viện tế bần, viện mồ côi,
viện dưỡng lão, viện thanh thiếu niên phạm pháp, viện bảo vệ môi trường, viện
giúp những người hoàn lương…
2.
Mùa Chay là một cơ hội của sửa đổi, của phục hồi, nói chung là mùa của
hy vọng và chữa lành. Hy vọng cho những gì đã già nua
và đổ vỡ. Tôi có thể là một hy vọng cho
người khác được chăng? Tôi có thể đem hy
vọng cho người khác được chăng? Tôi có
thể là người giải hòa, đem bình an cho gia đình tôi và những nhóm bạn của tôi
được chăng? Tôi có thể kết thúc giờ cầu
nguyện này bằng lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phan-xi-cô: “Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con
biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy
dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thưong vào
nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi
tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment