Gioan 21:20-25
20 Khi ấy, ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” 21 Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” 22 Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” 23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phê-rô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” 24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. 25 Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Phúc âm Gioan có một lối viết rất đặc biệt và kín đáo về người môn đệ Chúa Giêsu thương mến. Gioan không bao giờ nêu tên người môn đệ đó. Các nhà chú giải Kinh Thánh ngày nay cho rằng, người môn đệ Chúa Giêsu thương mến ấy chính là độc giả của Phúc âm Gioan. Điều đó có nghĩa là, chính tôi là môn đệ mà Chúa Giêsu thương mến, chính tôi là môn đệ đã tựa đầu vào ngực của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, chính tôi là người dám đứng dưới chân thập giá, chính tôi là người luôn luôn nhạy bén nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trước nhất, nhờ vậy những kinh nghiệm cá vị giữa tôi và Chúa Giêsu mà được viết lại mới xác thực. Tôi cảm thấy thế nào khi mình được Chúa Giêsu thương mến? Tình thương của Chúa Giêsu đã biến đổi tôi ra sao? Tôi đáp lại tình thương của Chúa Giêsu dành cho tôi như thế nào? Tôi chỉ có thể trả lời được những câu hỏi này khi tôi áp đầu vào ngực Chúa. Tôi chỉ có thể dám đứng dưới chân thập giá khi tôi có một tình yêu với Thiên Chúa. Tôi chỉ có thể nhạy bén trước sự hiện diện của Ngài khi tôi yêu Chúa nồng nàn. Tôi muốn xin cho tôi được ơn yêu mến Chúa thật lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.
2. Tôi muốn tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và đọc lại bài đọc trên. Ngực thường được hiểu như là nơi của trái tim, phát xuất những biểu cảm của yêu thương. Tôi muốn tựa vào ngực Chúa Giêsu lúc này để nghe và cảm cho thật rõ tình yêu của Ngài đang dành cho tôi. Tôi muốn chiêm ngắm tình yêu cao cả này để hiểu, để cảm, để được nuôi dưỡng, nhờ đó tôi có thể mạnh dạn sống đời sống chứng nhân cho tình yêu của Chúa Giêsu dành cho mỗi người, nhờ đó tôi có thể viết ra những cảm nghiệm rất riêng tư giữa tôi và Chúa Giêsu, như Gioan đã ghi nhận ở hai câu cuối của bài đọc hôm nay: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” Hai câu này đang nói gì với tôi?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment