Mác-cô 16:9-15
9Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng
ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a
Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà
đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc
lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người,
các ông vẫn không tin. 12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một
hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về
quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy
cũng không tin hai người này. 14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho
chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không
tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau
khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông: “Anh em hãy
đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”
(Trích
Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Niềm vui Phục Sinh là một niềm
vui rất lớn, có thể nói là lớn nhất trong mọi niềm vui trên đời này, bởi Chúa Giêsu
có phục sinh mới đem lại cho tôi ơn cứu độ.
Thế nhưng, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với Maria Mác-đa-la và truyền
cho bà đi báo tin vui này cho các môn đệ khác, nhưng chẳng ai tin. Đến lượt, hai môn đệ trên đường về quê được
gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, họ chạy về báo tin cho Nhóm Mười Một, nhưng những
người này cũng chẳng tin. Đến mức, Chúa Giêsu
hiện ra với Nhóm Mười Một và Ngài khiển trách sự cứng lòng của họ. Tôi trách họ cứng lòng tin không? Không nên.
Bởi niềm tin về một người đã chết mà sống lại là một niềm tin vượt trí
tưởng tượng của con người, không dễ tin, và vì có nghe ai đã chết mà sống lại
bao giờ đâu. Cuối cùng, tất cả các môn
đệ đã tin và sẵn sàng làm chứng về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Dù họ gặp muôn vàn khó khăn, chống đối, xua
đuổi, bắt bớ, hãm hại và thậm chí bị giết thế nhưng họ vẫn sẵn sàng làm chứng
cho niềm tin này. Câu hỏi lớn nhất và
quan trọng nhất trong giờ cầu nguyện này, đó là: Tôi có tin Chúa Giêsu đã phục
sinh không? Niềm tin của tôi về Chúa Giêsu
Phục Sinh như thế nào? Niềm tin này ảnh
hưởng đến đời sống hiện tại của tôi ra sao?
Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong giây phút này?
2. Tôi đọc lại bài đọc trên một
hoặc nhiều lần nữa và để ý đến những từ, cụm từ hoặc hình ảnh nào đánh động tôi
nhất hoặc làm tôi chú ý đến nhiều nhất. Chúng
giúp tôi tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu như thế nào. Tôi để ý chúng tác động lên đời sống và biến
đổi đời sống tôi ra sao. Tôi nhìn lại
tất cả những cảm nghiệm từ đầu giờ cầu nguyện cho đến giờ. Tôi gom những cảm nghiệm ấy thành một lời
nguyện để dâng lên Chúa trong giây phút này.
Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Khúc Ca Phục Sinh,” sáng tác của Lm Bùi Ninh, do Gia Hiếu trình
bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=rYXo7-2Utv4
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment