Tuesday, April 30, 2024

Thứ Tư Tuần V Phục Sinh – Năm B – 1-5-2024 – Lễ Thánh Giuse Thợ

Thu Tu V PS

Sáng Thế 1:26-2:3

1/26 Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” 27Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. 28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.  Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” 29 Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. 30 Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực.” Liền có như vậy. 31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!  Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.

2/1Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. 2 Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm.  Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. 3 Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.

(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất quen thuộc.  Tôi muốn dành đôi phút để tâm trí tôi hồi tưởng lại bài đọc mà tôi vừa đọc.  Có phần cụ thể nào của câu chuyện sáng tạo này mà tôi muốn dừng lại và suy ngẫm không?  Chúa nhìn thấy mọi sự Chúa đã tạo ra, kể cả tôi và tất cả những người tôi sẽ gặp hoặc đã gặp hôm nay.  “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!”  Tôi muốn ở lại với những từ này trong giây lát và suy ngẫm.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý những hình ảnh về sự sáng tạo của Chúa lướt qua trong tâm trí tôi.  Công việc nào của tôi lúc này có thể đang được hưởng lợi từ bàn tay giúp đỡ của Chúa?  Hãy nói chuyện với Chúa về điều này ngay bây giờ.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, April 29, 2024

Thứ Ba Tuần V Phục Sinh – Năm B – 30-4-2024

Thu Ba V PS

Gioan 14:27-31a

27Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.  Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.  Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’.  Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. 30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến.  Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31a Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trước khi bước vào cuộc tử nạn Chúa Giêsu biết rõ các môn đệ sẽ hoang mang và mất bình an, khi Ngài bị bắt, bị nhục hình và giết chết.  Chính vì thế mà trong diễn từ biệt ly Ngài muốn cho họ đón nhận được sự bình an.  Rồi, trong những trình thuật về Phục Sinh, thông điệp chính và quan trọng cũng là: Bình an.  Vậy, sự bình an mà Chúa Giêsu nói tới… nó là gì?  Rõ ràng đó không chỉ là một trạng thái bình tĩnh không lo lắng.  Đó không phải là một kiểu thờ ơ, vô tư, thiếu quan tâm đến người khác cũng như những căng thẳng và đấu tranh của thế giới ngày nay.  Sự bình an này là như thế nào?  Tôi hình dung nó như thế nào?  Khi người ta bị sợ hãi hoặc kích động bao trùm, nó có thể khiến cho họ trở nên bất động.  Chúa Giêsu ban sự bình an để giải thoát người ta khỏi sự vây hãm của sợ hãi, khỏi những tác động bất động, và cho phép người ta dấn thân vào cuộc sống một cách trọn vẹn, đầy phức tạp của nó.  Đây có phải là món quà tôi đang mong đợi không?

2.     Chấp nhận rằng những món quà này đến từ Thiên Chúa, hãy đọc lại bài đọc trên thật chậm, nhiều lần có thể.  Hãy chú ý đến những gì Chúa Giêsu hứa.  Hãy nói chuyện với Chúa bằng chính lời nói của tôi ngay bây giờ.  Những tình huống nào trong cuộc sống của tôi đang kêu gọi sự tự do khỏi sợ hãi và đau khổ, sự bình an mà chỉ có Chúa Kitô mới có thể ban cho?  Hãy hỏi Chúa xem tôi có thể trở nên máng chuyển cho món quà bình an đó như thế nào.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, April 28, 2024

Thứ Hai Tuần V Phục Sinh – Năm B – 29-4-2024 – Lễ Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Hai V PS

Mát-thêu 11:25-30

25Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. 27 Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi.  Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. 28 Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.  Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trước hết, tôi muốn dành ra đôi phút để hình dung Chúa Giêsu đang nói những lời mà tôi vừa đọc…  Tôi có thể hình dung Ngài đang ở trước mặt mình không?  Chúa Giêsu nói về những người “khôn ngoan và thông minh”, những người mà Thiên Chúa đã giấu kín nhiều điều… những người này có thể là ai?  Tôi có thể hình dung Chúa Giêsu đang nói đến ai không?  Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại nói về việc trẻ thơ biết…  Ngài có thể đang đề cập đến những phẩm chất nào ở trẻ thơ? 

2.     Bài đọc hôm nay kết thúc với lời hứa nghỉ ngơi cho những ai mang gánh nặng.  Khi tôi đọc lại bài đọc này một hoặc nhiều lần nữa, hãy để ý suy ngẫm xem lời hứa đó có thể có ý nghĩa gì với tôi, trong hoàn cảnh của riêng tôi?  Tôi muốn nói gì ngay bây giờ với một Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ cho con được nghỉ ngơi”?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, April 27, 2024

Chúa Nhật Tuần V Phục Sinh – Năm B – 28-4-2024

CN V PS

1 Gioan 3:18-24

18Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. 19 Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. 20 Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. 21 Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. 22 Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. 23 Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. 24 Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.  Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.

(Trích Thư Gioan I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể bắt đầu giờ cầu nguyện hôm nay bằng việc suy niệm về lời mời của tác giả Thư Gioan: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.”  Đối với tôi, tình yêu bằng chân thật và việc làm là gì?  Tôi có thể nhận ra điều này đang diễn ra trong cuộc sống của chính tôi không?  “…Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự.”  Tôi muốn dành đôi phút để cảm nhận sự an ủi, đỡ nâng từ những lời này… Những lời này đang nói gì với tôi trong lúc này?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý những đề cập về tình yêu, sự bảo đảm và những điều răn… tôi nghĩ tương quan giữa những điều này là gì?  “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.”  Tôi muốn dành những giây phút còn lại của giờ cầu nguyện này, nói chuyện với Thần Khí mà Chúa đã ban cho tôi, về bất cứ điều gì đã gợi lên trong tôi qua giờ cầu nguyện này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, April 26, 2024

Thứ Bảy Tuần IV Phục Sinh – Năm B – 27-4-2024

Thu Bay IV PS

Gioan 14:7-14

7Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy.  Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” 8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” 9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư?  Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.  Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?  Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra.  Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm.  Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chúa Giê-su trả lời [Phi-líp-phê]: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư?  Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.  Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?’”  Câu nói này của Chúa Giêsu có làm tôi phải suy nghĩ không?  Tôi đã là Kitô hữu bao nhiêu năm, đi lễ và cầu nguyện cũng nhiều, nhưng tôi có thật sự biết Chúa Giêsu?  Cái biết của tôi về Chúa Giêsu tác động và thay đổi cuộc đời tôi ra sao?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý có từ ngữ nào hay cụm từ nào đánh động tôi nhất.  Chúng khiến tôi có những cảm nghĩ gì?  Chúng đang dẫn tôi đến gần Chúa Giêsu hay đẩy tôi xa khỏi Ngài như thế nào?  “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm.  Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa…  Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm…  Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”  Tôi cảm thấy như thế nào về những lời này?  Những lời này có làm cho tôi vững tin hơn ở Chúa?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu và chia sẻ với Ngài những gì tôi thật sự cần trong lúc này; để ý, xem Ngài sẽ nói gì với tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, April 25, 2024

Thứ Sáu Tuần IV Phục Sinh – Năm B – 26-4-2024

Thu Sau IV PS

Công Vụ Tông Đồ 13:26-33

26Khi đến An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a, ông Phao-lô đứng giữa hội đường và nói: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta. 27 Dân cư thành Giê-ru-sa-lem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức Giê-su; khi kết án Người, họ đã làm cho ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi ngày sa-bát. 28 Tuy không thấy Người có tội gì đáng chết, họ vẫn đòi Phi-la-tô xử tử. 29 Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ. 30 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. 31 Trong nhiều ngày, Đức Giê-su đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem.  Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân. 32 Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, 33thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giê-su sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: ‘Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.’”

(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.” …Thông điệp về sự cứu rỗi này đã được gửi đến cho mọi người, trong đó có tôi.  Thông điệp cứu rỗi này đã được gửi đến tôi; tôi đã đón nhận nó như thế nào?  “…Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân.”  Tôi muốn dành ít phút để hình dung mình là thành viên của nhóm người được Chúa Giêsu hiện ra sau khi phục sinh.  Tôi cảm thấy thế nào?  Có tiếng vang nào chạm đến cuộc sống của tôi hiện nay không?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần và chú ý phần trình bày rất ngắn gọn, đơn giản của Phao-lô về toàn bộ Tin Mừng… về cuộc đời, bản án, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, như thể tôi đang nghe nó lần đầu tiên.  “Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài…”  Tôi có thể để Tin Mừng này trở nên sống động trọn ngày hôm nay của tôi không?  Hãy nói chuyện với Chúa ngay bây giờ về tất cả những điều đó…  Tôi có thể cầu xin Chúa bất cứ điều gì tôi cần để giúp tôi chia sẻ Tin Mừng này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, April 24, 2024

Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh – Năm B – 25-4-2024 – Lễ Thánh Mác-cô, Thánh Sử

 Thu Nam IV PS

1 Phê-rô 5:5b-14

5bAnh em thân mến, anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. 6 Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định. 7 Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em. 8 Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. 9 Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế. 10 Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Ki-tô.  Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường. 11 Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men.

12 Nhờ tay anh Xin-va-nô mà tôi coi là một người anh em trung tín, tôi viết ít lời để khuyên nhủ anh em và làm chứng rằng đó thật là ân sủng của Thiên Chúa: anh em hãy sống vững vàng trong ân sủng đó. 13 Hội Thánh ở Ba-by-lon, cũng được chọn như anh em, và Mác-cô, con tôi, gửi lời chào anh em. 14 Anh em hãy hôn chào nhau trong tình yêu thương.  Chúc tất cả anh em, những người đang sống trong Đức Ki-tô, được bình an.

(Trích Thư Phê-rô I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường”.  Đây có phải là kinh nghiệm của tôi?  Tôi có thể nghĩ đến lúc nào đã hạ mình xuống và tìm thấy ân sủng nhờ điều đó không?  Hiện tại, có tình huống nào tôi gặp phải mà bị cám dỗ kiêu ngạo, hoặc có thể thấy lời mời gọi từ Chúa để “mặc lấy sự khiêm nhường” không? 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và hãy lắng nghe lời hứa của Chúa, Đấng ban phát mọi ân sủng, sẽ ban cho tôi.  Kinh thánh nói: “Hãy trút mọi lo lắng của bạn cho Ngài, vì Ngài quan tâm đến bạn”.  Những mối lo lắng đặc biệt nào đang làm phiền tôi bây giờ mà tôi có thể phó thác vào tay Chúa?  Hãy phó thác cho Chúa ngay bây giờ.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, April 23, 2024

Thứ Tư Tuần IV Phục Sinh – Năm B – 24-4-2024

Thu Tu IV PS

Gioan 12:44-50

44Khi ấy, Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; 45ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. 46 Tôi là ánh sáng, tôi đã đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. 47 Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. 48 Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. 49 Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. 50 Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời.  Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nằm trong phần gọi là diễn từ biệt ly của Chúa Giêsu, những lời cuối cùng này nghe thật thống thiết.  Bởi vậy tôi cần đọc những lời này với một thái độ nghiêm túc, bởi chúng rất quan trọng cho sự sống đời đời của tôi.  Tôi cảm thấy thế nào trước những lời thống thiết này của Chúa Giêsu?  Chúa Giêsu nói: “Ai tin vào tôi thì không phải tin vào tôi mà tin vào Đấng đã sai tôi”.  Tôi tin vào Chúa Giêsu như thế nào? Tôi có thể hình dung được niềm tin của mình như thế nào không?  Có lẽ tôi cảm thấy niềm tin ấy tác động đến đời sống cụ thể của tôi hiện nay, thể chất lẫn tinh thần?  Chúa Giêsu đã đến như ánh sáng trong thế gian.  Điều này có nghĩa gì với tôi?  Làm thế nào để tôi hình dung điều này?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý xem từ nào hoặc cụm từ cụ thể nào có còn đọng lại trong tôi.  “Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”  Trong những giây phút còn lại của giờ cầu nguyện này, hãy nói chuyện với Chúa Giêsu hoặc Chúa Cha, một cách thân tìn, về bất cứ điều gì đang chất chứa trong lòng tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, April 22, 2024

Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh – Năm B – 23-4-2024 – Lễ Kính Thánh George, Tử Đạo

Thu Ba IV PS

Gioan 15:1-8

1"Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.  Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5 Thầy là cây nho, anh em là cành.  Ai ở lại trong Thầy và Thầy ởlại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo.  Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nêu bật hình ảnh gắn bó mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha, đồng thời Chúa Giêsu cũng chỉ ra tương quan giữa tôi với Ngài, cũng phải như thế.  Trong bài đọc, Chúa Giêsu tự ví mình như là cây nho, và Thiên Chúa, Người Cha yêu thương của Ngài, là người trồng nho.  Hãy hình dung một cây nho, phát triển mạnh mẽ, nhiều lá, rủ xuống với những chùm nho…  Có lẽ tôi đã thấy một cây tương tự như vậy ở khí hậu ấm áp hoặc trong nhà kính…?  Đây là hình ảnh tốt diễn tả cách Chúa Giêsu muốn tôi lớn lên trong Ngài.  Hình ảnh cây nho này đang nói với tôi điều gì?  Tôi có cảm thấy được Người trồng nho yêu quý, chăm sóc, bảo vệ, cắt tỉa nhẹ nhàng?  Tôi có cảm thấy thật gần với Chúa Giêsu?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và chú ý cách Chúa Giêsu lặp lại việc chăm sóc cây nho cẩn thận như thế nào để nó sinh hoa trái.  Ngài nói đi nói lại với tôi rằng, việc được tháp chặt vào cây nho thật, ở trong Ngài là điều thiết yếu để tôi có thể sinh hoa kết quả.  Tôi muốn xin Chúa Giêsu điều gì, để giúp tôi đến gần Ngài hơn và sinh nhiều hoa trái hơn?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, April 21, 2024

Thứ Hai Tuần IV Phục Sinh – Năm B – 22-4-2024 – Lễ Kính Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ của Dòng Tên

Thu Hai IV PS

Gioan 19:25-27

25Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." 27 Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh."  Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu là mẫu gương của một người biết yêu thương, biết đáp trả một cách tự do đối với giới răn yêu thương của Thiên Chúa.  Trong bài đọc hôm nay, trích từ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan, tôi có thể suy ngẫm về cách thể hiện tình yêu đó.  Hãy hình dung khung cảnh được mô tả ở đây, thập giá, và ngắm nhìn Đức Maria, Mẹ đang đứng bên Chúa Giêsu… Đây có thể là một cảnh đau đớn.  Hãy để ý xem tôi cảm thấy thế nào.  Tôi có thể hiện diện với khoảnh khắc đau thương ấy, như Mẹ Maria không?…  Khi đứng cạnh Mẹ, tôi có cảm nhận được Mẹ đang cảm thấy gì không?….  Có điều gì tôi muốn nói với Mẹ không?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và hãy xem, liệu tôi có thể tập trung vào chính Đức Giêsu Kitô không.  Ngài nhìn mẹ Ngài và người môn đệ Ngài yêu thương như thế nào?  Tôi cảm thấy bị thu hút bởi điều gì nơi Ngài?  Bối cảnh này tuy khó nhưng lại là cảnh tình yêu sâu đậm.  Tình yêu ảnh hưởng đến mọi người một cách mạnh mẽ.  Bây giờ hãy hướng về Chúa Kitô hoặc Mẹ Maria và nói với các Ngài về cảnh tượng này đã khơi dậy trong tôi, đưa suy tư hôm nay đến một kết thúc nhẹ nhàng trong Thiên Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, April 20, 2024

Chúa Nhật Tuần IV Phục Sinh – Năm B – 21-4-2024 - Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu

CN IV PS

Gioan 10:11-18

11Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành.  Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy.  Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. 14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành.  Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, 15như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 16 Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này.  Tôi cũng phải đưa chúng về.  Chúng sẽ nghe tiếng tôi.  Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. 17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.  Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy.  Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     “Ta là Mục Tử nhân lành.”  Có lẽ đây là những từ quen thuộc.  Chúa Giêsu muốn tôi coi Ngài là Mục Tử Nhân Lành.  Chúa Giêsu nói, việc Ngài chăm sóc cho mỗi người cũng giống như việc người mục tử chăm sóc cho đàn chiên của mình.  Hãy suy ngẫm về trải nghiệm của tôi khi được vị mục tử nào đó đã chăm sóc tận tình.  Người mục tử tốt lành biết chiên của mình và chiên của mình biết mình.  Làm thế nào để việc được biết và được yêu này giúp tôi định hướng cuộc sống của mình tới một thế giới tươi đẹp hơn, dù cho có đầy thù nghịch trước mắt?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và suy ngẫm về sự chào đón đầy yêu thương của người mục tử.  Tôi muốn dành cả giờ cầu nguyện còn lại để cảm nhận tình yêu rất lớn của Chúa Giêsu, Vị Mục Tử đích thực, đã dành cho tôi.  Đặc biệt tôi nhớ lại Ngài đã hy sinh mạng sống vì tôi như thế nào, từ biến cố Tuần Thánh vừa qua.  Hôm nay cũng là Chúa Nhật cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu.  Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện này bằng những giây phút cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ mở lòng dấn thân trong ơn gọi làm linh mục.  Tôi cũng cầu nguyện cho các linh mục, đặc biệt những vị mà tôi quen biết, càng ngày càng trở nên giống Chúa Kitô hơn: yêu thương, nhân lành và khiêm nhường phục vụ đến quên mình.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, April 19, 2024

Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh – Năm B – 20-4-2024

Thu Bay III PS

Công Vụ Tông Đồ 9:31-42

31Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ. 32 Bấy giờ ông Phê-rô rảo khắp nơi, xuống thăm cả dân thánh cư ngụ tại Lốt. 33 Nơi đây ông gặp thấy một người tên là Ê-nê liệt giường đã tám năm, vì anh bị tê bại. 34 Ông Phê-rô nói với anh ta: “Anh Ê-nê, Đức Giê-su Ki-tô chữa anh khỏi.  Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy.”  Lập tức anh đứng dậy. 35 Tất cả những người cư ngụ ở Lốt và đồng bằng Sa-ron thấy anh, và họ trở lại cùng Chúa.

36 Ở Gia-phô, trong số các môn đệ có một bà tên là Ta-bi-tha, có nghĩa là Linh Dương. Bà này đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm. 37 Trong những ngày ấy, bà mắc bệnh và qua đời.  Người ta tắm xác cho bà và đặt ở lầu trên. 38 Vì Lốt gần Gia-phô, nên khi các môn đệ nghe biết ông Phê-rô ở đó, liền cử hai người đến mời: “Xin ông đến với chúng tôi, đừng trì hoãn.” 39 Ông Phê-rô đứng dậy cùng đi với họ.  Tới nơi, người ta đưa ông lên lầu trên.  Các bà goá xúm lại quanh ông, vừa khóc vừa cho ông xem những áo dài và áo choàng bà Linh Dương đã may khi còn sống với họ. 40 Ông Phê-rô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện.  Sau đó, ông quay lại về phía thi hài và ra lệnh: “Bà Ta-bi-tha, hãy đứng dậy!”  Bà ấy mở mắt ra, và khi thấy ông Phê-rô, liền ngồi dậy. 41 Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi dân thánh và các bà goá lại và cho thấy bà đang sống. 42 Cả thành Gia-phô đều biết việc này, và có nhiều người tin vào Chúa.

(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Nhật ký truyền giáo của Giáo hội sơ khai hôm nay ghi nhận hai việc làm của Phê-rô, rất ngoạn mục!  Nhưng trước hết, tôi muốn tập trung suy ngẫm về hình ảnh của các người nữ trong trang nhật ký này.  Chẳng phải đến ngày hôm nay người ta mới đề cập đến vấn đề nữ quyền trong xã hội.  Chẳng phải Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô là người cấp tiến và đang phá Giáo hội, như những người hoài cảm về một truyền thống đã lỗi thời và nặng giáo sĩ trị trong Giáo hội đang đả phá, lên án và tấn công ngài, khi ngài lên tiếng ủng hộ và đặt những người nữ vào những vai trò quan trọng trong Giáo hội.  Tôi hãy đọc thật kỹ và nhìn thật kỹ hình ảnh các bà, nổi bật trong trang nhật ký của bài đọc hôm nay.  Tôi hãy đọc thật kỹ, suy cho tường hình ảnh của các bà trong Luca 8:1-3 và các câu chuyện Phục sinh được tường thuật trong cả bốn Phúc âm.  Tôi hãy đọc thật kỹ, nghiệm thật sâu và hiểu cho thấu đáo hình ảnh cả các người nữ trong lịch sử bách hại đạo ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam trong mấy trăm năm qua. Họ là những môn đệ, những lãnh đạo cộng đoàn, những người đóng góp rất lớn trong cộng đoàn, những người giúp rao giảng Tin Mừng, duy trì đức tin, tình hiệp thông trong cộng đoàn và là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh.  Đặc biệt, họ luôn là số đông trong mọi thánh lễ, ở mọi nơi, hơn hẳn nam giới!  Tôi muốn suy ngẫm, chiêm ngắm hình ảnh và các việc làm của những người nữ trong Giáo hội, đặc biệt những người nữ mà tôi quen biết.  Tôi muốn dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì cuộc sống và hy sinh tận tụy của họ cho gia đình, cho Giáo hội, cho xã hội.  Tôi muốn cầu nguyện cho họ trong giây phút này.  Tôi có thể kể cho Chúa nghe, tên của từng người nữ mà tôi quen biết, xin Ngài ôm ấp họ trong vòng tay yêu thương từ ái của Ngài.

2.  Thứ đến, tôi muốn chiêm ngắm hình ảnh của Phê-rô.  Trước kia ông là người bộp chộp, nói năng bộc trực “thẳng như ruột ngựa”, thề sống thề chết để chối Chúa, ấy vậy mà sao hôm nay ông điềm tĩnh, mạnh mẽ và đầy lòng tin vào Chúa, khiến ông có thể làm được những phép lạ?  Tôi có thể dành phần còn lại của giờ cầu nguyện hôm nay để đối thoại với Phê-rô: Làm thế nào mà ông có sự thay đổi lớn như vậy?  Làm thế nào để ông có niềm tin mạnh mẽ như vậy?  Làm thế nào để ông có sự tự tin, can đảm ra đi rao giảng Tin Mừng bất chấp bắt bớ, bách hại, tù đày và cả đến mất mạng?  Tôi muốn được nghe những chứng từ từ Phê-rô và xin cho được lòng nhiệt thành, tình yêu mến và đức tin vững mạnh như ông.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, April 18, 2024

Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh – Năm B – 19-4-2024

Thu Sau III PS

Công Vụ Tông Đồ 9:1-20

1Bấy giờ, ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế 2xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem.

3Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. 4 Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” 5 Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”  Người đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. 6 Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.” 7 Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai. 8 Ông Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mát. 9 Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống.

10Bấy giờ ở Đa-mát có một môn đệ tên là Kha-na-ni-a.  Trong một thị kiến, Chúa phán với ông: “Kha-na-ni-a!”  Ông thưa: “Dạ, lạy Chúa, con đây.” 11 Chúa bảo ông: “Đứng lên, đi tới phố gọi là Phố Thẳng, đến nhà Giu-đa tìm một người tên là Sao-lô quê ở Tác-xô: người ấy đang cầu nguyện 12và thấy một người tên là Kha-na-ni-a đi vào, đặt tay trên mình để làm cho mình lại thấy được.” 13 Ông Kha-na-ni-a thưa: “Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa tại Giê-ru-sa-lem. 14 Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa.” 15 Nhưng Chúa phán với ông: “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en. 16 Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta.” 17 Ông Kha-na-ni-a liền đi; ông vào nhà, đặt tay trên ông Sao-lô và nói: “Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giê-su, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây.  Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần.” 18 Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Sao-lô, và ông lại thấy được.  Ông đứng dậy và chịu phép rửa. 19 Rồi ông ăn và khoẻ lại.  Ông ở lại Đa-mát với các môn đệ mấy hôm, 20rồi lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giê-su trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa.

(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là câu chuyện nổi tiếng về cuộc đổi đời của Thánh Phao-lô.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi hình dung chính mình, như là một người bạn đồng hành, đang đi rất gần với Phao-lô (khi ấy ông còn mang tên là Sao-lô), trên đường đi Đa-mát.  Tôi thấy đoạn đường ấy trông như thế nào?  Tôi cảm thấy thế nào khi đồng hành cùng Sao-lô?  Bỗng dưng một luồng sáng chói lòa chiếu thẳng vào mặt của Sao-lô khiến ông ngã xuống đất, bất lực…  Tôi muốn làm gì cho Sao-lô khi ấy?  Tôi cũng nghe thấy câu hỏi của Sao-lô: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”  Khi tôi bước đi với Sao-lô, Chúa đã đi trước tôi, tất cả cùng tiến vào thành Đa-mát.

2.     Trong thị kiến Chúa hiện ra với Kha-na-ni-a, một người sẵn sàng làm theo yêu cầu của Chúa, nhưng lại sợ và nghi ngờ Sao-lô, bởi ông đã nghe nhiều về Sao-lô và những việc làm ác đức mà Sao-lô đã làm với các Kitô hữu ở Giê-ru-sa-lem.  Khi tôi vào một nhà ở thành Đa-mát và chờ đợi với Sao-lô, tôi nghĩ Sao-lô cảm thấy thế nào khi chờ đợi suốt ba ngày không nhìn thấy gì và không ăn uống gì?  Sau khi được Kha-na-ni-a đặt tay và Thánh Thần xuống trên Sao-lô, ông đã thấy lại được.  Vài ngày sau, Sao-lô ở với các môn đệ ở Đa-mát, và ngay lập tức ông bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu trong các hội đường rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa''.  Chứng kiến ​​sự trở lại nơi Sao-lô, tôi thấy ông như thế nào?  Từ việc bắt bớ các Kitô hữu đến làm bạn và làm chứng cho Chúa Giêsu?  Trong thời gian còn lại của giờ cầu nguyện này, tôi cũng muốn suy ngẫm về những cách thức theo Chúa của tôi bao lâu nay đã mang lại sự thay đổi trong tôi ra sao.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, April 17, 2024

Thứ Năm Tuần III Phục Sinh – Năm B – 18-4-2024

Thu Nam III PS

Công Vụ Tông Đồ 8:26-40

26Ngày ấy, thiên sứ của Chúa nói với ông Phi-líp-phê: “Đứng lên, đi về hướng nam, theo con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Ga-da; con đường này vắng.” 27 Ông đứng lên đi.  Khi ấy có một viên thái giám người Ê-thi-óp, làm quan lớn trong triều của bà Can-đa-kê, nữ hoàng nước Ê-thi-óp.  Ông này làm tổng quản kho bạc của bà. Ông đã lên Giê-ru-sa-lem hành hương 28 và bấy giờ đang trên đường về. Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ I-sai-a. 29 Thần Khí nói với ông Phi-líp-phê: “Tiến lên, đuổi kịp xe đó.” 30 Ông Phi-líp-phê chạy lại, nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ I-sai-a, thì hỏi: “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?” 31 Ông quan đáp: “Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?”  Rồi ông mời ông Phi-líp-phê lên ngồi với mình. 32 Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn này: Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. 33 Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ bỏ.  Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt.

34Viên thái giám ngỏ lời với ông Phi-líp-phê: “Xin ông cho biết, vị ngôn sứ nói thế về ai?  Về chính mình hay về một ai khác?” 35 Ông Phi-líp-phê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giê-su cho ông.

36Dọc đường, các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói: “Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?” 37 Ông Phi-líp-phê đáp: “Nếu ngài tin hết lòng, thì được.”  Viên thái giám thưa: “Tôi tin Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa.” 38 Ông truyền dừng xe lại.  Ông Phi-líp-phê và viên thái giám, cả hai cùng xuống chỗ có nước, và ông Phi-líp-phê làm phép rửa cho ông quan. 39 Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Phi-líp-phê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa.  Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. 40 Còn ông Phi-líp-phê thì người ta gặp thấy ở Át-đốt.  Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Xê-da-rê.

(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay khá thú vị.  Tôi có thể thấy bài đọc bao gồm hai phần: Phần thứ nhất, đó là sự đáp trả mau mắn của Phi-líp-phê trước sự thúc đẩy của Thánh Thần.  Phần thứ hai, đó là sự đáp trả ngay lập tức của viên thái giám trước sự thúc đẩy của lời Chúa.  Tôi có thể ngạc nhiên trước tính cấp thiết của lời kêu gọi của Thánh Thần.  Tôi có thể, giống như Phi-líp-phê, sẵn sàng đón nhận lời mời gọi của Chúa và đáp trả ngay lập tức với Ngài, bằng tất cả sự vâng phục không?  Nếu không, điều gì đang ngăn cản tôi?

2.     Thứ đến, tôi nhận thấy viên thái giám thật có phúc, vì có được sự giúp đỡ của Phi-líp-phê giải thích cho ông hiểu những gì Kinh Thánh nói, và ông đã đáp trả ngay lập tức, bằng cách: xin được rửa tội.  Tôi nhớ có lần ai đó đã dành thời gian giải thích Kinh Thánh cho tôi, điều này giúp tôi hiểu được điều gì đó đã thay đổi cuộc sống của tôi không?  Hãy dành thời gian với Chúa để nhớ lại khoảnh khắc này, cảm tạ Ngài, đồng thời để ý Ngài đang thôi thúc tôi phải làm những gì trong giây phút này cho bản thân và những người xung quanh.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, April 16, 2024

Thứ Tư Tuần III Phục Sinh – Năm B – 17-4-2024

Thu Tu III PS

Gioan 6:35-40

35Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Chính tôi là bánh trường sinh.  Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! 36 Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. 37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay tiếp nối những bài đọc của những ngày qua về một bài giảng quan trọng của Chúa Giêsu về chính Ngài là bánh ban sự sống.  Tôi nhớ lại có lần Chúa Giêsu phán với Xa-tan: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4:4).  Tôi có cảm thấy những lời của Chúa từ trong Kinh Thánh, từ trong truyền thống giáo lý của Giáo hội và đặc biệt từ trong tận đáy lòng của tôi có sức ban sự sống và có ý nghĩa đối với tôi ngày nay?  Bài đọc hôm nay Chúa Giêsu nói: “Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài”.  Tôi có thể nhớ lại điều gì đã thu hút tôi đến với Chúa Giêsu lần đầu tiên không? 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, hãy dừng lại ở bất kỳ từ hoặc cụm từ nào đánh động tôi nhất.  Tôi để cho những lời ấy thấm vào trong tôi, nuôi dưỡng tôi và dẫn tôi đến thật gần Chúa Giêsu.  Khi giờ cầu nguyện này sắp kết thúc, hãy hình dung Chúa Giêsu ban bánh ăn cho tôi…  Hãy cố gắng ngắm nhìn Ngài, nghe thật rõ Ngài nói với tôi: “Ta là bánh của hằng sống”.  Tôi để cho câu này vang lên trong lòng tôi suốt cả ngày sống hôm nay. 

Phạm Đức Hạnh, SJ