Friday, May 31, 2019

Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh – Năm C –1-6-2019 - Lễ Thánh Justin, tử đạo


Thu Bay VI PS

Gioan 16:25-28

25 Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở.26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em.27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha."
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Nếu tôi để ý Phúc âm Gioan, tôi sẽ thấy rõ cách dùng từ của Gioan: “Thế gian” đối nghịch với “những người tin nhận Chúa Giêsu.”  Thế gian là những người chối bỏ chân lý, sự thật và tình yêu, tức là chạy theo sự ác, chối bỏ Thiên Chúa.  Chính vì có “thế gian” và “thế ngay” mà Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để nói với những người tin theo Ngài mà những người thuộc về thế gian không hiểu được.  Bài đọc hôm nay ở vào những lời cuối trước khi từ biệt các môn đệ để bước vào cuộc tử nạn, chính vì thế mà Chúa Giêsu không còn dùng dụ ngôn, nhưng nói thẳng và rõ ràng với các môn đệ, trong đó tôi thấy tình Cha-Con trong Chúa Giêsu thật mật thiết.  Chúa Giêsu khuyến khích tôi hãy kêu cầu cùng Chúa Cha, Ngài sẽ làm cho tôi toại nguyện.  Lời nói này có làm cho tôi bình an hơn, hy vọng hơn giữa những khó khăn mà tôi đang phải đối diện? 
2.      Chúa Giêsu nói rõ, Ngài sẽ không cầu xin Chúa Cha cho tôi.  Nói mạnh mẽ hơn: Chúa Giêsu KHÔNG CẦN cầu xin Chúa Cha cho tôi nữa, vì từ nay tôi có thể đến trực tiếp với Chúa Cha, và vì tôi yêu Chúa Giêsu nên Chúa Cha cũng yêu mến tôi.  Như vậy tôi được nên một trong Chúa Cha và Chúa Giêsu.  Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vì những lời của Chúa Giêsu hôm nay không?  Tôi đọc lại những lời của Chúa Giêsu và ở lại với lời này của Ngài: “Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.”
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, May 30, 2019

Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh – Năm C – 31-5-2019 – Đức Mẹ Thăm Bà Elizabeth


Thu Sau VI PS

Rô-ma 12:9-16

9 Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành;10 thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình;11 nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.12 Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.13 Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.14 Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa:15 vui với người vui, khóc với người khóc.16 Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan.
(Trích Thư Rô-ma bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Những lời của Phao-lô dành cho Giáo xứ Rô-ma ngày xưa tưởng cũng là dành cho tôi, cho giáo xứ và gia đình của tôi ngày hôm nay.  Yêu thương, quan tâm, khiêm nhường và cầu nguyện chính là những viên đá góc giúp cho cộng đoàn, xứ đạo, gia đình tôi đứng vững và trở thành tòa nhà tuyệt đẹp giữa lòng thế giới.  Tôi muốn đọc lại đoạn thư trên nhiều lần để những lời này tuôn chảy trong từng mạch máu, trở thành cơ bắp trong tôi, để dù ở đâu và bất cứ khi nào tôi cũng mang trong mình bốn viên đá quan trọng này: yêu thương, quan tâm, khiêm nhường và cầu nguyện. 
2.      Hôm nay cũng là ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng Bà Elizabeth.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn đi vào cuộc đối thoại giữa Mẹ Maria và Bà Elizabeth.  Các ngài nói những gì với nhau?  Chắc chắn những chủ đề các ngài nói chuyện cũng đều diễn tả về bốn viên đá góc này: yêu thương, quan tâm, khiêm nhường và cầu nguyện.  Tôi muốn đọc lại đoạn thư trên và chọn cho tôi một điều đẹp từ đoạn thư trên, biến nó thành một hành động cụ thể tại nơi tôi sống, và với những người mà tôi tiếp xúc trong ngày hôm nay. 
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, May 29, 2019

Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh – Năm C – 30-5-2019


Thu Nam VI PS

Gioan 16:19-20

19 Đức Giê-su bảo các môn đệ: "Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy".20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài phúc âm hôm nay là một phần trong Diễn Từ Ly Biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ, trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn.  Chúa Giêsu nói một ít nữa các môn đệ sẽ không thấy Ngài vì Ngài sẽ bước vào cuộc khổ nạn, chịu chết; rồi một ít nữa, các môn đệ sẽ thấy Ngài vì Ngài sẽ sống lại.  Ngày nay, những lời này có thể dễ hiểu đối với tôi, nhưng ngày ấy các môn đệ làm sao hiểu được!  Dù tôi may mắn hơn các môn đệ ngày xưa, hiểu những lời Chúa Giêsu nói một cách dễ dàng, nhưng tôi trân quý cái chết và sống lại của Chúa Giêsu như thế nào?  Tôi có thể nói Chúa Giêsu đã chết cho tôi, nhưng sự chết và sống lại của Ngài đã ảnh hưởng đến đời sống của tôi ra sao?  Tôi có sống khác hơn vì tôi đã lãnh nhận ơn cứu độ Ngài dành cho tôi?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu trong lúc này. 
2.     Tôi và thế gian sẽ không bao giờ có chung một giá trị sống.  Họ sẽ vui mừng khi thấy Chúa Giêsu phải chết, nhưng đây là một đau khổ đối với tôi.  Nhưng nỗi buồn khổ của tôi sẽ không kéo dài mãi mãi, mà sẽ được biến thành niềm vui, khi tôi gặp lại Chúa Giêsu phục sinh.  Tôi phải gặp được Chúa Giêsu phục sinh bằng kinh nghiệm cá vị giữa tôi với Ngài, bằng không niềm vui của tôi sẽ không bao giờ trọn vẹn, và thế gian sẽ tiếp tục nhạo cười tôi.  Tôi đã gặp, đã kinh nghiệm về Chúa Giêsu Phục Sinh chưa?  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn xin cho được ơn này, xin cho được kinh nghiệm về Chúa Giêsu Phục Sinh, như Maria Ma-đa-lê-na, như hai môn đệ trên đường Emmaus, như Tô-ma...
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, May 28, 2019

Thứ Tư Tuần VI Phục Sinh – Năm C – 29-5-2019


Thu Tu VI PS

Tông Đồ Công Vụ 17:22-34

22 Đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: "Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết.23 Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: "Kính thần vô danh". Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.

24 "Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên.25 Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự.26 Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ.27 Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta.28 Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: "Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.

29 "Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.

30 "Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối,31 vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết."

32 Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: "Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy."33 Thế là ông Phao-lô bỏ họ mà đi.34 Nhưng có mấy người đã theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Đi-ô-ny-xi-ô, thành viên Hội đồng A-rê-ô-pa-gô và một phụ nữ tên là Đa-ma-ri cùng những người khác nữa.

(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Tôi có thể thấy những lời của Phao-lô cho người A-thê-na, cũng là cho tôi hôm nay, khi ông nói: Người [Chúa] đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu.”  Tôi ao ước kiếm tìm Thiên Chúa đến mức nào, giữa đời sống bận rộn của tôi hôm nay?  Nếu tôi khao khát kiếm tìm Ngài, tôi sẽ gặp Ngài, bởi Ngài không ở đâu xa, nhưng ở trong từng hơi thở và cử động của tôi.  Tôi có thể nhắm mắt, thư giãn trong lúc này, và để ý từng hơi thở, sức sống của Chúa, thật đầy đang chảy vào và ra từ buồng phổi của tôi.  Tôi muốn nói gì với Chúa về sự sống Ngài đang ban tặng cho tôi?

2.      Tin mừng phục sinh, một tin lớn kinh thiên động địa, không dễ có nhiều người tin theo.  Bài đọc hôm nay có thể là một bằng chứng về sự thất bại của Phao-lô khi rao giảng tin mừng phục sinh.  Chẳng phải như Phao-lô, ngay cả thời đại hôm nay, vẫn có nhiều người không muốn gia nhập Kitô giáo, vì họ không thẻ chấp nhận bản tin phục sinh.  Tôi có kinh nghiệm này không?  Tôi có bao giờ bị từ chối, khi nỗ lực chia sẻ niềm tin của mình với những người xung quanh?  Tôi muốn nói chuyện với Phao-lô và học ở ngài kinh nghiệm truyền giáo.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, May 27, 2019

Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh – Năm C – 28-5-2019


Thu Ba V I PS

Tông Đồ Công Vụ 16:22-34

22 Đám đông nổi lên chống hai ông. Các quan toà, sau khi đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn.23 Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận.24 Được lệnh đó, người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại.

25 Vào quãng nửa đêm, ông Phao-lô và ông Xi-la hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát.26 Bỗng nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Ngay lúc đó, tất cả các cửa mở toang và xiềng xích của mọi người buột tung ra.27 Viên cai ngục choàng dậy và thấy các cửa ngục mở toang, liền rút gươm định tự tử, vì tưởng rằng các người tù đã trốn đi.28 Nhưng ông Phao-lô lớn tiếng bảo: "Ông chớ hại mình làm chi: chúng tôi còn cả đây mà!"

29 Viên cai ngục bảo lấy đèn, nhảy bổ vào, run rẩy sấp mình dưới chân ông Phao-lô và ông Xi-la,30 rồi đưa hai ông ra ngoài và nói: "Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ? "31 Hai ông đáp: "Hãy tin vào Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ."32 Hai ông liền giảng lời Chúa cho viên cai ngục cùng mọi người trong nhà ông ấy.33 Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ông đi, rửa các vết thương, và lập tức ông ấy được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà.34 Rồi ông ấy đưa hai ông lên nhà, dọn bàn ăn. Ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa.

(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Bài đọc hôm nay có thể được tóm lược bằng hai cụm từ: Bắt bớTin mừng.  Bắt bớ hay bách hại đã gắn liền với lịch sử Giáo hội ngay từ những ngày đầu của Giáo hội.  Khởi đi từ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, các tín hữu đã không ngừng bị bách hại ở mọi thời đại, và mọi văn hóa.  Dầu vậy, các tín hữu vẫn kiên trì và sáng tạo trong việc rao giảng tin mừng, đồng thời can đảm làm chứng vê Chúa Giêsu Phục Sinh dưới mọi hình thức.  Bài đọc hôm nay là một ví dụ.  Phao-lô không ngừng tận dụng mọi cách để rao giảng về Chúa Giêsu.  Tôi đã và đang tìm mọi cách diễn tả tình yêu Chúa những khi nào?  Có bao giờ vì khó khăn và bách hại mà tôi muốn buông bỏ việc chia sẻ đức tin với những người xung quanh?

2.      Tin mừng đúng nghĩa luôn mang yêu thương, niềm vui, sức sống, bình an và hạnh phúc đến cho mọi nơi và mọi người.  Viên cai ngục nhận được Tin mừng từ Phao-lô khiến cả nhà ông được vui.  Các tông đồ xưa kia đón nhận được tin mừng phục sinh của Chúa Giêsu, họ đầy niềm vui, dám ra đi chia sẻ tin vui ấy dẫu có bị bắt bớ và tù đầy.  Tôi muốn xem lại đời sống của tôi bao lâu nay, mỗi khi nói về Chúa, tôi đã nói tin mừng, tin vui, hay chỉ nói đến tội và sự trừng phạt?  Tôi muốn từ nay sẽ mãi là sứ giả của tin mừng, chứ không phải là sứ giả của tin ác nữa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, May 26, 2019

Thứ Hai Tuần VI Phục Sinh – Năm C – 27-5-2019


Thu Hai VI PS

Gioan 16:2-4

2 [Người ta] sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy.4 Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Bài đọc hôm nay tuy rất ngắn, nhưng có thể làm tôi rất sợ.  Cái sợ thứ nhất đó là, sợ những người đồng đạo.  Những bắt bớ trong Giáo hội không chỉ đến từ những người không tin Chúa, nhưng cũng đến từ những người đồng đạo.  Cụ thể là cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, đến từ những người nhân danh Thiên Chúa, bảo vệ Thiên Chúa.  Đây có thể là điều hiển nhiên đối với tôi.  Tuy nhiên điều đáng sợ hơn cả mà trong giờ cầu nguyện này tôi muốn nhìn lại đó là: Có bao giờ tôi đã nhân danh đức tin, nhân danh Thiên Chúa để loại trừ người khác chưa?  Nếu có, tôi xin được ơn soi sáng để biết biện phân phải trái.  Nếu có, tôi xin được ơn tha thứ.  Nếu có, tôi xin được ơn Chữa lành ngay lúc này. 

2.     Điều đáng sợ thứ hai trong bài đọc hôm nay đó là, những hành động loại trừ người khác mà tôi tưởng là làm để bảo vệ đức tin và bảo vệ Thiên Chúa, thực chất là vì tôi chẳng biết gì về Chúa Giêsu và chẳng biết gì về Chúa Cha.  Tôi muốn xem lại chính tôi, dù đã được rửa tội bao nhiêu năm, tôi thật sự biết Chúa Giêsu và Chúa Cha không?  Tôi biết Ngài đến mức nào?  Tôi có thể trả lời cho Ngài trong lúc này không?  Tôi tiếp tục hỏi chính tôi câu hỏi này, qua đường dẫn sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=OcyXSZZOPzM

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, May 25, 2019

Chúa Nhật Tuần VI Phục Sinh – Năm C – 26-5-2019


CN VI PS

Gioan 14:23-29

23 Đức Giê-su đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.28 Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Lời Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay chỉ cho tôi một công thức phân định mức độ lòng mến trong tôi đang có với Ngài.  Nếu tôi yêu mến Chúa Giêsu, chắc chắn tôi sẽ giữ lời của Ngài: sống yêu thương.  Tôi có thể nhìn vào lòng tôi lúc này và xem tôi có đang yêu thương những người xung quanh không?  Nếu tôi không thương yêu những người xung quanh tôi, đây chính là dấu chỉ chắc chắn tôi không yêu Chúa Giêsu.  Tôi muốn để lời này của Chúa Giêsu chất vấn tôi trong lúc này.  Tôi muốn nói gì và xin gì cùng Chúa Giêsu để tôi có thể sống yêu thương Chúa, thì cũng biết yêu người lân cận.

2.     Lời Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay còn nói đến một món quà rất quý mà tôi hằng mong đợi đó là, sự bình an.  Sự bình an mà thế giới không thể ban tặng, cũng có nghĩa là sự bình an đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa.  Bao lâu nay tôi đi tìm bình an ở đâu?  Có điều gì đang làm lòng tôi xao xuyến trong lúc này?  Tôi muốn thổ lộ cùng Chúa và xin ơn bình an của Chúa tràn ngập trong tôi.  Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát: Tôi Đi Tìm Bình An, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=sBVt75YcsB4 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, May 24, 2019

Thứ Bảy Tuần V Phục Sinh – Năm C – 25-5-2019


Thu Bay V PS

Gioan 15:18-21

18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.20 Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Chúa Giêsu không bao giờ cho tôi ăn bánh vẽ, cũng chẳng hứa hẹn con đường theo Ngài là một con đường luôn êm xuôi, bằng phẳng, nhưng luôn có những bắt bớ và giết chóc.  Trong mấy ngày qua Chúa Giêsu đã tỏ bày cho tôi tình yêu của Ngài tuyệt hảo, luôn dành cho tôi, khiến tôi muốn luôn kết hiệp mật thiết với Ngài, nên một với Ngài.  Bài đọc hôm nay nói, tôi sẽ gặp gian nan và đau khổ, khi theo Ngài.  Tôi còn muốn theo sát Ngài, nên một với Ngài nữa hay thôi?  Tôi nói chuyện với Ngài về những suy nghĩ trong tim tôi lúc này.

2.     Tôi đang đối diện với những bắt bớ và khó khăn nào khi theo Chúa trong lúc này?  Có thể không phải là những cuộc bắt bớ bằng gông cùm và tù đầy đến đổ máu, nhưng là những chọn lựa đầy thách đố giữa đam mê tiền bạc, vật chất, dục tình, cờ bạc, rượu chè đến mức tôi đang đánh đổi cả đức tin, lòng mến với Chúa Giêsu, sẵn sàng sống bất lương, bất công, bất nhân, đầy gian dối và tàn ác?  Tôi đang theo Chúa Giêsu theo kiểu nào?  Tôi muốn thổ lộ cùng Ngài và xin Ngài thêm sức mạnh dám thay đổi và dám chọn Chúa mà thôi.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, May 23, 2019

Thứ Sáu Tuần V Phục Sinh – Năm C – 24-5-2019


Thu Sau V PS

Gioan 15:12-17

12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Nếu tôi đọc Phúc âm Gioan, tôi sẽ khám phá một điều này đó là, từ chương 13 đến chương 17, Chúa Giêsu chỉ nói đi nói lại có một điều: Cha Thầy đã yêu thương Thầy thế nào, Thầy cũng yêu thương các con như vậy, và vì Thầy yêu thương các con nên các con cũng phải yêu thương nhau.  Có lẽ không có một lời nào đẹp hơn, và tóm lược xúc tích hơn những lời dạy của Chúa Giêsu cho bằng hai chữ: “Yêu Thương.”  Chính vì thế, Gioan không ngại lập lại những lời này của Chúa Giêsu trong cả năm chương sách của ngài.  Tôi muốn đọc lại những lời trên để cảm nghiệm hết sự dịu ngọt của yêu thương, để chiêm ngưỡng cái đẹp của lòng mến Thiên Chúa đang dành cho tôi.

2.     Chúa Giêsu nói Ngài gọi tôi là bạn của Ngài.  Lạ chưa!  Đẹp quá!  Tôi khi nào đến với Chúa cũng coi Ngài ở thật xa, thật cao, thật khó tính, thật nghiêm khắc…vậy mà Ngài lại gọi tôi là bạn.  Tôi muốn xem lại thái độ của tôi với Ngài ngay trong lúc này.  Tôi dám nói với Ngài thân tình như bạn với bạn không?  Tôi có hiểu và quan tâm đến Ngài như bạn với bạn và như Ngài hằng hiểu và quan tâm đến tôi không?  Tôi muốn nói gì với Ngài, như là một người bạn rất thân, trong lúc này?

Phạm Đức Hạnh, SJ        


Wednesday, May 22, 2019

Thứ Năm Tuần V Phục Sinh – Năm C – 23-5-2019


Thu Nam V PS

Gioan 15:9-11

 9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Qua bài đọc hôm nay, tôi lại được nghe những lời đầy yêu thương của Chúa Giesu dành cho những người Ngài thương mến, trong đó có tôi.  Tôi muốn đọc những lời này nhiều lần để cho niềm vui của tôi được nên trọn vẹn, và để cho những lời này tưới mát cuộc đời tôi, chữa lành những vết thương trong tôi, tạo một ý lực sống đầy yêu thương vươn tới mọi người xung quanh.

2.     Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy,” tôi muốn mang lời này trong tim, để những lời này hát vang trong cả cuộc đời của tôi, bắt đầu từ hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, May 21, 2019

Thứ Tư Tuần V Phục Sinh – Năm C – 22-5-2019


Thu Tu V PS

Gioan 14:27-29

1"Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Có lẽ không hình ảnh nào có thể diễn tả sự gắn bó khắng khít giữa Chúa Giêsu và tôi, mạnh, thân mật và sâu đậm cho bằng hình ảnh cây với cành.  Chúa Giêsu nói sự gắn bó giữa Ngài và tôi còn hơn cả tình bạn hữu, hơn cả tình vợ chồng, thậm chí còn hơn cả tình mẹ con nữa.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn nhìn lại đâu là những góc cạnh trong đời sống của tôi đang gắn liền với Chúa Giêsu, là thân của tôi?  Tôi để ý những dòng chảy của sự sống đang tuôn chảy trong tôi, nuôi dưỡng tôi, giúp tôi sinh hoa kết trái trong đời sống này.  Tôi muốn cám ơn Chúa là nguồn sống đích thực của đời tôi.  Đâu là những góc cạnh trong đời sống của tôi đang dần dần xa lìa Chúa Giêsu?  Điều gì đang làm chúng xa lìa Chúa?  Tôi để ý chúng đang héo tàn, sự sống đang cạn kiệt như thế nào.  Tôi xin cho được ơn khao khát kết hiệp với Chúa Giêsu luôn.  Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.”
2.      Chúa Giêsu kết thúc lời dạy của Ngài trong bài đọc hôm nay bằng câu: Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”  Tôi muốn làm một điều gì cụ thể để cuộc đời tôi sinh nhiều hoa trái?  Gắn bó với Thầy Giêsu, qua đời sống chiêm niệm mỗi ngày.  Tôi muốn làm một điều gì cụ thể để tôi trở thành môn đệ của Thầy Giêsu?  Giữ và thực hành lời dạy yêu thương của Thầy.  Đây là những điều tôi có thể làm cho Chúa Cha được vui, được tôn vinh.  Tôi quyết tâm.  Tôi xin Chúa chúc lành cho quyết tâm này.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, May 20, 2019

Thứ Ba Tuần V Phục Sinh – Năm C – 21-5-2019


Thu Ba V PS

Gioan 14:27-29

27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.28 Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Di sản duy nhất mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ và cũng là cho tôi trước khi từ biệt ra đi chỉ là, tình yêu thương cho đến cùng và sự bình an mà thế gian không thể ban tặng.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn xin cho được cảm nghiệm di sản vô giá này từ Chúa.  Tôi để ý tình yêu của Chúa đã dẫn dắt tôi bao lâu nay và sự bình an của Ngài đã đùm bọc tôi như thế nào.  Tôi muốn mở lòng thật lớn, để tình yêu và sự bình an của Chúa tuôn chảy vào lòng tôi lúc này, giúp chữa lành những vết thương và ủi an những lo âu trong tôi.

2.      Hai ngàn năm qua Giáo hội đã trân quý di sản tình yêu và sự bình an này, và không ngừng bắt chước cũng như diễn tả, chia sẻ với nhân loại.  “Bình an” là hai tiếng được lập đi lập lại rất nhiều trong mọi Thánh lễ, và trong mọi lời cầu nguyện chính thức của Giáo hội, “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.”  Tôi ý thức và đón nhận lời chúc bình an này như thế nào, mỗi khi chủ tế cất lên?  Bắt đầu từ hôm nay trở đi, trong mọi Thánh lễ và các giờ cầu nguyện, tôi sẽ để ý và mở lòng đón nhận lời chúc bình an của Chúa qua chủ tế, di sản duy nhất của Ngài để lại cho tôi.  

Phạm Đức Hạnh, SJ