Thursday, November 9, 2017

Thứ Sáu XXXI Thường Niên – Năm Lẻ – 10-11-2017

Thu Sau XXXI TN
Luca 16:1-8
1 Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông.2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! 3Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!5 "Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?6 Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.7 Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.8 "Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Tôi thấy thế nào về dụ ngôn trên?  Có bao giờ tôi thấy sự sống đời với Thiên Chúa quan trọng và cần thiết đến mức tôi luôn đặt nó lên ưu tiên hàng đầu, trước cuộc sống mưu sinh mỗi ngày và tìm mọi cách thức giải quyết, vừa nhanh gọn mà lại hiệu quả, mỗi khi sự sống đời đời ấy bị đe dọa?  Sự sống đời đời của tôi với Thiên Chúa đang ở thứ bậc nào trong danh sách của tôi?  Tôi phải tính sao khi sự sống đời đời đang không phải là ưu tiên hàng đầu?
2.      Tôi có thể đọc lại dụ ngôn trên và để ý cách suy nghĩ tinh nhạy, mau mắn và chắc chắn của tên quản lý bất lương.  Tôi có thể học được gì ở tên quản lý này để lo lắng và tính toán cho sự sống đời đời của tôi?  Tôi có thể sửa soạn, tính toán ngay bây giờ. 
Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment