Ê-phê-xô 1:1-10
1Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa
được làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, kính gửi dân thánh tại Ê-phê-xô, là
những người tin vào Đức Ki-tô Giê-su. 2 Xin Thiên Chúa là
Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an. 3
Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân
giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. 4 Trong Đức
Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan
Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. 5 Theo
ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ
Đức Giê-su Ki-tô, 6để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng
Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. 7 Trong Thánh Tử, nhờ
máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân
sủng rất phong phú của Người. 8 Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban
cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. 9 Người cho ta được
biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ
trước trong Đức Ki-tô. 10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy
tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.
(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay là một thánh thi
cổ xưa trong Giáo hội. Thánh thi này tuyệt
đẹp bởi nó khuyến khích mọi tín hữu hãy nhìn nhận chính mình như Chúa nhìn mỗi
người: thánh thiện, vô tội, được tha thứ và tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa. Tôi cảm thấy thế nào khi nghe những lời này? Mỗi người được chọn và được ban ơn khôn ngoan
để hiểu biết những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Những lời này truyền đạt điều gì cho tôi về
bản thân và người khác? Tôi thấy bài đọc
này mang lại niềm an ủi hay thử thách? Dù
sao đi nữa, bài đọc nói về số phận con người và niềm tin Kitô giáo trong Chúa
Kitô, như Thánh Ignatius thành Antioch, người mà Giáo hội mừng lễ hôm nay đã
sống. Tôi thấy mình muốn nói gì khi đáp
lại bài đọc, dù là những lời biết ơn và khen ngợi hay nghi ngờ và nghi vấn?
2.
Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc
nhiều lần nữa và để ý đến bất kỳ từ cụ thể nào nói lên sự sâu thẳm nơi trái tim
tôi. Chúa đang nói gì với tôi vào lúc
này? Có rất nhiều ý tưởng vĩ đại được
gói gọn trong cách đọc tưởng chừng như đơn giản này. Điều gì truyền cảm hứng nhất đối với tôi? Bây giờ tôi muốn dành thời gian để nói chuyện
với Chúa, từ thẳm sâu tâm hồn của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment