Ê-phê-xô 1:15-23
15Thưa anh em, từ khi được nghe nói
về lòng tin của anh em vào Chúa Giê-su, và về lòng mến của anh em đối với toàn
thể dân thánh, 16tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em,
khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi. 17 Tôi
cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta,
ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết
Người. 18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ,
đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia
nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, 19đâu
là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu
lực, 20mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức
Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. 21 Như
vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị
có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương
lai. 22 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và
đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; 23mà Hội Thánh là thân
thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.
(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay thật đẹp, trong đó Phaolô diễn
tả tâm tình của mình đối với cộng đoàn Ê-phê-xô như một lời cầu, nghe thật thắm
thiết và đầy yêu thương. Nên nhớ, thư Ê-phê-xô
là một trong những thư gọi là “ngục thư”, tức là ngài viết thư cho các giáo
đoàn khi ngài đang bị cầm tù. Giữa những
lúc bị cầm tù vì Tin Mừng vậy mà Phaolô vẫn giữ vững niềm tin, thậm chí còn
viết thư củng cố cho những người ở bên ngoài giữ vững đức tin. Có khi nào tôi có kinh nghiệm như vậy chưa,
tức là trong lúc gặp biết bao nhiêu gian nan thử thách, thế mà tôi vẫn một lòng
trung tín với Chúa, thậm chí tôi còn an ủi những người khác nữa? Niềm tin của tôi trong giây phút này như thế nào? Có khi nào tôi gặp ai đó có một đức tin rất
mạnh mẽ, dù họ gặp muôn vàn sóng gió trong cuộc sống; ấy vậy mà họ còn an ủi
tôi, khuyến khích tôi sống đức tin? Tôi cảm
thấy thế nào khi gặp được một chứng nhân đức tin như vậy, hoặc chính tôi là chứng
nhân đức tin như thế cho những người chung quanh? Tôi muốn nói gì và cầu xin gì cùng Chúa trong
lúc này cho tôi, và cho những người chung quanh?
2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần
nữa và để ý đến những từ ngữ nào trong lời nguyện của Phaolô mà đánh động tôi
nhất. Hãy dừng lại đó và để những từ ngữ
ấy dẫn tôi vào một niềm xác tín sâu xa với Thiên Chúa và một tương quan yêu thương
mật thiết với Ngài. Qua bài đọc hôm nay,
Phaolô còn gợi lên trong tôi một tầm nhìn tâm linh (spiritual vision). Tầm nhìn tâm linh của tôi là gì? Niềm vui thánh thiêng nào đang giúp phát triển
tầm nhìn tâm linh của tôi? Một người nào
đó đã nói rằng: “Tầm nhìn mà không biến thành hành động thì chỉ là mơ mộng; làm
việc mà không có tầm nhìn thì chỉ tạo thêm cực nhọc; làm việc với tầm nhìn sẽ
trở nên tươi sáng như ánh bình minh đem đến hy vọng mới trong từng ngày - Vision
without work is a dream; work without vision is drudgery; vision with work is a
dawn – new hope and a new day.” Tôi
dành những giây phút còn lại của giờ cầu nguyện này để hỏi Chúa, để chia sẻ với
Ngài tầm nhìn tâm linh trong từng ngày sống của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment