Thursday, October 31, 2024

Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên – Năm B – 1-11-2024 – Lễ Các Thánh Nam Nữ

 Thu Sau XXX TN

Mát-thêu 5:1-12a

1Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người lên tiếng dạy họ rằng:

3“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
12aAnh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là Ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ, ngày Giáo hội tưởng nhớ tất cả các vị thánh được Giáo Hội công nhận cũng như những vị chưa được biết đến.  Bài đọc hôm nay có thể giúp tôi nhớ về các thánh trước mặt Chúa khi tôi cầu nguyện. 

2.     Khi đọc lại từng mối phúc, tôi nghĩ đến vị thánh nào?  Đây có thể là những vị thánh được Giáo hội công nhận, hoặc có thể là những người mà tôi biết hoặc đã biết.  Hãy để những vị ấy trở về trong tâm trí tôi khi tôi đọc lại các Mối Phúc trên:

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó.
Phúc thay ai hiền lành.
Phúc thay ai sầu khổ.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính.
Phúc thay ai xót thương người.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính.
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại.

Tôi muốn dành thời gian tạ ơn Chúa vì các vị thánh mà tôi đã nhắc đến, cũng như tấm gương yêu thương và đức tin của họ.  Tôi có thể nhận ra chính mình trong bài đọc hôm nay giữa những người được chúc phúc không?  Tôi muốn dành thời gian còn lại của giờ cầu nguyện này để xin Chúa chúc lành cho tôi, như một trong những vị thánh sống cho Chúa hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, October 30, 2024

Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên – Năm B – 31-10-2024

 Thu Nam XXX TN

Ê-phê-xô 6:10-20

10Thưa anh em, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. 11 Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. 12 Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. 13 Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. 14 Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, 15chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; 16hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. 17 Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa. 18 Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi.  Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. 19 Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; 20tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích.  Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay như là những huấn dụ cho mọi Kitô hữu trước khi bước vào cuộc chiến thiêng liêng, chống lại thần dữ.  Những lời này thật cần thiết cho tôi mỗi khi tôi gặp những cám dỗ, thử thách trong đời sống thiêng liêng.  Bởi trong cuộc chiến ấy, tôi không chiến đấu chống lại con người mà là chống lại ma quỷ, thần dữ, sự ác.  Cho nên tôi không thể cậy dựa sức riêng của mình mà cần phải có sự trợ giúp của Chúa.  Phaolô viết: Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa.”  Giờ đây tôi có thể hình dung, Chúa từ từ và thận trọng đặt từng bộ áo giáp của Ngài dưới chân tôi để trang bị cho tôi, trước những trận chiến tâm linh mà tôi có thể gặp trong đời sống đức tin.  Tôi có thấy được sự quan tâm của Chúa dành cho tôi trong việc này không?  Tôi muốn đọc thật chậm và dừng lại suy ngẫm từng khí giới mà Chúa ban và tôi mặc chúng vào người, như: đai lưng là chân lý, áo giáp là sự công chính, giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an, khiên mộc là đức tin, mũ chiến là ơn cứu độ và gươm của Thần Khí.  Khi mặc những thứ này vào, tôi có cảm thấy mình đặc biệt cần đến món đồ áo giáp nào nhất không?

2.     Bây giờ tôi đọc lại cả bài đọc một hoặc nhiều lần nữa.  Khi xem xét những trận chiến tâm linh được mô tả trong bài đọc, tôi cảm thấy thế nào khi khoác lên mình bộ áo giáp Chúa ban?  Hãy nói chuyện với Chúa ngay trong giây phút này, về bất kỳ yếu tố nào trong bài đọc hôm nay mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất, có lẽ tôi muốn hiến dâng chính mình để tiếp tục phục vụ Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, October 29, 2024

Thứ Tư Tuần XXX Thường Niên – Năm B – 30-10-2024

Thu Tu XXX TN

Luca 13:22-30

22Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23 Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: 24 “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết, có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. 25 Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư?  Ta không biết các anh từ đâu đến!’ 26 Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ 27 Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến.  Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’ 28 Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. 30 Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay quả là một thách đố.  Những lời dạy của Chúa Giêsu đã khiến một số người lo lắng không biết họ có được cứu không, nên hỏi: “Lạy Chúa, chỉ một số ít được cứu thôi sao?”  Chúa Giêsu trả lời bằng một minh họa về việc vào Nước Thiên Chúa, giống như đi qua cửa hẹp.  Hãy thử hình dung cánh cửa này.  Nó có màu gì?  Nó hẹp đến mức nào?  Có thể đó là một hình ảnh khắc nghiệt và có lẽ lạnh lùng khi thấy người ta gõ cửa này và bị từ chối.  Tuy nhiên, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ của Ngài hãy cố gắng bước vào đó.  Vì vậy, hãy dành một chút thời gian để hình dung rằng tôi đang gõ cửa.  Bây giờ hãy hình dung, cánh cửa đang mở ra cho tôi, tôi cảm thấy thế nào: vui mừng, nhẹ nhõm, ngạc nhiên hay điều gì khác?  Cảm giác được mời bước qua ngưỡng cửa như thế nào?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và hãy thử hình dung những người theo Chúa Giêsu khi họ nghe thông điệp này lần đầu tiên.  Hãy hình dung phản ứng của họ.  “Người ta sẽ từ đông, tây, bắc, nam đến dự tiệc trong vương quốc của Thiên Chúa”.  Trở lại hình ảnh tôi bước qua ngưỡng cửa hẹp.  Hãy kết thúc thời gian cầu nguyện hôm nay, tạ ơn Chúa vì sự hiện diện của Ngài với tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, October 28, 2024

Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên – Năm B – 29-10-2024

 Thu Ba XXX TN

Luca 13:18-21

18Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây?  Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? 19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình.  Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” 20 Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? 21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay tuy ngắn, nhưng cũng có đến hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa.  Khi tôi xem xét hạt cải nhỏ bé tí ti hoặc nắm men với tất cả tiềm năng của nó, tôi được mời gọi suy ngẫm về vị trí của chính mình trong Vương quốc của Thiên Chúa.  Tôi có thể nhớ hạt giống hoặc men hiểu biết đầu tiên về đức tin và phản ứng của tôi với Chúa không?  Bây giờ hãy hình dung rằng tôi quan sát hạt giống đức tin nhỏ bé hoặc nắm men rất nhỏ này lớn lên như thế nào.  Tôi có thể thấy đây là vương quốc của Chúa đang lớn lên trong tôi không?  Hãy suy ngẫm về bất kỳ hạt giống đức tin nào mà tôi có thể đã gieo, có thể trong một thời gian ngắn hoặc trong nhiều năm, hoặc có thể có bao nhiêu con chim đã đến làm tổ trên cành của tôi.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và suy ngẫm về cách tôi trải nghiệm Vương quốc của Chúa khi Vương quốc ấy phát triển qua tôi và xung quanh tôi.  Khi thời gian cầu nguyện này kết thúc, hãy đặt mình vào tay Chúa để Ngài giúp đức tin của tôi mở rộng và lớn lên trong tôi. Tôi cũng có thể muốn cầu nguyện cho những người xung quanh tôi phát triển đức tin của họ.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, October 27, 2024

Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên – Năm B – 28-10-2024 – Lễ Thánh Simon và Giu-đa, Tông đồ

 Thu Hai XXX TN

Ê-phê-xô 2:19-22

19Thưa anh em, anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, 20bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su. 21 Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. 22 Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nghe như một buổi nói chuyện tâm tình giữa Phaolô và cộng đoàn Ê-phê-xô của ngài.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể hình dùng ngài đang nói chuyện với những người trong nhà thờ của tôi.  Hoặc, tôi có thể hình dung khắp mọi nơi trên thế giới đang đọc cùng một bài đọc này với tôi và cầu nguyện.  Tất cả đều đang cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong giờ cầu nguyện của họ, dù họ đang ở đâu và dù họ cầu nguyện bằng cách nào.  Tôi cảm thấy thế nào khi thấy mình cũng đang cầu nguyện chung với mọi Kitô hữu trên toàn thế giới trong cùng một bài đọc?  Phaolô nói: “Anh em không còn là người xa lạ và người tạm trú nữa.”  Thuộc về Thiên Chúa, tức là trở thành người nhà của Ngài, trở thành một công dân trong cộng đồng các thánh là như thế đó.  Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về ý nghĩa của việc thuộc về này.  Bài đọc tiếp tục mô tả tòa nhà Giáo hội: “Được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Hãy hình dung tòa nhà Giáo hội, bao gồm nhiều người từ thời xa xưa như các tiên tri đến nay.  Ai đang hiện lên trong tâm trí tôi như một người đã ở trong Giáo hội từ rất lâu đời?  Hãy hình dung tôi gặp họ trong giây phút này.  “Toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa.  Hãy dành giây phút này để hình dung ra thánh địa này.  Việc tham gia thờ phượng ở đây như thế nào, mọi người đang cầu nguyện ra sao?  

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và xin Chúa chỉ cho tôi biết thêm về đền thánh này như thế nào.  Bây giờ tôi muốn nói chuyện với Chúa về nơi đền thánh này, Giáo hội này, giáo xứ này, gia đình này này, tạ ơn Chúa vì tôi được là một thành viên trong ngôi đền thánh này cùng với các tông đồ, các tiên tri và các thánh.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, October 26, 2024

Chúa Nhật Tuần XXX Thường Niên – Năm B – 27-10-2024

CN XXX TN

Híp-ri 5:1-6

1Thưa anh em, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. 2 Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính mình cũng đầy yếu đuối; 3mà vì yếu đuối, nên vị thượng tế phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. 4 Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi. 5 Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, 6như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

(Trích Thư Híp-ri, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay trích từ Thư Híp-ri, hay còn gọi là Thư Do-thái, trong đó tác giả viết cho những người gốc Do-thái, cố gắng giải thích đức tin Kitô giáo theo những thuật ngữ mà họ hiểu rõ nhất.  Tôi là người có một xuất xứ khác; ấn tượng đầu tiên của tôi về đoạn văn này là gì?  Ý tưởng trung tâm ở đây là mặc dù Chúa Giêsu không trở thành Thầy Tế lễ Thượng phẩm của Đền thờ, nhưng Ngài cũng chia sẻ phần lớn vai trò Thượng tế ấy.  Chúa Giêsu biết điểm yếu từ bên trong nội tâm của mỗi người nên có thể cũng đối xử nhẹ nhàng với mỗi người.  Điều đó đúng ở đâu trong kinh nghiệm của chính tôi về cách Chúa Giêsu đối xử với tôi?  Có lẽ tốt hơn, nếu Chúa Giêsu xuống trần gian với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm?  Tại sao, hoặc tại sao không?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, để biết cách hiểu rằng Chúa Giêsu đã được Chúa Cha kêu gọi và sai đi.  Khi thời gian cầu nguyện này kết thúc, hãy nói chuyện với Chúa Giêsu về cách đối xử dịu dàng của Ngài với tôi và tôi cảm thấy thế nào về cách đối xử của Ngài.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 25, 2024

Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – 26-10-2024

 Thu Bay XXIX TN

Luca 13:1-9

1Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? 3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình.  Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’ 8 Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi’.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay đã là cuối tuần 29 Thường Niên, tức là đã gần đến cuối năm Phụng Vụ.  Lời Chúa mà Giáo hội muốn tôi suy niệm vào những ngày gần cuối năm này như hướng mọi người đến những gì là cuối cùng.  Mà sự cuối cùng của thế giới, của cuộc đời tôi thì chẳng ai biết được, chính vì thế mà phải cảnh tỉnh, phải sám hối và tận dụng những gì tôi đang có trong đời sống hiện tại để sinh hoa lợi cho đời sống thiêng liêng của tôi, ở đời này và đời sau.  Trước hết Chúa Giêsu mời gọi mọi người đừng so sánh, nhưng hãy cảnh tỉnh, đừng ỷ y, đừng tự mãn, đừng an phận cho rằng, “Tôi còn tốt chán, không như người hàng xóm… đủ mọi thói xấu!”  Chúa Giêsu nói thái độ như vậy chẳng bảo đảm tí nào, mỗi người hãy sống trong cảnh giác và tỉnh thức.  Tôi nghĩ gì về những lời Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay?  Tôi đang sống đức tin trong thái độ nào?  Tôi hỏi Chúa Giêsu xem, thái độ của tôi như vậy có đúng không, có bảo đảm không?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến dụ ngôn ở đoạn kết thúc bài đọc.  Ở đó, hình ảnh một Thiên Chúa nhân từ, kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi và trưởng thành của mỗi người, rất nổi bật.  Cuộc đời tôi đã đang sinh những hoa quả nào?  Cuộc đời tôi cần được gia hạn bao lâu nữa để có thể thay đổi và trưởng thành?  Tôi nói chuyện với Chúa trong giây phút này, đặc biệt tôi bàn chuyện với Ngài về những khó khăn, thách đố trong việc sinh hoa quả thơm ngon trong đời sống và xin Ngài giúp đỡ.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 24, 2024

Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – 25-10-2024

Thu Sau XXIX TN

Luca 12:54-59

54Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay, ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. 55 Khi thấy gió nồm thổi, các người nói, ‘Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. 56 Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? 57 Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? 58 Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. 59 Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay Chúa Giesu đề cập đến sự khôn ngoan của con người trong việc dự báo thời tiết, nhưng lại thiếu khôn ngoan trong phân định đâu là những gì quan trọng nhất trong đời.  nếu không xem dự báo thời tiết, tôi có thể đoán được thời tiết sẽ như thế nào trong những ngày tới không?  Tôi dựa vào đâu để biết được?  Chúa Giêsu gợi ý rằng, người ta có thể giải thích những gì đang diễn ra xung quanh và hậu quả của nó bằng cách quan sát, chú ý.  Điều gì trong cuộc sống của tôi hoặc thế giới xung quanh khiến tôi chú ý nhất vào lúc này?  Điều khó khăn gì cho việc “giải thích thời điểm hiện tại” theo cách mà Chúa Giêsu mời gọi tôi?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý nửa sau của bài đọc.  Nửa sau ấy nói về việc tự mình đánh giá điều gì là đúng.  Tôi phản ứng thế nào về điều đó?  Có rất nhiều điều để suy nghĩ, để cầu nguyện trong đoạn văn này.  Hãy nói chuyện với Chúa Giêsu về bất cứ điều gì khiến tôi chú ý nhất khi đọc đoạn Kinh Thánh trên.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, October 23, 2024

Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – 24-10-2024

Thu Nam XXIX TN

Ê-phê-xô 3:14-21

14Thưa anh em, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, 15là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. 16 Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. 17 Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, 18để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, 19và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết.  Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa. 20 Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới, 21xin tôn vinh Người trong Hội Thánh và nơi Đức Ki-tô Giê-su đến muôn thuở muôn đời.  A-men.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một lời nguyện của Thánh Phaolô dành cho cộng đoàn Ê-phê-xô.  Bằng cách này, Ngài cũng cầu nguyện cho tôi.  Tôi cảm thấy thế nào khi biết rằng Thánh Phaolô đang cầu nguyện cho tôi khi tôi đọc những lời của ngài?  Trước tiên, ngài cầu xin Chúa cho tôi được “củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của [Chúa Cha], để con người nội tâm nơi [tôi] được vững vàng”.  Lúc này tôi cần sức mạnh đó nhất ở đâu?  Lời hứa của Phaolô là Thiên Chúa có thể ban tôi nhiều hơn những gì tôi cầu xin hoặc thậm chí tưởng tượng.  Phản ứng của tôi khi đọc được những lời này là gì?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý lời nguyện ngày đang dành cho riêng tôi.  Tôi cảm thấy thế nào?  Tôi muốn dành một chút thời gian để đáp lại Chúa Cha, Đấng đang hành động và ban ơn cho tôi theo những ý chỉ trong lời nguyện Phaolô, ngay cả khi tôi đang cầu nguyện.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, October 22, 2024

Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – 23-10-2024

 Thu Tu XXIX TN

Ê-phê-xô 3:2-12

2Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. 3 Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô như tôi vừa trình bày vắn tắt trên đây. 4 Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Đức Ki-tô thế nào. 5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. 6 Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. 7 Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Người thi thố quyền năng của Người. 8 Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô, 9và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, 10để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. 11 Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. 12 Trong Đức Ki-tô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Các Kitô hữu tin vào sự mặc khải, nói cách khác là, Thiên Chúa đã chọn cách để người ta biết đến Ngài.  Điều quan trọng nhất về Chúa mà Ngài đang bày tỏ ở giai đoạn này của cuộc đời tôi là gì?  Thánh Phaolô tin tưởng rằng, ngài được kêu gọi truyền lại cho người khác những gì ngài đã biết về Thiên Chúa.  Nếu tôi chia sẻ lời kêu gọi đó, làm thế nào tôi có thể truyền đạt cho người khác những gì tôi đã biết về Chúa?  Phaolô nói về việc làm này với “sự dạn dĩ và tin tưởng”.  Đây có phải là những món quà mà tôi tìm thấy ở chính mình khi nói đến vấn đề đức tin không?  Đó có phải là những món quà mà tôi muốn không?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý cách Phaolô hiểu vị trí của mình.  Tôi có thể muốn nói chuyện với Chúa Giêsu, hoặc với Thiên Chúa Cha, trong những giây phút cuối cùng của giờ cầu nguyện này, về việc tôi đã biết đến Ngài như thế nào và sự hiểu biết đó có ý nghĩa gì đối với tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, October 21, 2024

Thứ Ba Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – 22-10-2024 – Lễ Thánh Gioan Phao-lô II

Thu Ba XXIX TN

Luca 12:35-38

35Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ.  Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trọng tâm của bài đọc hôm nay là “đợi chờ.”  Chờ đợi là một điều rất khó đối với hầu hết mọi người.  Chờ đợi một niềm vui, hay chờ đợi một điều gì xấu có thể xảy đến, chờ đợi nào cũng làm cho tôi cảm thấy hồi hộp, bồn chồn, đứng ngồi không yên.  Chờ đợi một niềm vui và khi biết niềm vui đó sẽ xảy đến vào đúng thời điểm nhất định, sẽ làm cho cái chờ đợi ấy hồi hộp hơn và thời gian chờ đợi ấy dường như trôi qua thật chậm.  Trái lại, chờ đợi cái tôi chẳng muốn và chẳng biết cái tôi chờ đợi ấy khi nào mới đến, sẽ làm cho việc chờ đợi ấy đầy lo lắng, sợ hãi và thời gian trôi đi rất nhanh.  Nói chung, chờ đợi bao giờ cũng là một thách đố với mọi người.  Bài đọc hôm nay nói đến một sự chờ đợi trong vô định, không ai biết được điều họ chờ đợi sẽ xảy đến khi nào.  Tôi cảm thấy chờ đợi theo cách này sẽ như thế nào?  Những lời của bài đọc hôm nay có thể ám chỉ việc Chúa Giêsu trở lại lần thứ hai.  Những lời của bài đọc hôm nay có thể là một sự khích lệ để tôi biết tìm kiếm những cách thức Chúa Giêsu xuất hiện trong cuộc sống của mình, nơi những người tôi gặp gỡ và ở những tình huống tôi gặp phải hằng ngày.  Tôi có cảm thấy những lời của bài đọc hôm nay là một thách đố không?  Có ý kiến ​​cho rằng thời gian chờ đợi có thể kéo dài.  Kinh nghiệm của tôi về việc chờ đợi Chúa trong cuộc sống như thế nào, chẳng hạn như: mong được cảm nhận sự hiện diện của Ngài, mong Ngài làm một điều gì đó cần thiết cho tôi, hoặc mong Ngài đáp lại một lời cầu nguyện?  Tôi nói chuyện với Chúa về những mong chờ này.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và chú ý đến lời hứa mà Chúa Giêsu đưa ra cho những ai luôn cảnh giác về những dấu hiệu Ngài sắp đến.  Hãy nói chuyện với Chúa Giêsu ngay trong giây phút này về bất cứ điều gì tôi đang mong đợi, hoặc đang tìm kiếm trong mối quan hệ của tôi với Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, October 20, 2024

Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – 21-10-2024

 Thu Hai XXIX TN

Ê-phê-xô 2:1-10

1Thưa anh em, anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. 2 Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục. 3 Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn.  Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. 4 Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, 5nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô.  Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! 6 Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời. 7 Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người. 8 Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; 9cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. 10 Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật hay và thiết thực, trong đó Thánh Phaolô giúp tôi nhìn lại đời sống của mình, bằng cách: nhìn lại quá khứ, hiện tại và tương lai.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi có thể lần lượt thực hiện từng điều này để dẫn tôi đi sâu hơn vào việc cầu nguyện.  Đầu tiên, Thánh Phaolô mời gọi người dân Ê-phê-xô nhớ lại một thời mà họ đã hoặc cảm thấy mình xa cách Thiên Chúa.  Tôi có thể nhớ lại khoảng thời gian như thế trong cuộc đời mình không?  Sau đó ngài nói, mọi tín hữu khi tin vào Đức Giêsu Kitô thì cũng được sống lại với Người.  Không phải do chính tôi làm, mà là do món quà được Thiên Chúa ban cho một cách nhưng không.  Cảm giác đó như thế nào?  Rồi ngài nói thêm: “Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người.”  Tôi cảm thấy điều đó thế nào?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và chú ý đến những cách khác nhau mà Phaolô nhấn mạnh rằng: đây hoàn toàn là sáng kiến ​​của Thiên Chúa.  Cuối cùng, hãy nói chuyện trong giây lát với Thiên Chúa, Đấng đã nâng tôi lên theo cách này, hoặc với Chúa Kitô, Đấng đã chấp nhận cho tôi được ngồi bên cạnh Người.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, October 19, 2024

Chúa Nhật Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – 20-10-2024

CN XXIX TN

I-sai-a 53:10-11

10Đức Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ.  Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. 11 Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.  Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

(Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm qua Giáo hội có lễ kính nhớ các vị tử đạo Dòng Tên ở Canada.  Bài đọc hôm nay từ sách I-sai-a liên kết những đau khổ của họ và của nhiều vị tử đạo Kitô giáo với những đau khổ của Người Tôi Tớ Đau Khổ.  Những suy nghĩ và cảm xúc nào đến với tôi khi tôi suy ngẫm về bài đọc?  Nhiều người trong thời đại này đang đau khổ vì đức tin của mình. Tôi cảm thấy thế nào khi bị thử thách hoặc đau khổ, một cách nào đó vì sự cam kết giữa tôi với Chúa?  Phản ứng của tôi là gì khi nghĩ đến những gì chính Chúa Giêsu đã chịu đau khổ vì nhân loại?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và chú ý đến điều gì đang gây ấn tượng với tôi, thu hút hoặc đẩy lùi tôi.  Hãy để cho những lời ấy vang vọng trong tôi mà không cố gắng kiểm soát phản ứng của tôi.  Chúa Giêsu sẵn sàng “chịu đau khổ” vì nhân loại, và nhiều môn đồ của Ngài đã làm hoặc đang làm điều tương tự.  Tôi có muốn đề nghị hoặc nói gì với Ngài khi suy ngẫm về điều này không?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 18, 2024

Thứ Bảy Tuần XXVIII Thường Niên – Năm B – 19-10-2024

 Thu Bay XXVIII TN

Ê-phê-xô 1:15-23

15Thưa anh em, từ khi được nghe nói về lòng tin của anh em vào Chúa Giê-su, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh, 16tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi. 17 Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. 18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, 19đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu.  Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, 20mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. 21 Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. 22 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; 23mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật đẹp, trong đó Phaolô diễn tả tâm tình của mình đối với cộng đoàn Ê-phê-xô như một lời cầu, nghe thật thắm thiết và đầy yêu thương.  Nên nhớ, thư Ê-phê-xô là một trong những thư gọi là “ngục thư”, tức là ngài viết thư cho các giáo đoàn khi ngài đang bị cầm tù.  Giữa những lúc bị cầm tù vì Tin Mừng vậy mà Phaolô vẫn giữ vững niềm tin, thậm chí còn viết thư củng cố cho những người ở bên ngoài giữ vững đức tin.  Có khi nào tôi có kinh nghiệm như vậy chưa, tức là trong lúc gặp biết bao nhiêu gian nan thử thách, thế mà tôi vẫn một lòng trung tín với Chúa, thậm chí tôi còn an ủi những người khác nữa?  Niềm tin của tôi trong giây phút này như thế nào?  Có khi nào tôi gặp ai đó có một đức tin rất mạnh mẽ, dù họ gặp muôn vàn sóng gió trong cuộc sống; ấy vậy mà họ còn an ủi tôi, khuyến khích tôi sống đức tin?  Tôi cảm thấy thế nào khi gặp được một chứng nhân đức tin như vậy, hoặc chính tôi là chứng nhân đức tin như thế cho những người chung quanh?  Tôi muốn nói gì và cầu xin gì cùng Chúa trong lúc này cho tôi, và cho những người chung quanh? 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến những từ ngữ nào trong lời nguyện của Phaolô mà đánh động tôi nhất.  Hãy dừng lại đó và để những từ ngữ ấy dẫn tôi vào một niềm xác tín sâu xa với Thiên Chúa và một tương quan yêu thương mật thiết với Ngài.  Qua bài đọc hôm nay, Phaolô còn gợi lên trong tôi một tầm nhìn tâm linh (spiritual vision).  Tầm nhìn tâm linh của tôi là gì?  Niềm vui thánh thiêng nào đang giúp phát triển tầm nhìn tâm linh của tôi?  Một người nào đó đã nói rằng: “Tầm nhìn mà không biến thành hành động thì chỉ là mơ mộng; làm việc mà không có tầm nhìn thì chỉ tạo thêm cực nhọc; làm việc với tầm nhìn sẽ trở nên tươi sáng như ánh bình minh đem đến hy vọng mới trong từng ngày - Vision without work is a dream; work without vision is drudgery; vision with work is a dawn – new hope and a new day.”  Tôi dành những giây phút còn lại của giờ cầu nguyện này để hỏi Chúa, để chia sẻ với Ngài tầm nhìn tâm linh trong từng ngày sống của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 17, 2024

Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên – Năm B – 18-10-2024 – Lễ Thánh Luca, Thánh Sử

Thu Sau XXVIII TN

2Ti-mô-thê 4:10-17

10Anh thân mến, anh Đê-ma đã bỏ tôi, bởi yêu mến thế gian này; anh ta đã đi Thê-xa-lô-ni-ca.  Anh Cơ-rét-xen đã đi sang miền Ga-lát, anh Ti-tô đi sang miền Đan-ma-ti-a. 11 Chỉ còn một mình anh Lu-ca ở với tôi.  Anh hãy đem anh Mác-cô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi. 12 Anh Ty-khi-cô thì tôi đã sai đi Ê-phê-xô. 13 Cái áo choàng tôi đã để lại nhà anh Các-pô ở Trô-a, thì khi đến, xin anh đem theo, cũng như các sách vở, nhất là những cuộn giấy da. 14 A-lê-xan-đê, người thợ rèn, đã gây cho tôi nhiều khốn khổ; Chúa sẽ cứ việc anh ta làm mà trả báo. 15 Cả anh nữa, cũng hãy đề phòng anh ta, vì anh ta mạnh mẽ chống lại lời chúng ta rao giảng. 16 Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi.  Mọi người đã bỏ mặc tôi.  Xin Chúa đừng chấp họ. 17 Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.

(Trích Thư Ti-mô-thê 2, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nghe lạ.  Bởi trong đó chẳng có gì có vẻ thánh thiêng, chỉ là những chuyện đời thường, giống như bao nhiêu chuyện xảy ra hằng ngày trong đời sống của tôi.  Tuy nhiên, chính những câu chuyện thường ngày này đã cho tôi cái nhìn thoáng qua về tính thực tiễn và các mối quan hệ đằng sau chức vụ tông đồ của Thánh Phaolô.  Tôi có thể thấy qua những dòng chữ này là cả một sự bực bội, thất vọng, và cả những hỗ trợ về tình bạn mà Phaolô muốn giãi bày.  Tôi có những khó khăn hoặc hỗ trợ nào trong đời sống làm môn đệ Chúa Giêsu?  Hôm nay Giáo hội mừng lễ Thánh Luca, một trong những người bạn đồng hành thân thiết nhất của Thánh Phaolô, người vẫn trung thành khi những người bạn đồng hành khác làm ngài thất vọng.  Ai là “bạn bè trong Chúa” của tôi, người mà tôi thật sự coi là bạn?  Hãy dành thời gian này để tạ ơn Chúa vì những tình bạn mang lại cho tôi sức sống, đặc biệt những lúc khó khăn.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và nhớ lại những ngày đầu tiên của việc truyền bá Tin Mừng.  Tôi muốn nói gì với Thánh Phaolô, Thánh Luca và những người đã cống hiến cả cuộc đời để truyền bá Tin Mừng về Chúa Giêsu đến khắp thế giới cho đến khi Tin Mừng ấy đến với tôi ngày hôm nay?  Bất kể những suy nghĩ và lời cầu nguyện nào nảy sinh trong lòng tôi vào lúc này, hãy dành vài phút để nói chuyện với Chúa và chia sẻ bất cứ điều gì quan trọng nhất trong tâm trí tôi lúc này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, October 16, 2024

Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên – Năm B – 17-10-2024 – Lễ Thánh Inhaxio Antiokia

 Thu Nam XXVIII TN

Ê-phê-xô 1:1-10

1Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, kính gửi dân thánh tại Ê-phê-xô, là những người tin vào Đức Ki-tô Giê-su. 2 Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an. 3 Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.  Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. 4 Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. 5 Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, 6để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. 7 Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. 8 Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. 9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. 10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một thánh thi cổ xưa trong Giáo hội.  Thánh thi này tuyệt đẹp bởi nó khuyến khích mọi tín hữu hãy nhìn nhận chính mình như Chúa nhìn mỗi người: thánh thiện, vô tội, được tha thứ và tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa.  Tôi cảm thấy thế nào khi nghe những lời này?  Mỗi người được chọn và được ban ơn khôn ngoan để hiểu biết những mầu nhiệm của Thiên Chúa.  Những lời này truyền đạt điều gì cho tôi về bản thân và người khác?  Tôi thấy bài đọc này mang lại niềm an ủi hay thử thách?  Dù sao đi nữa, bài đọc nói về số phận con người và niềm tin Kitô giáo trong Chúa Kitô, như Thánh Ignatius thành Antioch, người mà Giáo hội mừng lễ hôm nay đã sống.  Tôi thấy mình muốn nói gì khi đáp lại bài đọc, dù là những lời biết ơn và khen ngợi hay nghi ngờ và nghi vấn?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến bất kỳ từ cụ thể nào nói lên sự sâu thẳm nơi trái tim tôi.  Chúa đang nói gì với tôi vào lúc này?  Có rất nhiều ý tưởng vĩ đại được gói gọn trong cách đọc tưởng chừng như đơn giản này.  Điều gì truyền cảm hứng nhất đối với tôi?  Bây giờ tôi muốn dành thời gian để nói chuyện với Chúa, từ thẳm sâu tâm hồn của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ