Monday, March 20, 2023

Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay – Năm A –21-3-2023

Thu Ba IV MC

Gioan 5:1-16

1Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. 2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang. 3 Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động, 4vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi). 5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. 6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” 7 Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ.  Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” 8 Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi” 9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.  Hôm đó lại là ngày sa-bát.10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!” 11 Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng mà đi!’” 12 Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng mà đi’?” 13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai.  Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh.  Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” 15 Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.

 (Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Ngày hôm nay với những phát triển của y học, người ta tin rằng, những chứng bệnh thể lý cần phải được chuẩn đoán và chữa trị dựa trên những dữ liệu và triệu chứng thể lý; hoặc, nếu không từ thể lý, người ta cũng dựa trên những nguyên do tâm lý, chẳng hạn như: tình trạng mệt mỏi tinh thần (stress) là nguyên do dẫn đến những chứng bệnh nan y như ung thư, đau nhức mình mẩy, teo cơ...  Tuy nhiên, hai ngàn năm trước người Do-thái tin rằng, những chứng bệnh thể lý đều bắt nguồn từ tâm linh, đó là: tội lỗi.  Để tránh bệnh, hãy tránh tội; để chữa bệnh, phải hoán cải.  Trong niềm tin ấy, các tác giả của các Phúc âm khi ghi nhận những phép lạ Chúa Giêsu chữa những căn bệnh thể lý, cũng mượn những câu chuyện ấy để nói về những vấn đề tâm linh.  Bài đọc hôm nay là một ví dụ điển hình.  Trong đó, tôi gặp thấy câu chuyện người bại liệt đã ba mươi tám năm, bao trùm bằng cả một bầu khí tâm linh.  Người ta bị đủ mọi thứ bệnh tật nằm la liệt bên bờ hồ, ấy vậy mà muốn được khỏi, lại chỉ nằm chờ cho đến khi thiên thần xuống khuấy động nước, ai xuống trước người ấy được khỏi.  Anh bại liệt chẳng có ai giúp mang anh ta xuống nước trước nhất, nên đã nằm đó ba mươi tám năm mà vẫn chưa khỏi.  Kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu cũng nói với anh ta: “Này, anh đã được khỏi bệnh.  Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!”  Thánh Gioan đã ghi nhận câu chuyện này trong sách đức tin của ngài, và Giáo hội mời gọi tôi đọc lại câu chuyện này hôm nay, có ý nghĩa gì?  Chắc chắn, Giáo hội không tin như người Do-thái tin rằng bị bệnh thể lý là do tội lỗi, nhưng Giáo hội muốn dùng câu chuyện này để nói về vấn đề vấn đề bại liệt tâm linh.  Phải chăng, khi phạm tội, tôi cũng không khác gì những người bại liệt, mất hết khả năng làm mọi cái cho bản thân, từ chuyện tốt cũng như chuyện xấu, từ chuyện lớn cũng như chuyện nhỏ, từ chuyện làm cho tha nhân cũng như cho chính mình?  Trong giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể nhìn vào chính tôi: Tôi đang mang những tội lỗi nào?  Tội lỗi ấy đã làm tâm hồn tôi tê liệt đến mức nào?  Người bại liệt nằm bên bờ hồ đã ba mươi tám năm không ai giúp đỡ, tâm hồn tôi bị tê liệt đã bao nhiêu năm rồi?  Có ai giúp đỡ tôi không?  Cái gì đang giữ tôi ở lại mãi trong tình trạng bại liệt ấy?  Tôi muốn kêu cầu cùng Chúa Giêsu, xin Ngài chữa lành cho tôi?  Hãy nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này đi.

2.  Chắc chắn, Chúa Giêsu đã chữa bệnh không chỉ trong ngày sa-bát, mà trong cả sáu ngày kia trong tuần nữa.  Tuy nhiên, hầu hết chỉ các câu chuyện chữa bệnh trong ngày sa-bát được ghi nhận trong các Phúc âm, điều này hẳn là có chủ đích.  Chủ đích ấy là, dù ngày sa-bát đi nữa, việc cứu người vẫn quan trọng hơn giữ luật.  Chủ đích ấy còn là, tình thương của Chúa Giêsu không thể chịu để đau khổ hành hạ con người thêm một ngày nữa.  Tình thương của Thiên Chúa là như vậy đó, luôn muốn cứu chữa ngay, muốn làm tất cả để giải thoát con người, dù có phải phạm luật.  Tôi học gì ở cách ghi nhận các phép lạ của các tác giả Phúc âm?  Giữ luật là điều đúng, nhưng tôi có giữ luật một cách máy móc, một cách cứng ngắc đến vô cảm?  Tôi có giữ luật và coi trọng luật hơn con người; thậm chí, tôn thờ luật, không còn tôn thờ Chúa nữa?  Tôi muốn xem lại đời sống tâm linh và đạo đức của tôi, và tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về đời sống ấy, xem Ngài có hài lòng không?  Tôi để ý Ngài muốn tôi phải làm gì?

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment