Saturday, March 11, 2023

Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm A –12-3-2023

CN III MC

Gioan 4:5-42

5 Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. 6 Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp.  Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng.  Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. 7 Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước.  Đức Giê-su nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” 8 Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. 9 Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?”  Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. 10 Đức Giê-su trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” 11 Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu.  Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? 12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này?  Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” 13 Đức Giê-su trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. 14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa.  Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”

15 Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” 16 Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” 17 Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo: “Chị nói: ‘Tôi không có chồng’ là phải, 18vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị.  Chị đã nói đúng.” 19 Người phụ nữ nói với Người: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ... 20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” 21 Đức Giê-su phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. 22 Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. 23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” 25 Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” 26 Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”

27Vừa lúc đó, các môn đệ trở về.  Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ.  Tuy thế, không ai dám hỏi: “Thầy cần gì vậy?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy?” 28 Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: 29 “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.  Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” 30 Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.

31 Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa.” 32 Người nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” 33 Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” 34 Đức Giê-su nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. 35 Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt?  Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! 36 Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. 37 Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng! 38 Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra.  Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.”

39 Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. 40 Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 41 Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. 42 Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin.  Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chu kỳ năm Phụng vụ Giáo hội bao gồm các Năm A, B, C.  Phụng vụ năm nay thuộc Năm A.  Tuy nhiên, bài đọc hôm nay rất đặc biệt.  Ngay từ những thế kỷ đầu, bài đọc này đã không chỉ được dùng cho Năm A mà thôi, nhưng còn cho cả Năm B và Năm C ở bất cứ giáo xứ nào có người dự tòng.  Bài đọc hôm nay là một trình thuật về sự phát triển đức tin.  Quá trình phát triển ấy là một quá trình tiệm tiến, như: từ hạt thành cây, trổ sinh nụ, rồi nở noa và sinh trái.  Tôi có thể đọc lại bài đọc trên để thấy, quá trình phát triển đức tin của người đàn bà Sa-ma-ri khi gặp Chúa Giêsu.  Lúc đầu, Chúa Giêsu gặp bà Sa-ma-ri, bà ta chỉ nhìn Ngài như một người xa lạ, thậm chí không thể nói chuyện vì mối tiềm thù dân tộc truyền kiếp; sau đó, bà đổi cái nhìn về Ngài như một bậc thầy, rồi cuối cùng như một Đấng Mê-si-a.  Tôi có thể đọc lại nhiều lần bài đọc trên và nhìn vào tiến trình phát triển đức tin của tôi xem, đã phát triển như thế nào.  Đặc biệt để ý, dù tôi đã là Kitô hữu bao nhiêu năm, nhưng đức tin của tôi đang ở giai đoạn nào: vẫn là hạt, hay đã thành cây, có đâm nụ và nở hoa chưa, nhiều trái hay ít?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này về đời sống đức tin của tôi?

2.  Kết thúc bài đọc hôm nay, Thánh Gioan cho tôi thấy cách viết rất quan trọng và đầy ấn tượng của ngài.  Sau khi gặp Chúa Giêsu, bà Sa-ma-ri đã chạy về làng gọi dân làng ra gặp Ngài.  Khi dân làng ra gặp Chúa Giêsu, họ đã nói: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin.  Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”  Điểm quan trọng và đầy ấn tượng trong Phúc âm Gioan chính là đây, đức tin phải là một kinh nghiệm trực tiếp với Thiên Chúa, chứ không thể là nghe qua người khác.  Tôi phải thật sự sở hữu đức tin của tôi, chứ không thể vay mượn của người khác.  Đức tin phải là căn tính của tôi, chứ không thể như một chiếc áo thay ra thay vào.  Chỉ khi nào tôi thật sự sở hữu đức tin của tôi, tôi mới thấy đức tin ấy có giá trị và có sức biến đổi đời sống của tôi và những người xung quanh. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment