Friday, March 31, 2023

Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay – Năm A –1-4-2023

Thu Bay V MC

Gioan 11:45-57

45Khi ấy, sau khi ông La-da-rô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. 46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây?  Người này làm nhiều dấu lạ. 48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” 49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, 50các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” 51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. 54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im.  Người ở lại đó với các môn đệ. 55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái.  Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. 56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?” 57 Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay đã cho tôi thấy rõ hơn người Do-thái đã lập một bản án để bắt Chúa Giêsu.  Tôi đọc lại câu chuyện trên và để ý cách lý luận của những người Do-thái đang tìm cách bắt và giết Chúa Giêsu, hết sức vô lý.  Chuyện Chúa Giêsu làm thuộc vấn đề niềm tin tôn giáo, không liên quan gì đến chính trị thuộc địa, ấy thế mà, người ta đã ghép hai vấn đề này làm một để tìm cớ bắt giết Ngài.  Tôi có thấy những kiểu vu khống, gán ghép và dựng chuyện như thế này để hãm hại người công chính vẫn xảy ra quanh tôi?  Có khi nào tôi cũng nhúng tay vào những vấn đề như vậy, khi lên án hoặc chỉ trích ai một cách vô cớ hoặc vô lý?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này.

2.  Những người Do-thái đã lên kế hoạch rõ ràng và dứt khoát để bắt giết Chúa Giêsu, khiến Ngài phải đi vào hoạt động một cách bí mật.  Bài đọc hôm nay nằm ở chương mười một, nhưng mãi đến chương mười tám Chúa Giêsu mới bị bắt.  Như vậy, Chúa Giêsu đã trải qua một thời gian rất dài hoạt động trong bí mật.  Tôi muốn đi vào trong khoảng thời gian bí mật ấy của Chúa Giêsu để hiểu Ngài đã sống và đi lại ra sao?  Rao giảng và tiếp xúc với mọi người như thế nào?  Tâm trạng ngày đêm của Ngài như thế nào?  Ai là những người bảo vệ sự kín đáo và an toàn cho Ngài?  Tôi đặt mình vào trong bối cảnh ấy của Chúa Giêsu để hiểu Ngài.  Tôi có thể nói chuyện với Ngài về khoảng thời gian ấy để yêu mến Ngài hơn.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, March 30, 2023

Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay – Năm A –31-3-2023

Thu Sau V MC

Gioan 10:31-42

31Khi ấy, người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. 32 Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” 33 Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” 34 Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? 35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, 36thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? 37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.  Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” 39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ. 40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su.  Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” 42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm qua và bài đọc hôm nay nghe rất giống nhau, ở đó, Chúa Giêsu cố gắng tỏ mình cho mọi người thấy Ngài là ai, là Con Thiên Chúa và được Chúa Cha sai đến làm những việc của Chúa Cha, thế mà những người Do-thái đã không chấp nhận và cho đó là phạm thượng, nên ném đá Ngài và tìm cách bắt Ngài, nhưng Chúa Giêsu đã thoát khỏi tay họ.  Tuy nhiên, bài đọc hôm qua ở chương tám, còn bài đọc hôm nay ở chương mười, như vậy, dù mọi diễn biến có vẻ giống nhau nhưng ở những thời điểm khác nhau, và có thể môi trường cũng khác nhau.  Dù người ta đang tìm cách hãm hại và bắt bớ Chúa Giêsu, Ngài chỉ lánh qua nơi khác, nhưng vẫn không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục công việc rao giảng của Ngài.  Điều này cho tôi thấy gì và học gì ở Chúa Giêsu?  Tôi có nản lòng, bỏ cuộc trong những việc chung cho cộng đoàn, giáo xứ, khi bị hiểu lầm, chống đối và mọi người trở nên vô ơn đối với những việc tôi làm?  Tôi đã có thái độ nào những lúc ấy?  Tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm đau thương ấy với Chúa Giêsu, Đấng đã bị đối xử một cách rất bất công, bội bạc nhất khi người ta treo Ngài lên thập giá; ấy vậy mà từ thập giá, Ngài vẫn cầu nguyện xin tha cho những người đã đối xử bất công với Ngài.

2.     Chuẩn bị cho Tuần Thánh, đỉnh cao của Mùa Chay, đỉnh cao của hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, tôi  muốn chiêm ngắm thật sâu hình ảnh Chúa Giêsu bị chống đối trong bài đọc hôm nay, và sự chống đối cứ gay gắt dần cho đến mức, người ta đã tìm cách giết Ngài.  Tôi muốn chuẩn bị tâm hồn như thế nào để kỷ niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu?  Trong những ngày này, tôi muốn tập trung vào Chúa Giêsu và cuộc thương khó của Ngài.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, March 29, 2023

Thứ Năm Tuần V Mùa Chay – Năm A –30-3-2023

Thu Nam V MC

Gioan 8:51-59

51Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” 52 Người Do-thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám.  Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.’ 53 Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao?  Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết.  Ông tự coi mình là ai?” 54 Đức Giê-su đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả.  Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. 55 Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người.  Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông.  Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. 56 Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi.  Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” 57 Người Do-thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham!” 58 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” 59 Họ liền lượm đá để ném Người.  Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Gần đến ngày kỷ niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Giáo hội như muốn tôi hiểu rõ hơn những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu.  Chỉ qua Phúc âm Gioan tôi mới thấy rõ những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu.  Như tôi thấy trong bài đọc hôm nay, khi lời qua tiếng lại giữa Chúa Giêsu và những người Do-thái đã đến mức gay cấn cao, họ đã tìm đá để ném đá Ngài.  Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho họ thấy thiên tính của Ngài, nhưng họ đã không hiểu, không thể chấp nhận và vì thế họ đã tìm cách ném đá Ngài.  Phần tôi, tôi nghĩ sao?  Tôi có chấp nhận thiên tính nơi Chúa Giêsu không?  Niềm tin vào thiên tính của Chúa Giêsu mang ý nghĩa gì đối với tôi?  Tôi nói với Chúa Giêsu về cảm nghĩ của tôi.

2.     Chúa Giêsu tìm cách mạc khải cho dân chúng về Ngài và về Chúa Cha, nhưng họ không tin theo, thậm chí còn lên án Ngài là phạm thượng.  Chúa Giêsu đã thất bại về họ, nhưng Ngài không bỏ cuộc.  Có khi nào tôi làm ơn mà chỉ nhận lại bằng oán?  Tôi nghĩ sao những lúc đó?  Bỏ cuộc hay vẫn tiếp tục?  Tôi tâm sự với Chúa Giêsu để được an ủi và đỡ nâng.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, March 28, 2023

Thứ Tư Tuần V Mùa Chay – Năm A –29-3-2023

Thu Tu V MC 

Gioan 8:31-42

31Khi ấy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; 32các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” 33 Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham.  Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ.  Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” 34 Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. 35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. 36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. 37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. 38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.” 39 Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham.”  Đức Giê-su nói: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. 40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa.  Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. 41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”  Họ mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang.  Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!” 42 Đức Giê-su bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến.  Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay đề cập đến hai vấn đề lớn của cuộc đời: Nô lệ và tự do.  Chúa Giêsu nói đến vấn đề nô lệ cho tội lỗi.  Tôi có thể đọc lại bài đọc trên và để ý, tôi có đang là nô lệ cho ai và cho cái gì?  Cái gì đã giữ chân tôi trở thành nô lệ bao lâu nay?  Tôi có muốn được giải thoát khỏi cảnh nô lệ ấy?  Tôi nghĩ gì về câu nói của Chúa Giêsu: Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông”?  Tôi có tin và muốn Chúa Giêsu có thể giải thoát tôi khỏi ách nô lệ này?

2.     Tôi có phải là con cái Chúa?  Tôi có thấy tôi là một con người tự do?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa về sự tự do, món quà lớn nhất và quan trọng nhất mà Chúa ban cho tôi.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 27, 2023

Thứ Ba Tuần V Mùa Chay – Năm A –28-3-2023

Thu Ba V MC

Gioan 8:21-30

21Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết.  Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.” 22 Người Do-thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’?” 23 Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới.  Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. 24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.  Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” 25 Họ liền hỏi Người: “Ông là ai?”  Đức Giê-su đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. 26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông.  Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” 27 Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. 28 Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. 29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” 30 Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Gần đến Tuần Thánh, kỷ niệm cuộc thương khó Chúa Giêsu, các bài đọc trong các thánh lễ càng giúp tôi hiểu rõ hơn về căn tính của Chúa Giêsu.  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu tỏ lộ cho mọi người biết Ngài là ai và tương quan mật thiết giữa Ngài và Chúa Cha như thế nào, nhưng ngôn ngữ thật khó hiểu và khó tin.  Chính vì thế, những người Do-thái không thể hiểu và tin được, họ phải hỏi lại Ngài: “Ông là ai?”  Tôi đã là Kitô hữu bao lâu rồi, tôi tin nhận Chúa Giêsu như thế nào?  Trong giờ cầu nguyện này, tôi có thể nói Chúa Giêsu là ai và Chúa Cha là ai đối với tôi?

2.     Ở cuối bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.   Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.”  Tôi cảm nhận thế nào về câu nói này của Chúa Giêsu?  Khi Chúa Giêsu bị treo lên cây thập giá, tôi có nhận thấy Ngài là Đấng Hằng Hữu, tôi có biết Ngài là con Thiên Chúa, tôi có biết Ngài là Đấng cứu độ tôi, tôi có thấy Ngài quan trọng đối với tôi như thế nào?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về những câu trả lời này.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, March 26, 2023

Thứ Hai Tuần V Mùa Chay – Năm A –27-3-2023

Thu Hai V MC

Gioan 8:1-11

1Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu. 2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ.  Toàn dân đến với Người.  Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.  Họ để chị ta đứng ở giữa, 4rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó.  Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.  Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.  Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi?  Không ai lên án chị sao?” 11 Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.”  Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!  Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một đoạn văn đặc biệt trong Phúc âm Gioan.  Các nhà chú giải cho rằng đoạn này đã được ai đó thêm vào sau này, chứ không phải của Gioan.  Bởi văn phong rất khác so với toàn bộ Phúc âm Gioan.  Tuy nhiên, dù đây là một đoạn văn được thêm sau này, nhưng cũng với một ý tốt, đó là nói đến lòng thương xót của Chúa Giêsu. 

2.     Tôi đọc lại câu chuyện trên và để ý lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với người đàn này như thế nào.  Bản thân tôi sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?  Tôi sẽ dùng luật để xét xử bà này hay tình thương để xét xử?  Trong những vấn đề cuộc sống thường ngày, tôi thường đứng về phía nào mỗi khi cần giải quyết vấn đề: sự thật, lẽ công bằng, sự bất công, phía người bị áp bức, phía người nghèo thấp cổ bé họng, hay phía kẻ có quyền?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về những thái độ ứng xử và cách giải quyết vấn đề của tôi bao lâu nay.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Chuyện Người Đàn Bà 2000 Năm Trước,” sáng tác của Song Ngọc, do Thế Sơn trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=UUqLEXRx46E

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, March 25, 2023

Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay – Năm A –26-3-2023

CN V MC

Gioan 11:1-45

1Khi ấy, có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. 2 Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người.  Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô. 3 Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.” 4 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” 5 Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô. 6 Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. 7 Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê!” 8 Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” 9 Đức Giê-su trả lời: “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao?  Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. 10 Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!”

11Nói những lời này xong, Người bảo họ: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.” 12 Các môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại.” 13 Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. 14 Bấy giờ Người mới nói rõ: “La-da-rô đã chết. 15 Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin.  Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy.” 16 Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!”

17Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. 18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. 19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người.  Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” 23 Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” 24 Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25 Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.  Chị có tin thế không?” 27 Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có.  Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

28Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!” 29 Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. 30 Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. 31 Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.

32Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” 33 Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. 34 Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?”  Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem.” 35 Đức Giê-su liền khóc. 36 Người Do-thái mới nói: “Kìa xem!  Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!” 37 Có vài người trong nhóm họ nói: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?” 38 Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng.  Người đi tới mộ.  Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. 39 Đức Giê-su nói: “Đem phiến đá này đi.”  Cô Mác-ta là chị người chết liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.” 40 Đức Giê-su bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” 41 Rồi người ta đem phiến đá đi.  Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. 42 Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con.” 43 Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” 44 Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn.  Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” 45 Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay tôi tiếp tục được đọc và suy niệm với một bài phúc âm rất dài nữa trong Mùa Chay, một trong ba bài quan trọng về đức tin.  Bài đọc hôm nay là những mẩu đối thoại về niềm tin, trước hết giữa Chúa Giêsu với các môn đệ về cái chết của La-da-rô, thứ đến là giữa Chúa Giêsu với hai chị em của La-da-rô, và cuối cùng là thái độ của một số người Do-thái, họ đã tin vào Chúa Giêsu.  Thế còn tôi tin vào Chúa Giêsu không?  Tin mạnh mẽ đến mức nào?  Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý thái độ, niềm tin của tôi đang ở đâu trong tương quan với Thiên Chúa.  Tôi nói chuyện với Ngài về thái độ và niềm tin ấy.

2.     Có nhiều điểm rất đáng để tôi tập trung và cầu nguyện trong bài đọc hôm nay.  Chẳng hạn, câu nói đầy trách móc của Mát-ta và Maria với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết…”  Có khi nào tôi cũng trách móc như vậy với Chúa, những lúc tôi gặp khó khăn?  Tôi nói với Chúa về thái độ của tôi trong những lần trách móc ấy.  Tôi cảm thấy thế nào khi Mát-ta nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.”  Câu nói đầy thất vọng của Mát-ta khiến Chúa Giêsu phải nhắc nhở: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”  Có khi nào tôi cũng thất vọng trong hoàn cảnh nào đó chưa?  Chúa đã nói gì với tôi những lúc ấy?  Tôi nói chuyện với Chúa về những kinh nghiệm đầy thất vọng ấy. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, March 24, 2023

Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay – Năm A –25-3-2023 – Lễ Truyền Tin

Thu Bay IV MC

Luca 1:26-38

26Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít.  Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể cảm thấy lạ vì tại sao đang trong Mùa Chay và gần Tuần Thánh, một bầu khí rất ảm đảm đạm với việc ăn chay hãm mình, Giáo hội lại mừng lễ  Truyền Tin, thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ mang thai Chúa Cứu Thế, một bầu khí rất vui mừng.  Điều này thật dễ hiểu, thứ nhất, vì bào thai con người là chín tháng kể từ lúc thụ thai cho đến khi sinh.  Không ai biết Chúa Giêsu đã sinh ra ngày tháng nào, nhưng Giáo hội đã chọn ngày 25 tháng 12 hằng năm là ngày lễ Chúa giáng sinh, vậy nếu tính ngược chín tháng kể từ ngày Chúa giáng sinh trở về tới ngày Chúa được thụ thai trong lòng Mẹ Maria, ngày ấy phải là 25 tháng 3.  Thứ hai, nếu không có ngày truyền tin thì cũng không có ngày giáng sinh và không có Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh.

2.     Bài đọc hôm nay chuyên chở rất nhiều ý nghĩa mà tôi có thể dùng để cầu nguyện trong giây phút này.  Tôi muốn đọc lại thật chậm nhiều lần bài đọc trên, để đi vào tâm tình của Mẹ Maria khi được thiên thần hiện ra, thông báo một tin chấn động cả thiên cung, đó là Mẹ được chọn cưu mang Chúa Cứu Thế.  Tôi thử đặt mình vào tâm tình của Mẹ Maria lúc ấy để cảm thấy Mẹ như thế nào?  Tôi thử nghĩ xem, Thiên Chúa nghĩ gì mà chọn sinh ra trong một gia đình nghèo, với một cô thôn nữ nghèo, với một chương trình xảy ra trước hôn nhân?  Tại sao Chúa lại chọn con đường quá khác và đầy nguy hiểm như vậy?  Giả sử như Thánh Giuse không chấp nhận đón Maria về làm vợ thì sao?  Maria có thể bị ném đá đến chết, vì có thai trước hôn nhân.  Có khi nào vì theo Chúa, vì yêu Chúa mà tôi phải rơi vào hoàn cảnh rất éo le, khó xử, đôi khi có thể mất mạng không?  Ấy thế mà, Mẹ Maria đã nói lời “xin vâng”, dù chẳng hiểu gì và lo lắng cũng ngập tràn.  Tôi thì sao, những lúc Chúa mời gọi?  Tôi nói chuyện với Chúa về tâm tình xin vâng của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, March 23, 2023

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay – Năm A –24-3-2023

Thu Sau IV MC

Gioan 7:1-2, 10, 25-30

1Khi ấy, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người. 2 Lễ Lều của người Do-thái gần tới… 10 Khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật… 25 Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? 26 Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả.  Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô? 27 Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” 28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư?  Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư?  Tôi đâu có tự mình mà đến.  Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật.  Các ông, các ông không biết Người. 29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” 30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay cho tôi thấy, sự căng thẳng giữa Chúa Giêsu và những người Do-thái đã ở điểm rất cao.  Họ đang tìm cách giết Chúa Giêsu, nên Ngài không còn công khai đi lại, nhưng đi cách bí mật.  Như vậy, tôi có thể thấy cái chết của Chúa Giêsu là một chuyện chắc chắn sẽ xảy ra.  Bài đọc hôm nay ở chương bảy của Phúc âm Gioan, nhưng mãi đến chương mười tám Chúa Giêsu mới bị bắt và bị kết án tử hình.  Một khoảng thời gian rất dài, Chúa Giêsu đã luôn phải hoạt động trong lén lút.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể đi vào khoảng thời gian rất khó khăn này của Chúa Giêsu, để hiểu Ngài đã sống những ngày tháng đó như thế nào?  Ngài đã nghĩ gì, làm gì, quyết tâm gì?  Chúa Giêsu có sợ không?  Có khi nào Ngài đã muốn đổi ý, không muốn làm theo thánh ý Chúa Cha nữa, không đi rao giảng nữa, thỏa hiệp với những người Do-thái?  Chỉ vì muốn thi hành thánh ý Chúa Cha, Ngài phải đón nhận cái chết sẽ xảy đến bất cứ lúc nào.  Có bao giờ thi hành thánh ý Chúa mà mọi chuyện êm ả đâu?  Tôi sẽ gặp muôn vàn thử thách và chống đối.  Có khi nào tôi cũng muốn bỏ cuộc, thỏa hiệp với sự dữ và chối bỏ thánh ý Chúa?  Tôi đang gặp khó khăn thi hành thánh ý Chúa?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu để học ở Ngài và để tìm sự nâng đỡ và sức mạnh từ Ngài. 

2.     Có một điểm nổi bật trong toàn bộ Phúc âm Gioan, đó là câu: “Giờ của Ngài chưa đến.”  Đây là kiểu nói rất đặc biệt của Phúc âm Gioan nhằm nói đến, sự làm chủ mọi sự ở khía cạnh thiên tính của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu biết hết mọi sự và Ngài làm chủ thời gian.  Dù người Do-thái đang rất muốn giết Ngài, chương bảy, nhưng mãi đến chương mười tám họ mới bắt và kết án được Ngài, vì giờ của Ngài đã đến (18:4).  Đây là điểm thật đáng lưu ý cho đời sống đức tin của tôi.  Tôi có tin Thiên Chúa thông biết mọi sự và điều khiển mọi sự?  Niềm tin này đã giúp đời sống của tôi như thế nào, chẳng hạn như chuyện giáo dục và đức tin của con cái, giới trẻ?  Niềm tin này đã giúp tôi đi qua những khủng hoảng lớn trên thế giới và trong nhân loại, chẳng hạn như đại dịch Covid-19 vừa qua?  Tôi đã rất bình tĩnh hay tôi hoảng loạn?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, March 22, 2023

Thứ Năm Tuần IV Mùa Chay – Năm A –23-3-2023

Thu Nam IV MC

Xuất Hành 32:7-14

7Ngày ấy, Đức Chúa phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. 8 Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi.  Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: ‘Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập’.” 9 Đức Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. 10 Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng.  Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.” 11 Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, dịu lại.  Ông thưa: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? 12 Tại sao người Ai-cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất?  Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài. 13 Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.” 14 Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.

(Trích Sách Xuất Hành, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay rất hay và cũng rất đẹp.  Hay ở chỗ, tác giả đã dùng ngôn ngữ và kiểu nói như nhân để nói về Thiên Chúa.  Tôi có thể đọc lại bài đọc trên và để ý cách nói chuyện của Mô-sê với Thiên Chúa.  Ông nói chuyện với Thiên Chúa như nói với một con người.  Cách nói chuyện của ông làm cho tôi có cảm tưởng, Thiên Chúa như là một ông già.  Ngài cũng có cảm xúc giống con người, giận hờn, buồn bực khi dân Ít-ra-en làm điều sai trái, nên Mô-sê đã phải giỗ dành cho Ngài nguôi cơn giận, đừng đánh phạt con người quá đáng.  Ngài là một ông già, thật già, nên Mô-sê đã phải nhắc nhớ Ngài về lời thề mà Ngài đã thề hứa với tổ phụ Áp-ra-ham.  Thiên Chúa cũng sợ mất mặt, nên Mô-sê đã nhắc nhở Ngài đừng đánh phạt dân khi họ làm sai, kẻo dân ngooại cười vào mặt Ngài.  Cuối cùng, Thiên Chúa đã nghe Mô-sê mà thương và không đánh phạt dân như Ngài đã răn đe.  Đời sống của tôi cũng có nhiều lỗi lầm, nhưng tôi vẫn còn đây và bình an.  Có lẽ không phải vì Chúa không thấy, hoặc không biết những việc làm sai trái của tôi, nhưng có lẽ vì luôn luôn có những người công chính ngày đêm cầu cùng Chúa, xin Ngài đừng đánh phạt tôi chăng.  Tôi muốn cảm tạ Chúa và cầu nguyện cho những người đã luôn cầu nguyện cho tôi.  Tôi cũng bắt chước Mô-sê cầu thay nguyện giúp cho những người đang sai trái quanh tôi, cho những kẻ ác nhân ác đức biết đường quay trở về và sống đời hiền lương.

2.     Bài đọc hôm nay cũng rất đẹp ở cách thức nói chuyện của Mô-sê với Thiên Chúa, rất gần gũi, thân mật, như bạn với bạn.  Có bao giờ tôi bước vào giờ cầu nguyện mà mang một tâm tình như Mô-sê với Thiên Chúa không?  Nếu không được thân tình như bạn với bạn, ít ra, cũng được thân tình như con thơ với cha mẹ.  Nếu chưa bao giờ tôi đến với Chúa trong sự thân tình và thân mật như vậy, vậy thì cái gì đang ngăn cản tôi không có được sự thân tình đó?  Chắc chắn, những ngăn cản ấy không phải từ Thiên Chúa.  Từ nay trở đi, tôi muốn ý thức và mở lòng cho sự gần gũi, tình thân mật và tính cởi mở mỗi khi tôi đàm đạo với Thiên Chúa.  Tôi có thể bắt đầu ngay giây phút này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, March 21, 2023

Thứ Tư Tuần IV Mùa Chay – Năm A –22-3-2023

Thu Tu IV MC

Gioan 5:17-30

17Khi ấy, sau khi chữa lành một người bệnh trong ngày sa-bát, Đức Giê-su tuyên bố với người Do-thái rằng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” 18 Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. 19 Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng, “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. 20 Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. 21 Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. 22 Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, 23để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha.  Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con. 24 Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. 25 Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống. 26 Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, 27lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người. 28 Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con 29và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án. 30 Tôi không thể tự ý mình làm gì.  Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chỉ còn hai tuần nữa, cả Giáo hội sẽ bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.  Các bài đọc trong thời gian này cũng đang hướng tôi đến, lý do tại sao Chúa Giêsu đến trong cuộc đời này, và nguyên do nào đã dẫn đến cái chết của Ngài.  Bài đọc hôm nay là những lời lý giải về căn tính của Chúa Giêsu, Ngài thật sự là ai.  Ngài thật sự là con Thiên Chúa, đã được Chúa Cha sai đến để mạc khải cho con người về Thiên Chúa đích thực là Đấng nào và tại sao mọi người phải tin.  Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha.  Ai tin vào Chúa Giêsu thì được cứu độ, thì có sự sống đời đời.  Tuy nhiên, người Do-thái không dễ chấp nhận những gì Chúa Giêsu nói.  Bởi đối với họ, Thiên Chúa thượng trí cao vời, vô hình và độc nhất, nhưng Chúa Giêsu lại bảo Ngài là con Thiên Chúa, như vậy không còn là độc nhất nữa.  Mà Thiên Chúa cao vời và vô hình sao lại sinh ra giữa làng xóm của họ.  Họ biết rõ Ngài sinh ra ở đâu, cha mẹ và gia đình thân thế Ngài ra sao, vậy mà bây giờ Ngài lại bảo Ngài là con Thiên Chúa.  Bởi thế, họ không tin và còn cho rằng Ngài phạm thượng.  Mà đối với người Do-thái, không tội nào đáng chết cho bằng tội phạm thượng, xúc phạm đến thần thánh.  Vì thế họ đã rất giận dữ và lên kế hoạch tìm cách giết Chúa Giêsu.

2.     Những người Do-thái không tin vào Chúa Giêsu đã đành, còn tôi tôi tin Ngài không?  Tôi tin đến bao nhiêu?  Niềm tin vào Chúa Giêsu đã tác động lên cuộc đời tôi như thế nào?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về niềm tin của tôi đang có về Ngài. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 20, 2023

Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay – Năm A –21-3-2023

Thu Ba IV MC

Gioan 5:1-16

1Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. 2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang. 3 Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động, 4vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi). 5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. 6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” 7 Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ.  Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” 8 Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi” 9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.  Hôm đó lại là ngày sa-bát.10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!” 11 Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng mà đi!’” 12 Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng mà đi’?” 13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai.  Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh.  Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” 15 Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.

 (Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Ngày hôm nay với những phát triển của y học, người ta tin rằng, những chứng bệnh thể lý cần phải được chuẩn đoán và chữa trị dựa trên những dữ liệu và triệu chứng thể lý; hoặc, nếu không từ thể lý, người ta cũng dựa trên những nguyên do tâm lý, chẳng hạn như: tình trạng mệt mỏi tinh thần (stress) là nguyên do dẫn đến những chứng bệnh nan y như ung thư, đau nhức mình mẩy, teo cơ...  Tuy nhiên, hai ngàn năm trước người Do-thái tin rằng, những chứng bệnh thể lý đều bắt nguồn từ tâm linh, đó là: tội lỗi.  Để tránh bệnh, hãy tránh tội; để chữa bệnh, phải hoán cải.  Trong niềm tin ấy, các tác giả của các Phúc âm khi ghi nhận những phép lạ Chúa Giêsu chữa những căn bệnh thể lý, cũng mượn những câu chuyện ấy để nói về những vấn đề tâm linh.  Bài đọc hôm nay là một ví dụ điển hình.  Trong đó, tôi gặp thấy câu chuyện người bại liệt đã ba mươi tám năm, bao trùm bằng cả một bầu khí tâm linh.  Người ta bị đủ mọi thứ bệnh tật nằm la liệt bên bờ hồ, ấy vậy mà muốn được khỏi, lại chỉ nằm chờ cho đến khi thiên thần xuống khuấy động nước, ai xuống trước người ấy được khỏi.  Anh bại liệt chẳng có ai giúp mang anh ta xuống nước trước nhất, nên đã nằm đó ba mươi tám năm mà vẫn chưa khỏi.  Kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu cũng nói với anh ta: “Này, anh đã được khỏi bệnh.  Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!”  Thánh Gioan đã ghi nhận câu chuyện này trong sách đức tin của ngài, và Giáo hội mời gọi tôi đọc lại câu chuyện này hôm nay, có ý nghĩa gì?  Chắc chắn, Giáo hội không tin như người Do-thái tin rằng bị bệnh thể lý là do tội lỗi, nhưng Giáo hội muốn dùng câu chuyện này để nói về vấn đề vấn đề bại liệt tâm linh.  Phải chăng, khi phạm tội, tôi cũng không khác gì những người bại liệt, mất hết khả năng làm mọi cái cho bản thân, từ chuyện tốt cũng như chuyện xấu, từ chuyện lớn cũng như chuyện nhỏ, từ chuyện làm cho tha nhân cũng như cho chính mình?  Trong giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể nhìn vào chính tôi: Tôi đang mang những tội lỗi nào?  Tội lỗi ấy đã làm tâm hồn tôi tê liệt đến mức nào?  Người bại liệt nằm bên bờ hồ đã ba mươi tám năm không ai giúp đỡ, tâm hồn tôi bị tê liệt đã bao nhiêu năm rồi?  Có ai giúp đỡ tôi không?  Cái gì đang giữ tôi ở lại mãi trong tình trạng bại liệt ấy?  Tôi muốn kêu cầu cùng Chúa Giêsu, xin Ngài chữa lành cho tôi?  Hãy nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này đi.

2.  Chắc chắn, Chúa Giêsu đã chữa bệnh không chỉ trong ngày sa-bát, mà trong cả sáu ngày kia trong tuần nữa.  Tuy nhiên, hầu hết chỉ các câu chuyện chữa bệnh trong ngày sa-bát được ghi nhận trong các Phúc âm, điều này hẳn là có chủ đích.  Chủ đích ấy là, dù ngày sa-bát đi nữa, việc cứu người vẫn quan trọng hơn giữ luật.  Chủ đích ấy còn là, tình thương của Chúa Giêsu không thể chịu để đau khổ hành hạ con người thêm một ngày nữa.  Tình thương của Thiên Chúa là như vậy đó, luôn muốn cứu chữa ngay, muốn làm tất cả để giải thoát con người, dù có phải phạm luật.  Tôi học gì ở cách ghi nhận các phép lạ của các tác giả Phúc âm?  Giữ luật là điều đúng, nhưng tôi có giữ luật một cách máy móc, một cách cứng ngắc đến vô cảm?  Tôi có giữ luật và coi trọng luật hơn con người; thậm chí, tôn thờ luật, không còn tôn thờ Chúa nữa?  Tôi muốn xem lại đời sống tâm linh và đạo đức của tôi, và tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về đời sống ấy, xem Ngài có hài lòng không?  Tôi để ý Ngài muốn tôi phải làm gì?

Phạm Đức Hạnh, SJ