Luca 7:36-50
36Khi ấy, có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu
mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức
Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. 37 Bỗng
một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại
nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. 38 Chị
đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân
Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn
chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. 39 Thấy vậy, ông
Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ,
thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một
người tội lỗi!” 40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông
Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!”
Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” 41 Đức Giê-su
nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người
năm chục. 42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã
thương tình tha cho cả hai. Vậy trong
hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” 43 Ông Si-môn đáp: “Tôi
thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.”
Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm.”
44 Rồi quay lại phía người phụ nữ,
Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ
lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà
lau. 45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc
vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. 46 Dầu ô-liu, ông
cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân
tôi. 47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất
nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” 48 Rồi
Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” 49 Bấy
giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được
tội?” 50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin
của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay có nhiều ý tưởng có thể giúp tôi cầu nguyện. Tôi có thể tập trung vào hai nhân vật quan trọng
của bài đọc. Trước hết, đó là sự xuất hiện
của người đàn bà tội lỗi trong thành. Tôi
có thể hình dung tôi đang có mặt ở phòng tiệc và chứng kiến những việc làm của
bà. Những câu hỏi nào tôi đang có về bà
ta: Bà là ai? Tên bà là gì? Bà làm nghề gì? Bà tội lỗi nổi tiếng trong thành về tội gì? Cuộc sống của bà như thế nào trước mắt mọi
người? Bà có đi lại tự do thoải mái
không, hay đi đâu cũng bị hất hủi, chửi mắng, nhổ nước miếng khinh bỉ, bị mọi
người xa tránh? Bà đã ở trong tình trạng
này lâu chưa? Bà khao khát gặp Chúa Giêsu
lâu chưa? Tại sao mà sẵn sàng phí phạm một
lượng dầu rất quý giá như vậy cho Chúa Giêsu?
Bà mong đợi gì ở Chúa Giêsu? Rồi
tôi để ý đến tôi. Tôi có thái độ như thế
nào đối với bà ta? Tôi có xét đoán,
khinh bỉ, xa tránh và xua đuổi bà ta, hay tôi đón nhận bà ta như Chúa Giêsu
đang đón nhận bà? Cách tôi đối xử với bà
hoặc thái độ tôi có về bà ta, đã tác động đến bà ta như thế nào? Tôi để ý cách đối xử và thái độ của Chúa Giêsu
đối với người đàn bà này đã giúp bà ta ra sao?
Tôi nhìn sâu hơn nữa vào những thái độ của tôi, nó đã ở trong tôi bao
lâu nay rồi? Đây có phải là thái độ tôi vẫn
thường có đối với những người quanh tôi, đặc biệt là những người có tiếng xấu? Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này? Tôi muốn nói gì với người đàn bà này?
2. Tôi cũng có thể tập trung vào ông Simon, người Pha-ri-sêu. Ông là chủ nhà đã mời Chúa Giêsu vào nhà của ông để dùng bữa. Mặc dù, ông đích thân mời Chúa Giêsu vào nhà của ông nhưng lại bị chia trí bởi sự xuất hiện của người đàn bà tội lỗi trong thành, nên quên cách tiếp đón Ngài. Có thể bắt đầu mỗi giờ cầu nguyện mỗi ngày của tôi, tôi cũng mời Chúa đến, nhưng rồi bị chia trí đủ chuyện. Tôi để Chúa ở đó và đầu óc tôi lan man lo đủ chuyện? Tôi để ý Chúa sẽ nói gì với tôi về cách tiếp khách của tôi với Ngài? Tôi để ý Chúa sẽ nói gì với tôi về những điều tôi đang chia trí lúc này? Tôi để ý những giao động trong lòng từ những lời của Chúa Giêsu đang nói với tôi và tôi đáp trả ra sao với Ngài?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment