Mát-thêu 9:9-13
9Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu
thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. 10 Khi
Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội
lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy,
những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các anh lại
ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” 12 Nghe thấy
thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới
cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn
lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà
để kêu gọi người tội lỗi.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch
của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm nay là Lễ Thánh Mát-thêu,
tông đồ và là thánh sử viết Phúc âm mà tôi dùng cho bài đọc hôm nay. Có một thú vị trong cách viết của Mát-thêu về
ơn gọi của mình. Ông viết về ông ở ngôi thứ
ba, một người thu thuế tội lỗi, nhưng được Chúa Giêsu gọi. Cách viết này cho tôi thấy một sự đối nghịch
rất lớn giữa ông và những người Pha-ri-sêu trong câu chuyện. Ông rất khiêm tốn viết về mình là một người
tội lỗi được Chúa yêu, trong khi đó những người Pha-ri-sêu tỏ ra đạo đức, thánh
thiện, hoàn hảo và không muốn gần gũi với những ai tội lỗi. Điều này có làm cho tôi suy nghĩ không? Tôi thuộc loại người nào, và thường tỏ cho
thiên hạ thấy tôi là loại người nào? Khiêm
nhường hay kiêu căng? Tội lỗi hay thánh
thiện? Gần gũi hay lạnh lùng xa cách? Đó là với thiên hạ, thế còn trước mặt Chúa:
tôi là ai? Tôi muốn nói gì với Chúa
trong lúc này?
2. Phần còn lại của bài đọc cũng giúp tôi hiểu được tâm thức của Thiên Chúa
hơn: Ngài luôn gần gũi với những người đau yếu, tội lỗi. Ngài khát khao lòng nhân nơi mỗi con người,
chứ không ưa lễ nghi, tế tự, hình thức. Ngài
đến cho tất cả những ai khiêm nhường biết mình yếu đuối lỗi lầm, chứ không đến
cho những ai tự hào là hoàn hảo, kiêu căng, hống hách, cho mình hơn người. Một tâm thức như vậy về Thiên Chúa có là một hy
vọng lớn cho tôi? Nếu Chúa gọi tôi trong lúc này, tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo Chúa không? Cái gì đang giữ chân tôi không thể theo Ngài ngay? Tội lỗi, của cải, cái tôi của tôi, lòng hận thù, sự ích kỷ, óc tham lam, tâm kỳ thị...? Tôi muốn nhẩm đi nghĩ lại câu nói
của Chúa Giêsu để tìm hy vọng nơi Ngài: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment