Gioan 19:25-27
25Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có
thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà
Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình
thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là
con của Bà.” 27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của
anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Truyền thống Giáo hội
thường xếp lễ kính Chúa Giêsu liền với lễ kính Đức Mẹ, thân mẫu của Ngài. Hôm qua Giáo hội mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá,
hôm nay Giáo hội mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Lịch
sử lễ này bắt đầu từ bảy bạn trẻ hợp lại để thành lập Dòng Servite, hay còn gọi
là Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ vào khoảng đầu năm 1232, tại Tuscany. Năm năm sau đó, họ lấy những sự thương khó của
Đức Mẹ làm linh đạo cho hội dòng của họ và phát triển ba lối sùng kính Đức Mẹ
tiêu biểu, đó là: Phép Lần Hạt Kính Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ; Cỗ Áo Đức Bà đen
kính Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ (khác với Cỗ Áo Đức Mẹ Carmelo), và Tuần Cửu Nhật
kính những sự thương khó của Đức Mẹ. Lòng
sùng kính Đức Mẹ ấy cứ phát triển rộng rãi mãi trong Giáo hội, cho đến năm 1913,
ĐGH Pius X đã đưa lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi, hoặc còn gọi là Lễ Kính Bảy Sự Thương Khó
của Đức Mẹ vào trong lịch phụng vụ của Giáo hội, kính vào 15 tháng 9 hàng năm,
sau lễ Suy Tôn Thánh Giá. Kính bảy sự thương khó của Đức Mẹ là gì? Đó là chiêm ngắm những nỗi sầu muộn trong cuộc
đời của Đức Mẹ, như: 1) Nỗi sầu muộn, lo lắng về lời tiên tri của Simeon, khi Mẹ
dâng Chúa Giêsu trong đền thờ; 2) Nỗi sầu muộn khi bảo vệ Con khỏi bị giết bằng
cách trốn qua Ai-cập; 3) Nỗi sầu muộn khi lạc mất Con trong đền thờ, lúc Ngài
được 12 tuổi; 4) Nỗi sầu muộn khi Mẹ gặp Chúa Giêsu vác thánh giá, chặng thứ 4
của đường thập giá; 5) Nỗi sầu muộn khi Mẹ đứng dưới chân thập giá của Con; 6) Nỗi
sầu muộn khi Mẹ ôm xác Con trong lòng khi người ta giúp tháo xác Con xuống khỏi
thập giá; 7) Nỗi sầu muộn khi Mẹ táng xác Con trong mồ. Hôm nay lễ kính Mẹ Sầu Bi, tôi cũng ngồi bên Mẹ
trong giây phút này, để chiêm ngắm những nỗi sầu của Mẹ, đặc biệt hơn đó là, cảm
thấy Mẹ cũng đang đồng hành trong mọi đau khổ của tôi và của cả nhân loại hôm
nay, cụ thể trong cơn đại dịch này.
2.
Bài đọc hôm nay ghi nhận
một trong bảy sự thương khó của Đức Mẹ. Mẹ
đã đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu, khi Ngài sinh thì. Khi ấy Chúa Giêsu đã trao Mẹ của Ngài cho môn
đệ Ngài yêu, tức là Giáo hội, và Ngài cũng trao Giáo hội cho Đức Mẹ. Kể từ khi ấy, Giáo hội đã luôn yêu mến và coi
Mẹ như là người mẹ duy nhất và quan trọng nhất của Giáo hội. Ngược lại, Mẹ cũng thế, luôn luôn ở bên con
cái của Mẹ trong mọi vui buồn của cuộc sống.
Đặc biệt, trong tất cả những lần Mẹ hiện ra trên thế giới, khi nào Mẹ hiện
ra cũng là những lúc con cái Mẹ đang bị bách hại và đau khổ. Trong cơn đại dịch này, tôi cũng muốn xin Mẹ
chữa lành và gìn giữ thế giới, quê hương đất nước, gia đình và tôi. Trong những chia rẽ và bắt bớ đang xảy ra
trong Giáo hội, tôi cũng xin Mẹ cứu giúp Giáo hội. Trong ngày kính Mẹ hôm nay, tôi cũng xin Mẹ dẫn
tôi đến gần con của Mẹ là Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn, đồng thời giúp tôi hiểu
và yêu con của Mẹ hơn.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment