Friday, May 17, 2024

Thứ Bảy Tuần VII Phục Sinh – Năm B – 18-5-2024

Thu Bay VII PS

Gioan 21:20-25

20 Khi ấy, ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” 21 Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” 22 Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?  Phần anh, hãy theo Thầy.” 23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết.  Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phê-rô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” 24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.  Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. 25 Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm.  Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Phúc âm Gioan có một lối viết rất đặc biệt và kín đáo về người môn đệ Chúa Giêsu thương mến.  Gioan không bao giờ nêu tên người môn đệ đó.  Các nhà chú giải Kinh Thánh ngày nay cho rằng, người môn đệ Chúa Giêsu thương mến ấy chính là độc giả của Phúc âm Gioan.  Điều đó có nghĩa là, chính tôi là môn đệ mà Chúa Giêsu thương mến, chính tôi là môn đệ đã tựa đầu vào ngực của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, chính tôi là người dám đứng dưới chân thập giá, chính tôi là người luôn luôn nhạy bén nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trước nhất, nhờ vậy những kinh nghiệm cá vị giữa tôi và Chúa Giêsu mà được viết lại mới xác thực.  Tôi cảm thấy thế nào khi mình được Chúa Giêsu thương mến?  Tình thương của Chúa Giêsu đã biến đổi tôi ra sao?  Tôi đáp lại tình thương của Chúa Giêsu dành cho tôi như thế nào?  Tôi chỉ có thể trả lời được những câu hỏi này khi tôi áp đầu vào ngực Chúa.  Tôi chỉ có thể dám đứng dưới chân thập giá khi tôi có một tình yêu với Thiên Chúa.  Tôi chỉ có thể nhạy bén trước sự hiện diện của Ngài khi tôi yêu Chúa nồng nàn.  Tôi muốn xin cho tôi được ơn yêu mến Chúa thật lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.  

2. Tôi muốn tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và đọc lại bài đọc trên.  Ngực thường được hiểu như là nơi của trái tim, phát xuất những biểu cảm của yêu thương.  Tôi muốn tựa vào ngực Chúa Giêsu lúc này để nghe và cảm cho thật rõ tình yêu của Ngài đang dành cho tôi.  Tôi muốn chiêm ngắm tình yêu cao cả này để hiểu, để cảm, để được nuôi dưỡng, nhờ đó tôi có thể mạnh dạn sống đời sống chứng nhân cho tình yêu của Chúa Giêsu dành cho mỗi người, nhờ đó tôi có thể viết ra những cảm nghiệm rất riêng tư giữa tôi và Chúa Giêsu, như Gioan đã ghi nhận ở hai câu cuối của bài đọc hôm nay: Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.  Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.  Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm.  Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.”  Hai câu này đang nói gì với tôi? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, May 16, 2024

Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh – Năm B – 17-5-2024

Thu Sau VII PS

Gioan 21:15-19

15 Sau khi dùng bữa với các môn đệ tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, Đức Giê-su Phục Sinh hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.”  Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?”  Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.”  Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không?”  Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới lần thứ ba: “Anh có thương mến Thầy không?”  Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy.”  Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý.  Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.  Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể bắt đầu bằng hình dung chậm chậm khung cảnh bữa ăn sáng của Chúa Giesu và các môn đệ.  Họ đã ăn sáng xong.  Tôi thấy gì?  Tôi nghe thấy những âm thanh gì?  Tôi ngửi thấy mùi gì?  Cảm giác về mặt đất mà tôi đang đứng hoặc ngồi trên đó là gì?  Tôi nóng hay lạnh như thế nào?  Họ đã ăn sáng xong và Chúa Giêsu quay lại nói chuyện với Si-mon Phê-rô.  Tôi đang ở đâu trong khung cảnh đó?  Khi tôi nghe thấy những lời này của Chúa Giêsu: “Con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”, những lời này ảnh hưởng đến tôi như thế nào khi tôi nghe chúng?

2. Tôi muốn đọc lại bài đọc trên một lần và để ý điều gì dâng trào trong tôi?  Tôi muốn đáp lại thế nào khi nghe thấy lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy theo tôi”?  Nếu có thể, hãy cố gắng nói chuyện với Chúa Giêsu như một người bạn nói chuyện với một người bạn.  Tôi có muốn ở cùng Chúa Giêsu không, hay tôi muốn nói điều gì đó?  Hãy dành thời gian với Chúa Giêsu cho đến cuối giờ cầu nguyện.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, May 15, 2024

Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh – Năm B – 16-5-2024

Thu Nam VII PS

Gioan 17:20-26

20 Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con,21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.  Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. 22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một:23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. 24 Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. 26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Tiếp tục từ ngày hôm qua, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu hướng từ các môn đệ đến thế giới rộng lớn hơn, mong muốn tất cả nên một.  Khi tôi nghĩ về thế giới, điều gì hiện lên trong tâm trí tôi?  Tình yêu được Chúa Giêsu bày tỏ là tình yêu từ khi tạo dựng thế gian. Cảm giác của tôi như thế nào khi biết rằng, thế giới rộng lớn hơn này đã được yêu thương ngay từ đầu?  Tôi muốn thế giới nhận ra tình yêu đó từ Thiên Chúa như thế nào?

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và chú ý đến những lời cuối cùng Chúa Giêsu nói: Tình yêu của Thiên Chúa sẽ được tỏ lộ cho mọi người và trong mọi người.  Tôi muốn đáp lại tình yêu của Thiên Chúa như thế nào khi nghe điều này?  Ở câu áp chót của bài đọc, Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con.”  Khi yêu người ta luôn muốn ở cùng người yêu và không muốn xa nhau dù chỉ một giây.  Câu nói của Chúa Giêsu cầu xin cùng Chúa Cha cho các môn đệ và cũng là về tôi và cho tôi, người mà Ngài rất yêu mến.  Tôi cảm thấy thế nào?  Tôi hạnh phúc không khi được biết Chúa Giêsu không bao giờ muốn xa tôi?  Có khi nào tôi cũng rất muốn ở trong Thiên Chúa và không muốn bất cứ ai hay cái gì giựt tôi ra khỏi Thiên Chúa?  Tôi muốn ở lại và chiêm ngắm tình yêu sâu đậm mà Thiên Chúa đang dành cho tôi, muốn ở lại với tôi luôn mãi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, May 14, 2024

Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh – Năm B – 15-5-2024

Thu Tu VII PS

Công Vụ Tông Đồ 20:28-30

28 Hồi ấy, ông Phao-lô nói với các kỳ mục trong Hội Thánh Ê-phê-xô rằng: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình. 29 Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. 30 Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng.”

(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Chúa Giêsu, trong Bữa Tiệc Ly, cũng kêu gọi sự hiệp nhất, vượt qua sự chia rẽ, và ở đây Thánh Phaolô kêu gọi mọi người hãy bảo vệ đàn chiên của mình.  Đàn chiên của tôi là  những ai: Giáo xứ, đoàn thể, gia đình, lớp học, bạn hữu…?  Khi có căng thẳng giữa những người thân thiết với tôi, tôi giải quyết như thế nào?  Tôi sẽ bày tỏ thế nào với những người tôi quan tâm rằng, họ có ý nghĩa như thế nào đối với tôi?

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý tôi đang mong đợi món quà nào từ Chúa để giúp đỡ những người tôi quan tâm được tốt hơn?  Tôi muốn cầu xin điều gì với Chúa về những người mà tôi quan tâm lo lắng?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, May 13, 2024

Thứ Ba Tuần VII Phục Sinh – Năm B – 14-5-2024 - Lễ Thánh Mát-thi-a, Tông đồ

Thu Ba VII PS

Gioan 15:9-17

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.  Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. 12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm.  Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. 16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Tôi không xứng đáng được yêu ở những khía cạnh nào?  Bây giờ, sau khi nghĩ về điều đó, tôi cảm thấy thế nào khi biết mình được yêu?  Tôi cảm thấy thế nào khi biết mình được ở trong tình yêu của Chúa Giêsu?

2. Tôi đọc lại những lời trên của Chúa Giêsu một hoặc nhiều lần nữa và để ý những gì Chúa Giêsu làm và trao ban tình yêu của Ngài cho tôi.  Tôi sẽ làm gì khi biết mình được yêu? Tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện này bằng cách nói chuyện với Chúa Giêsu về điều mà mình sẽ làm trong ngày hôm nay để đáp lại tình yêu mà tôi đã được lãnh nhận.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, May 12, 2024

Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh – Năm B – 13-5-2024

Thu Hai VII PS

Công Vụ Tông Đồ 19:1-8

1 Hồi ấy, trong khi ông A-pô-lô ở Cô-rin-tô thì ông Phao-lô đi qua miền thượng du đến Ê-phê-xô.  Ông Phao-lô gặp một số môn đệ 2 và hỏi họ: “Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa?”  Họ trả lời: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.” 3 Ông hỏi: “Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào?”  Họ đáp: “Phép rửa của ông Gio-an.” 4 Ông Phao-lô nói: “Ông Gio-an đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giê-su.” 5 Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su. 6 Và khi ông Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. 7 Cả nhóm có chừng mười hai người. 8 Ông Phao-lô vào hội đường, và trong vòng ba tháng, ông mạnh dạn rao giảng, thảo luận về Nước Thiên Chúa và cố gắng thuyết phục họ.

(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Mỗi khi nghe thấy từ “Chúa Thánh Thần”, tôi nghĩ đến điều gì?  Tôi muốn dành một chút thời gian để nghĩ về lúc tôi cảm thấy gần gũi với Chúa hoặc ngạc nhiên một cách thích thú trước những gì tôi nghĩ là được Thánh Thần soi dẫn.  Cảm giác đó thế nào?  Cảm giác đó đã ở lại với tôi sau đó như thế nào và bao lâu?

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý xem điều gì vẫn còn đọng lại trong tôi…  Chúa Thánh Thần trong đoạn văn này đang hoạt động, ban tặng và thay đổi.  Tôi mong muốn sự giúp đỡ nào từ Chúa Thánh Thần?  Tôi muốn nói gì với Chúa khi thời gian cầu nguyện này sắp kết thúc?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, May 11, 2024

Chúa Nhật Tuần VII Phục Sinh – Năm B – 12-5-2024

CN VII PS

Gioan 17:11b-19

11b Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con.  Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Trong bài đọc của ngày Chúa Nhật hôm nay, trích từ Phúc âm Gioan, tôi có thể cảm thấy được một khoảnh khắc sâu sắc trong cuộc đời của Chúa Giêsu, thường được gọi là “Lời Cầu Nguyện Thượng Tế” của Ngài.  Ngài cầu nguyện cho các môn đệ của mình, xin Thiên Chúa bảo vệ họ và giữ cho họ được hiệp nhất nhân danh Ngài.  Ngài cầu nguyện cho họ tiếp tục trung thành với Tin Mừng và cho sự hiệp nhất giữa họ.  Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha bảo vệ cho các bạn hữu của Ngài.  Có lẽ tôi được nhắc nhở về Kinh Lạy Cha, đây thường được coi là kinh Lạy Cha của Thánh Gioan, Chúa Giêsu cầu cho tất cả những gì tôi cầu xin cùng Thiên Chúa.  Tôi nhận thức thế nào về cộng đoàn đức tin quanh tôi ngày nay?  Tôi trải nghiệm cảm giác hiệp nhất với cộng đoàn và với Chúa như thế nào?  Đây có phải là điều gì đó có vẻ xa vời đối với tôi, hay thứ gì đó đang nuôi dưỡng tôi?  Tôi có thể giúp nuôi dưỡng ý thức đoàn kết trong cộng đoàn của mình như thế nào?  Chúa Giêsu nhận ra rằng, các môn đệ của Ngài ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, mà thuộc về Nước Trời.  Hãy xem tôi đã được mời gọi sống đức tin của mình như thế nào trong cuộc sống hàng ngày.  Đâu là những thách thức?  Đâu là những niềm an ủi?  Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.”  Việc Chúa Giêsu nhớ đến và cầu nguyện cho người đã hư hỏng có ý nghĩa gì với tôi?  Khi tôi xem xét sự hiện diện của những người dường như ở xa Thiên Chúa – đây có phải là sự nhắc nhở cho tôi cần cầu nguyện cho họ không?

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa để cùng cầu nguyện với Chúa Giêsu.  Hãy mở lòng đón nhận phúc lành và sự cam kết với sự thật cùng tính xác thực về con người tôi trong Chúa Kitô.  Khi thời gian cầu nguyện sắp kết thúc, tôi muốn dành thời gian hiện diện một cách trọn vẹn bên Chúa Giêsu, Đấng yêu thương và đang cầu nguyện cho tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, May 10, 2024

Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh – Năm B – 11-5-2024

Thu Bay VI PS

Gioan 16:25-28

25 [Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng]: “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em.  Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. 27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.  28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian.  Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Bài đọc hôm nay là những lời cuối cùng trong Diễn Từ Từ Biệt của Chúa Giêsu, trước khi bước vào cuộc tử nạn.  Sang đến chương 17, Chúa Giêsu không còn nói trực tiếp với các môn đệ nữa, Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha cho các môn đệ.  Cho đến giây phút này, Chúa Giêsu không còn dùng dụ ngôn để nói với các môn đệ nữa, vì họ ở với Ngài đã lâu, đã có thể hiểu được những ý nghĩa sâu xa của những lời của Ngài về vai trò và ý nghĩa của việc Ngài đến trong thế gian, và về tương quan của Ngài với Chúa Cha.  Có thể nói, các môn đệ đã trưởng thành, họ có thể ăn cơm mà không phải uống sữa nữa!  Tôi đã theo Chúa Giêsu bao lâu rồi, tôi hiểu và yêu mến Chúa Giêsu đến mức nào?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu qua Diễn Từ Từ Biệt ngày?  

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý những từ hay cụm từ nào đánh động tôi nhất và ở lại với những từ ấy, để cho những từ ngữ ấy dẫn tôi vào sâu hơn trong tương quan với Chúa Giêsu, và với Chúa Cha.  Tôi cũng chú ý đến câu nói đầy an ủi và yêu thương của Chúa Giêsu ở cuối bài đọc.  Dường như Ngài muốn tôi nghe cho rõ, hiểu cho thấu, khắc ghi thật sâu trong tim tôi: “Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy.”  Tôi để cho những lời này lắng thật sâu trong lòng tôi, nâng đỡ tôi suốt ngày hôm nay và suốt cuộc đời tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, May 9, 2024

Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh – Năm B – 10-5-2024

Thu Sau VI PS

Gioan 16:20-23a

20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng.  Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. 22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. 23a Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Bài đọc hôm nay cho tôi thấy, Chúa Giêsu tỏ ra rất thấu hiểu về các sự kiện sắp xảy đến và chúng sẽ ảnh hưởng đến với những ai đi theo Ngài như thế nào.  Tôi đặt mình vào nhóm các môn đệ, và để ý xem tôi cũng có thể có những cảm giác bất an và được trấn an không?  Những cảm xúc nào nảy sinh trong tôi khi tôi lắng nghe lời Chúa?  Cái nhìn sâu sắc của Chúa Giêsu nói với tôi như thế nào về việc Ngài hiểu những đau khổ và lo lắng của tôi?  Đối với những người gần gũi với Chúa Giêsu, nỗi đau và niềm vui dường như không tương khắc với nhau.  Đã có lúc nào trong đời tôi trải qua sự chuyển đổi từ đau buồn sang niềm vui này chưa?

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và suy ngẫm về những gì Chúa Giêsu đang ban tặng.  Tôi có thể dựa vào Chúa Giêsu như thế nào trong những lúc đau buồn? Làm thế nào tôi có thể vun trồng được niềm vui trong tương quan với Chúa Giêsu, một mối tương quan mà không ai có thể lấy đi được?  Tôi còn nhớ trong bài đọc của một vài ngày trước, Chúa Giêsu nói: “Quả thật, Thầy bảo thật các con, nếu các con nhân danh Thầy mà xin Chúa Cha điều gì thì Ngài sẽ ban cho các con” (Ga 15:16).  Khi tôi nghe Chúa Cha ban cho tôi tất cả những gì tôi cần, tôi muốn dành một chút thời gian để chia sẻ những nhu cầu và mối quan tâm của tôi trước sự hiện diện yêu thương của Ngài.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, May 8, 2024

Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh – Năm B – 9-5-2024 - Lễ Thăng Thiên

Thu Nam VI PS

Mác-cô 16:15-20

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao.  Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” 19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Hôm nay là Lễ Thăng Thiên, hay còn gọi là Lễ Chúa Lên Trời.  Bài đọc hôm nay tôi nhận thấy trước khi về trời, Chúa Giêsu trao cho các môn đệ một mệnh lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.  Toàn bộ bối cảnh và sứ điệp của Chúa Giêsu chính là trọng tâm đời sống đức tin của Giáo hội, và mọi Kitô hữu có thể được khuyến khích sử dụng trí tưởng tượng của mình để đặt mình bên cạnh các môn đệ của Ngài.  Hãy hình dung tôi là một trong những môn đệ đang tụ tập quanh Chúa Giêsu.  Những tuần vừa qua là một cơn lốc của bi kịch và lễ kỷ niệm.  Có lẽ các sự kiện Phục Sinh đã tiếp thêm sinh lực cho đức tin của tôi?  Những tuần cuối cùng ở với Chúa có củng cố và chuẩn bị cho sứ mạng của tôi không?  Tôi đã sẵn sàng cho bước tiếp theo chưa?  Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.  Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao.  Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”  Ngôn ngữ ngày này nghe có vẻ xưa, nhưng hãy hình dung sự đảm bảo và tin tưởng mà Chúa Giêsu mang lại.  Hãy suy ngẫm về những lúc Đức Chúa Thánh Thần ban quyền năng cho tôi để phục vụ.  Tôi có thể kêu cầu sự hướng dẫn của Thánh Thần trong cuộc sống như thế nào?  Hãy chú ý đến lời của Chúa Giêsu: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”, điều này có ý nghĩa gì với cá nhân tôi?  Chúa Giêsu có thể kêu gọi tôi chia sẻ Tin Mừng trong cuộc sống của tôi như thế nào?  Trong Tin Mừng Máccô, việc Thăng Thiên gần như là chuyện hiển nhiên, Chúa Giêsu dường như chỉ bước thêm một bước nữa là đến bên Cha của Ngài.  Hãy xem phản ứng của các môn đệ khác trước mệnh lệnh của Chúa Giêsu.  Không đề cập đến nghi ngờ hay sợ hãi, họ bắt tay vào sứ mệnh của mình, tin tưởng vào lời hứa của Chúa Giêsu sẽ luôn ở bên họ.  Câu trả lời này có vẻ vang vọng lời kêu gọi mục vụ của tôi không?  Hãy suy ngẫm về những lúc tôi cảm thấy do dự hoặc sợ hãi khi chia sẻ đức tin của mình.  Làm thế nào tôi có thể trau dồi lòng can đảm và niềm tin tưởng để bước ra ngoài khi biết rằng Chúa Giêsu luôn ở bên tôi trên mọi bước đường?

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và hãy hình dung chính mình, cùng với những bạn hữu, tích cực tham gia vào công việc rao giảng Tin Mừng.  Hãy xem xét cách tôi có thể làm chứng về quyền năng của Chúa Kitô trong thế giới xung quanh tôi.  Các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.”  Tôi muốn để cho mình được nghỉ ngơi trong câu kết này và tin rằng Chúa sẽ luôn đồng hành với tôi trong mọi lúc và mọi bước đường rao giảng Tin Mừng.
Phạm Đức Hạnh, SJ