Mác-cô 2:23-28
Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”
(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
Bài đọc hôm nay đề cập đến một trong những thách thức mà Chúa Giêsu thường phải đối đầu với những người Pha-ri-sêu. Những người Pha-ri-sêu quá nghiêm khắc đến mức thiếu sự uyển chuyển nên không còn nhìn thấy ý nghĩa thực sự của các điều răn. Người ta không thực sự làm cho ngày Sa-bát, một ngày mà mọi người đúng ra được thảnh thơi thanh thoát, nhưng lại hóa ra nặng nề và ngột ngạt vì làm cái gì cũng sợ phạm luật. Điều này chẳng khác gì nhiều người Công giáo coi trọng việc giữ luật của ăn chay một cách nghiêm ngặt đến mức, trở nên cãi vã, lên án nhau hoặc đay nghiến chính mình khi lỡ lỗi luật chay. Những người Pha-ri-sêu đã không hiểu rằng Ngày Sa-bát được tạo ra cho con người, chứ không phải con người được dựng nên cho Ngày Sa-bát. Tôi thấy điều này diễn ra ở đâu trên thế giới, trong Giáo hội, trong xứ đạo và trong cộng đoàn của tôi ngày nay? Có lẽ trong nhà thờ hoặc cộng đồng của tôi… hoặc, thậm chí trong chính cuộc sống của tôi… Ngày Sa-bát được cho là tin tốt lành, một sự nghỉ ngơi, một sự giải thoát – thoát khỏi gánh nặng của công việc và thời gian để chú ý đến Chúa. Tôi có nghĩ, tôi hay chính cộng đoàn của tôi đang đánh mất đi ý nghĩa của Ngày Sa-bát như một tin tốt lành không? Đó có phải là tin tốt lành mà tôi cần nghe trong cuộc sống của mình?
Chúa Giêsu giảng dạy về vấn đề này với tất cả quyền năng của Ngài. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và để ý một cách cẩn thận những lời của Ngài và những gì Ngài nói với tôi. Khi đọc lại những lời của Chúa Giêsu, phản ứng của tôi thế nào? Có thể tôi đã nhận ra sự lo lắng về việc “phá vỡ các quy tắc”, hoặc có lẽ tôi cảm thấy mình cần phải nghỉ ngơi…, hoặc có lẽ, tôi chỉ bị ấn tượng bởi sự táo bạo trong lời nói của Chúa Giêsu. Bất kể phản ứng của tôi là gì, tôi có thể mang nó đến trước mặt Chúa trong giây phút này, và nói với Ngài như bạn với bạn.
0 comments:
Post a Comment