Saturday, March 29, 2025

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay – Năm C – 30-3-2025

CN IV MC

Luca 15:1-3, 11-32

Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.   Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”  Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

“Một người kia có hai con trai.  Người con thứ nói với cha rằng, ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con.  Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa.  Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp.  Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.  Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.  Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!  Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.  Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’  Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy.  Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để.  Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...’  Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, ồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!  Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’  Và họ bắt đầu ăn mừng.

“Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng.  Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.  Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’  Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.  Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.  Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’

“Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.  Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Bài đọc hôm nay có lẽ là một trong những dụ ngôn nổi tiếng nhất trong Kinh thánh.  Tôi cần phải đặt mình vào vị trí của các nhân vật chính để có thể giúp tôi suy ngẫm về mối tương quan của mình với Chúa Cha và với những người khác.  Để khám phá ra điều mà câu chuyện muốn nhắn gởi, tôi có thể bước vào câu chuyện, cân nhắc những cuộc gặp gỡ, tâm trạng và cảm xúc của câu chuyện.  “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.”  Hãy hình dung người con thứ đưa ra yêu cầu này - hoặc đòi hỏi.  Trong một nền văn hóa coi trọng gia đình, tôi nghĩ người cha và người con trai sẽ cảm thấy thế nào vào lúc này?  “Anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.”  Có lẽ đôi khi vô tâm hoặc lãng phí là một phần trong bản chất con người.  Hãy xem xét liệu có thói quen hoặc thái độ nào trong cuộc sống của tôi đang lãng phí những gì đáng lẽ phải quan trọng đối với tôi không.  “Anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu”.  Hãy hình dung cảm xúc của người con thứ sau khi phung phí mọi thứ.  Tôi đã bao giờ trải qua cảm giác tương tự về việc “cần” tình yêu kiên nhẫn và vô điều kiện của Chúa chưa?  Tôi sẽ cần gì để đáp lại bằng lòng can đảm, sự khiêm nhường và sự ăn năn?  “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy.  Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để.”  Hãy đứng bên vệ đường và chứng kiến ​​cảnh người cha chạy đến ôm chầm lấy con trai mình. Tôi phản ứng thế nào trước tình yêu thương vô điều kiện, nồng nhiệt của người cha? 

2. “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh.”  Bây giờ hãy đặt mình vào vai trò của người con cả khi anh ta đấu tranh với sự oán giận.  Hãy lắng nghe lời người anh cả.  Chúng có phản ánh những trải nghiệm trong cuộc sống của chính tôi không?  “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.”  Hãy chú ý đến câu trả lời nhẹ nhàng của người cha.  Điều này nhắc nhở tôi rằng lòng thương xót của Chúa không phải là thứ để mặc cả — mà là vô bờ bến và tràn đầy.  Câu chuyện ngụ ngôn này giúp tôi hiểu sâu hơn về lòng thương xót của Chúa như thế nào?  Có lẽ đôi khi tôi đã đấu tranh với sự ghen tị hoặc so sánh.  Làm thế nào tôi có thể phát triển lòng biết ơn đối với những phúc lành mà Chúa ban tặng một cách hào phóng?  Sau khi suy ngẫm về lòng thương xót của Chúa, hãy cân nhắc xem tôi có thể được kêu gọi đáp lại như thế nào.  Trong những giây phút còn lại của giờ cầu nguyện này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa về giờ cầu nguyện này.  Khi tôi suy ngẫm về dụ ngôn này, hãy chia sẻ sự ấm áp trong vòng tay của Chúa Cha và được thúc đẩy để sống trong tình yêu thương và tự do lớn hơn.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Chúa Là Đấng Từ Bi”, qua đường dẫn sau: https://youtu.be/Yd_MI48l1Nc?feature=shared

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment