2 Gioan 4-9
4Thưa Bà là người được Thiên Chúa
tuyển chọn, tôi rất vui mừng vì đã gặp thấy trong số con cái của Bà, những
người sống trong sự thật, đúng như điều răn chúng ta đã nhận được từ Chúa
Cha. 5 Thưa Bà, bây giờ tôi xin Bà điều này -đây không
phải là một điều răn mới tôi viết ra, nhưng là điều răn chúng ta đã có từ lúc
khởi đầu- đó là: chúng ta phải yêu thương nhau. 6 Yêu
thương là sống theo các điều răn của Thiên Chúa. Như anh em đã được nghe từ lúc khởi đầu, điều
răn này là: anh em phải sống trong tình thương. 7 Vì có nhiều
người mê hoặc đã lan tràn khắp thế gian, họ là những kẻ không tuyên xưng Đức
Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến và trở nên người phàm. Đó là kẻ mê hoặc và là tên Phản Ki-tô. 8 Anh
em phải coi chừng để khỏi đánh mất những gì anh em đã làm được, nhưng để lãnh
đầy đủ phần thưởng. 9 Phàm ai đi quá xa, không ở lại trong
giáo huấn của Đức Ki-tô, thì không có Thiên Chúa. Còn ai ở lại trong giáo huấn, thì người ấy có
Chúa Cha và Chúa Con.
(Trích Thư Gioan II, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Tôi có thể đọc thấy niềm vui của tác giả trong
bài đọc hôm nay. Tác giả ấy chính là
Gioan, ngài đã rất vui khi thấy những đồ đệ của mình làm theo những chỉ dẫn của
ngài, đó là: yêu thương nhau. Ngài nói, yêu
thương nhau không có gì là mới mẻ. Yêu thương
nhau là căn bản. Tôi có thấy mệnh lệnh căn
bản của Kitô hữu là phải yêu thương đơn giản đến mức nào? Tác giả tiếp tục khuyên: “Hãy cảnh giác”. Tôi cảm nhận được lời cảnh tỉnh như vậy là khi
nào? Nó có rõ ràng như tiếng chuông,
hoặc như một lời thì thầm yếu ớt? Hãy
suy ngẫm về điều đó một lát.
2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa
và hình dung những: khung cảnh bức thư được viết, và bức thư đang được đọc. Tôi muốn dành những giây phút này cho đến cuối
giờ cầu nguyện, xin Chúa giúp tôi sống yêu thương, đặc biệt những lúc thật khó
để thực hiện điều đó. Tôi có thể xin cho
khả năng nhận thức rõ hơn về bất kỳ điều gì đang làm tôi bất an, lo lắng. Xin cho tôi được sự nhận biết này.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment