Sunday, November 3, 2024

Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên – Năm B – 4-11-2024

Thu Hai XXXI TN

Phi-líp-phê 2:1-4

1Thưa anh em, nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, 2thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. 3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. 4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.

(Trích Thư Phi-líp-phê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có thể tiết lộ cho tôi thấy, Thánh Phaolô có một cảm tình đặc biệt đối với cộng đoàn Phi-líp-phê, trong đó, ngài dùng những lời lẽ rất dịu dàng, yêu thương và vui mừng.  Lưu ý, những lời lẽ đầy yêu thương, vui mừng và lạc quan này được viết ra, chắc chắn phải đến từ sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, bởi khi ấy Phaolô đang bị giam cầm.  Từ trong tù, Phaolô nghe biết cộng đoàn Phi-líp-phê đang có những bất hòa với nhau.  Điều này khiến Phaolô lo ngại.  Tuy nhiên, ngay cả với những quan tâm lo lắng này vẫn không làm cho ngài bớt diễn tả niềm vui và yêu thương qua những ngôn từ của ngài.  Tôi đã bao giờ trải nghiệm niềm vui, mặc dù mọi thứ không được như ý tôi muốnchưa?  Tôi có thể nhớ lại những khoảnh khắc đó không?  Trong Linh thao, Thánh I-nha-xi-ô khuyến khích các thao viên cầu nguyện để được chia sẻ niềm vui của Chúa Kitô phục sinh.  Đây là một niềm vui có thể tồn tại trong mọi hoàn cảnh.  Hãy hình dung Chúa Giêsu phải vui mừng biết bao khi Ngài sống lại trong vinh quang!  Tôi có thấy được điều đó ở Ngài không?

2.     Giờ đây tôi muốn đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và hình dung Thánh Phaolô, từ trong ngục nhưng vẫn vui mừng, vì ngài được biết Chúa Kitô Phục Sinh.  Niềm vui là một món quà, mặc dù người ta có thể chọn cách hợp tác với món quà đó.  Thánh Phaolô muốn người Phi-líp-phê biết niềm vui vì được nên một và  mọi người biết chăm sóc lẫn nhau trong yêu thương.  Chúa đang mời gọi tôi hợp tác với niềm vui như thế nào?  Hãy tìm một ví dụ và chia sẻ điều đó với Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment