Wednesday, November 20, 2024

Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên – Năm B – 21-11-2024 – Lễ Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ

Thu Nam XXXIII TN

Khải Huyền 5:1-10                                                                              

1Tôi là Gio-an, tôi thấy trong tay hữu Đấng ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, niêm bảy ấn. 2 Rồi tôi thấy một thiên thần dũng mãnh lớn tiếng công bố: “Ai xứng đáng mở cuốn sách và tháo ấn niêm phong?” 3 Nhưng không ai ở trên trời, dưới đất hay trong lòng đất, có thể mở cuốn sách và nhìn vào đó. 4 Tôi khóc nức nở, vì không ai được coi là xứng đáng mở cuốn sách và nhìn vào đó. 5 Một trong các vị Kỳ Mục bảo tôi: “Đừng khóc nữa!  Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giu-đa, Chồi Non của Đa-vít đã chiến thắng, Người sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong.” 6 Bấy giờ tôi thấy đứng ở giữa ngai và bốn Con Vật, giữa các vị Kỳ Mục, một Con Chiên, trông như thể đã bị giết; Chiên đó có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất. 7 Con Chiên đến lãnh cuốn sách từ tay hữu Đấng ngự trên ngai. 8 Khi Con Chiên đã lãnh cuốn sách, thì bốn Con Vật và hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh. 9 Các vị hát bài ca mới sau đây: “Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân. 10 Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này.”

(Trích Sách Khải Huyền, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể áp dụng phương pháp cầu nguyện hình dung của Thánh Inhaxio vào bài đọc hôm nay.  Phương pháp này sẽ giúp tôi đi vào sự phong phú của đoạn Kinh thánh, bằng cách: đắm chìm mình vào trong bối cảnh của đoạn Kinh Thánh, kết hiệp một cách sâu xa với Lời Chúa, cùng các tác động của Chúa Thánh Thần.  Hôm nay là ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thờ.  Trong cái nhì rộng lớn bao trùm cả vũ trụ, Sách Khải Huyền như mô tả về khoảnh khắc Mẹ Maria nói lời “xin vâng” với Thiên Chúa.  Khung cảnh được mô tả trong bài đọc là một khoảnh khắc mạnh mẽ của chốn thiên cung.  Trong đó, Thiên Chúa cầm một cuộn sách có bảy ấn ở tay phải.  Cuộn sách có thể nói về sự khôn ngoan ẩn giấu của Ngài.  Những cảm xúc nào nảy sinh trong tôi khi nghe: không ai xứng đáng để mở cuộn sách ấy?  Điều này nói lên hành trình tâm linh của tôi như thế nào?  Hãy hình dung Chúa Kitô, Chiên Con, dầu mang dấu ấn của cái chết, nhưng chỉ mình Ngài xứng đáng tiến lên với tất cả sức mạnh và uy dũng để mở cuộn sách.  Tôi muốn nhìn lại kinh nghiệm của tôi về Chúa Kitô trong đời sống.  Ngài có như sư tử hùng mạnh, hay như Chiên Con khiêm nhường và hiến tế?  Trong đời sống, những khi nào tôi cảm thấy chính những yếu đuối của tôi lại là sức mạnh?  Hãy để ý xem, Thiên Chúa mời gọi tôi phục vụ như thế nào và ở những nơi đâu?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và đặt mình vào những suy tư của Thánh Gioan, than khóc trước một tình huống dường như vô vọng.  Cảm giác của tôi như thế nào khi nghe thấy những lời: “Đừng khóc nữa!  Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giu-đa, Chồi Non của Đa-vít đã chiến thắng”?  Điều này có thể hướng tôi đến những khoảnh khắc nào mà tôi cảm thấy chưa hiểu rõ lắm về những kế hoạch của Thiên Chúa?  Trong giây phút này của giờ cầu nguyện, tôi có thể nói chuyện với Đức Mẹ, xin Mẹ giúp tôi biết tin tưởng, dám phó thác mình trong vòng tay quan phòng của Thiên Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, November 19, 2024

Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên – Năm B – 20-11-2024

 Thu TU XXXIII TN

Khải Huyền 4:1-11

1Tôi là Gio-an, tôi được một thị kiến. Kìa một cái cửa mở ra ở trên trời, và tiếng mà trước đây tôi nghe nói với tôi như thể tiếng kèn, bảo tôi rằng: “Lên đây, Ta sẽ chỉ cho ngươi thấy những điều phải xảy ra sau đó.” 2 Lập tức tôi xuất thần. Kìa một cái ngai đặt ở trên trời và có một Đấng ngự trên ngai. 3 Đấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và xích não.  Chung quanh ngai có cầu vồng trông giống như bích ngọc. 4 Chung quanh ngai có hai mươi bốn ngai khác, và trên những ngai đó có hai mươi bốn vị Kỳ Mục; các vị đang ngồi, mình mặc áo trắng, đầu đội triều thiên vàng. 5 Từ ngai phát ra ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét.  Bảy ngọn đuốc, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa cháy sáng trước ngai. 6 Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê.  Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. 7 Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay. 8 Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt.  Ngày đêm chúng không ngừng hô lên rằng:

Thánh!  Thánh!  Chí Thánh!

Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng,

Đấng đã có, hiện có và đang đến!

9 Mỗi khi những Con Vật ấy kính dâng vinh quang, danh dự và lời tạ ơn lên Đấng ngự trên ngai, Đấng hằng sống đến muôn thuở muôn đời, 10thì hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Đấng ngự trên ngai mà thờ lạy Người, Đấng hằng sống đến muôn thuở muôn đời, rồi đặt triều thiên của mình xuống trước ngai mà nói:

11“Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,

Ngài xứng đáng lãnh nhận

vinh quang, danh dự và uy quyền,

vì Ngài đã dựng nên muôn vật,

và do ý Ngài muốn,

mọi loài liền có và được dựng nên.”

(Trích Sách Khải Huyền, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay được trích từ Sách Khải Huyền, trong đó trình bày một viễn cảnh về thiên đường, nơi các trưởng lão và mọi loài thụ tạo đang ở xung quanh Thiên Chúa, không ngừng chúc tụng và thờ phượng Ngài.  Đó là một sự miêu tả sống động và đầy cảm hứng về Thiên Chúa là ai.  Tôi muốn đặt mình vào khung cảnh trên bằng tất cả các giác quan, cảm xúc và suy nghĩ của tôi.  Một giọng nói vang lên như tiếng kèn, mời gọi: “Tiến lên”.  Tôi nghe thấy không?  Có thể đó là tiếng Chúa đang kêu gọi tôi trải nghiệm những huyền nhiệm thiêng liêng của thiên đàng. Phản ứng của tôi với lời mời này là gì?  Hãy hình dung, trung tâm là ngai vàng.  Cầu vồng ánh sáng pha lê lấp lánh.  Đấng ngồi trên ngai tỏa ra uy nghiêm và quyền năng; một lời mời gọi kính sợ và tôn kính.  Việc nhìn thấy ngai của Thiên Chúa khuấy động điều gì trong tôi?  Thánh!  Thánh!  Chí Thánh!  Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và đang đến!”  Những tiếng kinh và những bài hát thờ phượng vang vọng khắp các thiên đường.  Tất cả tạo vật đều tuyên xưng tính vĩnh cửu của Thiên Chúa.  Hãy hình dung tôi đang tham gia vào triều đình để thờ phượng.  Những khoảnh khắc nào trong trải nghiệm của tôi nhắc nhở tôi về quyền năng và tình yêu sáng tạo của Chúa?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và hãy dành chút thời gian để nghỉ ngơi trước sự hiện diện của Chúa.  Hãy xem đây là giây phút thân mật với Chúa, nơi tôi cảm nhận được sự bình an và uy quyền của Ngài trên cuộc đời tôi.  Hãy cởi mở với bất kỳ sự thúc giục nào từ Chúa Thánh Thần.  Mọi người phủ phục tuyên xưng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền, vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên.”  Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện này bằng lời tạ ơn và ngợi khen, tôi cũng xin có được Thiên Chúa là tâm điểm đời sống của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, November 18, 2024

Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên – Năm B – 19-11-2024

 Thu Ba XXXIII TN

Luca 19:1-10

1Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. 2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. 5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” 6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” 8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” 9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. 10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện thật hay.  Tôi có thể dùng phương pháp cầu nguyện hình dung của Thánh Inhaxio để đi vào khung cảnh bằng tất cả các giác quan của mình, kết nối với cảm xúc của các nhân vật và chú ý đến phản ứng của họ.  Trước hết, tôi hãy hình dung những con phố nhộn nhịp của Giê-ri-khô.  Hãy lắng nghe đám đông, cảm nhận sức nóng và cảm nhận tiếng thì thầm của những người xung quanh tôi khi có tin rằng: Chúa Giêsu sắp đi qua.  Và đây, Da-kêu, một người không đứng chung với đám đông, vì bị mang tiếng là tội lỗi và vì chiều cao khiêm tốn của mình.  Hãy để ý đến những cảm xúc có thể đang khuấy động trong tâm hồn của ông ta – và điều gì đang kêu gọi, thúc đẩy ông ta, khiến ông ta, một người có quyền lực và giàu có, lại leo cây?  Ông ta muốn gặp Chúa Giêsu, nhưng có lẽ còn hơn thế nữa, ông ta muốn được Chúa Giêsu nhìn thấy mình.  Tôi thấy mình ở đâu trong cảnh này?  Tôi có ở trong đám đông?  Tôi có theo Da-kêu không?  Những cảm xúc nào dâng lên trong tôi khi Chúa Giêsu đi qua chỗ tôi đứng?  “Hôm nay tôi phải ở nhà anh,” Chúa Giêsu nói.  Đây là thời điểm sâu sắc của lời mời gọi và sự chấp nhận cá nhân.  Tôi có cảm xúc gì khi chia sẻ khoảnh khắc này với Da-kêu?  Có lẽ một lúc nào đó Chúa Giêsu cũng gọi đích danh tôi?  Cuộc gặp gỡ của Da-kêu với Chúa Giêsu đưa ông đến một sự hoán cải tận căn.  Để đáp lại tình yêu và sự chấp nhận của Chúa Giêsu, Da-kêu cam kết sửa đổi và thay đổi cuộc đời mình.  Hãy suy ngẫm về tình yêu của Chúa Giêsu dành cho tôi và tôi có những quyết tâm hoán cải nào.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và muốn dành một chút thời gian để suy ngẫm.  Tôi cảm nhận Chúa Giêsu đang mời gọi tôi sống quảng đại hơn ở những nơi đâu?  “Hôm nay ơn cứu độ đã đến nhà này”  Hãy để lời cầu nguyện của tôi là một cuộc trò chuyện chân thành với Chúa Giêsu.  Hãy lắng nghe Chúa Giêsu nói những lời yêu thương, trắc ẩn và mời gọi tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, November 17, 2024

Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên – Năm B – 18-11-2024

 Thu Hai XXXIII TN

Luca 18:35-43

35Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. 36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. 37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. 38 Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến.  Khi anh đã đến gần, Người hỏi: 41 “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”  Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” 42 Đức Giê-su nói: “Anh nhìn thấy đi!  Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” 43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa.  Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất hay, dạy tôi về sự kiên trì trong cầu nguyện; bởi hãy kiên trì cầu nguyện, lời nguyện của tôi sẽ được đáp trả.  Tôi có thể cảm thấy dễ đi sâu hơn vào bài đọc hôm nay, nếu dùng phương pháp hình dung của Thánh Inhaxiô.  Hãy nhớ lại dụ ngôn Người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu, tôi có thể cảm nhận được con đường Chúa Giêsu đang đi.  Đầy những rủi ro và cướp bóc trên con đường ấy.  Tôi có thể hình dung trong giây lát, chính mình là người mù ngồi bên vệ đường, hướng về, mong đạt được một cuộc sống sung mãn?  Người đàn ông trong câu chuyện cảm thấy thế nào, khi thấy mình bị mù và nghèo khổ?  Có lẽ đã có lúc tôi loay hoay tìm kiếm sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình mà không biết tìm sự hướng dẫn ở đâu?  Tôi có can đảm đủ để cất tiếng gọi cầu cứu chưa?  Sự kiên trì của tôi ở đâu?  Chúa Giêsu hỏi một câu hỏi đầy sức mạnh: “Con muốn Ta làm gì cho con?”  Hãy xem trái tim tôi thực sự khao khát điều gì?  Có lẽ tôi có thể nhìn sâu vào mong muốn của chính mình—tôi thực sự mong muốn điều gì từ Chúa?  Tôi có thể chia sẻ điều này với Chúa? 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến câu nói của Chúa Giêsu nói với người mù: “Đức tin của anh đã chữa lành anh”.  Hãy suy ngẫm về điều này – một tiếng kêu xin từ thẳm sâu trong cõi lòng kêu xin lòng thương xót của Chúa, và hãy tin tưởng vào khả năng chữa lành của Chúa Giêsu.  Hãy xem xét, liệu đây có phải là cách tôi sống đức tin của mình không?  Phản ứng của tôi là gì khi thế giới bảo tôi phải im lặng hoặc nghi ngờ?  Hãy suy ngẫm về kết quả của cuộc gặp gỡ này.  Làm thế nào để cuộc gặp gỡ giữa tôi và Chúa lúc này dẫn đến việc tôi muốn làm môn đệ và muốn tôn vinh Thiên Chúa.  Hãy hình dung tôi có thể đáp lại ân sủng của Chúa như thế nào, với những khoảnh khắc thức tỉnh hoặc chữa lành nội tâm?  “Anh nhìn thấy đi!  Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”  Hãy dành một chút thời gian cầu nguyện với Chúa, tin tưởng vào sự đáp lại của lòng thương xót và sự chữa lành của Ngài.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, November 16, 2024

Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên – Năm B – 17-11-2024

 CN XXXIII TN

Mác-cô 13:24-32

24Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ về ngày quang lâm của Người rằng: “Trong những ngày ấy, sau cơn gian nan lớn lao, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, 25các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. 26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. 28 Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi.  Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. 29 Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. 30 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. 32 Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay đã gần đến cuối Năm Phụng Vụ, và các bài đọc cũng hướng tôi về những gì cuối cùng của cuộc đời.  Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói về những dấu lạ báo trước ngày Ngài trở lại lần thứ hai.  Tôi cảm thấy giọng điệu của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay như thế nào?  Đầy bi kịch?  Rất cấp bách?  Hãy chú ý cảm giác của tôi khi nghe những từ ngữ nào trong bài đọc đánh động tôi nhất.  Tôi ở lại với những từ ngữ và cảm xúc ấy trong giây lát, và nói chuyện với Chúa về chúng.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và chú ý đến phản ứng, cũng như bất kỳ câu hỏi nào nổi lên trong tâm trí tôi.  Hãy nhớ rằng đây chính là Chúa Giêsu đang nói với tôi, Đấng yêu thương và kêu gọi tôi yêu thương, Đấng phục vụ và kêu gọi tôi phục vụ, Đấng tha thứ và kêu gọi tôi tha thứ, Đấng can đảm và kêu gọi tôi đừng sợ.  Những điều Ngài nói quả là khẩn cấp.  Ở một chỗ khác trong Kinh thánh, tôi có thể đọc thấy: “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương.”  Trong những giây phút của giờ cầu nguyện này, tôi muốn thưa chuyện với Chúa một cách cởi mở, từ bất kỳ quan điểm nào của tôi.  Tôi muốn dành thời gian cho giờ cầu nguyện này.  Nếu cần lập lại giờ cầu nguyện này vào bất cứ giờ nào khác trong ngày, hãy cho phép mình được làm điều đó.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, November 15, 2024

Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên – Năm B – 16-11-2024

Thu Bay XXXII TN

Luca 18:1-8

1Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà.  Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà goá.  Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ 4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu.  Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.” 6 Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?  Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8 Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.  Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có thể nói, một trong những đóng góp lớn của Phúc âm Luca, đó là: cầu nguyện.  Trong Phúc âm Luca tôi có thể thấy, Chúa Giêsu cầu nguyện rất nhiều và cũng giảng về cầu nguyện nhiều lần.  Chẳng hạn như bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ ngôn để dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.  Cầu nguyện cũng là một trong những chủ đề lớn trong các thư của Phaolô, như: Rm 1:9-10; Rm 12:12; Eph 3:13; Eph 6:18; Col 1:3; 1 Thes 5:16-17; 2 Thess 1:11; 2 Thess 3:13; 2 Cor 4:1,16, và Gal 6:9.  Cầu nguyện thật dễ khi mọi sự an lành bình yên.  Nhưng cầu nguyện sẽ rất khó khi tôi gặp khó khăn trăm chiều.  Những lúc như thế, tôi có thể oán trách Chúa, nghi ngờ sự hiện diện của Ngài và cảm thấy chán nản không muốn cầu nguyện.  Đời sống của tôi hiện nay đang như thế nào: vui nhiều hay buồn nhiều?  Tôi cầu nguyện được không?  Tôi cảm thấy Chúa lắng nghe những lời cầu của tôi không?  Tôi có tin ở những lời Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay, rằng: Ngài là một Thiên Chúa tốt lành không nỡ để bất cứ ai phải chờ đợi van xin lâu ngày?  Tôi muốn nói gì với Ngài trong lúc này?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và để ý đến câu nói cuối cùng của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay: Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”  Tôi có thể tự hỏi: Đức tin của tôi hiện nay như thế nào?  Tôi có còn tin đủ để cầu nguyện?  Tôi có thường xuyên cầu nguyện không?  Tôi thường xin ơn gì trong thời gian này?  Tôi thực sự muốn gì?  Tôi có phân biệt được giữa điều tôi muốn và điều tôi thực sự cần không?  Tôi có thực sự tin và trông cậy vào sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa?  Tôi tâm sự, chia sẻ với Chúa như bạn với bạn trong giây phút này.

Phạm Đức Hạnh, SJ 


Thursday, November 14, 2024

Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên – Năm B – 15-11-2024

Thu Sau XXXII TN

2 Gioan 4-9

4Thưa Bà là người được Thiên Chúa tuyển chọn, tôi rất vui mừng vì đã gặp thấy trong số con cái của Bà, những người sống trong sự thật, đúng như điều răn chúng ta đã nhận được từ Chúa Cha. 5 Thưa Bà, bây giờ tôi xin Bà điều này -đây không phải là một điều răn mới tôi viết ra, nhưng là điều răn chúng ta đã có từ lúc khởi đầu- đó là: chúng ta phải yêu thương nhau. 6 Yêu thương là sống theo các điều răn của Thiên Chúa.  Như anh em đã được nghe từ lúc khởi đầu, điều răn này là: anh em phải sống trong tình thương. 7 Vì có nhiều người mê hoặc đã lan tràn khắp thế gian, họ là những kẻ không tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến và trở nên người phàm.  Đó là kẻ mê hoặc và là tên Phản Ki-tô. 8 Anh em phải coi chừng để khỏi đánh mất những gì anh em đã làm được, nhưng để lãnh đầy đủ phần thưởng. 9 Phàm ai đi quá xa, không ở lại trong giáo huấn của Đức Ki-tô, thì không có Thiên Chúa.  Còn ai ở lại trong giáo huấn, thì người ấy có Chúa Cha và Chúa Con.

(Trích Thư Gioan II, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể đọc thấy niềm vui của tác giả trong bài đọc hôm nay.  Tác giả ấy chính là Gioan, ngài đã rất vui khi thấy những đồ đệ của mình làm theo những chỉ dẫn của ngài, đó là: yêu thương nhau.  Ngài nói, yêu thương nhau không có gì là mới mẻ.  Yêu thương nhau là căn bản.  Tôi có thấy mệnh lệnh căn bản của Kitô hữu là phải yêu thương đơn giản đến mức nào?  Tác giả tiếp tục khuyên: “Hãy cảnh giác”.  Tôi cảm nhận được lời cảnh tỉnh như vậy là khi nào?  Nó có rõ ràng như tiếng chuông, hoặc như một lời thì thầm yếu ớt?  Hãy suy ngẫm về điều đó một lát.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và hình dung những: khung cảnh bức thư được viết, và bức thư đang được đọc.  Tôi muốn dành những giây phút này cho đến cuối giờ cầu nguyện, xin Chúa giúp tôi sống yêu thương, đặc biệt những lúc thật khó để thực hiện điều đó.  Tôi có thể xin cho khả năng nhận thức rõ hơn về bất kỳ điều gì đang làm tôi bất an, lo lắng.  Xin cho tôi được sự nhận biết này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, November 13, 2024

Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên – Năm B – 14-11-2024

 Thu Nam XXXII TN

Luca 17:20-25

20Khi ấy, người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến.  Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. 21 Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” 22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. 23 Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’  Anh em đừng đi, đừng chạy theo. 24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. 25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Thật ra, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ngươi.”  Tôi muốn dành giây phút này để thử cảm nhận những gì mà Chúa Giêsu nói về Triều Đại Thiên Chúa.  Tôi có cảm thấy Triều Đại Thiên Chúa ấy đang ở bên tôi, ngay trong giây phút này, như lời Chúa Giêsu nói không?  Tôi muốn dừng lại ở cảm nghiệm này bao lâu có thể để thấy Triều Đại Thiên Chúa thật cụ thể đến từng âm thanh, mầu sắc, cũng như cảm giác.  Các môn đệ hẳn phải cảm thấy khó khăn biết bao khi nghe Chúa Giêsu nói về những khó khăn đáng lo ngại sắp xảy đến!  Chúa Giêsu có điều muốn nói với những người Pha-ri-sêu, Ngài cũng có điều muốn nói với các môn đệ của mình.  Tôi có thấy Ngài cũng có điều muốn nói với tôi?  Tôi có hiểu được điều Ngài muốn nói với tôi không?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và cho phép mình đặt câu hỏi, nhìn thẳng vào bối rối trước những gì Chúa Giêsu đang nói.  Tôi muốn đáp lại những gì Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay bằng chính lời nói của tôi khi trò chuyện với Ngài.  Tôi muốn thổ lộ cùng Chúa tất cả những gì đang diễn ra trong tâm trí tôi lúc này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, November 12, 2024

Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên – Năm B – 13-11-2024

 Thu Tu XXXII TN

Luca 17:11-19

11Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người.  Họ dừng lại đằng xa 13và kêu lớn tiếng: “Lạy thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.”  Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” 19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi!  Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện khá nổi tiếng trong Phúc âm Luca về mười người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành.  Bài đọc này có thể rất dễ cho tôi dùng phương pháp cầu nguyện hình dung của Thánh I-nha-xi-ô.  Trước hết, tôi hình dung bối cảnh của câu chuyện này đang xảy ra trước mắt tôi, như thể tôi đang xem một đoạn phim về bối ảnh ấy.  Tôi để ý đến thời tiết, nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh, giọng nói, quần áo, màu sắc, nét mặt, cùng những vết loét lở trên thân thể của những người bị cùi.  Tôi để ý xem toàn bộ bối cảnh đến từ hai góc nhìn của hai máy quay: một, từ phía mười người bị cùi đang đứng, và một, từ phía Chúa Giêsu đang đứng.  Chú ý khoảng trống ở giữa, khoảng cách giữa những người cùi và Chúa Giêsu.  Tôi đặt mình vào hiện trường.  Tôi để ý xem thật kỹ quá trình chữa lành diễn ra nơi những người bị cùi.  Tôi nhận thấy có một niềm vui vỡ òa đang diễn ra trên khuôn mặt của mỗi người.  Tôi muốn dành thời gian này để tiếp thu tất cả những gì đang diễn ra trước mắt tôi.  Tôi quan sát những người được chữa lành rời khỏi hiện trường.  Tôi quan sát và lắng nghe cẩn thận khi người Sa-ma-ri quay lại với Chúa Giêsu.  Anh ta phủ phục dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, rồi anh ta lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa. 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và chú ý đến những phản ứng của tôi trước toàn bộ bối cảnh này.  Hãy để cho cuộc trò chuyện xảy ra tự nhiên giữa tôi với Chúa Giêsu.  Hiện tại tôi đang biết ơn điều gì?  Lòng biết ơn đóng vai trò gì trong cuộc sống hàng ngày của tôi?  Nếu tôi muốn phát triển lòng biết ơn của mình, và như thế thì điều gì có thể xảy ra?  Hãy thưa chuyện với Chúa về bất cứ điều gì trong lòng tôi, bất cứ điều gì trong tâm trí tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, November 11, 2024

Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên – Năm B – 12-11-2024

Thu Ba XXXII TN

Luca 17:7-10

7Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó, ‘Mau vào ăn cơm đi’, 8chứ không bảo, ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’? 9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? 10 Đối với anh em cũng vậy, khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Là một người đang sống ở thế kỷ 21, tôi cảm thấy thế nào khi đọc thấy những lời của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay?  Chúa Giêsu nói về những người phục vụ, và chính Ngài cũng đã trở thành người đầy tớ vĩ đại nhất.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu, người đầy tớ?  Còn việc phục vụ của tôi thì sao?  Tôi có ý thức mạnh mẽ về một nhiệm vụ - nhiệm vụ phục vụ, không một chút hào nhoáng – mà tôi đã được yêu cầu, hoặc thậm chí được lệnh phải làm cho ai đó, như: Rửa chén, kiên nhẫn chăm sóc người thân trong gia đình, hoặc dành thời gian lắng nghe tâm sự của ai đó đang cô đơn?  Hãy nghĩ về một người mà tôi biết, người mà tôi có thể mô tả họ như một đầy tớ thực sự.  Tôi nhận thấy và học được điều gì ở họ?

2.   Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến giọng điệu của Chúa Giêsu.  Ngài nói như một nhà giáo nghiêm khắc, hay như một người cha người mẹ mệt mỏi, hay cách nói của Ngài quá thẳng, thẳng đến có thể mất lòng?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu về tất cả những gì đang xảy ra trong tâm trí tôi lúc này.  Hãy cởi mở, trung thực và thẳng thắn như tôi cần, bởi bài đọc hôm nay thật sự mở ngỏ cho tôi làm điều này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, November 10, 2024

Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên – Năm B – 11-11-2024 – Lễ Thánh Ma-ti-nô

 Thu Hai XXXII TN

Ti-tô 1:1-9

1Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Thiên Chúa và Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô, có nhiệm vụ đưa những kẻ Thiên Chúa chọn đến đức tin và sự nhận biết chân lý phù hợp với đạo thánh, 2với niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối đã hứa từ thuở đời đời. 3 Vào đúng thời đúng buổi, Người đã biểu lộ lời Người trong lời rao giảng đã được giao phó cho tôi, theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta. 4 Tôi gửi lời thăm anh Ti-tô, người con tôi thực sự sinh ra trong cùng một đức tin chung.  Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Ki-tô Giê-su, Đấng cứu độ chúng ta, ban cho anh ân sủng và bình an.

5Tôi đã để anh ở lại đảo Cơ-rê-ta, chính là để anh hoàn thành công việc tổ chức, và đặt những kỳ mục trong mỗi thành, như tôi đã truyền cho anh. 6 Kỳ mục phải là người không chê trách được, chỉ có một đời vợ, con cái cũng tin đạo và không mang tiếng là sống phóng đãng hay bất phục tùng. 7 Thật vậy, giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; 8trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ; 9người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối.

(Trích Thư Ti-tô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là những lời nhắn nhủ ân tình của Phaolô dành cho Ti-tô, cùng những chỉ dẫn về những tiêu chuẩn đạo đức của một người lãnh đạo cộng đoàn.  Phao-lô, với kinh nghiệm lãnh đạo phong phú, vẫn tự coi mình là “tôi tớ của Thiên Chúa”.  Ngài gửi những hướng dẫn thực tế cho Ti-tô, trợ lý tài năng của ngài, người mà ngài đã cử đến Cơ-rê-ta để làm việc với một cộng đoàn đầy thử thách.  Tôi đã hoặc đang đóng vai trò nào trong cộng đoàn đức tin của tôi?  Được kêu gọi để lãnh đạo hay được kêu gọi để được lãnh đạo?  Tôi có thể đảm nhận vai trò đầy tớ dù tôi đang lãnh đạo hay bị lãnh đạo không?  Chính Chúa Giêsu thường được gọi là “Vua phục vụ”.  Tôi muốn ở lại với nghịch lý này một chút.  Phaolô giao cho Ti-tô một nhiệm vụ: bổ nhiệm các kỳ mục.  Những tiêu chuẩn đạo đức về một kỳ mục rất xác đáng phải không?  

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa để nhận biết những phẩm chất đạo đức cần thiết.  Chú ý bất cứ điều gì đang giao động trong tôi.  Hãy xin Chúa bất cứ điều gì tôi cần để hoàn thành lời kêu gọi trở thành thành viên đắc lực của cộng đồng Hội thánh.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, November 9, 2024

Chúa Nhật Tuần XXXII Thường Niên – Năm B – 10-11-2024

 CN XXXII TN

1Vua 17:10-16

10Ngày ấy, ngôn sứ Ê-li-a đứng dậy đi Xa-rép-ta.  Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi.  Ông gọi bà ấy và nói: “Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống.” 11 Bà ấy liền đi lấy nước.  Ông gọi bà và nói: “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa!” 12 Bà trả lời: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông, tôi thề là tôi không có bánh.  Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò.  Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi.  Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” 13 Ông Ê-li-a nói với bà: “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói.  Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. 14 Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này: “Hũ bột sẽ không vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất’.” 15 Bà ấy đi và làm như ông Ê-li-a nói; thế là bà ấy cùng với ông Ê-li-a và con bà có đủ ăn lâu ngày. 16 Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán.

(Trích Sách Các Vua I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất đẹp giữa Tiên tri Ê-li-a và bà góa ở Xa-rép-ta.  Bà là một người dân ngoại, ấy thế mà, bà đã trở thành một mẫu gương sáng về niềm tin.  Niềm tin của bà vào Chúa, qua lời nói của Ê-li-a, đã làm cho bà vượt qua mọi nỗi sợ hãi và cho phép bà trở nên quảng đại.  Nỗi sợ hãi khiến việc thể hiện tình yêu với người khác gần như không thể.  Chính sự sợ hãi thường khiến người ta cảnh giác với người ngoài, người xa lạ, di dân, và nghèo khó.  Tôi có thể để Chúa bước vào nỗi sợ hãi của chính mình không?  Chúa muốn tôi biết điều gì trong lòng tôi, từ bài đọc hôm nay?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và chú ý đến người góa phụ.  Quá trình đang diễn ra ở bà ấy là gì?  Điều gì đang xảy ra trong tâm hồn của bà ấy?  Sự rộng lượng của bà ấy xảy ra là do bà ấy dám tin ở những lời của Tiên tri Ê-li-a, một người tràn đầy niềm tin vào Thiên Chúa.  Sự tin tưởng như vậy có tính lây lan và sinh hoa trái trong tình yêu tự hiến.  Trong giây phút này, tôi muốn xin Chúa ngắm nhìn và chạm đến nỗi sợ hãi của tôi, làm cho niềm tin của tôi mạnh mẽ hơn vào sự chăm sóc yêu thương của Chúa luôn dành cho tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, November 8, 2024

Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên – Năm B – 9-11-2024 – Lễ Cung Hiến Thánh Đường La-tê-ra-nô

 Thu Bay XXXI TN

Gioan 2:13-22

13Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. 18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” 19 Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” 20 Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

(Trích Phúc âm Giona, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là lễ kỷ niệm Cung Hiến Thánh Đường La-tê-ra-nô ở Rô-ma, là nhà thờ mẹ của tất cả các nhà thờ trên thế giới.  Đây là Nhà Thờ Chính Tòa của Giáo phận Rô-ma, nơi Đức Giáo Hoàng là Giám mục của địa phận này.  Bài đọc hôm nay được trích từ Phúc âm Gioan với câu chuyện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ.  Tôi có thể dành giây phút này cầu nguyện cho Giáo hội luôn được thanh tẩy khỏi những nhơ uế, tư tưởng bè phái chia rẽ, cũng như lạc thuyết chống lại giáo lý của Chúa Kitô.  Tôi không chỉ cầu nguyện cho Giáo hội hoàn vũ, tôi cũng cần cầu nguyện cho Giáo phận tại địa phương tôi, giáo xứ tôi, gia đình tôi và tâm hồn tôi, bởi thân xác tôi là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự.     

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và đặt mình vào trong bối cảnh đền thờ để hiểu rõ hơn ý nghĩa của bài đọc.  Tôi hình dung tôi cũng có mặt tại đền thờ, được chứng kiến tận mắt tất cả những gì đang diễn ra.  Tôi thấy những người buôn bán, đổi tiền trong nhà thờ như thế nào?  Người lương thiện thì ít mà kẻ gian thì nhiều.  Họ đã làm nhơ uế đền thờ, biến đền thờ thành nơi trộm cướp và xảo trá.  Tôi có thấy như vậy vẫn đang xảy ra ở Giáo hội, Giáo phận, Giáo xứ, gia đình và tâm hồn tôi không?  Tình trạng này kéo dài bao lâu rồi và vấn đề cụ thể là gì?  Tôi cũng thấy những hàng tư tế, những nhân viên đền thờ, đi đứng thật đạo mạo và tỏ vẻ quyền thế.  Họ hạch sách đủ đường, người dân phải trải qua đủ mọi thủ tục mới được vào thờ phượng Chúa.  Tôi có nhận thấy tình trạng quan liêu này cũng vẫn đang xảy ra trong Giáo hội, Giáo phận và xứ đạo tôi?  Tôi có góp phần hoặc chính tôi cũng chính là người đổi tiền, tạo khó dễ cho bất cứ ai muốn vào đền thờ?  Nếu Chúa Giêsu dùng roi đánh đuổi những người đổi tiền trong đền thờ, liệu Ngài cũng sẽ đánh đuổi tôi?  Tại sao Ngài lại làm như vậy với tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong giây phút này?   

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Thursday, November 7, 2024

Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên – Năm B – 8-11-2024

 Thu Sau XXXI TN

Phi-líp-phê 3:17-4:1

3/17Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh em. 18 Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô: 19chung cục là họ sẽ phải hư vong.  Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn.  Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. 20 Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. 21 Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.

4/1Bởi vậy, hỡi anh em thân mến lòng tôi hằng tưởng nhớ, anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi.  Anh em rất thân mến, anh em hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng như vậy.

(Trích Thư Phi-líp-phê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật cần thiết cho đời sống đức tin của tôi.  Bởi, tôi có thể rất dễ mù lòa trước những chọn lựa của trần thế.  Tôi có thể tiếp thu, đón nhận những giá trị trần thế một cách thiếu suy nghĩ và không thể trung thành với Chúa Kitô.  Nhưng, Thiên Chúa thì thông suốt và luôn tha thứ.  Tôi hiểu rõ điều này.  Bởi thế, điều can đảm nhất tôi có thể thân thưa với Ngài trong lúc này, đó là: Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết những mù quáng trong con!  Xin chỉ cho con biết nhìn mọi sự, mọi người và mọi vật như Chúa nhìn thấy.  Tôi có dám cầu nguyện như vậy không?  Khi tôi đến với Chúa bằng lời cầu nguyện như thế, tôi sẽ nhận ra Chúa là Đấng thấu hiểu, hiền lành và đầy lòng nhân hậu.  Tôi muốn dành một chút thời gian để cảm nghiệm chắc chắn rằng: Dù với tất cả những mù lòa và không hoàn hảo của mình, Chúa vẫn rất mực yêu thương tôi, Ngài đảo ngược mọi thứ.  Vinh quang thế gian trở nên đáng xấu hổ; cái chết đáng xấu hổ của Ngài trở thành vinh quang, v.v.  

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và chú ý đến từ “vinh quang”.  Trong Linh thao của Thánh Ignatius, ngài khuyên tất cả các thao viên, khi bắt đầu mỗi giờ cầu nguyện, hãy xin Chúa ban ân sủng để mọi ý định và hành động của mình đều thuần túy chỉ để phục vụ và vinh danh Chúa.  Thật là một ao ước đẹp.  Tôi có đủ can đảm để cầu xin ân sủng này không?  Rằng, mọi ý định và hành động của tôi đều hoàn toàn nhằm phục vụ và làm vinh danh Chúa.  Tôi mở miệng và xin cùng Chúa điều này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, November 6, 2024

Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên – Năm B – 7-11-2024

 Thu Nam XXXI TN

Luca 15:1-10

1Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: 4“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? 5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ 7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. 8 Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? 9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’ 10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay, Thánh Luca cho tôi thấy một hình ảnh đối lập về Chúa Giêsu so với bài đọc hôm qua.  Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay thật nhân từ.  Khi bị những người Pha-ri-sêu và kinh sư xì xầm xét đoán, Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi: Mục tử nào sẽ để chín mươi chín con chiên trên đồng hoang để đi tìm cho bằng được con chiên bị lạc?  Câu trả lời ngay lập tức có thể là: Đó là một mục tử rất tồi!  Hoặc, câu trả lời khác có thể là: Đó là một mục tử có một tình thương rất lớn dành cho con chiên bị lạc, đến nỗi, quyết tâm đi tìm cho bằng được con chiên lạc ấy.  Tôi muốn dừng lại, xem xét phẩm chất tình yêu của Chúa dành cho tôi, một kẻ có thể thường đi lạc.  Rồi, Chúa Giêsu lại hỏi một câu khác nữa: Người đàn bà nào sẽ chi tiêu cho bữa tiệc, tốn nhiều tiền hơn đồng tiền bị mất mà bà ấy tìm thấy?  Câu trả lời ngay lập tức có thể là: Đó là một mụ đàn bà lẩm cẩm, mê ăn uống và không biết tính toán!  Hoặc, một câu trả lời khác có thể là: Không có một cái gì có thể thay thế nổi cho một đồng bạc đã bị mất ấy, bởi đó là đồng bạc được đính vào dây chuyền ở cổ mà bà đã nhận được từ cha mẹ hoặc ông bà trong ngày cưới năm xưa của bà.  Hãy xem xét phẩm chất đó của tình yêu Chúa dành cho tôi.  Những người thu thuế và những người tội lỗi có lẽ cảm thấy xấu hổ về lối sống của họ, tuy nhiên họ vẫn đổ xô đến với Chúa Giêsu.  Ngài có phẩm chất gì mà hấp dẫn những người tội lỗi đến như vậy?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và hình dung Chúa Giêsu kể những câu chuyện này, có lẽ với một chút thích thú, và tôi muốn tận hưởng chiêm ngắm, lắng nghe khi Ngài chia sẻ về hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương và quảng đại với con người.  Đôi khi, cầu nguyện là tôi để tình yêu vô điều kiện ấy của Thiên Chúa trào tràn trên tôi.  Không cần phải nói gì.  Tôi muốn dành những giây phút này để chiêm ngắm Thiên Chúa đại lượng ấy đang ngắm nhìn tôi cách trìu mến.

Phạm Đức Hạnh, SJ