TÌM
Ý CHÚA
Ngày nào chúng ta cũng cầu xin: “Ý
Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời.” Chúng ta hằng nhớ đến Ðức Giêsu, khi
Ngài cầu nguyện: “Abba Cha, xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều cha muốn”
(Mc 14:36); nhưng ngay cả Ngài nữa cũng không dễ biết ý Cha. Tìm kiếm “Thiên
mệnh” là mục đích của nhiều nghi thức trong các truyền thống tôn giáo. Nếu có
một bộ Kinh điển, thì chắc chắn mọi giáo hữu muốn tham khảo quyển sách tìm ý
Thượng đế đã mặc khải. Nhiều tín đồ hỏi thần thánh ở nơi linh thiêng và
theo lời sấm truyền, hoặc bói một quẻ xem sao. Kẻ thì hỏi thầy tinh thần (guru),
người thì tĩnh tọa suy niệm, hoặc khẩn nài xin ánh sáng, v.v. Những ao ước ấy
đích thực, vì cho thấy mình vô tri vô giác, bất lực trước đấng tuyệt đối phải
vâng phục. Ðàng khác, chúng ta cảm thấy mình bị giằng co về mọi phía do nhiều
“tinh thần” khác nhau, với những mục tiêu mâu thuẫn, đến nỗi càng có thiện chí
mình lại càng thấy bơ vơ không biết quay vào đâu: phía nào cũng có lý. Vậy thì
phải phân định các tinh thần, đó là điều không tránh được (xem 1Gioan
4:1-3).
Chúng ta lo tìm ý Chúa có thể vì ân
sủng thúc đẩy chúng ta luôn muốn thực thi thánh ý Chúa, hoặc có thể vì lý do
khác không cao đẹp bằng. Ðức tin dạy rằng ý muốn của Thiên Chúa là quy tắc
tuyệt đối cho nhân loại. Kinh Thánh có nhiều thí dụ. Thánh vịnh 119, dài nhất,
chỉ có một chủ đề là thánh ý Chúa. Tv 40:7-9 được thư Do thái áp dụng vào bản
thân Ðức Giêsu, như chuẩn mực của cuộc đời này: ưu tiên tối cao của con người
là làm theo ý Chúa, chứ không phải theo những nghi thức thờ phượng. Vì những ai
kêu lên, “Lạy Chúa, lạy Chúa” chưa chắc sẽ vào thiên đàng, song là những ai thi
hành ý Cha ở trên trời mới được cứu rỗi (xem Mt 7:21). Ðúng vậy, ai làm
theo ý Chúa trở nên bà con với Chúa Kitô! (xem Mt 12:50). Ðó là lý do
tại sao các Kitô hữu, trên bất cứ điều khác, phải gắng công thực hiện ý Cha ở
trên trời.
Tâm lý học chứng minh rằng loài
người ít khi làm điều gì chỉ vì một lý do thuần khiết. Chúng ta có khuynh hướng
bẩm sinh muốn lo cho mình được an toàn bảo đảm; giáo hữu muốn biết “chắc chắn”
đó là ý Chúa, vì làm theo ý Chúa là “vé” vào nước trời. Ða số các tín hữu mắc
phải bệnh “kém tin” (xem Mt 6:30; 8:26; 14:31; 16:8), khiến họ không tin
tưởng vào bàn tay nhân ái của Cha Cả, không dám liều mình vào lòng Người. Tệ
hơn nữa là tham vọng bí ẩn thao túng Thiên Chúa: cách cực đoan là tội ảo thuật;
nhưng cũng có thái độ có vẻ trong trắng là cứ thử mặc cả với Chúa: con làm ý
Chúa thì Chúa làm ý con nhé! Con ngoan ngoãn rồi thì khi con xin Chúa phải cho.
Lòng trung thành đã bị dùng như con chủ bài.
Kinh nghiệm tôn giáo có tính cách cá
nhân đến nỗi không ai có thể nói thay cho ai: mỗi người chỉ có thể nói về chính
mình thôi. Tuy nhiên chúng ta có thể nói cái gì khả dĩ áp dụng (ít ra là một
phần nào) cho tất cả mọi người. Thành thật tìm kiếm ý Chúa, đó là nguồn an tâm
bình tĩnh. Nếu lúc xét mình trước khi đi ngủ tôi thấy mình hết lòng ráng
làm đẹp ý Chúa, thì chắc chắn tôi có thể dự kiến được những giấc mơ ngọt ngào.
Các tôn giáo khác nhau theo những lối khác nhau để đạt đến sự bình tâm này. Có
“lối tiêu cực” của đạo Phật nghĩa là tiêu diệt mọi ham muốn, vì ai không mong
muốn gì thì cũng không đau lòng khi thiếu. Cũng có “lối tiêu cực” Kitô giáo,
không ham muốn điều gì hết để trở nên tự do mà theo ý Chúa. Hoặc cách “tích
cực” tìm ý Chúa theo lối nhận định (discernment.) Cả hai lối đều có thể tốn
kém, vì – như người ta nói – ân sủng không rẻ đâu. Mỗi người phải thử xem lối
nào thích nghi hơn với mình. Trong truyền thống Công giáo, các thánh đã trình
bày những phương pháp nhận định, mà sau này trở nên những nền linh đạo, như
Phanxicô, Biển Ðức, Cát Minh, I-Nhã, Thánh Linh, v.v. Tùy tính tình, mỗi người
cảm thấy thoải mái hơn trong một linh đạo; tuy nhiên nên thí nghiệm và xét kỹ
kết quả suốt một thời gian, vì đường dễ chưa chắc là đường chính. Kinh nghiệm
thiêng liêng được dựng bằng các sự việc nhỏ, vì chúng ta thường không làm nhiều
phép lạ! Ai quen nhận ra Thần khí trong những chọn lựa nhỏ, thì đã có được con
mắt sáng suốt lúc phải đứng trước ngã ba sinh tử.
Trong bài này cũng nên ngỏ đôi lời
về một kinh nghiệm đau đớn là sự ngại ngùng đến nỗi làm tê liệt (scruples)
trong đời sống thiêng liêng. Vốn là tật bệnh của những linh hồn tốt đẹp và
lương tâm tinh khiết; kẻ nhẫn tâm hoặc thờ ơ đâu có kinh nghiệm ấy. Ao ước tìm
kiếm ý Chúa là điều tốt; nhưng lo quá chừng mức thì có thể gây rối. Nó có thể
là hậu quả cuả thái độ muốn luôn luôn làm điều tốt nhất, mà quên
mất rằng “tốt nhất” lắm khi nghịch với cái tốt đơn giản. May mắn cho chúng ta,
Chúa không hề đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn làm điều tốt nhất. Cái tật “ngại
ngùng đến nỗi làm tê liệt” ấy cũng có thể phát sinh từ tật luôn luôn muốn
biết chắc chắn mình đúng, nhưng lại quên rằng chúng ta bao giờ cũng sống trong
đức tin tối tăm. Thiên Chúa là Cha muốn con cái Người làm theo ý của họ, vì tin
chắc con thảo nào tự nhiên cũng muốn điều Cha mình muốn. Dù sao, nếu lỡ như
mình mắc tật ấy, thì phải nhờ bạn giúp – và để người có kinh nghiệm - một Cha
linh hướng - dắt tôi ra khỏi khủng hoảng. Và nếu gặp ai trong trường hợp ấy thì
phải biết thương xót và nhân ái thông cảm, vì kinh nghiệm scruples đau
đớn lắm.
Linh đạo I-Nhã đã chú tâm đặc biệt
đến vấn đề phân định. Chắc là ai ai trong Ðồng Hành đều quen các nguyên tắc
“nhận định thần loại” trong sách Linh Thao. Ở đây tôi chỉ nêu bật hai điểm: cầu
nguyện riêng và chia sẻ với những người khác. Muốn được thân mật với Thiên Chúa
trong cầu nguyện thì giả thiết phải thành “đồng bản tính” với Người một phần
nào, nghĩa là cách tự nhiên cảm thấy ý thích của Người, và lấy làm thoải mái
khi thực thi ý Người. “Phân định thần khí” (1Cr 12:10) là một đoàn sủng mình
phải khẩn khoản xin cho được. Khi đề cập đến việc chia sẻ, tôi muốn nói tìm
kiếm ý Chúa cùng với người khác, chứ không một mình. “Người khác” ấy có thể là
người linh hướng, nhưng cũng có thể là một “bạn hữu trong Chúa” đồng hành tới
mục đích chung. Ðối với tôi, thái độ then chốt ở đây là tâm hồn rộng mở để đón
nhận “ơn lời khuyên” của một anh chị em. Thánh I-Nhã là một người “chuyên môn
chia sẻ.” Ông khởi sự bằng cách chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng với người khác,
rồi kiếm người bạn bè cùng bước với nhau trên đường chia sẻ ấy. Phương pháp đặc
thù của ông là bày tỏ lương tâm với cha linh hướng hay bề trên, nhờ đó mình
được dẫn dắt một cách hữu hiệu hơn trên đường tìm ý Chúa. Có lẽ nền tảng thần
học của điều này là Thiên Chúa vốn là sự chia sẻ tuyệt đối: Mỗi Ngôi Vị mở ra
và tự chia sẻ mình hoàn toàn với hai Ngôi Vị khác, khiến Ba Ngôi hiệp thông với
nhau cách tuyệt đối. Vậy, chúng ta càng trở nên giống như Thiên Chúa thì càng
biết rõ ý Người. Trong lịch sử, kế hoạch cứu độ cũng mở ra cho con cái Chúa góp
phần tự do, nghĩa là ý Chúa hàm súc ý ta, như thể Chúa để sứ mệnh Người còn
dang dở và cho chúng ta tự do hoàn tất công việc. Trong linh đạo I-Nhã ý niệm magis,
(“hơn”) đóng vai trò quan trọng. Khẩu hiệu “để vinh quang Thiên Chúa hơn,”
chỉ đường ta đi; tôi ý thức những giới hạn của tôi: tôi đành lòng biết mình
không thể làm điều tốt nhất, nhưng có thể làm điều tốt hơn, với khả năng tiến
bộ luôn luôn, vì mãi mãi bất toàn. Trong hoàn cảnh này tôi phải lấy ý tôi mà
làm đẹp lòng Chúa, dù không biết chắc chắn là như vậy. Số phận loài người là
chỉ biết ý Chúa một cách “tạm được”, và như thế là đủ cho tôi dùng sáng kiến mà
phụng sự Chúa.
Một vài tiêu chuẩn khách quan chỉ
đường đi như các tín hiệu ở xa lộ. Tôi chỉ ám chỉ đến hai chuyện: quy phạm
chính thống (cái gì nghịch với đức tin không phải là ý Chúa: xem 1Cr 12:3;
1Gioan 4:3), vì chỉ thị của Giáo Hội (lúc tôi do dự, vâng lời Giáo Hội chắc sẽ
không sai).
Cuối cùng, vấn đề “ý Thiên Chúa”
thành vấn đề “quyết định của tôi.” Hiếm có ai tìm ý Chúa cách thuần túy; thường
mang ngầm lý do ích kỷ. Lắm khi chúng ta sợ trách nhiệm về sự quyết định; dù
sao, mỗi khi chúng ta chủ trương làm theo “ý Chúa,” hoặc có ý thức, hoặc vô ý
thức, thật ra chúng ta làm theo ý mình, chỉ hy vọng ý đó của mình trùng vơi ý
Chúa. Thiết tưởng trước khi tìm biết ý Chúa, chúng ta phải trung thực phân tích
quá trình của những quyết định của chính mình, động cơ của những hành vi, những
sở thích ẩn kín của mình, v.v. Thiên Chúa dựng nên tôi như một bản vị, tức là
một nguồn cội khả dĩ tự do quyết định, và Người muốn tôi cư xử như vậy. Nếu ai
tin Thiên Chúa tạo ra loài người tự do mà bây giờ lại cấm chúng ta dùng quyền
tự do ấy thì có vẻ lộng ngôn. Một “người thiêng liêng” (spiritual person) là
người sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của mình, và khiêm nhượng cậy rằng ý
mình cũng là ý Chúa. Tâm trạng này mang bình an cho linh hồn, đồng thời cần
thiết cho đời sống nhân bản và tôn giáo. Dù tôi có sai lầm trong một dịp cụ thể
nào đó, tôi vẫn còn vững lòng quyết định theo ý Chúa, tùy khả năng của tôi,
nghĩa là trong sự tối tăm của đức tin. Dù hành động tôi sai lầm, tôi vẫn còn
đúng đắn, vì tôi theo lương tâm và mở lòng ra cho Thần Khí sửa chữa – qua những
người khác – và dẫn dắt tôi trên đường Chúa muốn.
Xin kết thúc với một nhận xét hiển
nhiên: dẫu lựa chọn điều gì và theo phương pháp nào, bạn đừng bao giờ quên cái
“bậc thang giá trị” là kim chỉ nam: động cơ tột cùng của hành vi Kitô là tình
yêu (xem 1Cr 13: 1-3; Ep 4: 14-16). Ai để tình thương dẫn lối, thì hiếm khi bị
lạc đường.
Felipe Gomez, SJ
(Ðồng
Hành 2000, số 4 trang 8-9)
0 comments:
Post a Comment