MÙA CHAY
Một thói quen
rất phổ biến nơi đại đa số những người Công giáo đó là, mỗi khi Mùa Chay đến thì
ăn chay, bố thí và xếp hàng đi xưng tội.
Một khi làm được ba điều này thì kể như là mình đã sống trọn Mùa Chay. Mặc dù đây là những việc làm tốt, nhưng nếu
chỉ chu toàn cho xong ba bổn phận này thì chưa thể gọi là đã sống trọn lời
mời của Mùa Chay. Đó là chưa kể cách
thức thực hành những điều trên, có những nơi người ta đánh lộn, chửi nhau chỉ
vì tranh nhau chuyện xếp hàng xưng tội, hoặc người nào đó xưng tội quá lâu, còn
bị mắng, “Tội gì mà lắm thế!” Có những
người hướng việc ăn chay không còn mang tính tôn giáo nữa mà coi đó như cơ hội
để giảm cân. Còn việc bố thí thì nhỏ
giọt, chỉ đủ đầy chiếc rice bowl,
kiểu nuôi heo đất!
Một chữ mà có
thể nói đã gói trọn ý nghĩa, và bao trùm cả không gian lẫn thời gian của Mùa
Chay đó là “metanoia.” Metanoia theo ngôn ngữ của Thánh Kinh, cụ
thể là Tân Ước, một tiếng cổ Hy-lạp, vẫn thường được dịch sang tiếng Việt là,
“sám hối,” và được dịch sang tiếng Anh là “repent.” Cả hai tiếng Việt và tiếng Anh đều mang nghĩa
giống nhau. Bên tiếng Việt, “sám hối” là
một từ Hán Việt và là chữ của Nhà Phật dùng để chỉ sự thú tội và hối lỗi. Trong khi đó, metanoia mang một nghĩa rộng hơn và lớn hơn nhiều.
Để lột tả được hết ý nghĩa của nó, metanoia phải được dịch là “thay đổi não
trạng.” Thay đổi não trạng không chỉ là
thay đổi từ một tình trạng tội lỗi qua tình trạng hết tội, bằng cách đi xưng
tội. Thay đổi não trạng còn là thay đổi
nếp sống, cách nghĩ, cùng mọi hành vi cư xử trong cuộc sống, không chỉ là từ
xấu sang tốt, mà còn là từ tốt đến tốt hơn, tức là trở thành một con người mới
hoàn toàn. Có thể nói metanoia là “lột xác,” tựa như một con
sâu biến thành con bướm, hay từ một cô gái trở thành người mẹ. Nếu không có một nỗ lực hết mình, hy sinh hết mình để lột xác, để biến đổi, con sâu không thể trở thành một cánh bướm rực rỡ được; người thiếu nữ khó có thể cho cuộc đời một con người đẹp, khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú được.
Như vậy, lời mời gọi metanoia
của Mùa Chay là để mọi Kitô hữu chuẩn bị cho mình đón nhận một cái gì rất lớn,
siêu thường và ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Cái siêu thường đó là Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, đã đi vào và chia sẻ với con người trong mọi đau khổ tột cùng của cuộc
sống, để rồi phục sinh, dẫn con người vào một cuộc sống mới hoàn toàn.
Vậy liệu việc
xưng tội, cầu nguyện, hy sinh, và làm việc bác ái của tôi trong Mùa Chay năm nay có đủ để giúp tôi lột xác
không hay tôi còn phải làm cái gì khác hơn nữa? Nếu
không, tôi không thể nào đi vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu,
điểm đến của mọi Mùa Chay.
Mùa Chay Denver, 2017 - Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment