Wednesday, February 12, 2025

Thứ Năm Tuần V Mùa Thường Niên – Năm C – 13-2-2025

Thu Nam V TN

Mác-cô 7:24-30

Khi ấy, Đức Giê-su đến địa hạt Tia.  Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được.  Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người.  Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri.  Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.  Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.”  Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ.”  Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.”  Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường, và quỷ đã xuất khỏi.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

  1. Bài đọc hôm nay rất đặc biệt.  Thánh Mác-cô, qua bài đọc, cho tôi chứng kiến cuộc gặp gỡ đầy thách thức giữa Chúa Giêsu và người mẹ Hy-lạp, có thể để lại trong tôi một cảm giác bực tức, thất vọng vì những lời của Chúa Giêsu, đồng thời rất thương cảm cho người mẹ Hy-lạp vì cảm thấy bị loại trừ, nhưng qua đó lại hướng tôi đến tầm nhìn mới về đức tin và ân sủng.  Chúa Giêsu đang tìm kiếm sự nghỉ ngơi.  Người phụ nữ đang tìm kiếm sự chữa lành.  Bà ta tuyệt vọng, nhưng cũng rất quyết tâm.  Những cảm xúc nào lấp đầy không khí cầu nguyện của tôi lúc này?  Sự đồng cảm của tôi từ đâu và cho ai vào lúc này?  “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.”  Phản ứng của tôi với tuyên bố này là gì?  Người mẹ Hy-lạp tiếp tục với sự kiên trì, khiêm tốn và can đảm.  Phản ứng của bà ấy khiến tôi ấn tượng như thế nào?  Có lẽ sự táo bạo của người mẹ này thách thức đức tin sâu sắc của tôi?  “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.”  Hãy hình dung sự nhẹ nhõm và niềm vui mà bà ấy cảm thấy.  Tôi phản ứng thế nào khi Chúa Giêsu khẳng định với bà ấy?

  2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và xem xét trải nghiệm hoặc cảm giác của tôi về việc bị loại trừ?  Tôi có tin vào lòng thương xót quảng đại của Thiên Chúa có thể được kêu gọi để biến đổi cuộc sống không?  Tôi muốn dành khoảng thời gian còn lại của giờ cầu nguyện này để nói chuyện với Chúa Giêsu, nhận lấy sức mạnh từ đức tin và sự kiên trì của người mẹ Hy-lạp, biết rằng Ngài lắng nghe ước muốn của trái tim tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment