Sáng Thế 1:1-19
Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất. Thiên Chúa phán: “Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước.” Thiên Chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là “trời”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai. Thiên Chúa phán: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra.” Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là “đất”, khối nước tụ lại là “biển”. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tuỳ theo loại, trong có hạt giống.” Liền có như vậy. Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tuỳ theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba. Thiên Chúa phán: “Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất.” Liền có như vậy. Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.
(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bằng chính kinh nghiệm của tôi về thế giới tự nhiên, tôi được mời tham gia vào bài đọc này từ Sách Sáng Thế, để được lôi kéo vào cuộc gặp gỡ thân tình hơn với Thiên Chúa. “Lúc khởi đầu.” Làm sao tôi có thể hình dung được trước khi bắt đầu? Một sự hư vô, hỗn loạn? Tôi đáp lại lời sáng tạo của Thiên Chúa mang lại ánh sáng, trật tự và sự sống như thế nào? Tôi có thể thấy Chúa tạo ra trật tự từ sự hỗn loạn ở đâu, trên thế giới, trong cuộc sống của chính tôi? Qua bài đọc, tôi bước vào nhịp điệu có chủ ý của dòng chảy lên xuống sáng tạo của Thiên Chúa, tạo ra không gian để nghỉ ngơi và tuyên bố mỗi ngày là “tốt lành”. Tôi tôn vinh nhịp điệu của Chúa trong đời sống của tôi như thế nào? Tôi thừa nhận nhu cầu nghỉ ngơi và chứng kiến sự kỳ diệu của Tạo Hóa ở đâu? Khi Thiên Chúa mang lại trật tự từ sự hỗn loạn, tôi được nhắc nhở, Thiên Chúa điều hành công trình sáng tạo theo những cách bí ẩn, có lẽ bí ẩn đó dẫn tôi tìm kiếm sự thân mật sâu đậm hơn. Làm thế nào thế giới tự nhiên—ánh sáng, bão tố hay sự bình lặng—có thể nói với tôi về sự hiện diện của Chúa? Làm thế nào tôi có thể tin cậy rằng Chúa đang hành động trong những “cơn bão” của cuộc đời tôi?
2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến cụm từ: "Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp." Trong câu chuyện Sáng tạo, Chúa nhiều lần tuyên bố mọi thứ đều “tốt lành”. Tôi được mời gọi nhìn thế giới qua đôi mắt của Chúa, bao gồm cả chính con người của tôi và những người khác. Tôi cảm nghiệm thế nào về lòng biết ơn đối với sự tốt lành của tạo vật? Làm thế nào tôi có thể khẳng định điều tốt đẹp đó ở bản thân mình, người khác và thế giới? Tôi muốn dành thời gian còn lại của giờ cầu nguyện này để hòa nhập với Thiên Chúa của Sáng thế, nghỉ ngơi trong nhịp điệu của Sáng tạo và tất cả những gì “tốt lành”.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment