Tuesday, September 28, 2021

Thứ Tư Tuần XXVI Thường Niên – Năm B –29-9-2021 – Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en, Ra-pha-en

Thu Tu XXVI TN

Gioan 1:47-51

47 Khi ấy, Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en.  Trong tiếng Anh, chữ “angel” (thiên thần) có nguồn gốc từ tiếng Hy-lạp là “angelos”, nghĩa là sứ giả.  Điều này Giáo hội Công giáo cũng dạy: “Các Thiên thần, tự bản thể, là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa” (GLCG #329).  Ý niệm và niềm tin về sự hiện hữu của các thiên thần phát triển dần theo thời gian.  Chẳng hạn, trong toàn bộ Kinh Thánh có đến 283 lần nhắc đến các thiên thần; trong đó, 107 lần trong Cựu Ước và 176 lần trong Tân Ước.  Niềm tin vào sự hiện hữu của các thiên thần phát triển mạnh hơn khi Kitôgiáo hình thành và được đưa vào trong giáo lý như một chân lý: “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh thường gọi là các Thiên thần, là một chân lý đức tin” (GLCG #328).  Trong số các thiên thần, Giáo hội cũng tin có các tổng lãnh thiên thần như Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en, mà Giáo hội mừng kính hôm nay.  Tôi có thể thấy các tổng lãnh thiên thần được nhắc đến trong Kinh Thánh, như: Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-en trong Thư Giu-đa 1:9.  Ngài thường được diễn tả như một tướng lãnh có cánh, tay phải cầm đòng đang đâm vào con rồng, tức tướng quỷ Lu-ci-fer, tay trái cầm cành thiên tuế.  Trên đầu của cây đòng là giải băng-rôn với dòng chữ: “Ai Bằng Thiên Chúa?”; Tổng lãnh Thiên thần Gáp-ri-en, tiếng Do-thái có nghĩa là “Sứ Giả của Thiên Chúa”, được nhắc đến trong Phúc âm Luca 1:26-38.  Ngài thường được diễn tả như là một thiên thần, tay phải cầm đèn cháy sáng và tay trái cầm tấm gương mầu xanh lam, nói lên sự nhiệm mầu của Thiên Chúa; Tổng lãnh Thiên thần Ra-pha-en, nghĩa là “Thầy Thuốc của Thiên Chúa,” như tôi có thể thấy trong Sách Tô-bi-a 3:17 và 12:15.  Ngài thường được diễn tả như thiên thần, tay phải cầm con cá (dầu của nó đã được Tô-bi-a con dùng để chữa mắt cho Tô-bi-a cha), và tay trái cầm bình bạch ngọc đựng linh dược của các y sĩ vùng Lưỡng Hà Địa.  Bổn phận của các tổng lãnh thiên thần là bảo vệ, chữa lành và loan tin vui của Thiên Chúa.  Hôm nay trong ngày lễ kính các ngài, tôi có thể dành giây phút này nói chuyện với các ngài chăng?  Dù chẳng hiểu về các ngài lắm, tôi có thể xin các ngài giúp tôi hiểu về các ngài chăng?  Có điều gì tôi muốn xin các ngài chữa lành không?  Có thể, tôi xin các ngài giữ gìn tôi, cũng như những người thân của tôi, được bình an trong ngày hôm nay, và đặc biệt, không bao giờ đánh mất Chúa?

2.      Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc đến các thiên thần: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”  Câu nói này gợi cho tôi nhớ đến giấc mơ của Gia-cóp; trong đó, ông mơ thấy có một chiếc cầu thang bắc từ dưới đất lên tới trời và có rất nhiều thiên thần lên lên xuống xuống trên cầu thang ấy.  Điều này cho tôi thấy, qua câu nói này, Chúa Giêsu đã như ví Ngài như là chiếc cầu thang để Thiên Chúa có thể đi xuống với con người và con người có thể lên với Thiên Chúa.  Tôi muốn đến với Chúa Giêsu trong lúc này và để qua Ngài tôi được gặp Chúa Cha, hoặc tôi muốn đến với Chúa Giêsu để biết rằng Chúa Cha đã đang ở đó chờ đợi tôi.  Tôi sẽ nói gì cùng Chúa Giêsu trong lúc này?  Tôi sẽ nói gì cùng Chúa Cha khi tôi đến với Chúa Giêsu?  Tôi để ý và lắng nghe.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment