Sunday, July 6, 2025

Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên – Năm C – 7-7-2025

Thu Hai XIV TN

Sáng Thế 28:10-22b

Ngày ấy, Gia-cóp ra khỏi Bơ-e Se-va và đi về Kha-ran.  Cậu đến một nơi kia và nghỉ đêm tại đó vì mặt trời đã lặn.  Cậu lấy một hòn đá ở nơi đó để gối đầu và nằm ngủ ở đó.  Cậu chiêm bao thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống.  Và kìa Đức Chúa đứng bên trên thang mà phán: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa của I-xa-ác.  Đất ngươi đang nằm, Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi.  Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất; ngươi sẽ lan tràn ra khắp đông tây nam bắc.  Nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.  Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi.”  Gia-cóp tỉnh giấc và nói: “Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết!”  Cậu phát sợ và nói: “Nơi này đáng sợ thay!  Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác.”  Sáng hôm sau, Gia-cóp dậy sớm, lấy hòn đá cậu đã gối đầu, dựng lên làm trụ và đổ dầu lên đầu trụ.  Cậu đặt tên cho nơi đó là Bết Ên; trước đó, tên thành ấy là Lút.  Gia-cóp khấn rằng: “Nếu Thiên Chúa ở với tôi và giữ gìn tôi trong chuyến đi tôi đang thực hiện, nếu Người ban cho tôi bánh ăn áo mặc, nếu tôi được trở về nhà cha tôi bình an, thì Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi, hòn đá này là hòn đá tôi đã dựng lên làm trụ sẽ là nhà của Thiên Chúa.”

(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading.  Những câu hỏi suy niệm sau đây được diễn dịch từ: https://prayasyougo.org/)

Gợi ý cầu nguyện

  1. Gia-cóp đang trên hành trình đến vùng đất mà Chúa đã hứa ban cho ông nội của ông, Áp-ra-ham, và sau đó là cha ông, I-xa-ác.  Bấy giờ, trong giấc mơ, ông nghe thấy lời hứa đó được xác nhận cho chính mình.  Kinh thánh đầy dẫy lời Chúa hứa sẽ ban cho dân Ngài những điều tốt lành.  Cụ thể, những điều tốt lành mà tôi trông đợi nơi Chúa là gì?  Sau đó, Gia-cóp thức dậy và nói, “Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết!”  Ông phát sợ và nói: “Nơi này đáng sợ thay!  Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác.”  Tôi có ý thức Chúa đang hiện diện trước mặt tôi lúc này không?  Tôi cảm thấy thế nào khi đang được ngồi trước mặt Chúa? 

  2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và để ý: Khi Gia-cóp thức dậy, ông rất nhận thức rằng, Chúa đã ở cùng ông khi ông ngủ, và ý thức được quyền năng tuyệt vời của Chúa.  Có lẽ tôi có thể nhớ lại một hoặc hai lần trong cuộc đời của chính mình khi tôi, đặc biệt, nhận thức được sự hiện diện của Chúa ở cùng tôi không?  Từ giây phút này cho đến khi hết giờ cầu nguyện, hãy nói với Chúa về những gì tôi đã thấy và cảm thấy một cách tự do như Gia-cóp đã làm.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, July 5, 2025

Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên – Năm C – 6-7-2025

CN XIV TN

Luca 10:-1-9

Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.  Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.  Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.  Anh em hãy ra đi.  Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.  Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.  Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.  Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”  Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.  Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.  Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.   Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.  Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”  

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading.  Những câu hỏi suy niệm sau đây được diễn dịch từ: https://prayasyougo.org/)

Gợi ý cầu nguyện

  1. Tôi đã bao giờ đi một chặng đường dài với một người mà tôi không nhất thiết phải biết rõ chưa?  Tôi đã nói về điều gì?  Tôi có thể đã đi được rất xa - trong cuộc trò chuyện cũng như trong dặm đường.  Chúa Giêsu đưa ra những chỉ dẫn rất cụ thể cho những cặp đôi này.  Tôi đặc biệt chú ý những gì Ngài nói?  Hãy hình dung tôi được giao công việc này.  Hãy hình dung ai có thể là bạn đồng hành của tôi.

  2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và chú ý cách tôi phản ứng với từng chỉ dẫn của Chúa Giêsu.  Tôi cần gì?  Hãy xin Chúa giúp đỡ, xin ơn để làm sứ giả cho Ngài một cách tốt đẹp…  Ước gì ai gặp tôi trong ngày, họ cũng gặp được Chúa. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, July 4, 2025

Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên – Năm C – 5-7-2025

Thu Bay XIII TN

Sáng Thế 9:9-13

Ông I-xa-ác đã già, mắt ông loà không trông thấy nữa.  Ông bèn gọi Ê-xau, con trai lớn của ông, ông nói: “Con ơi!”  Cậu thưa: “Dạ, con đây.”  Ông nói: “Con thấy không, cha già rồi, không biết chết ngày nào.  Bây giờ con hãy lấy khí giới của con, ống tên và cây cung của con, ra đồng săn thú cho cha.  Con hãy làm cho cha một món ăn ngon như cha thích, rồi đem đến cho cha ăn, để cha đích thân chúc phúc cho con trước khi chết.”  Đang khi ông I-xa-ác nói với Ê-xau, con trai ông, thì bà Rê-bê-ca nghe được.  Ê-xau đi ra đồng để săn thú mang về.

Bà Rê-bê-ca lấy áo của Ê-xau, con trai lớn của bà, áo sang nhất mà bà có ở nhà, và mặc cho Gia-cóp, con trai nhỏ của bà.  Bà lấy da dê non mà bọc lấy tay và phần cổ nhẵn nhụi của cậu.   Rồi bà đặt món ăn ngon và bánh đã làm vào tay Gia-cóp, con bà.

Cậu vào với cha và thưa: “Cha ơi!”  Ông đáp: “Cha đây!  Con là đứa nào đấy con?”  Gia-cóp thưa với cha: “Con là Ê-xau, con trưởng của cha; con đã làm như cha bảo.  Mời cha ngồi dậy xơi món thịt rừng của con, để cha đích thân chúc phúc cho con.”  Ông I-xa-ác hỏi con: “Con ơi!  Sao con tìm được mau thế?”  Cậu thưa: “Đức Chúa, Thiên Chúa của cha, đã cho con gặp được may mắn.”  Ông I-xa-ác bảo Gia-cóp: “Con ơi, lại gần đây, để cha rờ con, xem con có đúng là Ê-xau, con cha, hay không.”  Gia-cóp lại gần ông I-xa-ác, cha ông; ông rờ cậu và nói: “Tiếng thì tiếng Gia-cóp, mà tay là tay Ê-xau.”  Ông không nhận ra cậu, vì tay cậu lông lá như tay Ê-xau, anh cậu; thế là ông chúc lành cho cậu.  Ông hỏi: “Con có đúng là Ê-xau, con cha không?”  Cậu thưa: “Vâng, chính con.”  Ông nói: “Con ơi, bưng lại cho cha ăn món thịt rừng, để cha đích thân chúc phúc cho con.” Cậu bưng lại cho ông, ông ăn ; rồi cậu đem rượu đến, ông uống.  Ông I-xa-ác, cha cậu, bảo: “Con ơi, lại gần đây và hôn cha đi!”  Cậu lại gần và hôn ông.  Ông hít mùi áo cậu và chúc phúc cho cậu rằng:

“Kìa, mùi thơm con tôi

như mùi thơm cánh đồng Đức Chúa đã chúc phúc.

Xin Thiên Chúa ban cho con,

sương trời với đất đai màu mỡ, và lúa mì rượu mới dồi dào.

Các dân phải làm tôi con, các nước phải sụp xuống lạy con.

Con hãy làm chủ các anh em con,

và các con của mẹ con phải sụp xuống lạy con.

Kẻ nguyền rủa con sẽ bị nguyền rủa,

kẻ chúc phúc cho con sẽ được chúc phúc.”

(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

  1. Mùa Thường Niên không giống như các mùa đặc biệt trong năm, như: Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, những mùa dành đặc biệt để tập trung vào Chúa Kitô.  Mùa thường niên tập trung về phát triển đời sống đức tin của các tín hữu.  Bài đọc I trong Mùa Thường Niên này thường được trích từ Cựu Ước, trong đó thường tập trung vào các mẫu gương đức tin và phát triển tình người.  Bởi thế tôi sẽ có thể bắt gặp những câu chuyện từ các bài đọc trong Mùa Thường Niên “nghe đầy mùi người”, trong đó bao gồm tất cả những xấu xa của con người, như: hỉ, nộ, ái, ố, dục; chẳng thấy mùi thánh tí nào.  Chẳng hạn như bài đọc hôm nay, tôi có thể bị cuốn hút vào người mẹ, vì yêu con không đồng đều, đã dạy con thứ, Gia-cóp, gian dối với cha để cướp quyền trưởng nam của người con trưởng, Ê-xau.  Đồng thời, tôi cũng thấy rõ văn hóa Phụ hệ thời xưa rất trọng nam khinh nữ; bất cứ cái gì xấu xa, đồi bại và thất bại trong cuộc đời đều bởi người đàn bà mà ra!  Chẳng hạn như câu chuyện xấu xa trong bài đọc hôm nay.  Tuy nhiên, đây không phải là điểm tập trung của bài đọc Kinh Thánh, bài đọc về đức tin.  Điểm tập trung tôi cần phải chú ý, đó là: sự mù lòa đã làm cho I-xa-ác không thể phân biệt dễ dàng, ngay cả những gì gần gũi quen thuộc nhất, giọng nói và thân hình lông lá của hai con.  Việc phân định không bao giờ là dễ, bởi nhiều khi xấu tốt trông rất giống nhau, đó là chưa kể đôi khi cái tốt lại đội lốt của cái lành, sự gian dối đến từ sự ác tâm của người mẹ, phương chi bây giờ I-xa-ác lại mù thì việc phân định càng khó hơn.  Tôi cảm thấy gì từ bài đọc này?  Đâu là điểm đánh động tôi nhất?  

  2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và tự hỏi: Tôi có đang mù lòa hay không?  Kinh nghiệm phân định trong cuộc sống của tôi như thế nào?  Kinh nghiệm phân định thiêng liêng của tôi ra sao?  Tôi thường thành công hay thất bại trong phân định?  Cái khó nhất của tôi khi phân định là gì?  Tôi cầu nguyện như thế nào khi phân định?  Trong giây phút này, tôi muốn kể cho Chúa nghe những kinh nghiệm phân định của tôi, và xin Chúa giúp.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, July 3, 2025

Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên – Năm C – 4-7-2025

Thu Sau XIII Tn

Mát-thêu 9:9-13

Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó.  Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!”  Ông đứng dậy đi theo Người.  Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.  Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”  Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.  Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.  Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading.  Những câu hỏi suy niệm sau đây được diễn dịch từ: https://prayasyougo.org/)

Gợi ý cầu nguyện

  1. Bài đọc hôm nay là một câu chuyện thật hay về lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi.  Chúa Giêsu bất chấp tai tiếng của Mát-thêu và Ngài đã gọi ông.  Để đáp trả, ông mời Ngài về nhà mình ăn.  Tôi muốn quan sát thật kỹ những người ngồi quanh bàn ăn: biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ, cách ăn mặc của từng người.  Lắng nghe những cuộc trò chuyện của họ.  Tôi cũng xem cách Chúa Giêsu tại bàn ăn.  Lưu ý nơi Ngài ngồi.  Cách Ngài giao tiếp.  Tôi ngửi thấy gì, nhìn thấy gì và cách bày trí các thức ăn trên bàn như thế nào?

  2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và lắng nghe phản ứng của Chúa Giêsu.  Tôi ở đâu trong bữa tiệc?  Tôi muốn đặt mình vào bối cảnh đó.  Đắm mình vào đó.  Lưu ý cảm giác đang diễn ra trong tôi, và nói chuyện, đặt câu hỏi trực tiếp với Chúa Giêsu về những cảm giác ấy.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, July 2, 2025

Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên – Năm C – 3-7-2025 - Lễ Thánh Tô-ma, Tông Đồ

Thu Nam XIII TN

Gioan 20:24-29

Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.  Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”  Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”  Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông.  Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”  Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy.  Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.  Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”  Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.  Phúc thay những người không thấy mà tin!”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading.  Những câu hỏi suy niệm sau đây được diễn dịch từ: https://prayasyougo.org/)

Gợi ý cầu nguyện

  1. Bài đọc hôm nay tập trung vào Thánh Tô-ma.  Tôi để ý đến giọng điệu của Tô-ma.  Dường như ngài sử dụng lý trí trước, rồi đến trái tim…  Tội nghiệp cho ngài, vì từ câu chuyện này mà ngài chết với cái tên: “Ông thánh đa nghi!”  Tôi có cảm thấy đó là một mô tả công bằng, một đánh giá chính xác về ngài không?  Có lẽ tôi sẽ đặt cho ngài một cái tên khác?  Hoặc, có lẽ nghi ngờ cũng là một điểm tốt trong hành trình đức tin của mọi người?  Tôi tiếp nhận sự nghi ngờ của người khác như thế nào?  Tôi có những tính từ nào mô tả con người tôi, đi kèm với tên của tôi?  Tôi nghĩ Chúa Giêsu có đồng ý không?

  2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và để ý cách Chúa Giêsu trả lời Tô-ma..  Tôi muốn nói chuyện, đặt câu hỏi với Chúa Giêsu, trực tiếp, và ngay giây phút này.  Hãy tự nhiên và mạnh dạn, bày tỏ bất kỳ sự nghi ngờ nào.  Hãy để ý Chúa Giêsu có những phản ứng nào với tôi.  Hãy xin cho được ơn cởi mở trước sự nghi ngờ của người khác.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, July 1, 2025

Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên – Năm C – 2-7-2025

Thu Tu XIII TN

Sáng Thế 21:5, 8-20

Ông Áp-ra-ham được một trăm tuổi khi sinh được người con là I-xa-ác.

Đứa trẻ lớn lên và cai sữa. Ông Áp-ra-ham làm tiệc lớn ngày I-xa-ác cai sữa.  Bà Xa-ra thấy Ít-ma-ên đang cười giỡn (đó là đứa con mà Ha-ga, người Ai-cập, đã sinh ra cho ông Áp-ra-ham), bà liền nói với ông Áp-ra-ham: “Ông hãy đuổi hai mẹ con đứa nữ tỳ này đi, vì con trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với I-xa-ác, con trai tôi.”  Ông Áp-ra-ham rất bực mình vì lời ấy, bởi đó là con ông.  Nhưng Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham: “Đừng bực mình vì chuyện đứa trẻ và người nữ tỳ của ngươi.  Tất cả những gì Xa-ra nói với ngươi, cứ nghe, bởi vì chính nhờ I-xa-ác mà ngươi sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi.  Còn con trai của người nữ tỳ, Ta cũng sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn, vì nó là dòng dõi ngươi.”  Sáng hôm sau, ông Áp-ra-ham dậy sớm, lấy bánh và một bầu da đựng nước đưa cho Ha-ga.  Ông đặt đứa bé lên vai nàng và bắt nàng phải đi.

Nàng đi lang thang trong sa mạc Bơ-e Se-va.  Khi nước trong bầu da đã cạn, nàng vất đứa bé dưới một bụi cây, rồi đi ngồi đối diện, cách xa khoảng tầm cung bắn.  Nàng nói: “Sao cho tôi đừng nhìn thấy đứa bé chết!”  Nàng ngồi đối diện và bật tiếng khóc.  Thiên Chúa nghe thấy tiếng đứa trẻ và từ trời sứ thần Thiên Chúa gọi Ha-ga và nói: “Sao thế, Ha-ga?  Đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng đứa trẻ, ở chỗ nó nằm.  Đứng lên!  Đỡ đứa trẻ dậy và ôm nó trong tay, vì Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn.”  Thiên Chúa mở mắt cho nàng, và nàng thấy một giếng nước.  Nàng đi đổ nước đầy bầu da, rồi cho đứa trẻ uống.  Thiên Chúa ở với đứa trẻ, nó lớn lên, sống trong sa mạc, và trở thành người bắn cung.

(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading.  Những câu hỏi suy niệm sau đây được diễn dịch từ: https://prayasyougo.org/)

Gợi ý cầu nguyện

  1. Có thật nhiều điều trong câu chuyện của bài đọc hôm nay: Cay đắng, ghen tuông, chối bỏ, bóc lột, đau buồn, đau khổ... nhưng cũng được Chúa nhìn thấy và lắng nghe...  Phần nào trong câu chuyện chạm đến tôi nhiều nhất?  Tôi muốn dành giây phút này để chú tâm vào từng biểu cảm trên từng khuôn mặt: Xa-ra…  Áp-ra-ham…  Ha-ga… những đứa trẻ... Ít-ma-ên... I-xa-ác…  Tôi sẽ đặt tất cả chúng vào một bức tranh như thế nào?  Tôi muốn đi sâu vào chi tiết: Áp-ra-ham đặt túi nước và bánh mì lên vai Ha-ga, cùng với cậu bé, và đuổi họ đi.  Hãy dành không gian cho khoảnh khắc này…  Chúa cũng ở trong cảnh đó.  

  2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và để ý Chúa ở đâu khi tôi đọc lại bài đọc trên?  Câu chuyện có thể có kết cục tốt đẹp, nhưng nỗi đau khổ và ghen tương lại cứ như cào cấu giằng xé trong từng con chữ.  Tôi muốn nói chuyện với Chúa về bất kỳ điều gì mà một bối cảnh nào đó trong câu chuyện đánh động tôi nhất.  Tôi kể cho Chúa nghe tất cả nỗi lòng của tôi.  Có lẽ tiếng nói của tôi có thể đại diện cho hoàn cảnh của một ai đó trong cuộc sống...

Phạm Đức Hạnh, SJ