Thursday, September 2, 2021

Thứ Sáu Tuần XXII Thường Niên – Năm B –3-9-2021

Thu Sau XXII TN

Luca 5:33-39

33Họ [Những kinh sư] nói với Người: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” 34 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? 35 Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” 36 Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ. 37 Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. 38 Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. 39 Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới.  Vì người ta nói: ‘Rượu cũ ngon hơn’.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Cuộc trao đổi giữa các kinh sư và Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm nay, có cái gì giống cách sống đạo của tôi bao lâu nay.  Có khi nào tôi cũng so sánh cách thực hành đức tin của tôi là một người Công giáo so với cách thực hành đức tin của những giáo phái Kito khác, chẳng hạn như: Sao các linh mục Công giáo phải sống độc thân, trong khi đó các mục sư Tin lành được phép lập gia đình?  Tại sao Công giáo khắt khe về ly dị, trong khi đó những giáo phái Tin lành lại thoáng hơn về vấn đề này?  Tại sao lễ cưới Công giáo phải cử hành trong nhà thờ, trong khi đó lễ cưới của một số giáo phái Tin lành có thể cử hành tại công viên hoặc trên bãi biển?  Tại sao Công giáo chỉ ăn chay, kiêng thịt không kiêng cá, mỗi Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, trong khi đó Phật giáo lại khuyến khích ăn chay trường, và kiêng không chỉ thịt mà cả tôm cá nữa?  Khi so sánh hoặc đòi hỏi giáo hội này phải làm giống giáo hội kia, tôi đã không hiểu và yêu mến những giá trị đặc thù và cao đẹp trong mỗi giáo phái.  Việc so sánh và đòi hỏi như thế chẳng khác gì tôi so sánh giữa hai món “chả giò” và “gỏi cuốn” như, làm gỏi cuốn thì phải làm giống như chả giò và ngược lại!  Như vậy, tôi đã đánh mất tất cả những gì là đặc tính của mỗi loại thức ăn.  Trong giây phút này của giờ cầu nguyện, tôi muốn tự hỏi chính mình: Tôi có vui, bình an và tự hào những nét đặc thù trong đức tin Công giáo của tôi?  Tôi muốn đọc lại lời giải thích trên của Chúa Giêsu đối với những kinh sư, để hiểu và yêu mến những giá trị trong Giáo hội Công giáo mà tôi là một thành phần.

2.      Chúa Giêsu còn giải thích thêm cho các kinh sư bằng dụ ngôn, vá áo mới cũ và rượu cũ mới nữa.  Một lần nữa, câu trả lời của Chúa Giêsu có thể giúp tôi có những giải pháp cho những xung khắc về cách thực hành đức tin trong gia đình và xứ đạo của tôi.  Chúa Giêsu căn dặn, vải mới không thể vá vào áo cũ, cũng như rượu cũ không thể đổ vào bầu da mới, nhưng áo cũ phải vá bằng vải cũ, rượu mới phải đổ vào bầu da mới, không thể có sự lẫn lộn kẻo làm hư cả hai.  Tôi có đang gặp khó khăn trong vấn cầu nguyện trong gia đình và dạy giáo lý cho những người trẻ hôm nay như, áp đặt cách cầu nguyện hằng ngày của ông bà cha mẹ trên con cái trong thời đại hôm nay?  Cách cầu nguyện của ông bà cha mẹ năm xưa là những cách rất tốt, nhưng chỉ tốt và hợp với thời buổi và hoàn cảnh xa xưa ấy, nhưng hoàn cảnh và lối sống của con cái ngày hôm nay đã rất khác, tôi phải tìm cách cầu nguyện sao cho thích hợp với người trẻ hôm nay, để cả hai cùng sống đức tin một cách mạnh mẽ và vui vẻ với nhau, hơn là chỉ bên này sống đức tin còn bên kia chối bỏ, thậm chí trở thành thù địch của nhau.  Tôi muốn cầu nguyện, nói chuyện với Chúa Giêsu về những khó khăn sống đạo trong gia đình của tôi và xin Ngài hướng dẫn, tìm một hướng đi cho gia đình và xứ đạo của tôi.            

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment