Tuesday, September 7, 2021

Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên – Năm B –8-9-2021 – Lễ Sinh Nhật Đức Maria

Thu Tu XXIII TN

Mát-thêu 1:1-16, 18-23

1Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham: 2Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; 3Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; 4A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; 5Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; 6ông Gie-sê sinh Đa-vít.

Vua Đa-vít lấy vợ ông [Bethsheba] U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; 7Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; 8A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; 9Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; 10Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; 11Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

12Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; 13Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; 14A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; 15Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; 16Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

18Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se.  Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ Maria.  Giáo hội mời gọi tôi suy niệm bài đọc từ Phúc âm Mát-thêu trong ngày sinh nhật của Mẹ.  Chắc hẳn, bài đọc này có nhiều điều thích hợp với đời sống và ơn gọi của Mẹ, đồng thời cũng tốt cho đời sống đức tin của tôi nữa.  Thứ nhất, Phúc âm Mát-thêu được viết ra dành riêng cho các Kito hữu gốc Do-thái.  Như thế, Phúc âm Mát-thêu được viết trong văn phong của văn hóa Do-thái, một văn hóa phụ hệ, giống văn hóa Việt Nam.  Trong văn hóa phụ hệ ấy, chỉ đàn ông mới quan trọng, trong khi đó đàn bà thì không.  Bởi thế, trong cách viết gia phả của người Do-thái cũng như của người Việt Nam thường viết ông này sinh ra ông nọ, chứ không viết bà này sinh ra ông kia hay bà kia!  Ấy thế mà, Mát-thêu lại viết gia phả Chúa Giêsu, trong đó không chỉ các ông mới được nêu tên mà có cả các bà nữa.  Mặc dù tác giả chỉ nhắc đến tên của 5 người nữ trong gia phả, đó là các bà: Ta-ma, Ra-kháp, Rút, vợ của Tướng Uriah, tức là bà Bathsheba, và Mẹ Maria.  Không những thế, những bà này ai cũng có những cái dị thường, thậm chí là những tiếng xấu nữa, ngoại trừ Mẹ Maria.  Đây quả là nét độc đáo trong cách viết của Mát-thêu, nếu không nói đây là cuộc cách mạng.  Tôi nghỉ gì về nét độc đáo này?  Tính độc đáo này nói gì với tôi về Thiên Chúa, và thách đố tôi như thế nào về cách ứng xử và đầu óc thành kiến về nữ giới trong tôi?  Tôi đọc lại gia phả của Chúa Giêsu và để Chúa mở tung cánh cửa lòng hẹp hòi, đầy thành kiến và óc kỳ thị nữ giới trong tôi.

2.      Hôm nay là Lễ Sinh Nhật của Mẹ, vậy mà bài đọc được chọn, phần lớn, nói về ơn gọi của Mẹ trong việc mang thai Chúa Cứu Thế.  Mẹ đã chào đời, lớn lên và được chọn để cưu mang Thiên Chúa làm người.  Tuy vậy, dù Mẹ là mẹ Đấng Cứu Thế, ấy vậy Mẹ lại là mẫu mực của khiêm nhường.  Tôi có thể học ở Mẹ tính khiêm nhường này không?  Tôi muốn tập sống nhân đức khiêm nhường của Mẹ trong mọi ngày sống của tôi? 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment