Thursday, September 23, 2021

Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên – Năm B –24-9-2021

Thu Sau XXV TN

Luca 9:18-22

18Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình.  Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” 19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” 20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trình thuật quen thuộc mà tôi có thể thấy ở trong cả ba Phúc âm: Mát-thêu (16:13-20), Mác-cô (8:27-30) và Luca (9:18-22).  Tuy nhiên, mỗi thánh sử lại có cách trình thuật khác nhau.  Chẳng hạn, Mác-cô và Mát-thêu đều nêu rõ địa danh, Xê-da-rê Phi-líp-phê, nơi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ về Ngài; trong khi đó, Luca lại để ý đến địa điểm của câu chuyện xảy ra, đó là khi Chúa Giêsu cầu nguyện và các môn đệ cũng có mặt ở đó, và đây là nét đặc biệt của Phúc âm Luca!  Người ta nói rằng, Phúc âm Luca là Phúc âm của Cầu nguyện.  Bởi vì không có một sách nào trong Kinh Thánh nói nhiều đến cầu nguyện cho bằng Phúc âm Luca.  Cũng ở Phúc âm Luca, tôi có thể thấy Chúa Giêsu cầu nguyện rất nhiều: sáng sớm Ngài đi ra một nơi thanh vắng để cầu nguyện; chiều tối Ngài lên trên núi cầu nguyện một mình; trước khi làm một điều gì, Ngài cầu nguyện; sau khi làm một điều gì, Ngài cầu nguyện…  Đặc biệt, chỉ trong Phúc âm Luca tôi mới thấy Chúa Giêsu cầu nguyện cả trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).  Như vậy, ngay ở câu mở đầu của bài đọc hôm nay, Luca đã cho tôi một hình ảnh thật trìu mến và đẹp về Chúa Giêsu, đó là: Chúa Giêsu Cầu Nguyện.  Trong giây phút cầu nguyện này, tôi có cảm thấy vui không, vì tôi đang làm một điều mà Chúa Giêsu cũng rất ưa làm; thậm chí, Ngài đặt cầu nguyện như là ưu tiên hàng đầu trong mọi sinh hoạt hằng ngày của Ngài?  Tôi có nhận thấy Chúa Giêsu đang ngóng chờ tôi đến trong giờ cầu nguyện này không, để Ngài được gặp tôi một cách thân tình?  Tôi đang có những khó khăn hay niềm vui gì lúc này, tôi có thể kể cho Ngài nghe được không?  Có thể tôi đang gặp khó khăn trong cầu nguyện, hãy nói với Ngài, bởi Ngài đang hiện diện rất gần gũi và sâu kín trong tôi, hơn cả tôi tưởng. 

2.      Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, như bạn với bạn, như tôi thấy Luca mô tả trong bài đọc hôm nay.  Chúa Giêsu cầu nguyện, các môn đệ cũng ở đó với Ngài, và Ngài hỏi các môn đệ, nghe họ trả lời, rồi đối đáp lại với họ.  Có thể Chúa Giêsu cũng hỏi tôi những câu hỏi mà Ngài đã hỏi các môn đệ.  Tôi trả lời như thế nào với Ngài?  Hãy để ý mỗi một cách hỏi, Chúa Giêsu đã dẫn các môn đệ đến một sự nhận biết sâu hơn về Ngài.  Thông thường, có ít nhất là ba cách nhận biết về một con người và mỗi cách nhận biết sẽ cho tôi độ chính xác khác nhau về người ấy.  Chẳng hạn như, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: 1) Người ta bảo Thầy là ai? (Câu trả lời cho câu hỏi này có thể không chính xác lắm); nên Ngài hỏi tiếp: 2) Còn các con, các con bảo Thầy là ai? (Câu trả lời cho câu hỏi này chính xác hơn câu trả lời thứ nhất, nhưng vẫn chưa phải là chính xác nhất); phải đến lúc, 3) chính Chúa Giêsu bộc bạch về Ngài cho các ông và tỏ cho họ Ngài có ước mơ gì (Cách này chính xác nhất).  Tôi đã biết Chúa Giêsu ở cách nào hay mức độ nào?  Tôi muốn biết Chúa Giêsu ở mức độ thâm sâu và chính xác nhất không?  Trong lúc này, tôi có thể xin Ngài bộc bạch chính Ngài cho tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ       

0 comments:

Post a Comment