Friday, September 24, 2021

Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên – Năm B –25-9-2021

Luca 9:43b-45

Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ: 44“Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa.  Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có thể tôi cũng bỡ ngỡ không khác gì các môn đệ khi đọc bài đọc hôm nay, bởi câu: “Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm.”  Các môn đệ bỡ ngỡ những việc làm nào của Chúa Giêsu?  Trong bài đọc hôm qua, đó là lần đầu Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn của Ngài.  Sau lần tiên báo khổ nạn ấy, Luca dành cả một không gian lớn để mô tả về cảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi; sau đó, Ngài chữa một em bé bị quỷ ám, mà các môn đệ đã không chữa được.  Họ đã bỡ ngỡ về những điều đó.  Đang lúc bỡ ngỡ ấy, Chúa Giêsu lại tiên báo với các môn đệ lần thứ hai về cuộc khổ nạn của Ngài, và dặn: “Hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”  Bài đọc hôm nay rất ngắn, nhưng cũng rất tốt để giúp tôi tiếp cận với Thiên Chúa, ít là qua hai cách cầu nguyện: Chiêm niệm và suy niệm.  Thứ nhất, theo Thánh I-nha-xi-ô Loyola, chiêm niệm là hình dung, là đặt mình vào bối cảnh của đoạn Tin Mừng để tôi được gặp Chúa.  Tôi có thể hình dung, tôi cũng đang ở trong nhóm các môn đệ lúc ấy.  Họ đang ngơ ngơ ngác ngác, chưa hoàn hồn về tất cả những gì họ vừa chứng kiến từ Chúa Giêsu.  Tôi cũng thế.  Giữa lúc đang ngơ ngáo, bỡ ngỡ như vậy, Chúa Giêsu tiên báo lần thứ hai về cuộc thương khó của Ngài, và dặn họ phải nghe cho kỹ.  Tôi cũng có mặt ở đó, tôi có nghe kỹ không?  Tôi có hiểu Chúa Giêsu đang nói gì không?  Tôi có nhớ những gì Chúa Giêsu nói không?  Nếu không nghe thấy, trong lúc này, tôi muốn Ngài lập lại không?  Nếu không hiểu Chúa Giêsu nói, trong lúc này, tôi muốn Ngài giải thích không?  Nếu không nhớ những điều Chúa Giêsu nói, trong lúc này, tôi muốn Ngài nhắc nhớ tôi không?  Tôi để ý và chờ đợi tiếng nói của Chúa Giêsu.  Đồng thời, tôi phản ứng như thế nào về những gì Chúa Giêsu nói với tôi và cách thức Ngài tiếp xúc với tôi.   

2.      Thứ hai, suy niệm là lấy những lời Chúa Giêsu nói và suy đi ngẫm lại; tựa như bò nhai cỏ, nhai cho đến khi tất cả miếng cỏ ấy trở thành dinh dưỡng nuôi sống con bò.  Tôi cũng lấy câu nói của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay, nhai đi nhai lại cho đến khi lời của Ngài trở nên sống động trong tôi, trở thành nguồn sống, sức mạnh trong cả ngày sống và trong cả cuộc đời của tôi.  Chúa Giêsu nói: “Hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”  Miệng tôi đọc đi nhẩm lại và lòng tôi suy cho thấu: Nếu Con Người, tức là Chúa Giêsu, mà bị nộp vào tay người đời, các môn đệ và tôi cũng không thoát!  Tất cả phải nhớ điều này.  Chúa Giêsu không cho các môn đệ ăn bánh vẽ.  Ngài cảnh báo những bắt bớ và thử thách sẽ xảy đến cho tất cả những ai muốn theo Ngài.  Tôi còn nhớ hay tôi đã quên, để rồi trong những thử thách tôi thường oán trách Chúa?  Tôi còn nhớ hay tôi đã quên, để rồi trong mọi lời cầu nguyện của tôi chỉ xin cho cuộc đời khi nào cũng là mầu hồng, nhưng không xin cho được trở nên giống Chúa Giêsu, cho được ở với Ngài trong mọi thử thách, được thấy Ngài cũng đang gánh vác thử thách chung với tôi, và đặc biệt xin cho được làm theo thánh ý Chúa trong mọi lúc?  Tôi có sợ những gì Chúa Giêsu nói không?  Tôi muốn Chúa nâng đỡ tôi như thế nào trong lúc này?

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment