Sunday, October 31, 2021

Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên – Năm B –1-11-2021 – Lễ Các Thánh Nam Nữ

Thu Hai XXXI TN

Mát-thêu 5:1-12a

1Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi.  Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người mở miệng dạy họ rằng: 3“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. 5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. 7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. 8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. 

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Nếu Mô-sê, trước Chúa Giêsu 13 thế kỷ, từ trên núi đã đưa ra Mười Điều Răn, làm nền tảng cho đời sống đức tin cho dân Do-thái, Chúa Giêsu, sau Mô-sê, cũng từ trên núi đưa ra Tám Mối Phúc Thật, làm nền tảng đức tin, làm Tôn Chỉ và Mục Đích cho mọi Kitô hữu.  Bài đọc hôm nay được gọi là Tám Mối Phúc Thật.  Đây chính là chìa khóa, là con đường dẫn tôi vào Nước Trời.  Nếu Mười Điều Răn là khuôn vàng thước ngọc, dạy tôi cách ăn ngay ở lành, là lẽ đương nhiên mà đạo nào cũng nói như vậy, Tám Mối Phúc Thật đòi hỏi tôi phải vượt trên cả chuyện ăn ngay ở lành.  Nói một cách khác, nếu tôi chỉ cố gắng ăn ngay ở lành mà thôi như Mười Điều Răn dạy, tôi không phải là Kitô hữu, không phải là môn đệ của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu đòi hỏi tôi phải đi xa và vượt lên trên tất cả những điều Mô-sê dạy.  Bao lâu nay tôi có quen và sống những gì Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu, hay tôi vẫn chỉ là tín đồ của Mô-sê, của Do-thái giáo, thuộc nằm lòng và giữ Mười Điều Răn?  Nếu tôi thực hành được những gì Chúa Giêsu dạy trong Tám Mối Phúc Thật thì quả là phúc THẬT cho tôi, bởi đây là con đường của tự do nội tâm đích thực, con đường dẫn vào Nước Trời.  Bởi các thánh nam nữ mà tôi mừng kính hôm nay, tất cả đã đi qua con đường Tám Mối Phúc Thật này.

2.      Tôi đọc lại Tám Mối Phúc Thật trên và chọn ra một mối để sống trong ngày hôm nay.  Tôi cố gắng tập tành từng mối một mỗi ngày để Tám Mối Phúc Thật trở thành Nguyên Lý Nền Tảng và Mục Tiêu Cuộc Đời của tôi, là triết lý sống của tôi, như Mahatma Gandhi, một lãnh đạo tinh thần của Ấn giáo, đã chọn Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu làm triết lý sống cho ông, cũng như cho thuyết bất bạo động của ông.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Saturday, October 30, 2021

Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên – Năm B –31-10-2021

CN XXXI TN

Đệ Nhị Luật 6:2-6

2Ngày ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “Anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, và anh em sẽ được sống lâu. 3 Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, đã phán với anh em. 4 “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en!  Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 5 Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. 6 Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ.”

(Trích Sách Đệ Nhị Luật, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay được trích từ Sách Đệ Nhị Luật.  Đây là một trong năm sách đầu tiên trong bộ Kinh Thánh và là một trong năm quyển quan trọng trong bộ sách luật của người Do-thái, gọi là Torah, hay Ngũ Kinh (Khởi Nguyên, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số và Đệ Nhị Luật).  Sách Đệ Nhị Luật được viết ra khoảng năm 1407 TCN, ở miền đông Sông Gio-đan, nhìn về vùng Đất Hứa Canaan.  Sách được cho là của Mô-sê viết, ngoại trừ phần cuối có thể là do Gio-su-ê viết, sau khi Mô-sê đã qua đời.  Mục đích của Sách được viết ra đó là, nhắc nhở dân về những gì Thiên Chúa đã làm cho họ và khuyến khích họ hãy tái hiến đời mình cho Thiên Chúa, như tôi có thể thấy ở câu trọng tâm của Sách: Anh (em) phải biết rằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người” (ĐNL 7:9).  Bài đọc hôm nay nằm ở chương trước những lời này, nhưng cũng rất gần với ý nghĩa ấy, nghe như lệnh truyền của Mô-sê dành cho dân. 

2.      Mô-sê truyền lệnh: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en!  Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.  Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.  Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ.”  Lời kinh này được gọi là Kinh Shema và người Do-thái đã giữ đúng những gì Mô-sê truyền cho họ.  Họ viết câu này trên khung cửa ra vào nhà của họ, để khi ra khỏi nhà, nhớ rằng họ có Chúa đồng hành với họ, khi về nhà họ có Chúa ở cùng.  Họ cũng viết vào giấy nhỏ, bỏ trong hộp đeo trên trán, viết trên da thú để cuốn vào tay và ruôn vào tua áo để nhắc nhở họ rằng, Thiên Chúa là trên hết và họ phải yêu Chúa hết mình, hết dạ và hết sức.  Bởi thế đây là câu cửa miệng, họ nhớ nằm lòng, đọc mỗi khi thức dậy, trước khi đi ngủ, trước khi ăn, mỗi khi ra khỏi nhà và trước khi chết.  Tôi có thể lấy những lời trên mà ghi lòng tạc dạ, để nhắc nhở tôi là ai với Chúa và Chúa là ai đối với tôi.  Tôi phải tôn kính, yêu mến Ngài như thế nào.  Đối với tôi là một Kitô hữu, tôi có thể lấy “Kinh Lạy Cha” Chúa Giêsu đã truyền cho tôi mà ghi lòng tạc dạ, để cầu nguyện, ngợi khen, tôn kính, yêu mến và tự hào rằng tôi có Chúa là Cha, là Mẹ luôn yêu thương và bao bọc tôi trong từng phút giây của cuộc sống.  Kẻo như nhà văn người Mỹ, E.C McKenzie có lần than thở: “Tại sao nhiều Kitô hữu Chúa Nhật nào cũng đọc ‘Kinh Lạy Cha’, vậy mà cả tuần sống như những người mồ côi?” (Why is it that so many church members say ‘Our Father’ on Sunday and go around the rest of the week acting like orphans?”

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 29, 2021

Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên – Năm B –30-10-2021

Thu Bay XXX TN

Rô-ma 11:1-2a

1Thưa anh em, tôi xin hỏi: Phải chăng Thiên Chúa đã ruồng bỏ dân Người?  Không phải thế!  Chính tôi đây cũng là người Ít-ra-en, thuộc dòng dõi Áp-ra-ham, thuộc chi tộc Ben-gia-min. 2a Thiên Chúa không ruồng bỏ dân Người, dân mà Người đã biết từ trước.

 (Trích Thư Rô-ma, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những lời của Phao-lô nghe thật gần với một bài hát trong thời chiến tranh Việt Nam của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Này Em Có Nhớ.”  Trong cuộc chiến quá dài và cướp đi bao nhiêu sinh mạng con người Việt Nam ấy, Trịnh Công Sơn đặt lời than của ông như thể, đó là những tiếng than thở não nuột đầy thất vọng của nhiều người Việt Nam lúc bấy giờ: “Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người, này em xin cứ phụ người...”  Phật có bỏ loài người không, tôi không biết.  Câu hỏi này phải để anh chị em Phật giáo trả lời.  Phần tôi và những người Kitô hữu ngày nay khẳng định, Chúa không bỏ loài người, trái lại Ngài đã đến giữa những đau khổ của tôi và của muôn người để chia sẻ và để chết với tôi.  Tôi có thể nhìn lên thánh giá hoặc ôm thánh giá của Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện này mà chiêm ngắm và khẳng định với cả xác tín của tôi như Thánh Phao-lô khẳng định trong bài đọc hôm nay.  Tôi cảm thấy thế nào khi chiêm ngắm thánh giá Chúa Kitô chết treo trên đó?  Tôi muốn tôn thờ, biết ơn tình yêu của Chúa Giêsu Kitô và xin được mời gọi dấn thân, xả thân cho những đau khổ của những người xung quanh?

2.      Phải chăng trong những đau khổ và khó khăn của cuộc sống, tôi thầm trách Chúa đã bỏ rơi tôi, hoặc Ngài chẳng thương tôi nữa?  Nếu có, tôi cũng đừng mặc cảm tội lỗi; bởi, Chúa Giêsu cũng đã từng than thở như vậy với Chúa Cha trên thập giá!  Tuy nhiên, tôi cũng cần học ở Chúa Giêsu; sau khi than thở, Ngài đã phó mình cho Chúa Cha.  Tôi muốn phó dâng cuộc sống, đặc biệt những khó khăn mà tôi đang phải trải qua trong lúc này cho Chúa, để nhận ra, không phải là Chúa đã bỏ hoặc không thương tôi, cho bằng tôi vẫn thường bỏ Chúa và không tin tưởng ở Ngài.  Đồng thời, tôi cũng nhận ra không phải là Chúa đã bỏ rơi con người trong đau khổ, mà là tôi đã thường làm ngơ, dửng dưng và bỏ rơi biết bao nhiêu người đang đau khổ quanh tôi.  Có lẽ trong những đau khổ và thách đố cuộc sống, tôi cần nhớ lại lời của Thánh Gioan Climaque: “Con người của lòng tin không phải là người tin Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng là người tin rằng họ có thể làm được mọi sự nhờ tin vào Thiên Chúa.” Tôi muốn lấy câu nói này mà vực dậy đức tin của tôi và đức tin của những người xung quanh.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Thursday, October 28, 2021

Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên – Năm B –29-10-2021

Thu Sau XXX TN

Luca 14:1-6

1Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 2 Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng. 3 Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không?” 4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. 5 Rồi Người nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?” 6 Và họ không thể đáp lại những lời đó.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có cùng một chủ đề với nhiều câu chuyện khác trong các phúc âm, đó là: Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sa-bát, một việc làm bị cấm trong luật Do-thái.  Chúa Giêsu là một người Do-thái, Ngài hiểu rõ những luật cấm này.  Luật được đặt ra, hẳn có một giá trị nhất định nào đó, nhưng nếu luật ấy không phục vụ con người thì luật ấy không nên giữ nữa.  Tôi có thể thấy trước mặt Chúa Giêsu là một người bệnh, ngày mai có thể họ không có cơ hội gặp Chúa Giêsu nữa, bởi Ngài nay đây mai dó.  Thế cho nên, dù hôm nay là ngày Sa-bát, Chúa Giêsu thấy cần phải chữa cho người này ngay, không thể để họ phải đau khổ thêm một ngày giờ nào nữa.  Tôi hình dung xem Chúa Giêsu thương người này đến mức nào?  Chúa Giêsu nhạy bén trước đau khổ của con người ra sao?  Chúa Giêsu căm ghét thói giữ đạo hình thức và vô cảm trước những nỗi đau của người khác ra sao?  Được Chúa Giêsu chiếu cố và cứu chữa, người bệnh sẽ cảm thấy như thế nào?  Người này sẽ biết ơn Chúa Giêsu như thế nào?  Người này sẽ theo Chúa Giêsu và bỏ lối sống đạo thiếu yêu thương kia, hay vẫn ở lại trong lối giữ đạo hình thức ấy? 

2.      Có khi nào tôi gặp hoàn cảnh như câu chuyện trong bài đọc hôm nay, tức là gặp một ai đó đang đau khổ và bất hạnh.  Tôi đã làm gì và phản ứng như thế nào những lúc ấy?  Chạy trốn?  Viện đủ lý do, đạo cũng như đời để thoái thác, bỏ mặc kệ những người đau khổ bên lề cuộc đời của tôi?  Bây giờ nhìn lại, tôi để ý xem Chúa Giêsu nói gì với tôi những lúc ấy và bây giờ?  Tôi muốn nói gì và xin gì cùng Chúa để tôi nhạy bén hơn, mạnh mẽ hơn trong việc cứu người, giúp người đang đau khổ.  Xin cho lòng quảng đại của tôi trở nên như bản năng thứ hai trong tôi, để luôn biết nhanh nhạy bênh vực cho công lý và bảo vệ những ai bị áp bức bất công quanh tôi, dù có phải phạm luật.   

Phạm Đức Hạnh SJ

Wednesday, October 27, 2021

Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên – Năm B –28-10-2021 – Lễ Thánh Simon và Giu-đa, Tông Đồ

Thu Nam XXX TN

Luca 6:12-19

12Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Nhiệt Thành, 16Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội. 17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng.  Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật.  Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có những ghi nhận thật hay, có thể giúp nhiều cho đời sống đức tin của tôi.  Thánh Luca viết, Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn mười hai tông đồ.  Chắc chắn việc Chúa Giêsu chọn Nhóm Mười Hai, hẳn Ngài đang có một dự định quan trọng cho họ trong tương lai, nên Ngài đã đem dự định đó vào trong cầu nguyện, bàn bạc với Chúa Cha.  Chúa Giêsu cẩn thận và chu đáo đến thế vậy mà còn có một Giu-đa, phản bội!  Thiên Chúa cẩn thận đến thế vậy mà còn có tôi, hết tật này đến nết xấu kia!  Tuy nhiên, không phải Thiên Chúa chẳng biết gì lòng dạ con người, nhưng Ngài luôn tôn trọng sự tự do của mỗi người, và đành bó tay trước sự bướng bỉnh của họ.  Tôi có cầu nguyện một cách nghiêm túc như Chúa Giêsu mỗi khi làm một chuyện gì hệ trọng không?  Tôi đã cầu nguyện, bàn bạc một cách nghiêm túc với Thiên Chúa như thế nào khi lập gia đình, hoặc khi dựng vợ gả chồng cho con cái, khi gởi con đi học xa, khi chọn ngành nghề, khi chọn lối sống, khi mua nhà bán cửa, khi sinh và dưỡng dục con cái…?  Có chuyện gì quan trọng tôi cần làm trong ngày hôm nay, hay trong thời gian khắp tới, tôi đi nói chuyện với Thiên Chúa xem, Ngài muốn tôi chọn lựa làm sao và làm như thế nào?    

2.      Sau khi chọn Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu cùng họ xuống núi và dân chúng tuôn đến với Ngài, mang theo đủ mọi loại bệnh nhân để mong được Ngài cứu chữa, để mong được chạm đến Ngài, để được nhìn thấy Ngài.  Tôi muốn hình dung cảnh tượng này, người này người kia chen chúc lẫn nhau để có thể đến gần với Chúa Giêsu, hò la để được Chúa Giêsu chú ý đến họ…  Điều gì đã khiến họ chen chúc đến mức có thể ẩu đả lẫn nhau để được gặp Chúa Giêsu?  Niềm tin hay hiếu kỳ?  Tin tưởng mãnh liệt ở Chúa Giêsu?  Họ cảm thấy đau khổ và mệt mỏi với bệnh tật mà họ đang phải mang bao lâu nay?  Tôi lại nhìn vào chính tôi trong giây phút này.  Tôi có hăm hở và mau mắn đến gặp Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện này?  Tôi đã đến với tất cả lòng sốt mến hay chỉ là thói quen, vì luật buộc?  Tôi đã đến với tất cả niềm tin hay rất thờ ơ?  Đối với người Do-thái, bệnh tật thường được hiểu như là hậu quả của tội.  Tôi có cảm thấy mệt mỏi về bệnh tật trong tôi hoặc những tội lỗi nào đó tôi đang mang vác bao lâu nay?  Tôi muốn trút bỏ chúng không?  Tôi tin Chúa Giêsu không?  Tôi dám chạy đến với Ngài không?  Tôi muốn nói với Ngài tất cả những gì đang xảy ra trong lòng tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, October 26, 2021

Thứ Tư Tuần XXX Thường Niên – Năm B –27-10-2021

Thu Tu XXX TN

Rô-ma 8:26-30

26Thưa anh em, có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. 27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.

28 Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. 29 Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. 30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.

(Trích Thư Rô-ma, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Tôi có gặp khó khăn trong cầu nguyện không?  Tôi không biết cầu nguyện như thế nào?  Phao-lô chỉ cho tôi cách giải quyết những khó khăn này, ngài nói: “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.  Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.”  Vậy, tôi muốn nói chuyện với Thần Khí, tức Chúa Thánh Thần để được hướng dẫn tôi phải cầu nguyện ra sao và nói những gì.  Tôi để ý Thần Khí đang nói trong lòng tôi và dạy tôi cách thân thưa với Thiên Chúa.  Tôi cảm nhận sự hiện diện của Ngài không?  Ngài ở thật sâu kín trong tôi như Chúa Giesu nói trong Mát-thêu 6:6.  Tôi vào nơi sâu kín nhất trong tôi mà không một ai trong cuộc đời này biết hoặc nghe thấy, Thần Khí đang ở đó chờ đợi tôi.

2.      Những lời Phao-lô trong bài đọc hôm nay có đang giúp tôi tự tin, cộng tác và phó thác với Chúa cho những gì Ngài đang ước mơ và mời gọi tôi không?  Ngài đang mời gọi và ước mơ gì ở tôi?  Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giesu, tôi muốn không?  Trở nên trưởng tử giữa muôn dân, tôi hãnh diện không?  Trở nên công chính, tôi muốn cộng tác với Chúa không?  Tôi đọc lại nhiều lần những lời trên của Phao-lô và đặt mình trong những ước mơ và ý định của Thiên Chúa đang có về tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, October 25, 2021

Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên – Năm B –26-10-2021

Thu Ba XXX TN

Luca 13:18-21

18Vậy Người nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây?  Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? 19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình.  Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” 20 Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? 21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay bao gồm hai ý rất đẹp để nói về Nước Thiên Chúa.  Tôi có thể suy niệm dựa vào hai ý này: Thứ nhất, Nước Thiên Chúa được ví như hạt cải, một loại hạt nhỏ nhất trong các loại hạt.  Bằng cách ví von như vậy, Chúa Giêsu muốn nói: Nước Thiên Chúa bắt đầu rất âm thầm, đơn sơ và nhỏ bé đến mức khó có ai để ý.  Ấy vậy mà, khi hạt giống ấy đã mọc lên lại có thể trở nên to lớn, thành nơi nương náu cho chim trời.  Như vậy, để nhận biết Nước Thiên Chúa có đang ở bên tôi phải thật sự tỉnh táo mới nhận ra.  Đồng thời, tôi cần biết trân quý ngay cả những việc tốt nhỏ trong cuộc sống, tuy tầm thường nhỏ bé, nhưng biết đâu, chúng sẽ lớn mạnh và góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa.  Cuối cùng, đừng bao giờ khinh thường bản thân, dù tôi có là loại người như thế nào, những gì tôi làm dù rất nhỏ bé, nhưng với ơn Chúa tôi vẫn trở nên cao thượng và vĩ đại, giúp ích cho nhiều người.  Tôi muốn nhìn lại cuộc sống của tôi, đâu là những hạt giống Nước Thiên Chúa đã được gieo vào trong lòng tôi, Thiên Chúa đã tin tưởng và mong đợi tôi như thế nào, tin rằng một ngày kia hạt giống sẽ nảy sinh?    

2.     Thứ hai, Chúa Giêsu ví Nước Thiên Chúa tựa như nắm men được trộn vào bột, khiến cả khối bột dậy men.  Một lần nữa Chúa Giêsu lại ví Nước Trời bắt đầu thật đơn sơ, nhỏ bé đến mức không thể thấy bằng mắt trần được; ấy vậy mà, nó lại làm cho cả khối bột dậy men.  Tôi muốn nhìn lại đời sống, đâu là những việc làm âm thầm của tôi bao lâu nay, giờ đây cũng đã tạo được những biến đổi trong cộng đoàn và xã hội.  Tôi có thấy Chúa vui không, vì tôi đã cộng tác với Chúa trong những biến đổi xã hội?  Xin Chúa cho tôi trở nên nhạy bén và quý trọng mọi điều thiện hảo mà tôi đã làm và không muốn cho ai biết.  Đồng thời cũng biết trân quý những việc làm âm thầm và nhỏ bé của người này người kia đã làm cho tôi, khiến đời sống của tôi hôm nay hạnh phúc và đầy niềm vui.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, October 24, 2021

Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên – Năm B –25-10-2021

Thu Hai XXX TN

Luca 13:10-17

10Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường. 11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm.  Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” 13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. 14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát.  Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!” 15 Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia!  Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? 16 Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?” 17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trong Kinh Thánh, bệnh tật thường được hiểu như là hậu quả của tội lỗi.  Bệnh tật tự nó đã là một đau khổ, tuy nhiên, nếu bệnh tật lại bị gán với ý tưởng cho rằng do tội lỗi mà người ta bị phạt phải mang những bệnh tật, nỗi khổ ấy sẽ nặng nề biết chừng nào và người bệnh sẽ cảm thấy thật khốn cùng.  Đây là một chủ đề rất lớn trong toàn bộ Tân Ước và như là điểm nhấn trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu.  Chính vì thế một trong những công việc chính của Chúa Giêsu trên đường rao giảng đó là, giải thoát con người khỏi những gánh nặng truyền kiếp này. 

2.      Tôi đọc lại trình thuật trên thật kỹ để học biết lòng nhân hậu của Chúa Giêsu không thể chần chừ, sẵn sàng phạm luật để cứu người, hơn là giữ luật.  Có một gánh nặng nào mà tôi đang phải mang đến còng cả lưng và cần được Chúa Giêsu nhấc bổng lên không?  Chúa Giêsu có phải là nhà giải phóng đối với tôi?  Tôi tin ở Ngài không?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về tất cả nỗi lòng của tôi và để ý Ngài nói gì với tôi và làm gì cho tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Saturday, October 23, 2021

Chúa Nhật Tuần XXX Thường Niên – Năm B –24-10-2021

CN XXX TN

Mác-cô 10:46-52

46Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô.  Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!” 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!” 49 Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!”  Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” 50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su51 Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”  Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” 52 Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”  Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất đẹp và tôi có thể dùng câu chuyện này để chiêm niệm trong giờ cầu nguyện này.  Trước hết, tôi muốn hình dung đám đông đang đi theo Chúa Giêsu ra khỏi thành Giê-ri-khô.  Khi ấy, có anh mù Ba-ti-mê đang ngồi ăn xin bên vệ đường.  Khi biết là Chúa Giêsu sắp đi qua anh, anh vội xin Ngài cứu chữa.  Khi những người chung quanh nạt nộ bắt anh ta im miệng, anh ta càng la to hơn, cho đến khi Chúa Giêsu chú ý đến anh ta.  Tôi muốn chiêm niệm hình ảnh anh mù này.  Chắc chắn phải có người nói cho anh ta biết về Chúa Giêsu là ai và Ngài sắp đi qua, nên anh ta mới biết mà la lên.  Thực tế, hiếm có ai đã tự mình biết Chúa Giêsu, hoặc đến được với Ngài.  Thường là qua giới thiệu.  Ai là người trong cuộc đời đã dẫn tôi đến và biết về Chúa Giêsu?  Ai là những người thường ngăn cản tôi đến với Chúa Giêsu?  Khi được Chúa Giêsu cho gọi anh ta đến, Mác-cô dùng kiểu nói rất mạnh và dứt khoát: Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.”  Đời người ăn xin, tấm áo choàng để giữ ấm duy nhất mỗi khi đêm về là một báu vật; ấy thế mà, anh ta vất nó ngay.  Hình ảnh này nói lên thái độ dứt khoát của anh mù với quá khứ, con người cũ: đầy dơ bẩn, nghèo khổ, cô độc, mù lòa (hình ảnh của một người chưa nhận biết Chúa), để tiến thẳng tới Chúa Giêsu, trở thành người mới: không còn mang chiếc áo cũ dơ, không còn mù lòa, không còn cô độc (hình ảnh một người gặp Chúa).  Tôi có một lòng khao khát muốn gặp Chúa Giêsu như anh mù này không?  Tại sao?  Cái gì và ai quan trọng hơn Chúa Giêsu, khiến tôi không dám đánh đổi để được Ngài?  Có thể chẳng có gì và chẳng có ai, nhưng chỉ vì sợ hoặc thiếu lòng tin, nên tôi đã không dám đến với Chúa Giêsu?  Tôi hãy nghe cho rõ tiếng của những người quanh tôi đang nói với tôi: Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi bạn đấy!”  Tôi suy nghĩ thật sâu về câu nói này.

2.      Sau khi được sáng mắt, anh Ba-ti-mê đã đi theo Chúa Giêsu.  Nếu tôi đọc đoạn văn này trong bối cảnh Phúc âm Mác-cô, tôi mới thấy ngài kết thúc câu chuyện rất tế nhị.  Cái tế nhị, cái kín đáo ở chỗ, Chúa Giêsu đang trên đường tới gần Giê-ru-sa-lem để chịu chết.  Anh Ba-ti-mê đã đi theo Chúa Giêsu.  Anh ta có biết Chúa Giêsu sẽ sắp phải bị nhục hình không?  Nếu biết, anh ta còn muốn theo Chúa Giêsu nữa không?  Nếu vẫn theo, điều gì khiến anh ta can đảm như vậy?  Tôi cũng muốn suy nghĩ về ơn gọi theo Chúa của tôi.  Tôi theo Chúa Giêsu như thế nào?  Khi gặp sóng gió và thử thách, tôi còn theo Ngài nữa hay thôi?  Có thể tôi trao đổi với anh Ba-ti-mê trong lúc này về hành trình theo Chúa Giêsu của hai chúng tôi.           

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 22, 2021

Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên – Năm B –23-10-2021

Thu Bay XXIX TN 

Luca 13:1-9

1Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? 3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy.  Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’ 8 Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa.  Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trong giờ cầu nguyện này, tôi có thể tập trung vào hai ý chính của bài đọc hôm nay.  Thứ nhất, chuyện những Ga-li-lê đang dâng lễ mà bị Tổng trấn Phi-la-tô giết, và những người bị tháp Si-lô-ác đổ đè chết.  Có những người lúc bấy giờ cho rằng, những người bị chết đó chẳng oan uổng gì, họ tội lỗi đó thôi.  Kể ra, hai ngàn năm qua suy nghĩ của con người cũng chẳng khác nhau bao nhiêu.  Hôm nay, dù đang sống ở thế kỷ 21 vẫn có những người, trong đó có thể có tôi, mỗi khi chứng kiến một ai đó bị tai nạn, hoặc thiên tai, hoặc bị chết một cách thảm khốc, dễ có thái độ bỉu môi và ném cho một câu: “Đúng là ông trời có mắt!,” hoặc “Quả báo!,” hoặc “Chạy trời không khỏi nắng!”  Thậm chí trong đại dịch này, khi tiểu bang New York và California chật vật với biết bao nhiêu người bị chết vì Covid, đến mức bệnh việc quá tải, nhà quàng không mai táng kịp, nhiều người cũng đã mỉa mai mà nói rằng:  “Đó, tội lỗi quá mà nên Chúa phạt!”  Thái độ ấy thường hàm ý rằng, tôi vẫn đạo đức và tốt lành hơn những người kia, nên tôi vẫn còn sống!  Có lẽ, hôm nay tôi phải nghe cho rõ những lời Chúa Giêsu nói:Không phải thế đâu; nhưng nếu các người không chịu sám hối, thì cũng sẽ chết hết y như vậy!”  Tôi có thấy Chúa Giesu đang nói những lời này cho tôi?  Tôi thật sự không lành thánh hơn bất cứ ai bị chết một cách oan uổng hiện nay.  Tôi phải làm gì bây giờ? 

2.      Thứ hai, dụ ngôn cây vả không sinh trái, ông chủ muốn chặt đi, nhưng người làm vườn đã xin gia hạn.  Vả là một loại cây rất phổ biến tại vùng Địa Trung Hải, có đến 750 các loại vả.  Nó đã gắn liền với Người Do-thái cả 5000 năm nay và là một trong những hoa quả chính trong các món ăn thường ngày của họ.  Vì sự gắn liền này mà vả đã được nhắc đến từ những trang đầu của Kinh Thánh Do-thái,  như: sau khi A-đam và Eva phạm tội, họ cảm thấy xấu hổ và đã lấy lá vả che thân.  Bởi sự gần gũi này, vả đã được dùng trong Kinh Thánh như một biểu tượng để nói về dân Do-thái.  Đối với tôi ngày nay khi đọc dụ ngôn này, vả cũng là hình ảnh biểu tượng để nói về tôi nữa.  Nếu tôi không sinh hoa trái, coi chừng, cũng sẽ bị chặt!  Nếu tôi không sinh hoa trái và vẫn còn đây, chắc hẳn đã có người đã xin gia hạn giúp tôi?  Dù không sinh hoa trái vậy mà tôi vẫn còn đây, chắc hẳn vì lòng Chúa xót thương vẫn còn cho tôi cơ hội chăng?  Tôi muốn nói gì với Ngài trong lúc này?  Tôi có thể cám ơn Ngài chăng?  Tôi sẽ làm gì để cuộc đời tôi sinh nhiều hoa trái hơn?       

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 21, 2021

Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên – Năm B –22-10-2021

Thu Sau XXIX TN

Rô-ma 7:18-25

18Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. 19 Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. 20 Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. 21 Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. 22 Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; 23nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. 24 Tôi thật là một người khốn nạn!  Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? 25 Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!  Như vậy, nếu theo lý trí, thì tôi làm nô lệ luật của Thiên Chúa; nhưng theo xác thịt, thì tôi làm nô lệ luật của tội.

(Trích Thư Rô-ma, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những lời tự tình của Phao-lô trong bài đọc hôm nay sao nghe thật gần trong lòng tôi.  Chẳng phải chỉ tôi, nhưng tất cả mọi người, dù họ có là thánh đi nữa cũng luôn có những giằng co nội tâm, giữa: thiện và ác, giữa yếu đuối và mạnh mẽ, giữa thể xác và tinh thần.  Tôi vẫn nhận thấy và hiểu rất rõ biết bao nhiêu điều thiện hảo Chúa đang mời gọi tôi làm; ấy thế mà, tôi đã không làm!  Mặt khác, tôi cũng nhận thấy có nhiều điều xấu xa, chướng tai gai mắt, trái với lương tâm, thấp hèn, đê tiện và vô đạo đức không nên làm, nhưng tôi lại cứ làm!  Đâu là những điều tốt tôi rất muốn làm bao lâu nay mà tôi đã không làm?  Tôi xin Chúa cho tôi một sức mạnh dám mau mắn thực hiện.  Đâu là những điều xấu tôi rất muốn tránh bao lâu nay, nhưng rồi tôi lại cứ làm?  Tôi xin Chúa cho tôi một sức mạnh để có thể chiến thắng những cám dỗ ấy và chiến thắng chính tôi. 

2.      Cuối cùng Phao-lô đã nhận ra Chúa
Giêsu Kitô, chỉ mình Ngài mới có thể giải thoát ông khỏi những giằng co nội tâm.  Tôi đọc lại nhiều lần những lời trên của Phao-lô để được nâng đỡ, thay đổi.  Tôi đến với Chúa Giesu trong lúc này để được sự bình an.  Tôi cũng có thể dành cả giờ cầu nguyện này nói chuyện và tìm lời khuyên từ Phao-lô, bởi ông cũng đã từng có những giằng co dai dẳng như tôi.     

Phạm Đức Hạnh, SJ