Tuesday, May 7, 2024

Thứ Tư Tuần VI Phục Sinh – Năm B – 8-5-2024

Thu Tu VI PS

Công Vụ Tông Đồ 17:15, 22-18:1

17/15 Hồi ấy, các người tháp tùng đưa ông Phaolô đến A-thê-na rồi từ đó trở về, mang theo lệnh bảo ông Xi-la và ông Ti-mô-thê phải đến với ông Phaolô càng sớm càng tốt. 22 Một hôm, đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phaolô nói: “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. 23 Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: ‘Kính thần vô danh’.  Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị. 24 Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. 25 Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. 26 Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. 27 Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. 28 Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: ‘Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.’ 29 Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá. 30  Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người.  Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối, 31 vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định.  Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết. 32 Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: “Vấn đề ấy, để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông.” 33 Thế là ông Phaolô bỏ họ mà đi. 34 Nhưng có mấy người đã theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Đi-ô-ny-xi-ô, thành viên Hội đồng A-rê-ô-pa-gô và một phụ nữ tên là Đa-ma-ri cùng những người khác nữa. 

18/1 Sau đó, ông Phaolô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô.

(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Kinh Thánh là một tập sách rất đặc biệt, bởi tôi có thể tìm thấy ở đó những gì rất phong phú mỗi khi tôi hình dung, đặt mình, bước vào khung cảnh của từng đoạn sách thánh mà tôi đang đọc.  Tôi muốn dành một đôi phút tập trung vào bản thân và xin Chúa Thánh Thần mở lòng cho sự hiện diện của Chúa.  Khi đã ổn định trong một không gian yên tĩnh, hãy cho phép tâm trí dẫn mình đến sự nhộn nhịp của đường phố và quảng trường A-thê-na, rất sống động với các nền văn hóa và tín ngưỡng đa dạng.  Có lẽ tôi là một du khách trong thành phố, đang lang thang trên đường phố, xem xét các di tích lịch sử của các tòa nhà xung quanh.  Bỗng dưng tôi thấy xuất hiện một người đàn ông, Phaolô, một mình nhưng với sự hiện diện rất đáng chú ý.  Phaolô kêu gọi dân chúng trong thành phố.  Tôi dừng lại trong sự lang thang của mình và tìm một chỗ ngồi, để lắng nghe, để quan sát những gì Phaolô nói: “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết.”  Phaolô thật khéo khi mở đầu câu chuyện bằng một câu nói rất vu vơ.  Đây là lời khen hay là nhận xét?  Câu nói này đủ để thu hút sự chú ý của những người qua đường.  

2. Khi hơi ấm của một ngày mới ở Địa Trung Hải đang nóng dần, sưởi ấm và đánh thức mọi cảm giác trong tôi, tôi nhận thấy có những tiếng nói rì rầm xung quanh mình.  Phaolô hít một hơi thật sâu, đầy kịch tính, ánh mắt ngài lướt qua khung cảnh hùng vĩ xung quanh ngài - những ngôi đền thờ vô số nam thần và nữ thánh.  Ngày nay, tôi có thể hình dung ra những điều nào đang xao lãng lôi cuốn con người, khiến người ta không còn chú ý đến đời sống tâm linh nữa?  Đây có phải là điều gì đó cũng đang nói với tôi?  “Kính thần vô danh”, Phaolô đã tìm thấy điểm ngài có thể lấy làm trọng tâm cho những gì ngài sẽ nói, làm dấy lên sự công nhận trong lòng người nghe.  Có lẽ họ đã có những suy nghĩ riêng về vị thần này, có lẽ họ đã tự mình suy ngẫm về điều bí ẩn đó.  Có lẽ tôi có thể hình dung khi đi ngang qua tượng đài này, tôi sẽ dừng lại hay bước tiếp đến những vị thần quen thuộc hơn?  “Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: ‘Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.’”  Hãy xem Phaolô phát biểu trước đám đông, niềm đam mê và sự khôn ngoan của ngài thu hút những người xung quanh.  Hãy lắng nghe lời nói của ngài đầy khôn ngoan và ân sủng.  Xem các phản ứng khác nhau khi một số tin vào những lời của Phaolô, trong khi những người khác lại quay lưng lại với ngài.  Suy ngẫm về cách tiếp cận của Phaolô, tôi được truyền cảm hứng như thế nào để gắn kết với người khác bằng tinh thần khiêm nhường và tôn trọng?  Hãy xem xét những lúc tôi chia sẻ kinh nghiệm của mình về Thiên Chúa hằng sống trong cuộc sống của tôi.  Tôi phản ứng thế nào trước sự hoài nghi và không tin tưởng của những người xung quanh?  Khi bóng râm bắt đầu trải dài trên mặt đất và không khí bắt đầu mát mẻ, hãy hình dung sự chứng kiến ​​của mình về sức mạnh biến đổi của Phúc âm đang tác động trong trái tim người dân A-thê-na.  Những cảm xúc nào nảy sinh trong tôi khi nhận ra vị trí của mình trong sứ mệnh này?  Khi khung cảnh mờ dần, hãy dành khoảnh khắc này để biết ơn khoảng thời gian này với Phaolô trên đường phố A-thê-na, vì những bài học kinh nghiệm và những hiểu biết sâu sắc mà tôi đã cảm nghiệm được trong suốt chặng đường.  Hãy dành thời gian để chia sẻ những điều này với Chúa với lòng biết ơn và xác tin.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment