Tuesday, December 28, 2021

Thứ Tư Trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm C –29-12-2021

Thu Tu GS

Luca 2:22-35

22Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn.  Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.  Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

29“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

33Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên.  Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.  Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những ngày sau Lễ Giáng, Giáo hội mời gọi tôi cùng đi qua những biến cố và sự kiện đã xảy ra với Thánh Gia Thất.  Bài đọc hôm qua, vì biến cố Chúa Giêsu sinh ra, mà nhiều trẻ sơ sinh bị Hê-rô-đê giết để bảo vệ ngai vàng của ông.  Hôm nay là biến cố Thánh Giuse và Đức Mẹ lên đền thờ để dự nghi thức thanh tẩy và dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, theo luật của Mô-sê.  Đây là một truyền thống thật đẹp của người Do-thái.  Để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa mỗi khi nhận được một điều gì, người Do-thái lên đền thờ để dâng lễ tạ ơn.  Đây chẳng phải là truyền thống riêng của người Do-thái mà còn là một tâm hồn đẹp của mọi dân nước trên thế giới: lòng biết ơn.  Người Việt Nam cũng có tâm hồn biết ơn Trời Đất về bao nhiêu ơn lành đã nhận được, nên họ thường tỏ lòng biết ơn vái lạy Trời Đất mỗi sáng thức dậy, mỗi dịp Tết và mỗi dịp trọng đại trong năm.  Người Công giáo cũng được dạy tỏ lòng biết ơn mỗi ngày đối với Trời Đất, biết ơn tổ tiên và kính hiếu ông bà.  Có thể nói văn hóa tín ngưỡng Việt Nam là một con đường tốt chuẩn bị cho người Việt đón nhận Kitô giáo, bởi niềm tin của hai truyền thống này rất giống và gần nhau, chỉ khác nhau cách gọi Trời và Chúa thôi.  Tôi muốn lấy truyền thống đức tin Kitô giáo và truyền thống của một người Việt Nam mà tạ ơn Thiên Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban cho tôi trong năm qua, tháng qua, ngày qua.  Tôi bắt chước Thánh Gia Thất sống tâm tình biết ơn Thiên Chúa mỗi ngày bằng lời kinh cám ơn quen thuộc nào đó mà tôi vẫn dùng, hoặc có thể dùng những lời sau đây: “Tạ ơn Chúa, vì đã ban cho con một đêm nghỉ ngơi trong vòng tay yêu thương của Ngài.  Ngài đã chăm sóc bảo vệ con cả khi con chẳng để tâm biết tới.  Và giờ bắt đầu ngày mới, xin Chúa ở với con và gia đình con.  Ban sức lực dồi dào, thể xác cũng như tâm hồn để chúng con sống đẹp lòng Ngài.  Amen” 

2.      Thánh Gia Thất dâng lễ trong đền thờ và đã gặp tiên tri Si-mê-on.  Hay nói đúng hơn, Tiên tri Si-mê-on đã có cơ hội được gặp Thánh Gia Thất, bởi chính ông được Chúa Thánh Thần thúc đẩy lên đền thờ khi Thánh Gia Thất cũng lên đền thờ.  Sự gặp gỡ này đã làm cho Si-mê-on sung sướng và mãn nguyện, đến mức ông đã thốt lên: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.  Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”  Dấu chỉ của một người gặp được Chúa, có Chúa, đó là: người ta không còn thiết mọi sự gì ở trần gian, chỉ muốn rũ bỏ tất cả để được thuộc trọn về Chúa.  Đó còn là trường hợp của người đàn bà Samari sau khi đã gặp Chúa Giêsu bên bờ giếng, trường hợp của Ni-cô-đê-mô gặp Chúa Giêsu ban đêm, trường hợp của Gia-kêu gặp Chúa Giêsu tại nhà của ông, trường hợp của người mù từ khi mới sinh sau khi được Chúa Giêsu chữa lành, trường hợp của người đàn bà tội lỗi đã xức dầu cho Chúa Giêsu, trường hợp của các tông đồ, của Phao-lô sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường đi Damas và biết bao nhiêu các vị thánh khác trong Giáo hội, con số này nhiều vô số kể.  Giờ cầu nguyện này tôi có muốn xin được gặp Chúa không?  Tôi có muốn được Chúa chiếm hữu và để tôi thuộc trọn về Ngài không?  Có Chúa tôi sẽ có tất cả.  Có Chúa tôi có thể làm được mọi sự.  Có Chúa tôi dám buông bỏ tất cả.  Tôi muốn xin gì và nói gì với Chúa trong lúc này?

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment